Dân ca nghi lễ của tộc người Cơ Tu xứ Quảng

29.08.2024
Văn Thu Bích

Dân ca nghi lễ của tộc người Cơ Tu xứ Quảng

Già làng Lê Quang Việt đang (85 tuổi, trú tại thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông  Giang, tỉnh Quảng Nam đang “khóc trâu” tại Lễ hội mừng lúa mới.

Người Cơ tu vùng cao Quảng Nam - Đà Nẵng có hai điệu hát nghi lễ: Điệu hát tế trâu và Điệu hát trong lễ tang.

  1. Điệu hát tế trâu Nơơi tơrí (Khóc trâu) trong lễ đâm trâu

Là một trong những điệu hát tế lễ của các tộc người miền núi sống trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Với người Cơ Tu xứ Quảng còn gọi là khóc tế trâu, tiếng khóc tiếc thương con trâu trong lễ hiến tế có ý nghĩa như vỗ về, gửi gắm tâm tư, nghe vừa huyền bí bi ai vừa sinh động. Đó là những câu hát chân chất, nỉ non thể hiện theo điệu Cơlâu và Cr’lới có dàn cồng chiêng trầm buồn đệm theo khắc họa tính linh thiêng của ngày hội đâm trâu.

- Đoạn 1. Hát theo làn điệu Cơlâu - ch’lêêng (chậm): Cho achâu chêê ve chêê ve bhơ achâu chêê ve za bang chêê ve. Cho achâu chêê ve chêê ve chêê ve. Ngai ajong amay cho mêi bhớ a hêê ve. Cho achâu chêê ve chêê ve Cho achâu ma chêê ve chêê ve rơ clức coh xa ch’bức meei châu. A dóch a jong ma ch’bức đha.

Nội dung: “Ơi trâu! Trâu thương, ơi trâu! Trâu quý, trâu của ta từng ăn cỏ trên đồi cao, dưới nắng mặt trời. Ơi trâu, trâu của ta....”.

- Đoạn 2. Hát theo làn điệu Cr’lới (nhanh):

Lời hát đang mộc mạc trầm buồn, gợi cho người nghe niềm tiếc thương vô hạn, thì bỗng nhiên giọng hát vút lên với tiếng hú gọi vang vọng hoà lẫn niềm vui trong lễ hội:

- Abang bhớ bang bhớ bhớ bhớ bhớ bhớ. Abang bhớ dô pơrhay bhớ. Abang abố nui. A đooong bhong đóch vếy hang à. A giong bhớ ô đhơơng noom ơ nui a đha’ na bhớ coh haanh Dang a loom dang đóch A lơng ơi, coh tu jong lơng aling.

Nội dung: “Ơ ơ ơ già làng! hỡi làng buôn hãy đến đây, rựa trong tay, giáo trong ta, ta dâng trâu này cho hội làng vui hôm nay”. (Người hát: A Tùng Vẽ - Sưu tầm: Văn Thu Bích)

  1. Điệu hát trong lễ tang gọi là hát khóc Cơ lâu - Ch’lêêng

Có thể là thiếu sót khi nói đến dân ca nghi lễ của tộc người Cơ Tu mà không kể tới điệu hát khóc Cơlâu có tiếng trống nhịp theo, dùng cho cả nam lẫn nữ hát khóc than người thân mới qua đời trong lễ tang, bài hát có nội dung ca ngợi thành tích và thương tiếc, miêu tả niềm vui và nỗi buồn lúc sinh thời của người quá cố, tưởng nhớ người đã khuất với tiếng hát bi ai đầy thương cảm, tiếc nuối. Riêng điệu Cơ liêng trong đám tang chỉ dành cho đàn ông hát hòa theo tiếng trống, không có chiêng, thanh la. Trong tang lễ, người Cơ Tu khóc bằng tiếng Cơ Tu và cũng kể lể giống như người Kinh.

Nhìn chung các bài dân ca nghi lễ Cơ Tu đậm tính hồi tưởng, tiếc thương trong các cuộc tế lễ như tế trâu, đám tang. Trong đó có một số làn điệu theo dạng ngẫu hứng nên phần mở đầu thường có các âm ô, ê, i… ngân dài tự do, có bài lại xuất hiện nhiều âm ngân vang khắc hoạ tiếng hú gọi, tiếng vọng khá tương phản với nỗi niềm tiếc nhớ của dân làng do ảnh hưởng địa hình có nhiều rẻo cao, vách núi, đại ngàn trùng điệp, thung lũng chập chùng.

Hiện nay tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc chỉ có nghệ nhân A lăng Xơ còn nhớ và hát được điệu hát tế trâu vì trước đây bà thường được Già làng chọn hát làn điệu này trong ngày hội đâm trâu. Bây giờ lễ đâm trâu bỏ đi nghi thức đâm con trâu thật vì bị cho là phản cảm. Dân làng chỉ làm trâu bằng gỗ rồi đội múa cồng chiêng vây quanh cột đâm trâu, làm động tác giả đâm vào trâu gỗ. Theo các già làng việc bỏ đâm trâu làm giảm bớt tính thiêng của lễ thức quan trọng nhất trong năm nên dân làng rất tiếc nuối. Sau buổi lễ tổ chức giết trâu nơi khác rồi nấu nướng mời những người dân có tham gia buổi lễ cùng ăn mừng. Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên 2 năm một lần mới tổ chức lễ đâm trâu ở xã Hòa Phú hoặc Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Một nét khác biệt dễ nhận biết là những điệu hát trong nghi lễ mang tính cá nhân riêng lẽ thì tầm âm hẹp diễn tả tình cảm thầm kín trong một không gian thu nhỏ hơn. Ngược lại, có những bài hát trong lễ hội cộng đồng khác khá quy mô của buôn làng, chủ yếu phô diễn phần tiết tấu mạnh mẽ với dàn cồng chiêng đông đúc nên giai điệu bị mờ nhạt, hơn nữa lại có âm vực rộng vì hát ngoài trời, không gian rộng lớn với tiếng nhạc cồng chiêng rộn rã vang xa.

Đáng lưu ý, có một vài làn điệu dân ca Cơ Tu có phảng phất âm điệu dân ca Chăm, điều này minh chứng cho hệ quả tất yếu của quá trình giao lưu - tiếp biến văn hóa giữa người Cơ Tu và người Chăm theo lịch sử đã ghi nhận: trước thế kỷ 15, miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng còn là một bộ phận của vương quốc Champa… Cùng với gần 20 làn điệu dân ca và khoảng gần 20 loại nhạc cụ truyền thống Cơ Tu phần nào đã phản ánh cuộc sống tinh thần phong phú của tộc người Cơ Tu. Chúng ta luôn xem đó là di sản quý giá trong kho tàng văn nghệ dân gian cuả các tộc người thiểu số nói riêng và của nước Việt nói chung cần được giữ gìn và kế thừa.

V.T.B