Cùng các em chắp lên "Đôi cánh của hy vọng"...

29.08.2024
Nguyễn Kim Huy

Cùng các em chắp lên "Đôi cánh của hy vọng"...

Sau chỉ hơn một tháng tham gia Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng hè năm 2024, 48 em có năng khiếu Văn học đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trong thành phố Đà Nẵng đã làm nên một kết quả khá bất ngờ: Các em đã hoàn thành được 112 tác phẩm, bao gồm 58 truyện ngắn, 6 tản văn và 48 bài thơ.

Ngoài tinh thần nhiệt tình tham gia, gắn bó với trại sáng tác, thì tình yêu văn chương và sự say mê nỗ lực sáng tạo với số lượng tác phẩm rất đáng ghi nhận là một tín hiệu vui rõ rệt mà các “nhà văn tương lai” đã đem đến cho trại năm nay. Truyện, thơ, tản văn của các em phần lớn đã mang dáng dấp của những tác phẩm văn học thực sự từ cách tìm tòi đề tài đến sự sáng tạo xuyên suốt qua kết cấu, ngôn từ nghệ thuật đến nội dung, vừa phong phú sôi động, đa chiều đa dạng mang được hơi thở nồng nàn trong lành đúng với “thế giới cảm xúc hồn nhiên” của các em, vừa có những tác phẩm đã gần như đạt đến sự hoàn chỉnh và có sức lan tỏa chân thực, mạnh mẽ, nhịp điệu tiết tấu dồn dập như muốn bung vỡ cảm xúc, thông điệp gởi gắm… Không gian, thời gian, các thủ pháp nghệ thuật không chỉ nằm ở thế giới trẻ thơ và những cung bậc cảm xúc hồn nhiên tuổi học trò, mà được các em say mê tìm kiếm mở rộng ra nhiều chiều. Hiện thực cuộc sống với những vấn đề chung từ tình yêu đất nước biển đảo, quê hương phố làng, gia đình, bạn bè, tình bạn tuổi học trò, tình yêu đầu đời… được đa số các em thể hiện chân thực, đầy xúc cảm; những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện tại, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lứa tuổi như quan hệ đồng tính, sự học và việc làm, thân phận của trẻ em có hoàn cảnh không may, quan hệ cha mẹ và con cái… cũng được các em quan tâm tìm hiểu. Rất nhiều truyện ngắn của các em đã được sáng tác với sự tiếp cận đề tài nghiêm túc, sáng tạo, mở ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ với những phong cách cấu tứ và ngôn ngữ vừa hồn nhiên trong sáng vừa mới mẻ, cuốn hút. “Đời bám biển” của em Đỗ Hoàng Bảo Thy (Lớp 8/1, Trường THCS Trần Quý Cáp, quận Cẩm Lệ) chọn đề tài gần gũi gắn với vùng biển Thọ Quang quê hương, kể câu chuyện giản dị về chàng trai tốt nghiệp đại học vẫn quyết chí nối nghiệp đi biển của cha ông bởi “trong trái tim tôi biển là nhà, là sự sống, là hơi thở và là cả cuộc đời”. “Hy vọng xanh” của em Phùng Thị Bảo Hân (Lớp 7/2, Trường THCS Nguyễn Văn Linh, quận Cẩm Lệ) từ bài học cay đắng sau khi thất bại một cuộc thi bơi do thói tự cao chủ quan đã lấy lại niềm tin với thông điệp muốn chia sẻ: “Hãy theo đuổi ước mơ của bạn đến cùng nhé”. “Mẹ con thằng Hùng” của Lê Hồng Anh (Lớp 10C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, quận Sơn Trà) là một câu chuyện có tính thời sự về sự kỳ thị, ác cảm, thành kiến phi lý gây nên bao sự ghét bỏ không đáng có giữa con người trong xã hội hiện nay, nhưng tình mẹ con hy sinh vị tha cao cả sẽ đem lại sự thấu hiểu, chia sẻ nhau giữa con người luôn có tố chất thiện lương. Đó là những trang văn gần gũi thực tế cuộc sống hằng ngày vẫn diễn ra sôi động bên các em, được các em nắm bắt những điều mình tâm đắc và biểu đạt bằng truyện để gởi gắm những thông điệp chân thực và đáng tin của mình. Nhưng có thể thấy điều đáng ghi nhận ở 112 tác phẩm văn thơ lần này là có nhiều em với tư cách là “tác giả” đã rất chú tâm và đề cập, thể hiện khá sinh động nhiều vấn đề rộng mở hơn, kết hợp khá tinh tế một hiện thực tự nhiên với những điều hư cấu bay bổng của trí tưởng và có ý thức nhằm đến những ý tưởng khái quát, triết lý đáng suy nghĩ từ cuộc sống con người ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai, liên tưởng và tạo dựng một không gian nghệ thuật khá rộng ở cả… phương Đông và phương Tây. Truyện ngắn “Hồ điệp” của em Đặng Công Minh (Lớp 9/2, Trường THCS Phan Bội Châu, quận Sơn Trà) lấy bối cảnh phương Đông với câu chuyện phân thân kỳ ảo của chàng gù Chiko khù khờ bất hạnh mang trong tâm hồn cô đơn một khát vọng cháy bỏng muốn được yêu thương chia sẻ, nàng Kazumi con vịt xấu xí đầy lòng hướng thiện đa cảm vị tha, tiểu thư Akiko đẹp xinh kiêu hãnh vắn số trong vô vàn những cánh hồ điệp, lan hồ điệp, bánh hồ điệp hiện diện lửng lơ khắp không khí truyện, có lẽ đã truyền đi một thông điệp có phần bí ẩn và đa nghĩa về thân phận con người và sự khao khát vươn đến hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp hoàn hảo cả về hình thức lẫn nội dung với một kết luận trung dung khá bất ngờ mà… có lý: “Thôi thì hãy cứ như bông hoa hướng dương hướng về phía mặt trời, rồi sẽ có lúc vẻ đẹp của chính mình được người khác đón nhận”. “Chuyện ngày nắng” của Nguyễn Đình Thảo Quyên (Lớp 11/1, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Liên Chiểu) lại đưa bạn đọc về thời xa xưa kỳ ảo tận thế kỷ XVII của những công tước, hiệp sĩ, tiểu thư ở phương Tây với nàng Emile Hirsch bệnh tật mang điềm báo dữ “quái vật” cho một dòng tộc quý phái bị xua đuổi từ lúc lọt lòng, rồ dại bướng bỉnh đến tuyệt vọng đã được khát vọng sống của chính mình, tình mẫu tử cao cả thiêng liêng của người mẹ - phu nhân Hirsch và sự tận tâm thấu hiểu chia sẻ của chàng trai Mela cứu rỗi một cách kỳ diệu.

“...Truyện kể rất tự nhiên, cách triển khai vấn đề tốt, không một chi tiết thừa. Mọi hình ảnh đều phục vụ cho mục đích của tác giả. Thông điệp sâu sắc. Tác phẩm này là một lát cắt của đời sống hiện tại, không chỉ thể hiện gương mặt và tiếng nói của thời đại mà còn gióng một hồi chuông cảnh báo với người lớn về sự thờ ơ và lãng quên rằng mình cũng từng là trẻ con. Kết truyện độc đáo” - là lời nhận định của nhà văn Lê Thị Lệ Hằng, thành viên Hội đồng thẩm định ngay khi vừa đọc truyện ngắn “Bức tranh về tương lai” của em Nguyễn Thị Gia Hân học sinh lớp 8/9, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Liên Chiểu. “Đôi cánh của hy vọng” của em Lê Khánh Hân, học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn, quận Ngũ Hành Sơn cũng là một trong những truyện ngắn thành công với một thông điệp đong đầy tình yêu thương, sự gắn bó sẻ chia cùng nhau nỗ lực vượt qua hoàn cảnh thương tật sau những tai nạn bất ngờ của một “cậu bé hạnh phúc” kết bạn cùng “chú chim bồ câu trắng muốt”  để cùng với những truyện ấn tượng khác tạo nên “Bức tranh về tương lai” của các em với lời tự nguyện cuối truyện của tác giả Nguyễn Thị Gia Hân thay cho ước nguyện chung của tuổi học trò thế hệ mình mong muốn được người lớn thấu hiểu “Tôi đã vẽ lại một bữa tranh. Có tôi - đang mặc một bộ vest với thân hình cao lớn và nhớ về tôi - một cậu nhóc tinh nghich. Phải, tôi sẽ là tôi, tôi sẽ sống đúng như cách tôi đã trưởng thành thành người lớn và không quên tôi đã từng là một đứa trẻ”. Và trong bức tranh tổng thể về văn học Trại sáng tác thiếu nhi Đà Nẵng năm nay, có bàng bạc một “Mây qua triền núi” của em Nguyễn Đức Như Ý, học sinh lớp 10/23, Trường THPT Phan Châu Trinh, quận Hải Châu gởi gắm cùng bạn đọc thông điệp về tình yêu thương, sự thấu hiểu chia sẻ và hy sinh cao cả sẽ vượt qua mọi nỗi đau, điều bất hạnh trong đời, với những câu văn có sức ám ảnh nhưng vẫn tươi trong ngay khi mở đầu truyện: “... Tôi rùng mình chợt tỉnh. Dường như tâm trí chưa hoàn toàn thoát ra khỏi giấc mơ... Những âm điệu mơ hồ chồng chéo lên nhau rung thành một hồi chuông cảnh báo không ngừng văng vẳng trong đầu. Giây tiếp theo những cơn đau buốt khó miêu tả lan ra khắp mình mẩy”...

Thơ từ Trại sáng tác lần này số lượng không nhiều so với mọi năm, chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng cũng cho thấy sự khởi sắc. Các bài thơ “Rừng” của em Trần Phan Tấn Vĩ (Lớp 11/9, THPT Ông Ích Khiêm, huyện Hòa Vang), “Đập cánh” - em Nguyễn Quang Vũ (Lớp 11/5, THPT Nguyễn Văn Thoại, quận Cẩm Lệ), chùm thơ  “Tháng bảy về”, “Người giáo viên”, “Người lính biển” - em Nguyễn Thiên Phước (Lớp 8/2, THCS Nguyễn Thị Định, quận Cẩm Lệ)... và nhiều bài thơ nữa cũng đã góp phần cùng văn xuôi tạo nên nhiều màu sắc trong các sáng tác văn học của Trại hè sáng tác văn học thiếu nhi năm nay.

Có thể nói, những kết quả trên là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các em. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, rõ nhất là một số em quá ham về số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, một số truyện và thơ có cách viết dông dài, dàn trải, ngôn ngữ thiếu sự chọn lọc gọt giũa; không chú ý xây dựng kết cấu chặt chẽ và phong cách ngôn ngữ súc tích, cô đọng, thiếu sự chọn lọc “chi tiết đắt giá” ở truyện và “từ thần” trong thơ, nhiều câu thơ còn khá dễ dãi, cũ kỹ, thậm chí sáo mòn, âm điệu tiết tấu không phù hợp với sự tươi trẻ dù đề tài phần lớn là tốt...

“Hãy theo đuổi ước mơ của bạn đến cùng nhé”, sau khi đọc những trang văn, những dòng thơ thực sự xúc động và có sức lan tỏa của các bạn trẻ tại trại sáng tác văn học thiếu nhi năm 2024 này, bỗng dưng tôi cũng muốn gởi lại các em lời nhắn nhủ tha thiết trên, rằng với niềm tin nếu còn giữ, còn theo đuổi  ước mơ, khi lớn lên còn tiếp tục dấn thân vào con đường văn chương, các bạn trẻ có triển vọng của thành phố Đà Nẵng hôm nay sẽ cùng nhau kiến tạo nên một “Bức tranh về tương lai” của Văn học Đà Nẵng và cả nước đậm sắc màu “Hy vọng xanh”, cùng nhau bay lên bằng “Đôi cánh của hy vọng”, dẫu ngày tháng mai kia “Mây qua triền núi” vẫn mải miết bay... Và con đường văn chương mở ra trước thế hệ các em cũng vẫn là con đường hạnh phúc nhưng nhọc nhằn, dấn thân vào là phải biết hy sinh, biết học hỏi và kiên trì nỗ lực hết mình mới mong có được sự may mắn thành công...

N.K.H