Quận Cầu, quận Đường - Phạm Thuận Thành

17.01.2013

Quận Cầu, quận Đường -  Phạm Thuận Thành

 

Làng Bưởi Nồi như một bán đảo bởi con sông Bái bao bọc. Đất chật người đông, người Bưởi Nồi cứ truyền đời cắm mặt dát đồng kiếm ăn. Tiếng búa rền đến tre cũng còi cọc không lớn được. Con đường thông thương lên huyện, lên tỉnh, lên kinh cách trở đò sông Bái thật cách rách. Mơ ước có được cây cầu cứ cháy bỏng trong lòng dân làng.

Một năm vào đám, quan viên ba làng Bưởi khác đến tế giao hảo chẳng may bị đắm đò, quần áo ướt hết cả khiến cụ tiên chỉ than thở:

- Bao giờ làng mới làm nổi cây cầu. Ai mà làm được cầu làng sẽ cầu thánh cho làm quận công.

Một “ông đám” tuổi thiếu niên nghe vậy hăng hái đứng lên thưa:

- Tôi hứa sẽ làm được cây cầu mơ ước ấy.

Tan hội làng lại cắm mặt dát đồng kiếm ăn. Lời thề cá trê chui ống, tin gì lời nói của đứa trẻ con. Dân làng nghĩ vậy. Thế nhưng chàng trai thì rất nhớ lời thề. Nhưng tiền đâu làm cầu? Cứ dát đồng thì chỉ đủ ăn thôi. Phải học để làm quan, hưởng lộc lớn của triều đình thì mới làm nổi cây cầu hứa. Chàng quyết chí tìm thầy tu văn tích võ. Một mình chàng đi riêng một đường. Khi thấy văn võ đủ dùng chàng xin vào hầu trong phủ Chúa. Trong một lần tháp tùng Chúa thị sát đấu võ, thấy mấy viên chưởng cơ ra quyền chẳng có gì đặc sắc chàng trai có lời bình phẩm. Chúa nghe thấy hỏi:

- Bay là lính sao dám có lời nhục mạ cấp trên?

- Khải Chúa, con nói thật đấy ạ.

- Thế bay có dám đấu võ với họ không?

- Nếu Chúa cho phép con xin được hầu ạ.

Chàng trai được lệnh đấu với viên chưởng cơ nhất. Đây là viên tướng có môn đánh thương rất lợi hại và đã thắng tất cả các chưởng cơ khác. Theo lệ có đấu thương trên ngựa, đấu võ tay không và đấu võ có binh khí tự chọn.

Trận đầu đấu thương trên ngựa. Chàng trai không quen cưỡi ngựa nên vừa xáp trận đã ngã lộn xuống đất. Viên chưởng cơ sấn tới đâm. Chàng trai lăn tròn trên đất tránh. Chúa hạ trống cho chưởng cơ thắng.

Trận hai đấu võ tay không. Đường quyền phái Nam Hồng Sơn. Đòn đánh mạnh nhưng thiếu sự mềm dẻo và kín kẽ. Chàng trai né tránh tìm sơ hở. Thấy vậy chưởng cơ đánh rát hòng giành trận thắng thứ hai. Đúng lúc chưởng cơ ra đòn tay đánh thẳng vào ngực đối phương thì bất ngờ chàng trai xoay người phóng cú đá trúng bụng. Chưởng cơ khựng lại chịu đòn. Nhanh như chớp chàng trai song phi tung cú đá bạt đúng quai xanh khiến chưởng cơ đỏ sấp mặt xuống đất. Chúa liền hạ trống cho chàng trai thắng.

Trận ba đấu võ có binh khí tự chọn. Chưởng cơ lại lấy thương. Chàng trai chọn cặp song trượng. Đây là vũ khí ưa thích của họ Tần thời Đường. Chưởng cơ bị hạ đo ván nên thận trọng hơn. Đường thương có công có thủ. Trận đấu khá cân bằng. Chàng trai càng đánh càng hăng, dần dần dồn chưởng cơ lui vào góc võ đài. Tuy nhiên chàng trai vẫn không thể giành chiến thắng vì đường thương điêu luyện của đối phương. Thấy vậy Chúa hạ trống cho hòa.

Hai người đến trước Chúa bái tạ. Chưởng cơ nói:

- Mạt tướng đã làm mất quân uy, xin Chúa cứ trách phạt.

Chàng trai nói:

- Khải Chúa, tướng quân có chút nhường nhịn, con không dám nhận phần hơn.

Chúa cười bảo:

- Nghề binh có thắng có thua. Các ngươi hãy gắng luyện tập hơn nữa để cùng thắng trên chiến trường.

Chàng trai được phong ngay chức chưởng cơ nhất cai quản cấm binh phủ Chúa. Được gần gũi Chúa nên chàng học thêm nhiều điều về cách dùng binh, thường có lời bàn hợp ý Chúa. Chúa mừng thăng chàng tước Kiều Lộc bá và cho dự bàn việc quân.

Thời kì này quân Chúa Nguyễn ở đàng trong có tướng giỏi đang thắng lớn nên Chúa cần tướng giỏi cho Nghệ An. Viên tưởng trẻ nói:

- Nếu Chúa tin tưởng mạt tướng xin được ra trận.

- Ngươi đi ta yên tâm lắm. Ngươi có điều gì cầu xin không?

- Khải Chúa, mạt tướng xin được lĩnh trước bổng lộc ba năm ạ.

- Ngươi cần tiền làm gì vậy, sợ quân lương không đủ à?

- Dạ không, chả là mạt tướng hồi nhỏ có hứa làm cầu cho làng, hiềm nỗi không có tiền, nay Chúa cho lĩnh trước ba năm thì đủ làm cầu ạ.

Chúa rất hài lòng có được viên tướng trọng tình với dân làng lại dám xả thân vì nước như vậy.

Chàng trai đem tiền về giao cho dân làng làm cầu rồi vội cáo từ để kịp ngày xuất quân. Không ngờ quân chưa kịp xuất đã phải dùng ngay. Quân Nguyễn lợi dụng gió Nam đưa thuyền lớn đánh phá kinh thành. Chúa liền phong chàng trai chức Đô đốc thiêm sự Tiết chế ngũ doanh bảo vệ kinh thành. Viên mãnh tướng được dịp trổ tài, tha hồ tung hoành trận mạc khiến quân sĩ nức lòng tiến bước. Trận Hàng Đào quân Nguyễn thua to, máu chảy trôi chày, số còn lại vội lên thuyền tháo chạy. Được tin thắng trận Chúa khen: “Công Hiệp thật là văn võ kì tài, là môn hạ giỏi của ta, là tâm phúc của ta”. Chúa đặc cách phong chàng là Phụ quốc thượng tướng quân, tước Gia quận công.

Gia quận công được về phép để vào Nghệ An nhận chức trấn thủ. Bấy giờ đã cuối tháng giêng. Lần này về quê Gia quận công được thả bộ trên cây cầu mơ ước. Cầu dài 11 gian kiểu “thượng lâu hạ kiều”, cao to vắt ngang sông. Gia quận công kính cẩn chắp tay xá:

- Thưa các vị trưởng lão, tôi được thăng quan tiến tước là nhờ phúc ấm của thánh thần làng ta. Nay mai tôi đi Nghệ An cuộc chiến còn khốc liệt lắm, chưa biết khi nào về lại quê nhà, tôi xin cấp toàn bộ lương bổng để sửa đình và chia đều mỗi khẩu một quan tiền để cùng ăn tết lại với tôi cho vui vẻ.

Quả nhiên sau lần về quê ấy Gia quận công vào Nghệ An giữ đất quyết liệt suốt bảy năm liền không về thăm quê lần nào. Sau đó ông bị chúa Hiền bắt giam ở Thái Cam đến lúc chết. Dân làng Bưởi Nồi thương tiếc tôn làm thần, dựng tượng Gia quận công thờ cúng.

***

Từ khi có cây cầu dân làng Bưởi Nồi làm ăn khấm khá hẳn lên. Thế nhưng cầu thì đẹp, đường thì vẫn nhỏ hẹp, lầy lội khó đi. Nhân lễ tế Gia quận công, cụ tiên chỉ nói:

- Ai mở được đường to như đường cái quan hẳn thánh làng ta lại phù hộ cho làm quận công.

Có một học trò nghèo là Nguyễn Danh Thực bước ra khẳng khái nhận:

- Tôi xin làm theo quan quận nhận lời mở đường cho làng ta.

Nhà Danh Thực mẹ góa con côi nên rất nghèo. Mẹ thường bị người ta quấy rầy nên Thực quyết chí học hành thành đạt. Nay nhận lời với dân làng Thực càng như mũi tên đã đặt trên cung, vừa cúi mặt gò đồng vừa cúi mặt học chữ. Mỗi nhát búa là một con chữ đóng chặt vào đầu. Khoa thi Kỉ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ thứ hai Danh Thực đi thi đỗ đến thám hoa. Sau đó ông được làm quan ở Viện hàn lâm. Đỗ hàng tam khôi làm quan trong triều mà Danh Thực lo về lời hứa lắm vì lương bổng chỉ đủ chi dùng cho gia đình. Làng cũng đã mấy lần cử người ra mừng thăng quan, tuy không giục chuyện làm đường mà ông vẫn phải ra mặt khất.

Ít lâu sau đến kì thi hội, Danh Thực được cử làm giám khảo. Biết tin nhiều người mang vàng bạc đến cửa sau nhờ cậy. Ông đều khéo léo viện cớ từ chối. Người ta lừa lúc ông đi vắng để nhờ bà nhận tiền nói giúp. Buổi tối bà hồ hởi báo:

- Ta có tiền làm đường rồi.

- Ở đâu ra thế?

- Hôm nay có mấy người xưng là học trò thành đạt của ông đến biếu, gọi là tạ ơn thầy. Họ cứ xuýt xoa thầy sống thanh bần quá.

- Chết rồi, đó là họ mua sự thành đạt đấy. Bà hãy tìm cách trả người ta và khuyên người ta chịu khó học, có tài đến đâu thì dùng đến đó hộ tôi nhé.

- Nhưng tôi đã gửi tiền về cho lí trưởng rồi.

- Thế thì tôi phải về quê ngay.

Danh Thực tức tốc thuê xe về làng. Lí trưởng và mấy vị kì mục đang họp bàn chuyện làm đường. Danh Thực thi lễ xong nói ngay:

- Phiền ông lí cho xin lại tiền. Thú thực với các vị đây là tiền bất nghĩa tôi không thể giao cho làng được. Nền học nước ta đang vào buổi suy đồi, chuyện mua bằng mua quan trở nên phổ biến quá. Họ mua tôi không được nên quay sang mua nhà tôi bằng nhiều lí do không thể không nhận. Nhà tôi không biết nên trót nhận, chính là số tiền này đấy ạ. Còn chuyện làm đường tôi sẽ hết sức cố gắng nhưng không vì lời hứa mà bán mình được, chắc ông lí và dân làng cũng đồng tình với tôi như vậy chứ.

Vâng, đã thế thì quan thám cứ cầm tiền trả lại cho người ta. Đâu ngờ quan to như quan thám còn nghèo đến thế.

Chuyện đến tai Chúa. Chúa cho gọi Danh Thực vào phủ hỏi rõ sự tình. Khen người sống thanh liêm đáng là trung thần. Nhân đó Chúa hỏi về cải cách giáo dục và công cuộc bình mạc ở Cao Bằng. Danh Thực cứ thực bụng trả lời. Chúa hài lòng thưởng cho 100 quan tiền và phong làm Thị lang bộ Binh cầm quân bình Mạc. Danh Thực cho người chuyển tiền về làng ngay, còn bản thân thì lo điểm binh. Nhà Mạc còn tồn tại chỉ do quan địa phương tham của đút mà dung túng. Bấy giờ quan binh thanh liêm như Danh Thực ra trận mới bình định xong nhà Mạc.

Ngày Danh Thực khải hoàn về kinh cũng là ngày con đường “Dinh” ở làng Bưởi Nồi cũng hoàn thành. Danh Thực được triều đình phong chức tham tụng, thượng thư, tước Hải quận công.

***

Ngày nay dân làng Bưởi Nồi vẫn vừa gò đồng vừa kể cho nhau nghe chuyện quận cầu, quận đường làng mình như thế(*).

 

 

                                                                                                                                                                                                                              P.T.T

 

 

                                                                                                                                               (*) Làng Bưởi Nồi là làng gò đồng nổi tiếng ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh).