Đi tìm hình của Bác – Bùi Công Dụng

17.01.2013

Đi tìm hình của Bác – Bùi Công Dụng

 
Đoàn văn nghệ sĩ Liên hiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng chúng tôi gồm 12 người do nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng làm trưởng đoàn, xuất phát sáng 16/10, đi hai ngày liên tục, 15 giờ chiều ngày 17 đến Lạng Sơn. Nhận phòng xong, anh em náo nức tỏa ra phố. Chúng tôi chỉ có được đêm nay ở Lạng Sơn, ngày mai đã phải hành trình đi Quảng Tây - Trung Quốc, nên anh em ai nấy đều tranh thủ đi dạo chợ Kỳ Lừa, tìm hiểu phố phường.

Qua một đêm nghỉ ở nhà khách Lạng Sơn, sáng hôm sau chúng tôi lên cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục đi Long Châu - Trung Quốc. Đứng trước biên giới quốc gia, lòng chúng tôi thấy bồi hồi vì địa đầu của tổ quốc như đã xa hơn.

Long Châu là một thị trấn thuộc huyện Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây - nằm ở phía tây nam Trung Quốc - thị trấn này chỉ cách Lạng Sơn khoảng 40 km. Chúng tôi như bị lọt thỏm giữa vòng vây núi cao trùng điệp trong mấy chục kilômet đó. Suốt đường đi thấy bạt ngàn ruộng mía sắp đến ngày thu hoạch của người dân Long Châu. Vùng đất này rất giàu truyền thống cách mạng. Trong  những năm đầu của thập kỷ 20, khi cách mạng Việt Nam còn đang nhen nhóm thì nơi đây đã là cơ sở cách mạng đầu tiên ở nước ngoài, người dân Long Châu đã hết lòng ủng hộ, chở che cho sự đi lại hoạt động bí mật của các nhà cách mạng Việt Nam như Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp..., từ đó xây dựng những quan hệ tình cảm gắn bó đầu tiên với những nhà cách mạng tiền bối của Trung Quốc như Lý Bái Quần, Lý Khắc Nông..., và trước đó là Chu Ân Lai, Chu Đức... khi Bác còn ở bên Pháp, là những người bạn cùng với Việt Nam thực hiện mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp khôi phục nền độc lập cho đất nước. Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, Long Châu trở thành cơ sở quan trọng của Đảng.

Xe ô tô rẽ vào con đường nhỏ có tên Phố Nam ở thị trấn Long Châu. Điều lạ là chỉ cách một ngã tư sầm uất, khi rẽ vào con đường nhỏ hẹp này, tất cả không gian đều như tĩnh lặng hoàn toàn. Nét cổ xưa của con đường như vẫn còn nguyên vẹn. Hầu hết các ngôi nhà đều một tầng, cũ kỹ, chỉ có người già ở nhà. Có nhà chỉ hé cửa, một cụ già lặng lẽ ngồi nhìn ra đường, trầm ngâm hàng giờ như thế. Có cụ đang chậm rãi dạo bước trong nắng chiều trên hè phố hẹp. Tự nhiên chúng tôi có cảm nghĩ biết đâu các cụ ông cụ bà này cũng là những người đã từng trải qua thời kỳ cam go nhiều chục năm về trước và cũng là những người đã từng chia ngọt sẻ bùi, che giấu cho những hoạt động của những nhà cách mạng Việt Nam, trong đó có Bác Hồ của chúng ta.

Chúng tôi đã đến trước nhà “Bảo tàng Hồ Chí Minh” ở thị trấn. Đó là một ngôi nhà gỗ thấp, cổ kính, có 2 tầng, mang số 99 Phố Nam, một trong 10 địa danh có dấu tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Châu. Trước cửa có tấm biển ghi dòng chữ “Trụ sở bí mật cũ của những người cách mạng Việt Nam tại Long Châu”. Ngôi nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh có diện tích 1.200m2, ở giữa có giếng trời rất thoáng mát. Cách đây 6 năm, đúng vào ngày sinh của Bác 19/5, chính quyền Quảng Tây cùng huyện Sùng Tả và thị trấn Long Châu đã tổ chức khánh thành ngôi nhà trưng bày này sau khi đã chi ngân sách 2,5 triệu nhân dân tệ (hơn 8,3 tỷ đồng Việt Nam) để cải tạo sưu tầm và trưng bày các hình ảnh, hiện vật. Ở tầng 1 trưng bày những tư liệu theo chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và tầng 2 là “Bác Hồ và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam ở Long Châu” với gần 800 bức ảnh và hiện vật từ lúc Bác Hồ đến Long Châu lần đầu vào giữa tháng 11 năm 1939. Lúc đó Bác từ Quế Lâm đến Long Châu nhằm mục đích gặp gỡ những liên lạc viên được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử sang để nắm tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong nước. Những bức ảnh còn cho thấy Bác Hồ tuy hoạt động ở các vùng Tĩnh Tây, Nam Ninh, Liễu Châu,... nhưng thường lui tới Long Châu để chỉ đạo công việc của những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam tại đây, đặc biệt Người đã lưu lại đây gần một tháng để kiểm tra lại toàn bộ công tác chuẩn bị trước khi về Việt Nam vào tháng 9 năm 1944 trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Bổn không rời một phút tất cả những tư liệu quý trong bảo tàng, không những thế anh luôn thu xếp để chụp cho chúng tôi những bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ ở bảo tàng đầu tiên trong chuyến đi này...

Tạm biệt Long Châu, chúng tôi đi đến Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, cách đó khoảng 260 km. Phát huy truyền thống tỉnh lỵ, Nam Ninh ngày nay phát triển mạnh mẽ nhờ thực thi một chủ trương rất quyết liệt mang tên Chương trình 136 của đảng bộ tỉnh Quảng Tây. Chương trình 136 có nghĩa là năm thứ nhất diện mạo là như thế, 3 năm sau phải thay đổi mạnh, 6 năm sau phải thay đổi rất mạnh. Chủ trương vĩ mô là thế thôi, áp dụng từ thời điểm nào cũng được. Còn thực hiện mạnhrất mạnh là như thế nào thì lãnh đạo từng địa phương quyết. Khi qua Long Châu, chúng tôi cũng đã mục kích sự phát triển  theo mục tiêu này. Dấu ấn phát triển ngày xưa của thành phố Nam Ninh tuy thế vẫn có thể hình dung qua bài thơ viết trong tù của Bác, bài thơ có đầu đề “Nam Ninh ngục”: Nhà lao xây dựng kiểu tân thời. Đèn điện thâu đêm sáng rực trời. Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo. Cho nên cái bụng cứ run hoài.

Thời kỳ đó, không khí chính trị ở Nam Ninh rất sôi động. Ở Diên An là đội quân cách mạng do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo, chiếm một số vùng ở phía bắc, ở Trùng Khánh thì chính quyền Tưởng Giới Thạch quản lý và nắm một số vùng phía nam, trong đó có Quảng Tây. Lúc Bác Hồ sang đây và bị bắt thì Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng đang bắt tay với nhau để chống kẻ thù chung là phát xít Nhật xâm lược Trung Hoa. Vì thế ít ra hai đảng này cũng có tiếng nói chung trong việc giải quyết trường hợp bắt giam Bác lúc đó, tuy vậy việc thả Bác ra khỏi các nhà giam Quảng Tây cũng phải mất hơn 1 năm trời.

Ở nhà tù Nam Ninh, Bác còn có bài thơ Đón mừng đoàn đại biểu Anh sang thăm Trung Hoa trong tập Nhật ký trong tù chứng minh nỗi oan ức của Bác khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm. Ở Long Châu chúng tôi còn thấy những bức ảnh chụp vào đầu tháng 2/1952, nhân dịp tết nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc, từ chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi Nam Ninh, chúc tết sớm các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Quảng Tây đã ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống Pháp.

Ngày tiếp theo, chúng tôi đi gần 250 km từ thành phố Nam Ninh đến Liễu Châu. “Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” nằm tại số 2 đường Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu. Giáp liền cổng sau của Nhà lưu niệm là khuôn viên trường tiểu học Ngư Phong. Đối diện Nhà lưu niệm phía bên kia đường là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng mà Bác Hồ đã nhắc đến trong bài thơ Mới ra tù học leo núi.

Khu nhà này trước đây là một khách sạn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc 1 năm sau khi ra tù (tháng 9/1943). Khách sạn được sử dụng làm ngân hàng, hiệu thuốc một thời gian khi đất nước Trung Hoa được thành lập. Đến năm 1957 trong giai đoạn Trung Quốc cải tạo thương nghiệp quốc doanh xã hội chủ nghĩa thì chính quyền Quảng Tây và thành phố Liễu Châu đã mua lại và khôi phục ngôi nhà như thời kỳ Bác Hồ đã sống và hoạt động.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà lưu niệm với một tâm trạng đầy cảm xúc như lần bước vào Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Long Châu. Tuy quy mô bảo tàng ở Liễu Châu nhỏ hơn, nhưng cách bài trí cũng giống ở Long Châu, chính giữa căn phòng ở tầng 1 kê bức tượng đồng Chủ tịch Hồ chí Minh, ở phía bên trái, bên phải sát tường là những tủ kinh lớn nhỏ trưng bày những tài liệu, kỷ vật, ảnh... liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những phòng phía sau trưng bày những tài liệu, tranh ảnh về các cuộc hội đàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai vào tháng 7/1954 về những điều khoản của Hội nghị Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh Đông Dương.

Chúng tôi theo sơ đồ bảo tàng lên tầng 2, rẽ phải vào căn buồng sát tường thăm nơi ở của Bác. Ở đây trưng bày những hiện vật, tư liệu về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Liễu Châu. Những vách ngăn các phòng của ngôi nhà cổ vẫn còn. Căn phòng nơi Bác ở gần một năm trời lúc mới ra tù cùng những vật dụng: chiếc đồng hồ treo tường cũ kỹ, cái chậu nhôm rửa mặt, bộ bàn ghế, chiếc điện thoại bàn, một cái tủ nhỏ, chiếc giường Bác nằm... tất cả còn nguyên vẹn như tái hiện lại một cách sinh động mặc dù thời gian đã quá xa rồi, gần 80 năm trước về những sự kiện lịch sử trong mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng Việt Nam với nhân dân dân Trung Quốc, với nhân dân Liễu Châu.

Tôi và các anh Hoàng Hương Việt, Nguyễn Nho Khiêm, Vũ Đình Thước, Tường Vinh, Đặng Quốc Phồn... tần ngần đứng bên chiếc bàn làm việc ngày xưa của Bác. Hướng dẫn viên Phan Vệ Cách, người Nam Ninh nói sõi tiếng Việt, giới thiệu hết sức cảm động: từ chiếc bàn này Bác đã thức bao đêm để viết ra những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam, bản báo cáo tại Hội nghị đại biểu các tổ chức cách mạng hải ngoại thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh Hội tháng 3 năm 1944, đặc biệt cũng tại chiếc bàn này, Bác đã biên soạn xong 133 bài thơ khi bị tù đày trong các nhà giam Quốc dân đảng.

Bạn cập nhật tư liệu về Bác một cách tỉ mỉ và trân trọng. Chúng tôi thấy có những tư liệu hoạt động của Bác từ những năm đầu của thập kỷ 20 đến những năm gần đây, có những tặng phẩm của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng cho nhà trưng bày mỗi lần ghé thăm Liễu Châu... Những hiện vật trưng bày ở bảo tàng không có khoảng cách với khách thăm viếng. Chúng tôi có thể sờ vào và ngắm nghía để như cảm nhận thời gian đang chầm chậm quay về.

Rời Liễu Châu, đi tiếp 200 cây số, chúng tôi đến Quế Lâm, nơi Bác Hồ cũng đã từng trải qua những ngày tháng tù đày gian khổ. Quế Lâm, một thành phố thật đẹp! Bác Hồ đã viết bài thơ nổi tiếng ca ngợi cảnh đẹp nơi này:

Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,

Như thi trung họa, họa trung thi.

Sơn trung tiều phu xướng.

Giang thượng khách thuyền quy. Kỳ!

Bác Hồ đã viết bài thơ này vào năm 1961 khi Người đi nghỉ tại Trung Quốc nhân kỷ niệm 71 năm ngày sinh của Người. Với người Á Đông, trong thập can của âm dương ngũ hành thì can Giáp là đứng đầu, Quế Lâm phong cảnh nhất thiên hạ! Và bài thơ đã trở thành niềm tự hào của người dân Trung Quốc, là lời giới thiệu không thể thiếu của mọi hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc và Việt Nam. Anh Tân, hướng dẫn viên Việt Nam đã nói với chúng tôi bằng một giọng hết sức tự hào.

Chúng tôi ghé thăm Văn phòng Bát bộ quân, số 96 đường Trung Sơn Bắc - thành phố Quế Lâm, vì ở đây cũng có một phòng trưng bày một số ảnh và hiện vật của Bác. Nhưng đáng tiếc chúng tôi không thể vào thăm được vì lúc này bạn đang duy tu sửa chữa lại di tích, rào chắn bao bọc kín xung quanh nhà di tích. Văn phòng Bát bộ quân nằm ở ngay mặt tiền một ngã tư trung tâm thành phố Quế Lâm, lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng trên phố phường sầm uất. Một vị trí vàng của thành phố, thế mà bạn vẫn trân trọng giữ lại, không quy hoạch, giải tỏa.

Chúng tôi đã đi thuyền trên con sông Ly Giang ngắm núi Vòi Voi, Điệp Thái Sơn, Phục Ba Sơn... Mặc dù đang trong mùa nước cạn, nhưng dòng sông, ngọn núi, những cảnh đẹp ở Quế Lâm đã hiển hiện trước mắt chúng tôi, ai cũng cảm nhận được điều đó qua lời thơ của Bác...

Chúng tôi kết thúc hành trình 5 ngày đi tìm hình của Bác ở Quảng Tây mà lòng ai cũng rạo rực. Nghệ sĩ sân khấu Lê Thành, nghệ sĩ múa Hoàng Ngọc Chiến, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, ca sĩ Trương Quang Thành,... các anh cũng như chúng tôi, đang ấp ủ những dự định về những công việc sắp tới, thể hiện cảm xúc của mình về một chuyến đi đầy ý nghĩa...

 



B.C.D