Giải minh vài quan điểm văn học - INRASARA
1. Thơ hay là thơ gây xúc động
Vô chiêu thắng hữu chiêu. Đâu cần phải theo khuynh hướng nào đó, bởi thơ hay đọc lên thấy hay ngay vì nó gây cho ta xúc động.
Phát ngôn đầy cảm tính này xuất hiện thường xuyên trên các bài báo, tiểu luận và phê bình văn học. Câu hỏi: thế nào là vô chiêu? Paul Klee phải “học” và “tập” nhuần nhuyễn mọi thủ pháp các trào lưu hội họa Đông Tây (hữu chiêu), sau đó mới “học” quên tất cả để trở thành “vô chiêu”. Vô chiêu không phải không có ngón võ nào trong túi!
Tiếp, thế nào là xúc động? Các bài thơ của TTKh. đã xin được nước mắt bao nhiêu độc giả thời Tiền chiến, nay còn có thể không? Ai dám bảo một phát ngôn tưởng khô cằn “Je est l’autre” của thần đồng thơ đất Pháp A. Rimbaud không làm xúc động lòng người? Dẫu bao khác biệt về quan niệm, sự thành công của nghệ thuật trong đó có thơ ca là thỏa mãn kẻ thưởng ngoạn. Xưa, thơ chở đạo và nói chí, một tác giả thành công là kẻ nói lên được ý chí và đạo đức của người cùng thời. Thời Thơ Mới, thơ bộc lộ tình cảm riêng tây của thi sĩ; một khi tình cảm đó tìm thấy tiếng nói đồng thanh đồng khí với tình cảm người đọc, có thể nói bài thơ ấy hay. Chủ nghĩa siêu thực thì khác: nó đòi hỏi nhà thơ phải nói lên được bề tối của hiện thực, phần vô thức khuất lấp của tâm thức con người. Vân vân...
Thơ cần gây xúc động, nhưng xúc cảm riêng thì khác với xúc cảm chung, xúc cảm thuần tình cảm thì khác cả vực thẳm với xúc cảm mang tính trí tuệ. Và trí tuệ cũng tùy thuộc vào cấp độ và quan niệm về cái đẹp nữa...
Thời đại khác, thơ khác, cách đọc thơ cũng phải khác. Không thể trách, khi Huỳnh Thúc Kháng phản đối quyết liệt thơ Lưu Trọng Lư, bởi ngay người cùng thời như Xuân Diệu cũng đâu chấp nhận thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi. Nhiều nhà thơ tài năng Việt Nam cùng thế hệ không cho thơ Đinh Linh, Bùi Chát là thơ, chứ đừng nói là thơ hay.
Họ là trí thức đồng thời là cây bút hàng đầu, tại sao? Không phải ở hay hay dở, mà chính bởi sự khác biệt thuộc phạm trù mĩ học sáng tạo.
Và, thế nào là hay? Có ba loại nhà thơ: Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường, thơ Mực tím, Áo trắng, Nhà thơ “tiếp hiện” ở tư thế “tiếp nhận” các thành tựu gần, và “thể hiện” vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, và Kẻ sáng tạo luôn trên đường khám phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.
Cả ba loại trên, nếu có “tài”, họ đều “hay” cả, “hay” trong chính dòng mình.
Ba dòng thơ kia chẳng những không chết mà tồn tại đồng thời, vì cả ba đều có ích cho bộ phận độc giả nhất định. Chúng có mặt là điều cần thiết. Còn nếu ba nhà thơ thuộc ba loại này quay lại lườm nguýt hay chống nhau, thì đó mới thành vấn đề. Mỗi loại chỉ có thể phê phán sự “dở” trong chính dòng của mình, thì sự chống kia mới thích đáng và cần thiết. Kẻ sáng tạo phát ngôn chống thơ câu lạc bộ thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió - thậm vô ích. Ngược lại, nhà thơ “tiếp hiện” nghĩ rằng mình đang “sáng tạo” thì không gì đáng phiền hơn.
2. Yếu tố không làm nên chủ nghĩa
Tại sao cứ phải chủ nghĩa này với trường phái nọ, không có chúng không được sao? Nếu bảo giễu nhại là hậu hiện đại thì Hồ Xuân Hương hay Tú Xương, thậm chí gần đây thơ Bút Tre đã hậu hiện đại lâu rồi...(1)
Đó là phát biểu thường gặp đây đó. Nhưng có vài yếu tố “hậu hiện đại” trong tác phẩm khác hẳn với sáng tác theo chủ nghĩa hậu hiện đại. Hậu hiện đại là một trào lưu văn hóa lớn, nó khác với các phong trào văn nghệ thuần túy như trào lưu siêu thực hay tượng trưng chẳng hạn. Ngay ở các phong trào này, sự xuất hiện một, hai yếu tố trong tác phẩm nào đó không đảm bảo nó được viết theo trào lưu đó. Có thể tìm thấy ở Truyện Kiều không ít yếu tố hiện thực huyền ảo, siêu thực, tượng trưng, lãng mạn... nhưng Nguyễn Du không sáng tác theo các trường phái kia.
Để có thể được gọi là một nhà văn hậu hiện đại, điều kiện tiên quyết là người viết cần có “cảm thức” hậu hiện đại, từ đó hắn nhìn hiện thực bằng con mắt hậu hiện đại, “hành động” đầy tính hậu hiện đại, sau cùng hắn biết vận dụng nhuần nhuyễn [và sáng tạo] nhiều thủ pháp hậu hiện đại trong các sáng tác của mình.
Việt Nam thiếu truyền thống triết học, chưa có thói quen sản sinh ra trường phái văn nghệ mới, cho nên việc tiếp thu từ bên ngoài là điều cần thiết. Trào lưu, chủ nghĩa hay nhóm văn học các loại không là gì cả, nếu chúng không làm nên giá trị, nhiều người nghĩ thế - không sai. Thế nhưng, cho dù không làm nên thành tựu, chính sự có mặt của chúng tạo khả năng khuấy động đời sống văn học, sẵn sàng cho một nền văn học đầy ý thức phiêu lưu khai phá và sáng tạo.
3. Hiện đại và hậu hiện đại
Có nhiều yếu tố hậu hiện đại có mặt ở hiện đại rồi, nên hậu hiện đại thực ra chỉ là tiếp nối hiện đại hoặc một khái niệm giả không tồn tại...(2)
Nếu chủ nghĩa hiện đại modernism xuất hiện ở thời điểm cuối của thời kì hiện đại mà cao điểm của nó kéo dài từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thập niên 40 và kết thúc vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, thì chủ nghĩa hậu hiện đại postmodernism gần như có mặt cùng lúc với thời kì hậu hiện đại postmodernity: đầu thập niên 70 của thế kỉ trước. Từ đó, hậu hiện đại trở thành một trào lưu văn hóa rộng lớn phát triển và lan truyền ra khắp thế giới, từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mỹ La tinh và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,...
Hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, việc làm mờ biên giới giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,... được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.
Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa, là điều không khó nhận thấy. Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng tư tưởng, hành động và thái độ.
Có thể nói, chữ DE giải mã hóa được tất cả khía cạnh của vấn đề hậu hiện đại: trong sống, từ lối nghĩ cho đến ứng xử hay hành động; trong văn chương, từ thủ pháp cho đến giọng điệu...
Hậu hiện đại cảm nhận thế giới như là hỗn độn chaos; con người bất tín nhận thức epistemonogical từ đó dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin vào đại tự sự grand narratives. Hành động cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm hay phi tâm hóa decentralization, de-centring; nó quyết đạp đổ mọi bức tường ngăn mang tính phân biệt đối xử ở mọi dạng thức, cấp độ.
Lối viết đặc trưng của hậu hiện đại là giễu nhại parody (khác với mô phỏng pastiche); tinh thần văn phong của nó là tính phi nghiêm cẩn unseriousness; còn về hình thức, hậu hiện đại xóa nhòa ranh giới phân biệt thể loại; vô phân biệt đề tài cao cấp hay thấp cấp, ngôn ngữ thông tục hay sang trọng,... nhưng không vì thế mà nó tự biến mình thành sản phẩm văn nghệ thứ cấp dành cho giới bình dân phổ thông. Về tư duy và ý niệm, hậu hiện đại không câu nệ hay bó buộc vào một “định hướng” hay “định tính” nào bất kì. Hậu hiện đại mà chỉ biết có hậu hiện đại thì hết còn là hậu hiện đại, là thế.
4. Tân hình thức và hậu hiện đại
Không ít nhà phê bình Việt Nam lẫn lộn giữa trào lưu thơ tân hình thức và chủ nghĩa hậu hiện đại(3).
Tân hình thức New Formalism Poetry là một phong trào thơ xuất hiện ở Mỹ vào thập niên tám mươi, phát triển vào những năm 90 của thế kỉ XX, “chủ trương bởi một số những nhà thơ trẻ sáng tác theo thể luật truyền thống”. Thơ Tân hình thức Việt do nhà thơ Khế Iêm khai mào trên tạp chí Thơ (Hoa Kì) năm 2000, truyền bá vào Việt Nam được các nhà thơ Sài Gòn tiếp nhận. Thơ tân hình thức Việt phát triển mạnh trong khoảng năm năm đầu thế kỉ. Hậu hiện đại Việt xuất hiện sớm hơn - vào những năm cuối thế kỉ trước, gồm cả thơ và văn xuôi - sau đó vẫn phát triển mạnh, mạnh - cả khi phong trào tân hình thức lắng xuống vào năm 2005.
Tân hình thức “kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt”(4). Vần và lặp lại, vắt dòng, hiệu ứng cánh bướm và tính truyện là các thủ pháp chính của tân hình thức. Tân hình thức là trào lưu như các trào lưu văn nghệ thuần túy khác (siêu thực hay tượng trưng).
Hậu hiện đại thì khác hẳn. Xét riêng về thủ pháp, “hoàn cảnh” hậu hiện đại khác, môi trường và điều kiện tiếp xúc khác, cho nên các thủ pháp hậu hiện đại cũng được các tác giả hậu hiện đại Việt Nam tiếp nhận và chế biến hơi khác so với hậu hiện đại thế giới.
Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy, hậu hiện đại nghĩ khác. Lấy chất liệu từ báo chí, không ngại sử dụng chính văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Về ngôn ngữ cũng không khác gì: tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ thật nên thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong các sáng tác của mình, vô phân biệt từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục.
Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là một cách dùng độc trị độc, đánh thức ý thức tự phản tỉnh của người viết và người đọc.
Lịch sử không đáng tin cậy, cả lịch sử cá nhân được kể lại qua dạng “hồi kí”, tự thuật. Qua bài “Hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng”, Phan Bá Thọ chế biến tiểu sử Hemingway lẫn Phạm Duy với nhiều chi tiết thật giả lẫn lộn, trong đó giả nhiều hơn thật. Đó là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction.
Không chỉ mỗi ngôn ngữ, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng các chất liệu khác để làm thơ. Thơ cụ thể concrete poetry của Lê Văn Tài ở “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Nguyễn Hoàng Nam với thơ graphic. “Những ngày vô cảm” sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng, thế kẹt Mã điền, những nội dung “thời của tốt đen” và “anh hùng mạt vận”... Đinh Linh và Đỗ Kh. có thơ photo và thơ video.
Lâu nay, vần trong truyền thống thơ Việt là nguyên âm hay nguyên âm kết hợp phụ âm cuối, Đặng Thân nghĩ: Tại sao không thể sử dụng thi pháp lặp lại là phụ âm đầu? Nghĩ là làm. Thế là nhà thơ này dành nguyên tập Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi] để chế tác thơ kiểu này.
Không ít tác giả viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đinh Linh (“La đi man ô li din”) và Đặng Thân (“Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]”) còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ - văn xuôi - tiểu luận.
Cuối cùng, nghệ sĩ là phải độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó. Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này làm nguyên tập thơ nghĩa Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng khác.
Nhìn một cách tinh yếu, tinh thần hậu hiện đại tiềm ẩn trong truyền thống tư tưởng Đông phương, mà Tây phương - trong truyền thống của họ - đã khai mở theo cách thế khác, nói bằng ngôn ngữ khác. Nên có thể nói, hậu hiện đại đã chảy trong máu chúng ta. Vì vậy, kẻ sáng tạo hôm nay không cần thiết phải đi hết hiện đại [Tây phương] mới có thể tiếp cận hậu hiện đại. Tính “hậu hiện đại” postmodernity luôn có sẵn trong người Việt Nam, hay ít nhất, ở miền Nam. Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội. Và phần nào đó, nó đã như thế.
(1) Nguyễn Hòa: “Nếu lấy giễu nhại làm đặc trưng của hậu hiện đại thì Rabela (sic) giễu nhại gần mười thế kỷ rồi”. (“Tổng kết Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung - ứng khẩu tại hội trường và bế mạc”, Vanvn.net, 09/10/2011).
(2) Nguyễn Văn Dân, “Chủ nghĩa hậu hiện đại - tồn tại hay không tồn tại”, Lyluanvanhoc.com, 29/9/2011.
(3) Nguyễn Chí Hoan: “Một nhánh đi mới đây của xu hướng thơ cấp tiến là “thơ tân hình thức”, được xem là một sản phẩm mang tinh thần “hậu hiện đại” rõ rệt nhất của ngôn ngữ thơ ca” (“Thơ, những đụn cát vô hình”, báo Văn nghệ trẻ, 20/2/2011).
(4) Khế Iêm, Vũ điệu không vần, NXB Văn học, H., 2011, tr. 252.