Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Dành tặng c. Cung Mi
Đêm qua tôi mơ một giấc mơ khi tôi mười lăm tuổi, đang học lớp mười. Trời hôm ấy nắng ghê gớm lắm, cả lớp tôi phải tập trung từ sớm, cuốc bộ từ trường sang sân vận động để cổ vũ cho một trận giao hữu giữa đội tuyển bóng đá tỉnh nhà và một đội bạn. Trận bóng lần đó để gây quỹ cho một tổ chức nào tôi không thể nhớ. Tôi vốn chả ưa gì bóng bánh, cũng chẳng thích tất cả những hoạt động tập thể nên tỏ ra chán chường ngay từ đầu buổi. Ngồi trên khán đài, càng lúc tôi càng dịch xa khỏi đám bạn bè chung lớp, đang dần tụ lại thành từng nhóm nhỏ, cười nói lao xao và bàn nhau chuyện đi mua nước hay mua bánh mỳ.
Cuối cùng tôi đã dạt hẳn về phía phần khán đài trống trải nhất, nằm ở biên rìa và không có mái che. Tôi ngồi đó, trong ánh nắng, chỉ có một mình, đó là cách chơi trội của tôi. Bởi vì tôi không biết làm gì khác cả. Tôi chỉ đang đọc sách, chúi đầu chúi mũi ra vẻ say sưa và chăm chú lắm. Từ lúc nhập học đến giờ đã gần hai tuần, thế mà tôi chả quen nổi với không khí của lớp. Một lớp học gồm toàn dân tự nhiên mà tôi - một đứa chuyên Văn từ năm 10 tuổi - cảm thấy mình cứ như con gà lạc giữa. Thật ra là tôi chẳng có gì tự hào ngoài trình độ văn học của mình hết, vậy mà... Tôi thở dài, nâng cuốn sách trên tay và lật đi lật lại một cách khoa trương. Sao nãy giờ chẳng có ai đến làm quen với mình nhỉ?
Dòng chữ trước mắt, tôi đã đọc đi đọc lại không dưới chục lần. Cái nắng bỏng rát làm cho nó cứ dịch chuyển, múa lượn và những ngón tay tôi bấu chặt mép sách, đã run run. Rõ ràng tôi đang phô diễn chứ chẳng thẩm thấu nổi một dòng, một chữ nào hết. Chính tôi còn thừa nhận thế, nhưng mà giờ đây cũng đang tự hỏi mình rằng: Khi mọi người trong lớp đã về sạch hết, thì tôi còn đóng vở kịch này cho ai xem nữa đây?
“Hoàng Mai!”
Có thế chứ, tôi mừng rơn, xoay đầu trở lại, hăm hở kiếm tìm. Ánh mắt nôn nả của tôi bắt gặp một dáng người mảnh dẻ, với mái tóc rất dài dưới vành mũ rộng. Dù có bị mặt trời làm lóa mắt như thế nào tôi vẫn nhận ra đó là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi.
“Mai vẫn chưa về sao?” Cô nói bằng chất giọng thanh tao và nhẹ nhàng, khiến nụ cười trên môi tôi thu hẳn lại.
“Mình vô trong kia ngồi đi em.”
Nghe thế, tôi đã thở hắt ra trong một giây phút, ngoan ngoãn đi theo. Cô là giáo viên dạy môn Văn của tôi, chỉ mới có hăm ba tuổi. Theo một cách nào đó, cô còn là đàn chị của tôi cơ. Vì trường cấp một lẫn cấp hai cô học là trường chuyên An Dương Vương và Nguyễn Khuyến, cũng là ngôi trường cũ của tôi. Chuyện cô đã cực kỳ nổi tiếng từ khi còn đi học thì tôi cũng có biết, bởi mọi người đều nói vậy. Dù cho tất cả đều nói là cô xinh đẹp, hay siêu giỏi trong các lĩnh vực gì gì đấy thì tôi chỉ để nó lọt qua tai sơ sơ thôi, chứ chẳng màng quan tâm nhiều lắm đâu. Nói cho mà biết, tôi chẳng quan tâm tới chuyện gì sất, ngoại trừ chính mình!
Đó là những dòng ý thức lổn nhổn của tôi trong lúc ngồi bên cạnh cô và hướng mắt về phía khán đài. Vì trực cảm tốt, nên tôi chẳng cần phải quay mặt mà vẫn có thể ung dung dõi theo nhất cử nhất động của người ngồi kế bên. Lạ một nỗi là tôi chẳng trông thấy cô có tín hiệu kiêu căng gì như lời người ta nói, mà đôi lúc trông còn có vẻ trẻ con nữa kìa. Cô của tôi chẳng tập trung gì vào trận bóng, hết nhìn xuống dưới, rồi lại vươn tay nghịch nghịch dây kéo túi xách. Vì đã vào bên khán đài có mái che, tâm trạng tôi đã bớt phần căng thẳng. Một cảm giác gì đó mới nhóm cứ len len nhẹ nhàng khiến tôi phút chốc tính nhoẻn cười, nhưng cô lại quay sang bắt chuyện. Cô hỏi tôi về cuốn sách đang cầm trên tay - “Kafka on the shore”.
Khoảng thời gian đó, tôi đang chết mê chết mệt Haruki Murakami, từ “Rừng Na-uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót” cho đến những tập truyện ngắn. Tôi ngấu nghiến không sót một chút gì. Mùa hè năm ấy có rất nhiều chuyện đã xảy ra, nhưng đắm chìm trong những trang sách khiến tôi quên đi tất cả: thực tại này, thời gian này. Và hãy cứ tưởng tượng đi, với một câu hỏi như thế, coi như là bắt trúng đài của tôi vậy. Nên quyết là tôi phải vồ vập lấy luôn. Mắt tôi liếc nhìn bìa sách, tay huơ huơ và miệng nói liên hồi. Tôi nói về niềm say mê bất tận của tôi, thậm chí tôi còn đá ngang qua phân tâm học, siêu hình học.
Mỗi lúc tôi ngưng lại để lấy hơi, đều thấy cô trông như thể đang mỉm cười. Và thế là tôi càng vững lòng rằng đang được khích lệ, nên ra sức nói nhiều hơn. Tôi cam chắc cô đang bị ấn tượng bởi cái mớ kiến thức hỗn độn của mình, nên ra sức phô trương. Nói đến khô cả cổ, suýt cắn phải lưỡi! Tại cái nắng tôi hấp thụ nãy giờ khiến tâm thần người ta không được ổn định đó. Mà người ta đây lại bị kiềm nén quá dữ, quá lâu bởi nhiều thứ, nhiều chuyện ở trên đời, nên suy ra...
“Vào! Vào rồi!” Tiếng loa phóng thanh trên đầu la toáng khiến tôi cứng họng, giật bắn. Không ngừng ở đó, tiếng trống và thanh la dồn dập. “Tùng Tùng Tùng. Cắc cắc cắc. Chập. Cheng!” Rồi tiếng hò dô ta đồng loạt váng lên khiến hai chúng tôi (tôi và cô) phải ngoái đầu nhìn xuống bên dưới. Ngơ ngác, hết hồn, đến mấy giây.
Vào cái lúc những thanh âm vừa lắng xuống, ánh mắt tôi trực diện hướng về cô. Khoảnh khắc ấy, cô đang cười, và nụ cười vẫn còn ngưng đọng trong giây lát. Ánh nắng từ phía sau cô đang thêu nên những ảo giác trong tôi, khiến trái tim tôi bỗng dưng bối rối. Nó đập rất nhanh, đến hỗn loạn. Có những cảm giác lần đầu tiên trong tôi mới nhóm, mà chính tôi cũng không biết tại sao như thế, cũng không sao phân tích cho rành rẽ. Tôi chỉ nóng ran cả mặt mày, đưa mắt sang nơi khác thật nhanh. Trông cô giống Naoko-san ha, trông cô giống Shimamoto-san ha. Không, không phải... Thâm tâm tôi, dẫu chẳng muốn đâu, nhưng buộc lòng phải thừa nhận những điều mọi người nói. Rằng cô đẹp - một vẻ đẹp không sao có thể nắm bắt - Nó giống như một ảo ảnh mong manh trong giây phút. Lúc phát hiện ra, cũng là lúc đã tan biến mất tiêu rồi.
Từ lúc ấy tôi hạ giọng nói của mình. Tôi ý thức hơn về khoảng thời gian ngắn ngủi được ở lại bên cạnh cô. Tôi không còn muốn phô diễn, muốn nói mãi những điều mình ham thích. Tôi muốn được lắng nghe nhiều hơn, muốn được hiểu nhiều hơn về người ngồi bên cạnh. Chúng tôi trò chuyện với chủ đề là bài tập làm văn trên lớp. Tôi hỏi cô về ngôi trường cũ của chúng tôi. Cô còn kể tôi nghe một chút xíu chuyện về gia đình của mình nữa...
Khi ngoảnh lại, tôi vẫn thấy cô bước đi, với một nhịp điệu rất riêng biệt. Dường như tôi đang chạy rất nhanh băng qua ngã tư, cho kịp những con số đang dần mỏng đi của đèn đỏ. Còn cô đang bị bỏ lại giữa đèn xanh. Vóc dáng rất gầy, như một đứa trẻ, giữa những dòng xe cộ, bấm còi đinh tai và những con người đang tất bật lao tới. Bấy giờ trời đã không còn nắng, cô đang đi bên tôi mà chẳng nói năng chi hết, đến độ tôi sợ rằng cô sẽ tan đi trong giây phút. Nên gắng gỏi tôi đang cố nuốt lấy, gương mặt này, mái tóc này...
Nhưng mà tôi đang ở đâu thế?
Đã mấy giờ rồi và trời đã sáng hẳn chưa? Tôi đã bao nhiêu tuổi đầu rồi mà còn để mình vướng mãi vào những mối tình mông lung, ngốc dại? Những thứ tình yêu mà khi mới nhen lên đã đoán biết rằng vô vọng, đã chắc chắn rằng sẽ chẳng đi đến đâu... Tôi không cho phép nó kéo mình đi xa hơn nữa. Rất nhiều năm tháng ở tuổi trưởng thành, tôi đã cố gắng kiểm soát điều ấy. Nhưng phải làm sao khi tất cả lại kéo ùa về đây. Như để trả thù, nhân đêm tối, nhằm lúc tôi không phòng bị gì cả. Khi tôi chỉ là một linh hồn yếu đuối, trơ trọi làm sao chống đỡ nổi vô thức cứ xui đẩy tôi đi tìm. Và tôi chưa từng biết, tận sâu trong tôi lại mong mỏi gặp con người này đến vậy.
Giờ đây tôi đứng lại, trong thẫn thờ biết chắc rằng tôi không hề nắm giữ bất cứ thứ gì, không hề chắc chắn bất cứ điều chi cả. Trong cơn mơ này, giữa ngã tư này, khi tôi nhìn lại, chỗ của cô bấy giờ chỉ còn là một khoảng trắng đến mông lung.
Theo những trận gió, những chiếc lá tí xíu xanh xanh cứ sà xuống, trôi sượt qua kẽ tay. Đã qua mấy ngày lễ, thế mà lác đác vẫn thấy người ta treo cờ ở trước nhà. Cây phượng vỹ ở ngã tư Chợ Cồn vẫn đỏ một cách mê muội và rực rỡ. Không gian xung quanh tôi vẫn tươi rói đến nhức mắt, như ngày càng co hẹp lại, uốn lượn lại và đốt nung tất thảy mọi thứ bên trong.
Cứ đi tiếp thế này sẽ không kịp giờ thức giấc mất? Nhưng tôi cần chi thức giấc? Tôi phải đến cơ quan lúc chín giờ, cho kịp buổi họp mặt đầu tháng. Tôi phải ghé qua tiệm X để lấy báo sáng, để tranh thủ café, điểm tâm và hóng chuyện cùng đồng nghiệp. Nhưng một phần tâm thức bảo rằng tôi hãy cứ tiếp tục ngủ say đi. Không thức giấc nữa, chả cần thức giấc nữa, và thực tại giờ đây chỉ như những lưỡi kéo sắc nhọn, lạnh lùng.
Con đường trước mắt, nếu cứ đi hoài mình có thể về để gặp mẹ phải không? Nếu được sống lại, thời điểm ấy mình có thể làm bao nhiêu là chuyện, còn bao nhiêu thời gian để sửa lại những sai lầm. Nhất định, tôi thầm nghĩ, nhất định phải nhốt con Ki Ki bé nhỏ vào lồng, trước khi nó bị người ta bắt mất.
Khi ngoảnh đầu. Tôi lại nhìn thấy rõ những đường nét trên gương mặt ấy, như thể tôi chỉ mới mười lăm tuổi. Như không phải là tôi đã ba mươi hai, không phải là đã mười bảy năm trôi qua rồi vậy.
“Cô đã chấm bài văn của em rồi,” Giọng của cô vẫn luôn nhẹ nhàng, nhưng bây giờ nó khiến tôi thảng thốt. Cô nói rằng, “thật ra nó không hề tệ như cách em nghĩ đâu”.
Tôi đỏ bừng mặt lên trong một thoáng, nhận ra trái tim vẫn nguyên vẹn sự bối rối lẫn tự hào vì lời ngợi khen từ một bài làm văn thuở cấp Ba! Huy - lớp trưởng - vừa đi lướt qua tôi. Ánh mắt cậu ấy chất chứa: cả ngạc nhiên, cả bối rối và ghen tỵ. Tận sau tôi mới biết rằng Huy đã yêu thầm cô lúc ấy. Đến tận mười năm sau tôi mới biết về điều đó, khi chúng tôi tình cờ gặp nhau trong một quán rượu nhỏ, sau một đám cưới, và đã uống đến say mèm.
“Nhưng Mai này, gia đình em có chuyện gì à? Cô để ý là em dường như không thường chơi chung với các bạn? Đã có chuyện gì xảy ra phải không?”.
Tôi mỉm cười ngượng nghịu. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những vòng tay cúi chào từ đám học sinh. Đã sắp về đến trường rồi, các bạn cùng lớp xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn. Và tôi nhận ra dù cố gắng đến bao nhiêu, vẫn không sao nhớ nổi những gương mặt, những cái tên cứ liên tục sượt qua, mà chỉ cần chớp mắt thôi là tất cả đổ nhòa.
Tôi đang líu ríu kể chuyện này nọ, líu ríu ngắm nhìn những đường nét dịu dàng, thân thuộc ấy trước khi mọi thứ phai chìm trong một ảo ảnh trắng...
“Mai này, em sẽ làm gì?” Cô hỏi.
“Nhiều năm nữa, em sẽ vẫn tiếp tục viết nhé?”
“Mai đã quyết định được trường Đại học chưa?”
Tôi đã nói với cô về những mơ ước. Khoảnh khắc ấy, tôi đã nói rằng tôi yêu văn biết chừng nào, và tôi thật lòng mong muốn...
Khoảnh khắc ấy, cô ngừng lại, mỉm cười với tôi. Cô cúi xuống, loay hoay mở giỏ xách, và chìa cho tôi một quả cam chín mọng, để trên lòng bàn tay.
“Dù có bao nhiêu khó khăn chăng nữa, em sẽ vẫn làm như lời đã nói hôm nay. Hứa nhé?”
...
Và rồi tôi bỗng thức giấc trong cảm giác buồn đến kinh hoàng, hụt hẫng đến kinh hoàng. Trên bàn vẫn là những trang bản thảo rời rạc và trời hãy còn chưa sáng hẳn. Đáng lẽ ra, đáng lẽ ra, nhưng mà... Tôi đứng đó, tay đẩy cánh cửa sổ, và gió cứ thốc vào, thổi tung tất cả. Những ảo giác trắng nhòa vây bọc lấy tôi dưới cảnh nền là cả thành phố, những ánh sáng đèn chấp chới, xa xăm.
Cảm giác gì đây - một giấc mơ - chỉ là một giấc mơ? Khi tia sáng mong manh của ngày đang xé dần màn đêm, tôi lại nao nao nhìn thấy bầu trời năm tôi mười lăm tuổi. Tôi đang cầm trên tay một quả cam chín nẫu. Nó để đã lâu rồi, nhưng vì thế hương vị càng dậy hơn, khác hẳn thứ cam thường mẹ vẫn hay mua. Da rất mát, vỏ rất trơn, tươi đỏ. Lăn lăn trên cánh mũi, hít thật sâu vào lồng ngực, vẫn nghe hương vị cay cay và nước bọt ứa ra.
Vào lúc đó, khi ngửng mặt lên bầu trời, tôi biết mình không còn buồn bã. Thi rớt trường chuyên chỉ là chuyện vặt. Ba mẹ chia tay cũng chỉ là... một sự sắp đặt của số phận. Vào lúc ấy tôi đã tin rằng mỗi phút giây trước mắt đều là những trang thật mới. Tương lai dành cho tôi là một điều gì đó không hề biết chắc, nhưng vô cùng lấp lánh, diệu kỳ.
Có phải rất lâu, tôi vẫn đi kiếm hoài mùi vị của trái cam chín nẫu ấy? Tôi không chắc chắn lắm về câu trả lời đó, và cũng không dám khép đôi mắt trở lại.
H.M