Bức tranh về tương lai
Nguyễn Thị Gia Hân (Giải B) Lớp 8/9 - Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Cả gia đình cùng nhau ngồi dùng bữa tối. Đây là một gian bếp rất hiện đại với gần như đầy đủ tiện nghi tiên tiến nhất, chiếc tủ lạnh hai cửa rộng rãi, một máy rửa chén vừa vặn được lắp gần bồn rửa cảm ứng, những chiếc cửa tủ chỉ cần kéo mở nhẹ nhàng,… “Chà, cách sắp xếp nội thất trông rất khoa học và trang trí rất thẩm mỹ”. Phải rồi, bố tôi là một kỹ sư, ông đã bắt tay cùng những người bạn tài giỏi để xây dựng và thiết kế nên ngôi nhà này, đó đều là những kiến trúc sư, nhà thiết kế được đánh giá cao. Chỉ tiếc là căn bếp này chưa được “khai phá” hết công năng, việc “lên lửa” - chức năng vốn có của một cái bếp cũng có lắm lúc xuất hiện đâu. Mà cũng kỳ lạ nhỉ, họ làm việc quần quật để có một chiếc bếp “xịn xò” như vậy mà sao giờ đây lại chẳng đoái hoài, thế “công cuộc tìm lửa” ấy là để làm gì?
“Quả thật là họ rất giỏi khi tạo nên một không gian tuyệt vời đến vậy, ấy mà mình cũng “rất giỏi” khi có thể nhìn ra những điều đó! Haha. Có vẻ mình sẽ thành một kỹ sư hay kiến trúc sư nổi tiếng ấy chứ, nghe có vẻ không tệ!” - Tôi thầm nghĩ sau một cuộc “đảo mắt đánh giá”.
- Tập trung ăn đi Bin! - Mẹ tôi hơi cao giọng nhắc nhở.
Tôi giật mình:
- Dạ!
Thật ra nãy giờ tôi mãi ngắm nghía gian bếp này vì gia đình tôi vừa chuyển vào nhà mới gần hai tháng, ngày trước nhà tôi từng sống ở nhà thuê. Nói nghe có vẻ đã lâu nhưng đa số tôi chỉ toàn ở nhà ông bà nội, bố mẹ tôi bận bịu quá nên mang sang nhờ ông bà trông nom giúp.
Ở nhà nội thì tôi được xem ti vi thỏa thích, xem mãi đến khi chán thì thôi, ông bà rất chiều chuộng tôi, luôn “trữ” sẵn bánh kẹo cho mấy đứa cháu. Dù thời gian ở căn nhà mới này với bố mẹ không nhiều nhưng tôi chắc rằng rất nhiều lần tôi bị rầy la. Bố là người sống rất kỷ luật, tôi không thể tự tiện xem ti vi quá giờ hay chén hết mọi loại bánh kẹo trong tủ. Những lúc như vậy thì tôi cảm thấy gần như mình không thể sống thiếu ti vi. Nhưng mà buồn cho đã vào thì tôi cũng bắt đầu vùng dậy để tìm “thú vui” mới sau cuộc chia tay đẫm lệ với ti vi, nói “đẫm lệ” nghe “sang” vậy thôi chứ chỉ có thể khóc trong lòng, tôi mà cất tiếng thì không đòn vào mông cũng là “nghe thuyết giáo”. Tất nhiên, chơi chán mấy bộ đồ chơi lắp ghép hay mấy mô hình xe thì tôi sẽ bắt đầu “phiêu lưu” trong ngôi nhà mới này, lục lọi, đụng cái này cái kia, chạy nhảy ầm ầm, làm bể cái này vỡ cái kia, ồn ào ảnh hưởng đến bố mẹ làm việc,… hay câu cửa miệng của mẹ tôi sẽ là: “Con không thấy mẹ bận sao cứ thích tạo việc cho mẹ vậy?”. Và một tràng “thuyết giáo” sẽ tuôn ra chảy vào tai tôi. Bố cũng sẽ không để yên mà “tham cuộc” với mẹ. Chủ đề cũng sẽ rất quen thuộc như là con đã làm xong bài tập chưa, con phải dành thêm thời gian đọc sách, học tiếng anh,… Tôi biết rằng tôi sai nhưng mãi nghe đi nghe lại những lời la mắng thì ai lại thích cơ chứ? Ai lại yên lặng đứng chịu trận cơ chứ? Tôi đã vùng lên như thể đấu tranh giành lại chút danh dự cho mình vậy dẫu rằng tôi sai.
Tôi đã thử phản bác. Tôi đã nhận ra tôi đã vừa phản bác - nghĩa rằng tôi đã vừa “thêm dầu vào lửa”, chỉ vậy thôi. Tôi đã tìm ra “ai” - đó là tôi.
Thật ra còn một lý do khác cho việc tôi ngồi suy nghĩ linh tinh là bài tập về nhà cô giáo giao vào hôm thứ sáu vừa rồi: “Em sẽ là ai trong tương lai?”, học sinh có thể trình bày câu trả lời bằng bài văn hoặc một bức tranh. Tôi vốn dĩ chẳng có khiếu vẽ nên đành chọn viết đại một bài văn cho an toàn thế mà đám bạn lại lôi chuyện “vẽ vời” của tôi ra trêu cả buổi, chúng cược rằng tôi nhất định sẽ chọn bài văn. Cảm thấy như bị nắm thóp khiến tôi không ưa tí nào, tôi đã rẽ hướng sang vẽ tranh thay vì “nhất định chọn bài văn”. “Tao sẽ vẽ tranh” - Tôi đã dõng dạc tuyên bố như vậy đấy. Tôi nghĩ mình đã học được sau một câu nói rằng cần suy nghĩ kỹ trước khi nói. Tôi cũng nghĩ mình đã học được sau điều ấy là cần có ý chí và làm những điều không tưởng.
Món ăn hôm nay rất ngon. Có vẻ như việc bếp núc của mẹ tôi không đến nỗi tệ, mẹ làm quản lý tại một nhà hàng, phải chăng đã học lỏm được chiêu thức nào ở bếp nhà hàng chăng? Hơi khó tin thật. Nghĩ lại thì những chiếc đèn thả ở bàn ăn, thiết kế của chúng rất độc đáo và đây là sản phẩm của công ty nội thất bố tôi đang làm. Ngoài ra, khi bật đèn thả thì đèn xung quanh sẽ được tắt bớt đi nên bàn ăn rất sáng, chỗ chúng tôi là sáng nhất trong nhà. Xung quanh gần như trôi vào mờ nhạt với thứ ánh sáng nhẹ nhàng hơi ngả vàng của ánh đèn thả. Tất cả những thứ dưới ánh đèn mà tôi có thể thấy là những món đồ bày biện ra bàn, những cánh tay thay phiên nhau gắp thức ăn, khuôn mặt nhạt nhòa của ai đó đang cắm cúi nhai cơm, tiếng gắp đũa nghe rõ mồn một trong không gian yên ắng. Đây có thể là một khoảnh khắc lý tưởng thường được bao biện cho việc không muốn đối mặt với bất kỳ câu chuyện nào nữa: “Bố mẹ đã đi làm mệt rồi”. Nhưng không thể mãi trốn trong khoảng lặng này được:
- Ngày mai sếp An về nước nên anh sẽ họp từ sớm, về sẽ muộn.
- Chiều mai cu Hải con dì Mai dọn lên nhà nội rồi, anh sang kịp không?
- Chắc không kịp đâu, hai mẹ con sang trước thăm đi nhé.
Anh Hải là anh họ của tôi, năm nay anh đang học lớp 11, anh từng sống ở dưới quê, gia đình anh không khá giả nhưng anh lại học rất giỏi, ông bà nội và mọi người trong gia đình quyết định giúp anh chuyển lên thành phố ở lại nhà nội để tiện hơn trong việc học. Tôi chưa bao giờ gặp anh.
Chiều hôm sau, tôi cùng mẹ đến nhà nội. Anh Hải có dáng người cao, khá vừa vặn, anh là người rất ít nói và điềm tĩnh. Anh rất lễ phép nên mọi người khá mến anh, cũng đều là con cháu trong nhà. Tôi thấy hơi phấn khích và tò mò vì sắp tới tôi sẽ gặp anh nhiều hơn, biết đâu tôi có thể xin lời khuyên về “chuyện vẽ vời” mà tôi đang nhức đầu.
Sáng nọ bố mẹ đưa tôi sang nhà ông bà chơi vì bố mẹ sắp phải đi công tác.
- Anh nhớ em không ạ? - Tôi dè chừng hỏi anh Hải.
- Có chứ, em là con của mẹ Hương với bố Minh phải không? Em tên là gì?
- Em là Bin.
Sau hồi tra hỏi “sơ yếu lý lịch” của hai bên thì tôi đã hỏi anh:
- Anh sẽ làm gì trong tương lai ạ?
- Anh sẽ làm một kỹ sư, anh nghĩ vậy.
- Ô, bố em cũng là một kỹ sư đấy! Sao anh muốn làm thế?
- Haha, vì anh cũng muốn thành công và có kinh tế ổn định như bố em. - Anh Hải nói với giọng đùa cợt.
- Anh không muốn gì nữa sao? Thế thì chán lắm.
- Vì sao lại chán?
- Bố em đã rất chăm chỉ làm việc rồi ổn định nhưng trông bố quá bận rộn, bố không ở nhà thường xuyên.
- Bố không chơi với em nhiều à? Hay ý em là bố không quan tâm em?
- Bố vẫn mua bánh kẹo cho em, vẫn đăng ký môn học em muốn, vẫn sắm đồ chơi cho em. Nhưng khi về đến nhà thì bố vẫn rất bận, bố sẽ dễ cáu gắt, đôi lúc bố vẫn hỏi han em nhưng em không thể chia sẻ khi khuôn mặt mọi người thực sự quá mệt mỏi, mẹ cũng vậy. Người lớn khó hiểu nhỉ?
- Vậy sao… Ai rồi cũng phải trở thành những người lớn và ôm trong mình vô vàn vấn đề nan giải. Khi nào đó em lớn lên, em sẽ hiểu hơn về điều ấy. Bố mẹ cũng chỉ muốn mang cho em cuộc sống ấm no hơn, hãy thông cảm cho họ nhé!
Tôi không nói lại với câu trả lời của anh Hải, chỉ là tôi cảm thấy hơi hụt hẫng. Dường như tôi có một câu trả lời rồi.
- Em đi làm bài tập cô giao đây.
Tôi đem màu ra và cặm cụi với công việc của mình.
Sáng hôm sau tôi đã tìm ngay anh Hải để cho anh xem bức tranh của mình.
- Em đã quyết định được em sẽ làm gì trong tương lai rồi à? - Anh cười.
Anh Hải ngạc nhiên nhìn bức tranh. Giữa tranh là một người đàn ông cao lớn, mặc một bộ vest xanh, khuôn mặt không cảm xúc, nét vẽ có đôi chút nguệch ngoạc, chỉ vậy thôi.
- Đây là nghề gì vậy? Là nhân viên văn phòng hay gì sao?
- Không ạ. Đây là em khi lớn lên, là người lớn ạ.
- Chẳng phải ai cũng giống nhau sao, thế thì em cũng sẽ phải trở thành người lớn thôi, hơi thất vọng nhưng chắc em cũng sẽ phải bận rộn và thờ ơ mọi thứ xung quanh.
Anh Hải không nói gì. Ông bà gọi chúng tôi vào ăn cơm.
Tối hôm đó tôi đã suy nghĩ mãi, tôi đã nghĩ lại và quyết định vẽ một bức tranh mới. Bức tranh thứ hai mà tôi vẽ là tôi - hình dáng của một đứa trẻ, là tôi lúc bây giờ. Tôi sẽ làm trẻ con, khi ấy tôi sẽ không sống như cách của người lớn. Tôi sẽ không thờ ơ và sống vội vã thế đâu, tôi sẽ tận hưởng cuộc sống này. Anh Hải đã thấy bức tranh ấy. Đêm trước ngày cuối hạn nộp, anh Hải đã gặp tôi và nói:
- Bin à, em sẽ là em.
Quyết định thứ ba đã đến với tôi một cách đột ngột như vậy đấy, nhưng đó là quyết định đúng đắn nhất mà tôi nghĩ. Tôi đã vẽ lại một bức tranh. Có tôi đang mặc một bộ vest với thân hình cao lớn và nhớ về tôi - một cậu nhóc tinh nghịch. Phải, tôi sẽ là tôi, tôi sẽ sống đúng như cách tôi đã trưởng thành thành người lớn và không quên tôi đã từng là một đứa trẻ.
Tối hôm nay bố mẹ tôi sẽ về. Tôi cùng anh Hải mang bức tranh ấy khoe với bố mẹ.
Tôi, bố mẹ và anh Hải đã thay đổi rất nhiều.
N.T.G.H