Tôi không thể... - Phạm Minh Giang

17.01.2013

Tôi  không thể... - Phạm Minh Giang

 

Ngôi nhà ấy có hai chị em. Chị là Mận. Em là Mơ. Bố là liệt sĩ chống Pháp. Mẹ cũng mất sau đó ít lâu. Ngôi nhà của hai chị em ba gian đắp tường đất, lợp rạ. Sau nhà là một vườn chè năm sào. Trong vườn là những cây chè lâu năm, có cây cao tới hai mét. Cây chè cao, lá chè xanh đậm và giòn. Hoa chè thơm mùi thơm mộc mạc chân quê...

Tôi là người xã bên. Tôi đang học lớp mười, năm cấp ba cuối cấp. Nhà tôi cách trường chục cây số nhưng tôi vẫn đi về và tham gia sinh hoạt với chi đoàn địa phương, tham gia ban chấp hành đoàn xã. Hôm ấy, tôi được giao nhiệm vụ đi mua chè xanh cho đại hội đoàn toàn xã... Nghe nói chè xanh làng Mét ngon nổi tiếng trong vùng, tôi mới quảy quang ró đến. Không biết tình cờ làm sao, tôi lại vào ngay nhà của hai chị em nhà này.

Trả tiền xong, vừa cất đòn gánh lên vai thì trời đổ mưa lớn. Tôi đành ngồi nán lại. Và, thế là tôi được biết tên hai chị em. Năm ấy tôi mười tám. Cô chị cũng mười tám, còn cô em mười sáu. Cô chị da trắng, tóc dài, đôi mắt to đen tròn. Cô em không kém cô chị về sức vóc nhưng đặc biệt là ở đôi mắt. Đôi mắt mơ màng như nước hồ thu. Thật không may cho ai trót nhìn vào đấy, có khi chết đuối trong đôi mắt của nàng... Đặc biệt nữa, hai chị em đều có giọng nói dịu dàng, êm như ru, nhẹ như gió thoảng mà lại nồng ấm lạ thường. Giọng nói như được ướp hương chè vậy.

Đang khát, tôi được hai chị em mời một bữa nước chè xanh. Trước đó, chỉ có ông bà, bố mẹ tôi nghiện chè xanh, còn tôi chưa một lần để ý. Nhưng từ bữa ấy, tôi thấy thích uống chè xanh, và rồi nghiện cho đến bây giờ. Chè xanh làng Mét nấu bằng nước mưa hứng trong chum sành dưới gốc cây cau trước nhà hãm bằng tích sứ Hải Dương trắng muốt – thật không có gì ngon bằng!

Hai mươi tuổi, tôi cưới Mận làm vợ. Ngôi nhà của hai chị em còn lại có Mơ.

Vợ chồng tôi ăn ở với nhau được ba tháng thì tôi phải lên đường tòng quân.

Tôi cũng mồ côi bố mẹ. Mận cũng mồ côi bố mẹ. Cho nên trước ngày tôi lên đường, Mận xin được về sống với Mơ để tiện việc hai chị em chăm sóc vườn chè. Còn ngôi nhà bên nội thì tháng đôi lần Mận sẽ về thắp hương cho các cụ rồi lại sang bên ngoại với em. Tôi đồng ý.

Sau ba tháng huấn luyện tân binh, tôi được cử đi học lái xe. Trong thời gian học, nhân một chuyến công tác, tôi được về tranh thủ mấy ngày. Tôi rất mừng được biết vợ tôi đã có mang sáu tháng.

Tôi định bụng hết khóa học sẽ về nhà xem con tôi là trai hay gái. Tôi viết thư về cho vợ rồi. Nếu là trai sẽ đặt tên là Hòa. Nếu là gái sẽ đặt tên là Bình. Hòa Bình. Đó là khát vọng của vợ chồng tôi, cũng là khát vọng của mọi người.

Buổi chiều vừa tổng kết khóa học xong. Tôi định bụng sáng mai sẽ lên báo cáo xin về một ngày. Bất ngờ, hai giờ đêm có lệnh báo động. Tất cả chúng tôi được lệnh hành quân gấp tới địa điểm X. nhận nhiệm vụ mới. Mỗi người chúng tôi được nhận một xe làm nhiệm vụ chở hàng ra mặt trận. Tôi được nhận chiếc Zin-khơ ba cầu làm nhiệm vụ chở đạn.

Cứ đêm đi ngày nghỉ ròng rã tới gần hai tháng trời, đoàn chúng tôi đến một khu rừng, sau này mới biết đó là một khu rừng thuộc tỉnh Tây Ninh. Rồi tôi được biên chế vào một đơn vị Quân Giải Phóng.

Rừng âm u. Khói lửa mịt mờ. Cánh “xế” chúng tôi chủ yếu làm việc ban đêm. Vì thế, tôi cũng chẳng nhớ thời gian đã trôi đi bao nhiêu lâu nữa. Hình như bốn năm hay năm năm gì đấy. Đột nhiên, tôi có lệnh được giao xe chở thương binh ra Bắc.

Tôi vui đến ngỡ ngàng. Tôi định bụng nhất định sẽ trở về nhà để gặp Mận và con dù chỉ là một phút.

May quá, trại thương binh tôi đến giao quân cách nhà tôi có hơn hai mươi cây số. Tôi có nhiệm vụ bàn giao thương binh xong, sớm mai lại nhận lệnh chở đoàn cán bộ vào Nam gấp. Vì thế, giao thương binh xong, mặc dù trời tối, anh em trong trạm mời than mời vã ăn cơm, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Tôi gửi xe ở trạm rồi khoác vội ba lô, nhằm hướng quê nhà, thẳng tiến.

Qua con đường quốc lộ, một đoạn huyện lộ, qua một cánh đồng là đến làng tôi. Nhà Mận nằm ngay ở đầu làng. Bấy giờ là khoảng mười một giờ khuya. Xóm làng yên tĩnh lạ. Không một tiếng chó sủa. Không một tiếng mèo kêu. Không một ánh đèn.

Nhà Mận (tức là nhà tôi) đây rồi. Mái nhà lợp rạ lặng im nổi lên trên nền trời đêm. Xung quanh là vườn chè. Bốn bề im phăng phắc.

Tôi đứng trước cổng nhà. Trống ngực tôi đập thình thịch.

Tôi nhẹ nhàng gỡ sợi dây thép buộc cánh cổng tre ra rồi nhẹ nhàng dịch bó chè rào tre chèn cổng ra, khẽ khàng đi vào trong sân, rồi lên hè...

Tôi đứng tần ngần ngoài cửa một lúc. Cửa vào nhà cũng bằng tre. Tôi gõ cửa:

- Cạch. Cạch. Cạch...

Không có tiếng trả lời.

- Cạch. Cạch. Cạch...

Một giọng nữ vọng ra:

- Ai đấy?

- Anh đây! Anh Lâm đây!...

Chừng mười lăm phút sau, cánh cửa hé mở. Và bóng một người phụ nữ hiện ra.

- Anh Lâm! Anh Lâm thật rồi!

Đúng là Mận của tôi đây rồi! Cái giọng nói dịu dàng nồng ấm làm sao!

Tôi đẩy cửa vào nhà. Trong ánh sáng lờ mờ ban đêm, tôi vứt phịch ba lô xuống nền nhà rồi lao đến ôm chầm lấy người phụ nữ ấy.

Người ấy hình như đẩy tôi ra và nói: Anh Lâm. Anh Lâm.

Không! Đúng là Mận của tôi rồi. Cái giọng nói dịu dàng không lẫn vào đâu được. Tôi càng ôm riết lấy Mận. Tôi hôn tới tấp lên môi, lên má, lên cổ, lên tóc Mận. Rồi Mận cứ mềm nhũn đi trong vòng tay của tôi. Mận lả người đi trong vòng tay của tôi.

Có lẽ đến chừng hai mươi phút. Người ấy như bừng tỉnh cơn mê, đột ngột đẩy mạnh tôi ra và nói thật nhanh:

- Anh Lâm. Anh Lâm. Em là Mơ. Chị Mận đi tập huấn ở Hà Nội, đưa cả thằng Hòa đi, ba tháng nữa mới về...

Tôi bàng hoàng cả người. Hóa ra đây là Mơ, em gái Mận. Sao mà tiếng nói hai chị em lại giống nhau như thế?

Tôi vội vàng nói:

- Anh xin lỗi Mơ. Là vì anh nhớ mẹ con Mận và em quá chừng. Năm năm rồi còn gì...

Thế rồi Mơ đi nhóm bếp nấu cơm cho tôi. Em còn luộc rau muống, kho trứng nữa. Ánh lửa bập bùng được nhóm lên từ bàn tay của một người con gái trong căn bếp quê nhà trong đêm đông mới ấm áp làm sao! Ánh lửa. Ánh lửa...là khát vọng của con người!

Cơm nước xong đã quá nửa đêm. Vì phải lái xe nhiều ngày lại phải đi bộ hơn hai mươi cây số, người tôi thấm mệt. Tôi lăn ra ngủ không còn biết giời đất gì nữa.

Tôi mơ thấy mình đang bay trên mây. Những đám mây trắng, mây vàng, mây xanh mượt mà, nõn nà như tóc người con gái. Mà sao mây lại có mùi lá chanh, lá bòng...Tôi ôm lấy những đám mây trên trời...Chân tôi chới với, chới với...Tôi bừng tỉnh.

Một mái tóc của người con gái thơm nức mùi lá chanh, lá bưởi phơ phất trước mặt tôi. Mơ...Đúng là Mơ đang ngồi bên giường tôi...

Tôi không tài nào cưỡng lại được. Tôi ôm lấy Mơ. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau một lúc...

Năm năm trời trong rừng Trường Sơn đói khát mọi thứ và đói khát nhất là tình cảm đối với người con gái...Không thể giấu lòng mình rằng cái mùi thơm con gái của Mơ đã hấp dẫn tôi đến như thế nào...

Nhưng, nghĩ đến Mận và con, tôi không thể nào làm như thế được. Không! Không thể làm như thế được!...Tôi từ từ hôn lên trán Mơ rồi dứt khoát đứng dậy.

Trời đã tang tảng sáng. Tôi cầm tay Mơ và nói nhỏ:

- Chị em Mơ và cháu ở nhà mạnh khỏe nhé. Anh phải đi.

Tôi thương Mơ lắm, nhưng tôi không thể...Bằng một động tác quân sự, tôi mạnh dạn khoác ba lô lên đường.

Mơ chạy vèo ra ngõ kéo tay tôi và khóc nấc lên.

Không! Tôi phải dứt khỏi vòng tay của Mơ, rảo bước về phía con đường lớn.

Hòa bình. Tôi trở về quê với một thân hình còm nhom và nhiều vết thương trên người. Vợ tôi khi ấy là giáo viên trường cấp hai thị trấn. Con trai của chúng tôi - thằng Hòa - đã mười tuổi.

Tôi giật mình thấy trên bàn thơ có ảnh của Mơ. Mận kể lại rằng trong một trận chiến đấu đánh trả lũ giặc trời để bảo vệ cây cầu huyết mạch của quê hương, Mơ là chiến sĩ tự vệ đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng.

Mười năm sau, tôi vẫn không có khả năng giúp Mận sinh thêm được một đứa con nữa tên là Bình. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng đứa con thứ hai sẽ đặt tên là Bình.

Thế là Hòa Bình mới được một nửa. Hòa Bình đã phải trả bằng bao nhiêu máu xương của những người không trở về và cả những mất mát đau thương của những người còn đang sống.

 

 

                                                                                                                                                                                                                                          P.M.G