Nghĩ về người trí thức Đà Nẵng hiện nay

29.08.2024
Bùi Văn Tiếng

Nghĩ về người trí thức Đà Nẵng hiện nay

Không hiểu sao khi phải tự mình trả lời câu hỏi người trí thức là ai, tôi lại nhớ tới một cách giải thích nghe rất… thích: Trí thức là người mà trí luôn luôn… thức! Trí luôn luôn thức tức là sở học, là trí tuệ uyên thâm, là tư duy về cái Đúng/cái Đẹp của bản thân người ấy thường xuyên được kích hoạt - chứ không chịu ngủ yên - để sáng tạo nên những giá trị mới hoặc ít ra là để làm mới những giá trị cũ về khoa học - kỹ thuật hay về văn học - nghệ thuật… Và thông qua những giá trị mới hay những giá trị cũ đã được tái tạo đó, người trí thức cống hiến chất xám cho cộng đồng, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mình với tư cách trí thức - và một số trường hợp đặc biệt xuất sắc còn có thể phụng sự cho nhân loại, cống hiến chất xám cho thế giới…

Và không hiểu sao khi phải tự mình trả lời câu hỏi Đà Nẵng có được nhiều người mà trí luôn luôn thức ấy hay không, nghĩa là có được nhiều trí thức thực sự là trí thức như vậy hay không, tôi rất tự tin cho rằng thành phố bên sông Hàn đang sở hữu nhiều trí thức chân chính danh đi đôi với thực, và họ đang không ngừng đóng góp với tư cách trí thức vào sự phát triển thành phố này theo hướng một thành phố đáng đến và hơn thế nữa - theo hướng một thành phố đáng sống. Điều đáng nói nhất là đội ngũ những người đang sáng tạo nên các giá trị mới hoặc làm mới các giá trị cũ về khoa học - kỹ thuật hay về văn học - nghệ thuật ấy ở Đà Nẵng vẫn không ngừng được mở rộng về số lượng và được nâng cấp về chất lượng thông qua các chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong mấy thập niên vừa rồi[1] - đương nhiên không thể tránh khỏi tình trạng “chảy chất xám” ra hai đầu đất nước thậm chí ra nước ngoài, nhưng số trụ lại và số tiếp tục đến vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn, không kể số chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư ngay trên địa bàn Đà Nẵng cũng chưa thể gọi là đã thất thoát…

Việc mở rộng về số lượng và nâng cấp về chất lượng trí thức Đà Nẵng không chỉ có thể được triển khai tại chỗ với những cơ sở đào tạo đại học bản địa danh tiếng như Đại học Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường Đại học FPT Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn… mà còn được triển khai ngoài Đà Nẵng trong xu thế liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, tập trung là liên kết với Đại học Huế cũng đang phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia Huế (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”)[2] - chưa kể với các cơ sở đào tạo đại học ở hai đầu đất nước; cũng như trong xu thế liên kết quốc tế ngày càng phát triển đa dạng - chẳng hạn như với mô hình Viện Nghiên cứu Đào tạo Việt-Anh của Đại học Đà Nẵng…

Công viên APEC - một không gian văn hóa Đà Nẵng

Luôn cống hiến chất xám cho cộng đồng, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mình với tư cách trí thức, cho nên nhiều trí thức Đà Nẵng thường hướng quá trình sáng tạo của mình đến cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III năm 2020 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức đã trao giải Ba của Cuộc thi cho Dự án Máy đo thân nhiệt từ xa của GS.TSKH. Bùi Văn Ga - một sản phẩm đã được người trí thức từng là Thành ủy viên - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời nghiên cứu chế tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ miễn phí để cùng cộng đồng tích cực phòng chống đẩy lùi đại dịch Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng cũng như ở các địa phương ngoài Đà Nẵng. Nhờ tích hợp giữa dụng cụ đo thân nhiệt cầm tay thông thường (nhiệt kế hồng ngoại hay camera đo nhiệt độ hồng ngoại) và hệ thống điều khiển từ xa, sáng chế Máy đo thân nhiệt từ xa của GS.TSKH. Bùi Văn Ga giúp tránh tối đa sự tiếp xúc gần giữa người đo và người cần đo, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo virus trong thao tác đo thân nhiệt ngay giữa mùa đại dịch bùng phát.

Trong số các trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật có liên quan đến Đà Nẵng, có thể kể bốn nhà văn từng được trao Giải thưởng Văn học ASEAN - giải thưởng văn học được Hoàng gia Thái Lan khởi xướng từ năm 1979, dành cho tác giả khu vực Đông Nam Á có tác phẩm xuất sắc ở các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, văn học dân gian, công trình học thuật, tôn giáo: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng - được trao giải năm 2010; nhà văn Nguyễn Chí Trung/ Thái Nguyên Chung - sinh năm 1930 tại xã Hòa Phước huyện Hòa Vang, từng viết Bút ký Đà Nẵng vào năm 1950 - được trao giải năm 2011; nhà văn Thái Bá Lợi được trao giải năm 2013 với tiểu thuyết Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi sáng tác dưới chân núi Bà Nà; và mới đây nhất là nhà văn Vĩnh Quyền được trao giải năm 2021 với cuốn tiểu thuyết Trong vô tận kể về cuộc mưu sinh của dòng họ Tôn Thất tại Mỹ và quá trình thu thập tư liệu để viết luận văn thạc sĩ Nước Đại Nam - một cường quốc Đông Á nhằm thể hiện thông điệp nghệ thuật cũng là thông điệp của trí thức: Kết nối quá khứ là hành động để hoàn thiện bản thân trong hiện tại…

Sinh hoạt nghề nghiệp trong Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố - hai tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, nhiều nhà khoa học và văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã tham gia phản biện xã hội tại các diễn đàn công khai do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì, qua đó đã đề xuất không ít ý kiến có hàm lượng khoa học cao để góp phần hoàn chỉnh một số dự án cấp thành phố như dự án xây dựng Quảng trường thành Điện Hải, dự án nâng cấp Công viên 29 tháng 3, dự án xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở II tại Phong Lệ…; đồng thời tư vấn để loại bỏ một số dự án không phù hợp như dự án xây dựng Quảng trường Trung tâm thành phố ở khu vực chợ Hàn, dự án bắc cầu đi bộ qua sông Hàn tại điểm cuối của đường Đống Đa, dự án xây dựng tháp cao tầng - thực chất là khách sạn nổi - trên sông Hàn… Đặc biệt với mong muốn thành phố bên sông Hàn ngày càng có thêm nhiều không gian công cộng - chứ không phải ngược lại - bởi xưa nay không gian công cộng luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống, tạo nên khả năng tương tác giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, vào tháng 3 năm 2022, lần đầu tiên Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề dành cho văn nghệ sĩ để lắng nghe ý kiến của đại diện cử tri thành phố là các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư… tư vấn/hiến kế về chủ đề Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cuối cùng là về đóng góp của trí thức trẻ Đà Nẵng. Vừa qua nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố phối hợp tổ chức Tọa đàm với chủ đề Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Điểm nổi bật trong sinh hoạt học thuật này là những ý kiến tâm huyết thậm chí là những khát vọng cháy bỏng đến từ một số nhà khoa học trẻ như Thạc sĩ Nguyễn Bảo Anh - hiện là Giám đốc kỹ thuật, Trưởng Văn phòng Công ty Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng, cựu sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng; như Thạc sĩ Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), cựu học viên Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của thành phố, Chủ tịch Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố… Xin nói thêm với khẩu hiệu Chung tay nâng tầm ý tưởng, những năm qua Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố đã tổ chức gần 50 hội thảo chuyên đề, các đề án và đề tài và hơn 17 buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các ngành và các chuyên gia; đã xuất bản gần 30 số bản tin Ý tưởng Cán bộ trẻ với hàng trăm ý tưởng, đề xuất của hội viên Câu lạc bộ - cũng là của trí thức trẻ Đà Nẵng - được lãnh đạo thành phố ghi nhận và áp dụng.

Ngày 26 tháng 6 năm 2024 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, mong rằng qua quá trình thực thi văn-kiện-động-lực này, đội ngũ những người mà trí luôn luôn thức của Đà Nẵng sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục cống hiến nhiều hơn, hiệu quả hơn với tư cách trí thức vào sự phát triển thành phố bên sông Hàn theo hướng một thành phố đáng đến/một thành phố đáng sống.

B.V.T

[1] Xem thêm Bùi Văn Tiếng (2023): Nâng tầm đội ngũ trí thức, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 13 tháng 8 năm 2023.

[2] Xem thêm Bùi Văn Tiếng (2021): Huế - nhìn từ Đà Nẵng, in trong sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc - nhìn từ các đô thị văn hiến của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, Nhà xuất bản Hà Nội, 2021, từ trang 177 đến trang 195.