Mây qua triền núi

29.08.2024
Nguyễn Đức Như ý

Mây qua triền núi

Tác giả Nguyễn Đức Như Ý (Giải A) Lớp 10/23 - Trường THPT Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

- Mẹ xin con đấy! Bằng cách gì cũng được, hãy rời khỏi cuộc đời mẹ đi! Ở đây đã chẳng còn bất cứ thứ gì thuộc về con nữa rồi!

Tôi rùng mình chợt tỉnh. Dường như tâm trí vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi giấc mơ đó, cơ thể theo bản năng không ngừng run lên cầm cập, tuyến mồ hôi không ngừng tiết ra từng tầng từng lớp như các mảng dầu bám rít rịt trên da. Những âm điệu mơ hồ chồng chéo lên nhau rung thành một hồi chuông cảnh báo không ngừng văng vẳng trong đầu. Giây tiếp theo những cơn đau buốt khó miêu tả lan ra khắp mình mẩy.

Đứa trẻ bên cạnh cũng đã đi mất. Hơi ấm đã tan đi từ lâu. Cổ họng khô khốc chỉ phát ra được những tiếng the thé khản đặc khiến tôi cũng đành bất lực. Việc những cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lại với tần suất đều đặn và kéo dài liên miên chẳng dứt đã khiến giấc ngủ của tôi liên tục bị gián đoạn. Tôi sợ việc phải đi ngủ lại, nhưng cũng rất sợ nếu chỉ có một mình trong bóng tối. Cảnh vật xung quanh bị phủ bởi một tấm màn trướng đen kịt, chỉ còn trông nửa tỏ nửa mờ nhờ ánh trăng. Khoảng trống sâu hoắm trước mắt tịch mịch, u uất đến rợn người. Tôi cố gắng không nhìn vào hố đen kia nữa mà cảm giác như mình đang bị hút vào đó.

Bên ngoài cửa sổ có đàn đom đóm tương ngộ trong đêm. Cảnh tượng hệt như những tàn lửa được gió thổi mạnh, hất tung lên trời, bén lên một màu đỏ than bay tán loạn trong không trung. Từng mồi lửa nhập nhoạng li ti khuếch tán dần ra, soi rọi một phần khung cảnh trước mắt.

Tôi úp mặt vào gối để ngừng đối diện với đêm đen. Nhưng tâm trí không ngừng bị tấn công dồn dập bởi những câu hỏi: Ngủ lại? Hay rời đi? Sau cùng, tôi đưa ra quyết định: đưa tay với lấy chiếc điện thoại nơi đầu giường, thực hiện vài thao tác tay ngắn ngủi để chuyển nó vào chế độ đèn pin, lần theo dấu ánh sáng ra khỏi phòng. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi sẽ buông lơi cảnh giác trước những vùng tối xung quanh. Từ căn gác lửng, chiếc cầu thang dẫn xuống lối đi ra phòng khách, ở đó tỏa ra nguồn sáng trắng cực đại cùng những âm thanh xì xào to nhỏ. Tôi cẩn thận nhích từng bước gần hơn đến đó. Một tông giọng nghe như đang cố đè nén cho trầm xuống vang lên:

- Ngày mai mày thật sự không muốn đến chụp ảnh kỷ niệm với lớp mình à? Buồn vậy! Ít nhất thanh xuân của mình cũng phải có một bộ ảnh lưu niệm chứ!

- Không thích! Tao chả muốn lưu giữ bất cứ khoảnh khắc nào trong đời mình cả!

- Tại sao?

- Thì chẳng có ý nghĩa gì thôi. Một cuộc sống nhàm chán. Mọi thứ rỗng tuếch.

- Mày nói bậy gì đó con kia! Lại lên cơn ấm đầu đấy à? Còn người nhà mày thì sao?

- Mẹ tao có để tao vào mắt đâu chứ. Mày nói xem đời đáng là bao nhiêu, khi chẳng có một ai thương lấy mình?

- Thôi! Đừng nói chuyện không đâu nữa. Năm nay không được thì mình còn lớp mười hai năm sau nữa mà, khi đó tao sẽ chụp riêng cho mày thật nhiều tấm. Còn mười một giờ trưa mai, tao sang nhà mày đưa giấy khen với phần thưởng nhé... À mà này…

Ngưng một chặp, người bên kia đầu dây nói với chất giọng từ tốn, nhẹ nhàng:

- Tao không tin là mày có thể sống đến bây giờ vì không điều gì cả đâu. Phải có một cái gì đó để tâm chứ?

Cuộc điện thoại ngắn ngủi kết thúc tại đó, chỉ còn lại là tiếng thút thít the thẽ. Trong ánh trăng sáng bàng bạc lọt thỏm qua khung cửa kính, đứa trẻ đó đang tự mình lau những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.

Nó nói đúng. Tôi đã không còn để nó vào mắt nữa rồi. Từ sau khi mang bệnh, tôi nhận ra khả năng cảm nhận cảm xúc của mình giảm đi rõ rệt và cuối cùng là mất đi bản năng yêu thương nó với tư cách là một người mẹ. Nó cứ vậy bất động tựa mình trên chiếc tràng kỷ. Lưng vẫn luôn quay ngược về hướng tôi. Tôi thì chỉ biết thẫn thờ ngồi thụp xuống bậc thang. Không ai trong cả hai muốn quay trở về giường ngủ nữa, cứ mãi vô định chờ trời sáng lên.

Đêm đen tĩnh lặng cho những lo âu trở mình, cho những nỗi buồn rơi xuống vực sâu. Tôi có thể cảm nhận được chúng đang cựa mình trong tôi. Cảm giác khe khẽ, nhẹ nhàng nhưng lại khoét thành một lỗ hổng, cực sâu, ngay trong tiềm thức. Vết nứt đấy toác ra, cho dường như tất thảy mọi thứ thoát ra ngoài, tạo thành một sự trống rỗng không tài nào lấp đầy nổi.

* * *

Đôi mắt tôi hé mở khi nghe bên tai những tiếng ồn ào bên ngoài. Trời vừa tờ mờ sáng. Những vệt nắng đầu tiên hắt lên màn sương sớm đang giăng mắc khắp ngả. Rồi sương cũng dần tan đi, từ hiên nhà nhìn ra đã thấy bóng dáng đám trẻ con cười đùa rôm rả, tất cả bọn chúng đều mặc trên mình những bộ đồng phục học sinh trắng tinh tươm. Có người đàn bà đèo con trên chiếc xe đã tróc sơn cũ kỹ, những bánh xe va chạm lên mặt đường cát đá vang lên tiếng lạch cạch rõ ràng. Có đứa nhóc choai choai nắm tay dắt người bà già cỗi đi từng bước nhịp nhàng. Điều gì ở ngoài kia khiến người ta lại cười nhiều đến vậy?

Tôi ngả người về phía con gái để nó chải tóc cho. Mỗi lần chải tóc như vậy, những đoạn tóc đáng thương rụng xuống, vẫn còn mắc kẹt trên từng đường răng lược, rối thành một nùi. Ngoài ra còn thưa thớt vài cọng rơi xuống sàn. Một tiếng tặc lưỡi ngao ngán phát ra, nó loay hoay cúi đầu gom những sợi tóc lại: “Ngày nào tóc cũng rụng cả nắm như lá thu rơi ấy. Khiếp quá mẹ à!”.

Rồi bất chợt từ sau lưng, choàng tới một vòng tay ôm lên cổ tôi, cằm đứa nhỏ tựa lên vai tôi, nó thì thầm: “Hôm qua giấc ngủ của mẹ thế nào ạ?”. Hơi nóng phà vào cổ đánh thức từng tầng da gà trên toàn thân, ngứa ngáy đến gai người. Tôi lập tức đẩy hai tay nó ra khỏi người mình, mặt nặng mày nhẹ nhăn nhó lườm về phía nó. Nó sững người trong chốc lát khi thấy phản ứng vừa rồi của tôi, nhưng ngay sau đó, biểu cảm đó dần tan biến, chỉ còn phảng phất nét mơ hồ trên gương mặt, rồi không nói thêm tiếng nào cứ vậy bỏ xuống nhà bếp.

Bây giờ, tôi chỉ muốn làm hoạt động thường ngày mà tôi hay làm khi ngồi không thôi. Tôi hiện đang có một thú vui tạm bợ là ngắm mây trôi. Lúc này, nó đang lững lờ trôi giữa sắc xanh của trời. Hôm nay, chúng không tách lẻ ra thành những cụm nhỏ nổi trôi tứ tán mà nối liền lại thành một dải dài bồng bềnh. Có lẽ vì bầu trời quá đỗi rộng lớn nên thượng đế cũng phải vất vả chắp vá bao lần để khoác cho nó một tấm áo xanh vừa bằng kích cỡ, nhưng rồi không may cánh áo ấy lại tuột mối sứt chỉ rơi vãi ra những nhúm bông mây trắng toác hiền lành.

Tôi thẫn thờ theo dấu áng mây kia bay. Nó bị gió mạnh mẽ cuốn bay lên đỉnh trời, mỗi lúc một mất hút trên cao, rồi cứ vậy bị đẩy qua bên kia sườn đồi và khuất bóng sau ngọn núi sừng sững như một bức tường thành. Nơi tôi đang sống là một thị trấn xa xôi, hẻo lánh, nằm ẩn mình trong những dãy núi đồ sộ, trập trùng. Dáng núi bên triền vẫn hắt bóng xuống, một màu xám ngắt phủ lên tầm mắt. Tôi muốn ước mình là một áng mây trôi, lòng chẳng còn gì vướng bận, theo gió mà đến, theo gió mà đi, có dùng trăm ngàn cách cũng không thể trói buộc.

Một tiếng bíp còi xe vang lên inh ỏi phía sau cắt ngang mạch suy tư, tiếng động cơ xe máy nổ giòn bỗng chốc dừng lại. Một gã đàn ông có gương mặt cau có, hằn hộc quát vào mặt tôi:

- Ê! Có mù hay không mà đứng chưng hửng giữa đường vậy bà kia?

- Dạ… chú Ba ơi! Đó là mẹ con.

- Từ đằng xa, con bé hớt hải chạy lại.

Gã nghe vậy trông mà ngỡ ngàng lắm, quay đầu nhìn về hướng tôi, ánh mắt nheo lại như muốn săm soi thật kỹ, rồi bắt đầu đổi giọng:

- Ủa cô? Đi lang thang mô đây? Tố này! Mày trông mẹ mày kiểu gì mà để bả đi lung tung khắp nơi vậy. May mà tao còn phanh xe kịp, chứ không lụi luôn bả rồi. Nhà mày còn có mỗi mẹ, mày không lo giữ lạng quạng bả chết ở xó nào không hay đó, nghe chưa?

- Thì con có muốn vậy đâu chú! Con vừa vào bếp làm cơm sáng, quay qua đã chẳng thấy mẹ đâu rồi. Nhà còn biết bao nhiêu việc, một mình con làm sao lo cho xuể. Con cũng mệt mỏi lắm chứ ạ! - Nó nói bằng giọng ấm ức xen lẫn chút tủi hờn.

- Ờ thì thôi… mày ráng đi. Nhà mày với nhà chú cũng là hàng xóm thân thiết, bữa nào bận quá thì đưa mẹ mày sang nhà tao trông giúp cho. Khổ thân! Thôi tao đi làm cái đã, trễ giờ rồi!

Chiếc xe cứ vậy mà mất hút, thả lại đằng sau một lớp khói mù đặc. Nó chẳng thèm liếc nhìn tôi lấy một cái cứ vậy bắt lấy tay tôi rồi kéo đi. Suốt đường về, nó chẳng nói chẳng rằng, chắc là đang giận, nên tôi cũng chẳng dám hé răng nửa lời, chỉ duy nhất một khoảng lặng chèn giữa hai chúng tôi, đè nặng lên cánh tay đang nắm chặt lấy tôi của nó. Như vậy cũng tốt, tôi không thích nhìn vào đôi mắt của nó chút nào!

Về đến nhà, tôi đã thấy trên bàn có một mâm cơm còn nghi ngút khói, nhưng tôi lại chẳng hề muốn ăn. Tố phải cố gắng lắm mới có thể ép tôi ăn được đến lửng chén. Ngọt nhạt trông ra sao? Tôi còn chẳng biết. Lát sau, tôi ra hiên sau nhà ngồi đón gió, và rồi vô tình bắt gặp hai người đang trò chuyện. Tôi nép bên cánh cửa, lặng nghe.

- Tố à, dì nói vậy là vì muốn tốt cho mi thôi. Mẹ mi đã khổ cả đời rồi, không lẽ mi còn muốn tiếp nối bả nữa? Năm sau mi thi đại học rồi, mi nên chuyển đến sống với dì để có gì cần dì còn hỗ trợ kịp thời cho. - Người phụ nữ có mái tóc màu nâu hạt dẻ đang nói kia là em gái út của tôi. Nó đến từ bao giờ mà tôi chẳng hay.

- Dì nói vậy chứ con cũng không yên tâm lắm khi để mẹ cho người khác chăm sóc đâu ạ.

- Mấy năm nay mi có thấy mẹ có hành vi tự hại hay nói chuyện một mình nữa không? Không đúng chứ! Mi cứ mãi lo cho mẹ mình như vậy thì đến bao giờ mới lo được cho bản thân. Không lẽ mi tính không học đại học về chăm mẹ à? Mi thật sự muốn mắc kẹt ở đây cả đời với mẹ mình à con?

- Nhưng… nhưng ở với nhau lâu như vậy rồi, mẹ sẽ để con đi chứ? - Tố né tránh ánh mắt chất vấn của người phụ nữ kia mà ấp úng đáp lại. Nó cố chấp ở lại làm gì chứ? Tại nơi này chỉ có những ký ức buồn đau mà thôi. Rồi đột nhiên, người kia bắt đầu đanh giọng lại:

- Đừng tự ảo tưởng nữa Tố à! Mi xem thử từ sau khi ba mi mất, còn lần nào mẹ mi thật sự quan tâm tới mi chưa? Bảy năm. Cái sống cùng với mẹ mi là mấy căn bệnh tinh thần kia chứ không phải mi! - Như không thể chịu đựng được nữa, em gái tôi oằn lưng xuống, hai tay bưng mặt mà bật khóc. Còn con bé, nó chỉ đứng chết trân một chỗ. 

Tôi nghe xong cũng chỉ biết thở dài, có lẽ trong mắt người khác, tôi chỉ là một người đàn bà điên khùng, bệnh tật quá đỗi phiền phức cần được chú ý kỹ lưỡng. Tôi biết những căn bệnh kia làm tinh thần bản thân bất định, dẫu đôi lúc nhớ nhớ quên quên, nhưng tôi khẳng định chắc nịch rằng ý thức của tôi vẫn rất rõ ràng. Chỉ có điều là nó mòn mỏi đi theo ngày trôi. Cảm giác tội lỗi vô cùng dâng lên vì tôi đã tự biến mình thành gánh nặng cho con, nhưng sâu hơn hết là sự hổ thẹn với cuộc đời của chính mình khi đã sống được hơn bốn mươi năm trên cõi đời này mà chẳng làm được việc gì ra hồn lại còn để bản thân yếu đuối thảm thương đến bước này.

Bên trong tôi nghe như có tiếng gặm nhấm tâm khảm, một cách từ từ và chậm rãi. Một giây sau, thế giới trước mắt hoàn toàn chao đảo. Một cảm giác quen thuộc trào lên, cuồn cuộn giận dữ, hết thảy cử động đều cực kỳ, cực kỳ chậm chạp và lửng lơ, tôi thấy mình nhẹ bẫng, lúc thì bay lên, lúc thì chực rơi. Một tiếng gọi từ hư vô liên tục vọng lên trong đầu, nó thúc giục tôi nhanh chóng đưa tấn kịch thê lương này đến hồi kết. Nhưng bằng cách nào? Quanh đây chẳng có vật gì sắc nhọn có thể thỏa mãn điều đó cả. Tôi khẽ chớp mắt, chờ đầu óc tỉnh táo lại nhưng không được. Lập tức. Tôi đập đầu liền vài cái vào tường để không phải suy nghĩ đến nó nữa. Lạ thay tôi lại chẳng có cảm giác gì! Trước khi thế giới của tôi ngả đen, tôi nghe thấy tiếng hét của ai đó, còn có một bàn tay đưa lên trán ngăn tôi lại.

* * *

Tôi tỉnh dậy trên chiếc ghế gỗ ở hiên sau nhà. Thoang thoảng bên mũi là mùi nước mưa đọng và mùi cỏ mục, lá úa. Trong lúc tôi thiếp đi, trời đã mưa chăng? Những giậu mồng tơi bám ken đặc trên vách hàng rào chen chúc với đám xỉ rêu nhớp nháp, tựa như một bầy rắn ngoằn ngoèo vặn xiết. Một vài nhành hoa giấy trắng mơ màng lòng thòng treo trước gió, còn có những bông hoa rụng xuống nền đất lăn vòng vòng theo từng đợt gió thổi.

Vừa chỉ mới tỉnh dậy, nhưng cơ thể tôi không lâu sau bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu buồn ngủ lại. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn khi trở về chiếc giường ngủ quen thuộc và đánh một giấc thay vì ngủ ở ngoài này. Bước vào phòng, thứ đập vào mắt tôi đầu tiên là hai khung ảnh. Một cái thì bị úp xuống mặt bàn cái còn lại chứa một tấm ảnh hình ba người. Họ là một gia đình. Nét cười rạng rỡ hiện rất rõ trên mỗi gương mặt. Người chồng bế cô con gái, người vợ thì áp người vào đứa bé, một tay đặt lên lưng nó. Tôi cầm khung ảnh trên tay, vân vê những gương mặt vừa lạ vừa quen. Đầu ngón tay dừng lại trên người bé gái rồi chợt nghĩ bức ảnh này đáng ra nó nên biến mất từ lâu rồi mới phải.

Tôi chậm rãi tháo tấm ảnh ra khỏi khung để quan sát nó kỹ hơn. Ngay sau đó, cái gọi là “gia đình” bị xé nát ra từng mảnh cho đến khi chẳng nhìn ra được hình dạng nào nữa. Kế bên chiếc bàn là khung cửa sổ. Tôi nhoài hơn nửa thân người ra bên ngoài dang tay ra đón gió lộng, một tay vịn chắc khung cửa và dùng một bên đầu gối làm phần đỡ chống trên bậu cửa sổ. Theo tay tôi, những mảnh giấy nhỏ tung lên, cuốn bay theo gió. Có lẽ gió nhìn ra được lòng tôi nên càng thổi mạnh hơn để đưa nó đi xa hơn. Còn một số vẫn bị mắc lại trên mái hiên nhà. Gió thổi từ bên kia triền núi đến, luồn qua những bóng cây đồ sộ ken dày trong chiều hôm ngút ngàn rồi tràn về muôn nẻo trên thị trấn. Mây kết thành từng tầng với đủ thứ hình dạng trôi lãng đãng.

Tôi đưa mắt nhìn xuống phía dưới, bỗng thấy một hố đen há miệng rộng ngoác. Một lực hút vô hình nào đó sùng sục sôi lên từ bên trong miệng hố sâu đói khát. Khung cảnh trước mắt như nhân ba nhân bốn lên rồi nhòe dần đi, tôi nghe có tiếng trẻ con không ngừng gọi tới hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Chuỗi âm thanh ấy lặp đi lặp lại cho đến khi có một âm thanh lớn hơn át đi:

- Mẹ! Mẹ đang làm cái gì vậy?

Một đôi tay kéo ngược tôi trở lại vào trong, sau đó liên tục lay người tôi, tầm nhìn bỗng dưng rõ lại. Trước mặt là đôi hàng mày cau chặt trong sự bàng hoàng của nó. Hốc mắt nó đỏ hoe, tôi có thể thấy rõ từng đường tơ máu hằn lên, xoáy vào nơi đôi mắt đó, thấy những đau thương ngồn ngộn. Phải rồi! Dù tấm ảnh kia có biến mất thì như vậy có khác biệt nào xảy ra đâu chứ, vì toàn bộ trong căn nhà này, đâu đâu cũng từng chứa đựng hình bóng của họ. Ngay lúc này đây, phản chiếu trong mắt tôi:

- Sao mẹ lại tự tử vậy? Mấy tháng nay mẹ vẫn bình thường kia mà!

- Không phải vậy… Mẹ… - Tôi ấp a ấp úng cả buổi cũng không biết giải thích như thế nào, tôi cũng không biết nếu sau đó Tố không xuất hiện thì sẽ xảy ra chuyện gì? Tôi rất muốn mở lời, nhưng lời ấy sau cùng vẫn bỏ vào lặng thinh.

- Mẹ đang muốn dùng hành động của mình để phản đối việc con ở lại ngôi nhà này phải không? Con phiền phức đến thế sao?

- Tố à… - Đã từ rất lâu rồi tôi mới gọi lại cái tên ấy. Như thể đó là của một ai khác chứ không còn thuộc về người trước mặt. Chua chát thay khi chữ “Tố” ấy là do một người đã từng làm mẹ dành toàn bộ tâm huyết và yêu thương cho đứa con của mình. Có lẽ nó đã đoán được việc tôi nghe lỏm cuộc trò chuyện lúc ban sáng nhưng tôi không có ý kiến gì về quyết định của con bé cả. Nó nên biết thời khắc tự do của nó đang đến gần hơn bao giờ hết mới phải?

- Không muốn nghe! - Một chất giọng khê khản sắc lẹm xộc khỏi lồng ngực nó, vọng dài ra khắp cả căn nhà rồi lát sau cũng im hơi lặn tiếng, người cũng đi mất tăm hơi.

Ánh chiều tà đã tắt ngấm, bóng đêm vô tận tức khắc ùa đến ồ ạt tựa nước triều dâng. Trên cao chỉ có một lòng hồ đen mực không gợn sóng, lòng hồ sâu thẳm nuốt chửng hết sao mây, chỉ để cho một hình bán nguyệt nổi lên chính giữa trung tâm, soi rạng ánh bạc lấp lánh, che mờ đi bóng tối xung quanh nơi lòng hồ.

Chờ đến khi chiếc kim phút dịch chuyển sang con số mười hai, đồng hồ điểm chín giờ, tôi một lần nữa lại quay trở về phòng ngủ. Vẫn chiếc bàn ấy, chỉ là nơi đó còn lại duy nhất một khung ảnh, nhưng nó sẽ mãi mãi không được dựng lên để trông rõ ai ở đó. Tôi đoán vậy. Con bé kia thì đang nằm trên giường nghiêng mình đưa lưng về phía tôi, tôi chỉ có việc mở mùng ra và nằm vào vị trí còn trống bên cạnh. Trời càng về đêm, lòng càng rối bời.

Tôi nhìn tấm lưng nhỏ gầy của Tố, đưa tay nghịch nghịch những lọn tóc dài của nó, rồi bỗng ngạc nhiên khi bắt gặp một đường sẹo dài kéo ngang qua vùng gáy nó. Vết sẹo đỏ dọc và ẩn hiện dấu vết của những mũi khâu. Trên bụng tôi cũng có một vết sẹo kiểu vậy, một vết thương cũ dai dẳng bao năm chưa lành. Tôi run run, đưa tay chạm nhẹ lên đường khâu dài kia. Ngay lập tức, cơ thể nó co rụt lại, giây sau liền quay người về hướng tôi, đôi mắt vẫn tiếp tục nhíu chặt lại. Cái tay vẫn không thôi táy máy, tôi đưa tay vuốt nhẹ theo đường sống mũi cao và thẳng tắp kia, hàng lông mi dài khẽ run nhưng nó không còn cự tuyệt nữa, vẫn nằm im lìm không nhúc nhích. Chiếc mũi ấy giống hệt chồng tôi như đúc. Và tôi vẫn còn nhớ rất rõ nguồn gốc của vết sẹo đó, bởi vì thủ phạm gây ra nó chính là… tôi.

* * *

- Con chuẩn bị đi xa rồi, mẹ có gì muốn nói với con không?

Tôi biết nói gì bây giờ, giữa tôi và nó có gì đáng nhớ sao? Cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng tần số trái tim của cả hai từ bao giờ đã không còn dao động cùng một ngưỡng nên nhìn nhau chỉ thấy xa mặt cách lòng.

- Mẹ không nói cũng được, nhưng con có rất nhiều, rất nhiều lời muốn nói với mẹ đấy… Mẹ ơi! Mẹ biết năm nay con bao nhiêu tuổi rồi không ạ?

Tôi khựng lại trong giây lát, nghĩ nghĩ một chặp rồi đáp:

- Mười sáu… Mẹ không nhớ nhầm chứ?

- Cảm ơn mẹ! - Nó phì cười.

- Chẳng phải con ghét mẹ lắm sao, mẹ làm khổ con đến vậy rồi mà vẫn cảm ơn cho được sao?

- Vì mẹ ít nhất vẫn còn nhớ tới con mà! Đúng là con đã từng rất căm ghét mẹ. Nhưng đó chỉ là đã từng thôi…

- Từ sau khi ba không còn, mẹ dường như biến thành một người hoàn toàn khác, không còn là mẹ của con nữa. Mẹ luôn tìm cách để tự tử, con đã rất sợ khi một ngày nọ bỗng thấy mẹ dùng kéo tự đâm chính mình. Cảnh tượng đó vẫn luôn không ngừng ám ảnh con cho đến tận lúc này.

- Rồi khi ý định tự tử bất thành, mẹ chuyển sang phớt lờ con. Con đã cố gắng học thật giỏi, nấu những món ăn ngon chỉ để mong tìm lại được sự chú ý của mẹ. Một thứ gì đó ràng buộc mẹ lại với thế giới này, với con… - Dừng một đoạn, con bé mím môi nghẹn ngào, hít một hơi thật sâu để ngăn bản thân xúc động quá mức.

- Nhưng nhận lại chỉ có sự gạt bỏ của mẹ, tất thảy tình yêu thương của con đều bị mẹ đùn đẩy cho người khác. Cái bánh nướng con tự thân vào bếp làm nhân dịp sinh nhật mẹ, mẹ không ăn dù chỉ là một chút, mẹ thậm chí còn bảo con đưa hết cho dì út ăn đi. Tại sao vậy mẹ?

- Mẹ… thật lòng xin lỗi…

- Con biết lúc đó mẹ không thể thoát khỏi cú chấn thương tinh thần mà ba đã để lại vì con của lúc đó cũng đau cùng một nỗi đau với mẹ. Nhưng nhiều năm như vậy rồi, con tự hỏi tại sao nỗi đau ấy trong mẹ không hề vơi đi mà còn dai dẳng thành bệnh chứ?

Phải! Tôi cũng muốn hỏi bản thân tại sao lại không thể vượt qua được, ai trong đời rồi cũng sẽ trở thành một phần của câu chuyện chia ly. Có lý nào tôi lại không chuẩn bị tinh thần khi khoảnh khắc đó đến? Nhưng mãi tôi vẫn không thể thoát ra khỏi hồi ức kinh hoàng đó.

- Mãi sau này con mới biết khi được nghe dì kể lại. Lúc đó con mới nhận ra, mẹ có nhiều hơn một nỗi đau. Rằng trước khi ba rời đi, cũng từng có một sinh mệnh lặng lẽ giã từ khỏi cuộc đời mẹ...

Trống ngực nện thùm thụp, những nỗi ám ảnh ngày ấy bất chợt ùa về. Ập xuống. Đau đớn. Tột độ. Tôi sợ sệt che đôi tai lại:

- Mẹ xin con! Đừng nhắc lại nó nữa! - Mọi ký ức va vào nhau dồn dập, không chút trật tự. Từng cơn đau nhói, co thắt không rõ nguyên nhân càng khiến tôi bỗng thấy ngạt thở khôn tả. Đứa con đầu tiên của tôi - con đã rời xa mẹ nhanh chóng và lặng lẽ như cách con đến bên mẹ. Đứa bé ấy để lại trong tôi một tòa thành chết hoang hoải giữa một đống điêu tàn đổ nát. Để đến sau này, hai nỗi đau gặp lại nhau, tổn thương nhân lên gấp bội phần.

Nhưng rồi có cái gì đó ôm trọn lấy tôi, vòng ôm xiết chặt nhưng lại lạnh lẽo tựa bão tuyết. Tôi đưa tay bấu chặt tấm lưng của Tố tựa như bắt được một cọng rơm cứu mạng.

- Năm đó, mẹ từng cầu xin con rời khỏi cuộc đời mẹ, nhưng con vẫn luôn ở đấy, chẳng đi đâu cả. Chỉ có mẹ là vắng mặt, tự động bước khỏi cuộc đời con mà thôi. Con chỉ hy vọng sau khi con tạm thời bước ra khỏi cuộc đời mẹ, mẹ sẽ tự mình biết cách sắp xếp lại cuộc đời từ mất mát đau thương. Mong sao cho đến lúc con về lại bên mẹ, mẹ đã được cứu rỗi.

- Thưa mẹ, con đi! - Vòng tay ấy nhanh chóng rời khỏi tôi. Đôi mắt nó long lanh ánh nước tựa như được trăng xao điểm xuyến nhưng tự bao giờ lại chất chứa đầy thêm sự chia ly. Đó cũng là lý do tại sao tôi không thích đôi mắt nó, đôi mắt sẽ vây giữ, khóa chặt bất kỳ ai vô tình sa vào.

Tôi nghe chữ được chữ mất, nhưng hoàn toàn hiểu thấu vấn đề. Vậy ra, giữa hai chúng tôi đã có biết bao nhiêu sự hiểu lầm chất cao hơn cả núi, còn nỗi đau là mây mù che mờ mất lý trí và yêu thương. Thật ra, sau sự ra đi của chồng, tôi đã không ngừng tự nhủ với bản thân rằng: Nếu trao đi yêu thương cho thêm một ai khác nữa thì người đó rồi cũng sẽ mang đi hết thảy linh hồn của tôi tan vào hư vô. Tôi cứ vậy khép lòng mình bảy năm, hoàn toàn quên mất đứa con gái đáng thương ấy. Tôi là một bà mẹ tệ, tôi luôn nhận thức rất rõ điều đó, nhưng chẳng còn một ai có thể dạy lại cho tôi học cách yêu lại từ đầu nữa rồi.

Mắt dõi theo từng bước chân con ra tới trước ngõ, mọi thứ chậm lại hệt như thước phim xưa nhưng vì sao lại không cam lòng đến thế? Cớ sao phút giây ly biệt còn kéo dài hơn cả chừng ấy năm chúng tôi bên nhau?

- Đi bình an, con nhé! - Lời tôi cất lên chỉ mỗi gió mây nghe thấy.

Tôi có một giấc mơ. Giấc mơ ấy rất đỗi lạ lùng. Xung quanh tôi được bao phủ bởi nhiều bọng mây nhỏ, chúng tụ lại dày đặc, bắt đầu gợn sóng một cách hỗn loạn, mạnh mẽ và bất thường. Và điều đặc biệt hơn là mọi thứ chỉ độc một sắc tím. Một gam màu trầm buồn và thản nhiên. Rồi từ trong sắc mây tím, một người đàn bà bước ra. Điềm nhiên, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi tôi nhìn thấy cô ấy. Cô mặc một chiếc váy dài xám ngắt màu tro lạnh lùng và khuôn mặt không có gì cả. Một kẻ vô diện. Theo sau đó cũng có một đứa trẻ bước ra. Tôi trợn to mắt nhìn: đó là Tố. Gương mặt nó rũ rượi, đôi mắt trầm đục, thiếu sức sống. Đứa trẻ đó cất tiếng gọi “mẹ ơi!” nhưng đôi mắt không thèm đoái hoài về phía tôi mà đặt trên người bên cạnh. Người đàn bà đó cúi người xuống nắm lấy tay con bé, rồi xoa đầu nó. Đứa trẻ ấy nở nụ cười, một nụ cười thuần khiết lẫn trong ánh mắt xót xa, nhưng nét cười đấy không phải là hạnh phúc mà là nhẹ nhõm, hệt như người ngư dân biết được có những cánh hải âu bay hoài chẳng xuống.

À! Tôi nhớ ra rồi! Lý do tại sao tôi vẫn chưa “mất kết nối” hoàn toàn với con gái. Vì tôi đã từng rất yêu nụ cười đó của con, trước cả khi nó biết buồn đau. Người phụ nữ kia dắt tay con bé tiến vào màn mây. Trước khi chìm trong biển mây tím biếc, cô ta quay mặt lại nhìn tôi, từng đường nét, ngũ quan bắt đầu hiển hiện trên gương mặt. Tôi sững lại khi nhìn rõ được khuôn mặt kia. Trong lòng dấy lên những cảm xúc khó nói thành lời. Cô ta bất giác nhoẻn miệng cười với tôi:

“Đôi khi mơ mãi thì cũng phải tỉnh thôi. Quá khứ không thể nào ngăn cách cô và con gái mình mãi mãi được. Đến lúc phải tỉnh ngộ rồi!”.

* * *

Năm tháng vội vã đi qua, tôi hiện tại đang sống cùng một cô gái trẻ. Cô đảm nhiệm công việc bảo mẫu chăm sóc tôi cũng đã được một thời gian dài. Bệnh tình của tôi đã bắt đầu có những chuyển biến tốt nhờ việc bản thân đã tham gia các buổi điều trị tâm lý. Tất cả đều là nhờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng mà con gái tôi đã gửi về. Mối quan hệ mẹ con cũng dần được cải thiện. Tôi vẫn thường gọi điện cho con, thử học nói lại những lời yêu thương ngày trước, động viên an ủi con học tập. Vết thương kết vảy đóng lại cho lòng tôi rộng mở ra. Tôi dần học cách chấp nhận những xáo động trước kia mà thời gian để lại, và lòng bỗng thấy bình yên bên người đã đi xa mãi, tựa như một sự xoa dịu, một liều thuốc giảm đau hữu hiệu hệt như ngày tháng người còn bên tôi. Và cả Tố nữa, con bé vẫn luôn bùng lên trong tôi như một mặt trời nhỏ: “Cảm ơn con! Con gái của mẹ!”.

Tôi đang lau dọn phòng ngủ, thì lại để ý đến khung ảnh trên bàn. Lần này, tôi đã dựng đứng nó lên. Và thật bất ngờ thay, người trong hình vậy mà lại không phải người chồng quá cố của tôi… mà là một người con gái xinh đẹp đang cười hiền dịu. Người trong ảnh đó là tôi khi còn trẻ. Một bức hình mà tôi đã ngẫu hứng chụp thử trên chiếc máy ảnh yêu thích mà tự mình góp nhặt từng đồng lương để mua được. Và đó cũng là cô, người đàn bà trong giấc mơ của tôi. Hai hốc mắt nóng ran, không biết tự bao giờ nước mắt lăn dài trên má. Tôi nghĩ cả đời chưa từng ổn như hôm nay. Còn sống trên đời đến tận khoảnh khắc này, tôi thật sự mừng thay! Chuyện cũ ngủ yên, tháng ngày ảm đạm trôi xa.

Áng mây sà xuống thấp, bao trùm toàn bộ bầu trời bằng một màu bạc thếch đơn điệu, nhưng lại có ánh huỳnh quang tù mù tỏa ra từ trong mây. Xuyên thấm và dung chứa. Là một phiến mây ngũ sắc hạ cánh trên đỉnh núi già kia, lúc thì màu hồng phấn xen lẫn những đốm trắng, lúc thì màu xanh lam như nước ở biển khơi, từng dải màu đan cài vào nhau. Chúng rực rỡ và lấp lánh dưới sự chiếu sáng của mặt trời tựa như một ánh đèn le lói giữa lòng biển xanh. Dưới hiên nhà, có dáng người quen thuộc bước vào:

- Mẹ ơi! Con về rồi!

* * *

Ngọn núi già thức giấc và nó thấy trên đầu mình bỗng dưng xuất hiện một đám mây lớn. Đám mây kia nói muốn che nắng cho ngọn núi ấy. Nhưng rồi một ngày, bão nổi lên. Trời tối mù, gió thét lên từng tiếng gào dữ dội, sấm sét rền vang không dứt. Ngọn núi nhìn thấy đám mây bị những tia sét xuyên qua người, đám mây quằn quại, đau đớn, rồi phút chốc bị gió cuốn đi. Mang theo nỗi đau rời xa ngọn núi, mây nặng trĩu nỗi buồn ra đi. Nó không chịu được nên bắt đầu trút cơn mưa, nó mưa miết mong sao thoát được nỗi đau, nỗi nhớ trong lòng. Đến một hôm nọ, nó bất chợt nhìn lại phía sau. Là hoa màu dập nát, là những mảnh đất xói mòn, là tiếng kêu gào thảm thương của loài người… Để chạy trốn nỗi đau, nó đã vô tình gây ra thêm biết bao nỗi đau khác. Nó sợ hãi quá, lại tiếp tục chạy trốn trong hối hả, rồi nó bắt gặp một ngọn núi khác, ngọn núi đó không dịu dàng như ngọn núi trước đây, thay vào đó nó lại gai góc, dữ dội nhưng nên thơ đủ để níu chân áng mây lại. Và đám mây kia biết, từ nay về sau, ngọn núi trẻ kia sẽ là nhà của nó.

- Bà ơi! Vậy câu chuyện này có ý nghĩa gì ạ? - Một giọng trẻ con non nớt cất lên.

Người bà hiền từ vuốt ve mái tóc đen óng của đứa cháu trai rồi đáp:

- Vậy sao con không thử nói cho bà nghe trước xem con hiểu câu chuyện này như thế nào?

N.Đ.N.Y