Khi văn chương lên tiếng

29.08.2024
Nguyễn Đức Như ý

Khi văn chương lên tiếng

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trao giải A cho 2 em Nguyễn Đức Như Ý (đứng giữa - bộ môn văn học) và em Lê Trọng Dũng (trái - bộ môn Mỹ thuật)

LTS: Tham gia liên tiếp 3 mùa hè với các trại sáng tác ở bộ môn văn học từ bậc THCS đến THPT. Nguyễn Đức Như Ý, học sinh lớp 10/23, trường THPT Phan Châu Trinh, Hải Châu đã khẳng định thêm cho câu nói “Thiên tài chỉ chiếm 1%, còn lại 99% là rèn luyện”. Năm đầu tiên em đạt giải Khuyến khích, năm tiếp theo em đạt giải C, và năm 2024 này, Như Ý đã khẳng định được mình với giải A qua tác phẩm truyện ngắn: Mây qua triền núi. Trưởng thành qua từng lần tham gia trại sáng tác, từ phong cách thiên về đồng thoại, đúc rút được nhiều điều hay qua từng bài giảng của các thầy cô, Như Ý đã khẳng định mình với một truyện ngắn có tính hiện thực cao, kết cấu phức tạp nhưng logic. Và em đã thành công, sự thành công thể hiện khát vọng, niềm tin và sự bền bỉ trong sáng tạo nghệ thuật! Tạp chí Non Nước trân trọng đăng tải những cảm xúc của Nguyễn Đức Như Ý - học sinh đạt giải A môn Văn học của Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi hè thành phố Đà Nẵng năm 2024.

Từ bé, tôi đã luôn yêu thích những câu chuyện, và hơn hết thảy là yêu cách mà tác giả biến chúng thành những áng văn làm lay động lòng người. Lớn hơn một chút, tôi lại thích được viết. Giãi bày lòng mình trên những trang nhật ký. Gửi gắm tâm tư vào những lá thư. Và còn có mấy dòng văn bâng quơ trong những phút ngẫu hứng… Thật may mắn cho tôi khi có cơ duyên được biết đến và tham gia vào Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi thành phố. Và rồi bánh xe vận mệnh ngỡ như đã han gỉ từ lâu bắt đầu chầm chậm xoay chuyển trở lại từ thời khắc ấy, tôi thấy mình ngồi trong một hội trường rộng lớn, bên tai vang lên là những giọng nói ấm áp, dịu êm của các thầy cô giáo truyền đạt.

Ba năm qua là ba trại sáng tác liên tiếp tôi may mắn được tham gia. Khoảng thời gian không ngắn cũng chẳng dài, nhưng trại sáng tác là nơi đã chứng kiến sự trưởng thành của tôi theo năm tháng. Tại đây, có những kỷ niệm đẹp chẳng thể nào quên được. Chúng tôi được giao lưu, trao đổi trải nghiệm cùng với nhiều thế hệ nhà văn đi trước đầy bản lĩnh, thành tựu trên văn đàn hiện nay, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao thêm những kiến văn, tất cả như một chất xúc tác cho quá trình sáng tạo bước đầu của cá nhân tôi cũng như các bạn được tham gia trại. Dưới sự dẫn dắt nhiệt thành và tận tâm của thầy Bùi Văn Tiếng, thầy Nguyễn Nho Khiêm, thầy Nguyễn Kim Huy, thầy Nguyễn Minh Hùng và cô Đinh Thị Như Thúy, tôi như được mở ra một cánh cửa mới nhìn ra cuộc sống, không còn xám ngắt đơn điệu như trước đây nữa mà thay vào đó là nét huyền bí, tuyệt diệu không tài nào khám phá hết. Cùng với đó là sự hỗ trợ hết lòng dành cho những trại sinh của các thầy cô hỗ trợ do ban tổ chức phân công từ cách thức gửi những sáng tác của mình đi, nhắc nhở các bạn hoàn thành đúng thời hạn nộp tác phẩm và dành cho các cây bút trẻ những lời động viên chân thành và sâu sắc nhất. Cảm xúc lúc đó của em là gì? Choáng ngợp, ngưỡng mộ và hạnh phúc… Trại sáng tác giúp em dần tìm lại được chính mình từ tình yêu văn chương thuần túy. Tâm trí nhờ vậy đã thôi không còn huyên náo, nhiễu loạn vì lốc xoáy của những cái tôi giả mạo bao quanh nữa.

Điều đặc biệt nhất trong mùa trại năm 2024 này, là ban tổ chức đã tổ chức chuyến đi thực tế cho các trại sinh tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, quận Sơn Trà. Sau chuyến đi trải nghiệm này, tôi và các bạn đã được thâm nhập sâu hơn vào một mảnh ghép mới của đời sống nhờ những câu chuyện về người lính hải quân và nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà các chú ấy ngày đêm thực hiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nhờ đó mà làm phong phú thêm góc nhìn cuộc sống và đề tài sáng tác của mỗi chúng tôi.

Sau mỗi đợt trại tôi đều tự nhủ với bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực để được lựa chọn tham gia vào những năm tiếp theo và qua mỗi lần đều thấy mình đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong sáng tác. Nhờ chính những kinh nghiệm quý báu đó mà ngày hôm nay tôi đã nhận được vinh dự được vinh danh là người có tác phẩm được đánh giá cao nhất ở bộ môn văn. Truyện ngắn “Mây qua triền núi” mà tôi sáng tác, lấy chủ đề về nỗi đau và sự mất mát, kể về những ngày tháng sống cùng nỗi đau của một người mẹ sau khi mất đi người thân yêu và sau đó là hành trình tự chữa lành chính mình của người phụ nữ ấy. Với mục đích ban đầu, khi còn chưa đặt bút thành văn, chỉ đơn giản là muốn dành tặng cho duy nhất một vị độc giả. Tôi xem nó là một lá thư gửi đến người ấy và hy vọng những con chữ sẽ thay tôi cất lên lời an ủi thầm kín, mong sao xoa dịu một phần nỗi đau mà người đã gánh chịu. Nhưng rồi cho đến khi đặt dấu chấm hết cho câu chuyện lần đầu tiên, tôi dần nhận ra, câu chuyện này có thể dành cho biết bao người nữa. Cứ như vậy, những ngày tiếp theo đó, tôi say mê, đắm chìm trong việc viết và chỉnh sửa, đây là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình hoàn thành tác phẩm này. Thông qua truyện ngắn “Mây qua triền núi”, tôi muốn gửi đi tình cảm yêu thương của chính mình dành cho tất cả những ai đã và đang trải qua những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Hơn hết nữa, đây là câu chuyện về việc “học cách bay trở lại khi đôi cánh đã bị bão giông đánh gãy” và cũng là câu chuyện về việc “học cách yêu thương người khác cũng như yêu chính mình”. Mong sao tác phẩm của tôi có thể giúp mọi người sau khi đọc xong sẽ cảm thấy tâm hồn mình được xoa dịu đi đôi chút!

Đối với riêng tôi, trại sáng tác dành cho thiếu nhi vào dịp hè là một ngọn gió lành phất qua cõi hoang tàn, thổi vào hồn người một luồng sinh khí mát mẻ. Ngọn gió dịu dàng thoáng qua làm náo động những mầm cây còn đang rụt rè nép mình dưới màn cát bụi. Giây sau đó đã thấy nơi ngọn gió ấy vừa đi qua, tàn tích được xếp lại dưới chân, muôn hoa đua nở khắp mọi đường. Và ngọn gió lành ấy sẽ tiếp tục mang tình yêu văn chương trải khắp bốn phương, cho đất nghèo nở hoa, cho trái tim người cười, cho nỗi buồn vơi đi… Từ ngọn gió đó sẽ nuôi dưỡng nên những người viết văn trẻ tài năng trong tương lai không xa. Đó là những con người ngoài say mê sáng tác ra, còn có kiến thức tốt, đạo đức tốt, được đào tạo bài bản và có cách tiếp cận vấn đề đa dạng, từ nội dung, đề tài đến giọng điệu thể hiện, để rồi một ngày nào đó khu vườn văn chương sẽ lại sinh sôi nhiều thêm những vần thơ, trang văn đi sâu vào lòng người.

Cầm bút viết văn cũng có thể được xem là một thiên chức cao quý. Những người sáng tác trẻ chúng ta, đã chọn cầm bút rỏ mực lên trang giấy trắng, thì phải đặt toàn “tâm” toàn “tài” vào đứa con tinh thần của chính mình. Còn cuộc sống muôn hình vạn trạng ngoài kia, bất kỳ nơi đâu cũng sẽ là chất mực dồi dào và tươi đẹp nhất. Khi văn chương đã cất lời thì đó là tiếng vọng thẳm sâu nhất từ giếng hồn nguyện ước của tác giả. Chúng ta viết văn không chỉ là để trải lòng mình với con chữ, đem hết buồn vui phẫn nộ thả vào văn chương để thấy lòng được thanh thản mà còn viết vì một người, vì mọi người với mong muốn dùng tác phẩm cá nhân làm thành lăng kính màu soi nên những vẻ đẹp đích thực của đời sống. Nhưng trước khi viết, chúng ta hãy là người học cách lắng tai nghe được những rung động tế vi nhất ở đời.

Với tất cả lòng biết ơn dành cho những người đã và đang tiếp tục tổ chức những trại sáng tác hè dành cho thiếu nhi thành phố trong suốt nhiều năm qua. Tôi luôn hy vọng những trại hè sáng tác trong các năm tiếp theo sẽ gặt hái thêm nhiều những tác phẩm đặc sắc và những cây bút tiềm năng! Với chúng tôi, những người đã vinh dự được tham gia trại viết năm nay sẽ luôn xem đây động lực tạo ra nguồn năng lượng và niềm tin gắn bó lâu dài với việc sáng tạo nghệ thuật!

N.Đ.N.Y