Ký ức một thời – Tiểu Yến

17.01.2013

Ký ức một thời – Tiểu Yến

Trong ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trên đường Phan Thủy, anh Đỗ Phạm Trung, con trai Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh, một người con của vùng núi Ấn, sông Trà thắp nén nhang lên bàn thờ, như để báo cho cha mình biết có người đến gia đình thăm ông. Trong ký ức của anh, những ngày thơ ấu luôn thiếu vắng hình bóng người cha bên cạnh. Hỏi mẹ, mẹ bảo: “Cha con đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc”. Thỉnh thoảng, trên đường công tác, cha lại tạt qua nhà thăm mấy mẹ con. Cha ngồi đó, rất gần nhưng cũng rất xa, anh và cô em gái không dám vòi vĩnh, sợ cha giận mà bỏ đi. Dù mỗi khi về, ông vẫn hay ôm hai đứa nhỏ vào lòng, đặt vào má chúng nụ hôn cuống quýt. Đoạn, ông dặn dò má mấy việc, rồi đi. Đứng nép sau bậu cửa, nhìn bóng người cha khuất dần sau những tàn cây, ba mẹ con anh lại ôm nhau khóc.

Đôi khi, cha đóng quân chỉ cách nhà mươi cây số, nhưng cả năm không về một lần. Cuộc sống cứ thế trôi đi, ở nhà, một mình má thân cò nuôi con, vất vả trăm bề.

Thời bình. Cha chuyển đơn vị thường xuyên, những nơi nào khó khăn về công tác đào tạo cán bộ, Bộ Chính trị lại cử cha đến. Gần 10 năm công tác tại Đắk Lắk, ông ít có dịp về thăm gia đình. “Có một điều tôi rất kính trọng cha mình, đó là dù ở đâu, ông vẫn giữ một tình yêu thủy chung với mẹ. Khi cha mắc bệnh nan y, mù hai mắt, không tự đi lại được nữa, ông thường sai tôi chở đi thăm đồng đội của mình. Ngồi lắng nghe các bác nói chuyện, tôi mới có dịp hình dung những việc cha tôi đã làm thời trai trẻ. Tôi càng hiểu và thương cha mình hơn”.

Kể về người đồng đội của mình, Đại tá Huỳnh Hàng, 87 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, (nguyên Trưởng phòng cán bộ Quân khu 5) nói, Thiếu tướng Hạnh dù nắm giữ cương vị lãnh đạo nào đều sống bình dị với anh em. Có lần, thấy cán bộ mình bị sốt rét xanh tái cả người, trong khi cái ăn không có, lo lắng cho sức khỏe cán bộ, ông quyết định đi cõng gạo. Đường về, ngang qua con suối, nước chảy xiết. Bảo vệ gạo, ông Hạnh đội gạo lên đầu, đứng giữa suối hàng tiếng đồng hồ, ghì chân bám vào những hòn đá cuội chờ nước êm mới đi tiếp. Thân mình ông không lo, chỉ lo nếu gạo mất, cán bộ ở nhà không đủ sức để chiến thắng bệnh tật, cầm súng chiến đấu. Nhiều giờ sau, khi ông về đến đơn vị, ai cũng bật khóc vì cảm động trước tình cảm của ông dành cho cán bộ. Lúc này, ông Hạnh đang là Phó chủ nhiệm, kiêm Trưởng phòng Cán bộ Quân khu 5.

Những năm cuối thập niên 60, đầu 70, chiến trường Quân khu 5 trở thành mục tiêu phá hoại của địch. Ngoài đảm bảo việc tăng gia sản xuất diễn ra trong bí mật, ông Hạnh còn xắn tay giải quyết bao tình huống phát sinh trong cuộc chiến. Có một câu chuyện mà đến bây giờ, Đại tá Lê Công Thạnh (nguyên Phó phòng Cán bộ Quân khu 5) vẫn nhắc mãi. Đó là đầu năm 1968, từ Sài Gòn, vợ con ông Thạnh lặn lội hàng tháng trời ra khu 5 thăm chồng. Hai vợ chồng gặp nhau, chưa kịp mừng đã lo đến chuyện ăn đâu, ở đâu cho tiện. Vì giữa cuộc chiến, mọi tác phong trong quân đội đều diễn ra cơ mật. Giữa lúc ông Thạnh không biết tính thế nào thì Thiếu tướng Hạnh xuất hiện, đưa hai mẹ con về ở tại khu lưu trú cán bộ. Cô con gái còn được bác Hạnh  bố trí vào nấu cơm, phục vụ quân đội giải phóng.

Một thời gian sau, con gái Đại tá Lê Công Thạnh được Thiếu tướng Hạnh sắp xếp cho đi miền Bắc học tập. Sau này, chị trở về và làm việc tại Quân khu 5 mãi đến khi về hưu.

“Là người cán bộ trung kiên, tận tụy, sẵn sàng lao vào những nơi khó khăn với tấm lòng vô tư, hết lòng vì nhiệm vụ, anh Hạnh được lãnh đạo Bộ Chính trị rất tin tưởng. Đi đến đâu, anh cũng làm tốt nhiệm vụ của mình”. Đại tá Nguyễn Đình Nhật (nguyên Phó phòng tổ chức Quân khu 5) đã nói với tôi như thế về Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh. Là người cầm chịch trong công tác bổ nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ tại chiến trường Quân khu 5, Thiếu tướng Hạnh đã mạnh dạn đề bạt và bổ nhiệm cán bộ kịp thời để bổ sung cho chiến trường. Ông đã đề xuất mở các lớp đào tạo ngắn ngày cho cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Đưa nhiều cán bộ trẻ được thử thách qua chiến đấu ra học tập tại miền Bắc. Từ công tác này, nhiều đồng chí đã trưởng thành và về nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của chiến trường Quân khu 5 như Thiếu tướng Trần Minh Thiệt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Được...

Trong chiến tranh Campuchia năm 1977, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh còn có công lớn trong việc thành lập Sư đoàn 307 chỉ trong vòng vài tháng để phục vụ ngay cho chiến trường, sẵn sàng cầm súng chiến đấu. Để hình thành Sư đoàn này, ông Hạnh đã cùng đồng đội bàn bạc phương án, kế hoạch nhanh, gọn vì nhiệm vụ được đặt ra trong thời gian quá gấp rút. Cuối cùng, cách duy nhất được đưa ra giải quyết là tách Sư đoàn 2 ra để hình thành Sư đoàn 307. Các ông đã cất nhắc từng vị trí như đưa cấp phó ở Sư đoàn 2 lên làm cấp trưởng ở Sư đoàn 307, bước đầu hình thành nên bộ khung cán bộ cho Sư đoàn mới. Sau đó, ông tiếp tục tuyển chọn những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở địa phương vào Sư đoàn 307. Với phương án này, chỉ trong vòng 2 tháng, Sư đoàn 307 đã hình thành và đi vào công tác huấn luyện, sẵn sàng phục vụ chiến trường.

Dù rất chân tình với thuộc cấp, nhưng trong quá trình làm việc, không ít lần ông khiển trách, nhắc nhở và kỷ luật những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có tư tưởng cách mạng không rõ ràng, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau mỗi sai lầm, ông đều tạo điều kiện để họ sửa sai, làm lại. Ông từng nói: “Nếu bất kỳ một sai trái nào của cán bộ mình cũng khiển trách, kỷ luật và loại họ ra khỏi hàng ngũ Đảng thì rất dễ. Nhưng giữ lại và giúp họ sửa sai mới là khó, mới mang tính xây dựng cao, theo đúng tinh thần, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ”.

Cùng đồng cam, cộng khổ, vắt kiệt trí tuệ cho cuộc chiến một mất một còn với quân thù, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh đã trở thành người anh cả trong bộ máy lãnh đạo quân khu. Bằng tình cảm, sự quan tâm chân thành và trí tuệ lãnh đạo của mình, ông đã quy tụ được những người tài giỏi, có đủ tâm và tầm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, giúp họ trở thành những cán bộ được dân chúng tin tưởng. Thông qua đó củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện nhân tố mới, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Suốt 10 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh, Đại tá Đinh Văn Xứng, nguyên trợ lý nhân sự của Thiếu tướng luôn xem ông là hình mẫu của anh bộ đội cụ Hồ. “Ông là một người rất hiền lành, mẫu mực và sống tình cảm với anh em. Ông quan tâm giải quyết mọi vấn đề khúc mắc trong sinh hoạt, đời sống cán bộ. Vì thế, mỗi khi chúng tôi có điều gì không thể chia sẻ, không giải quyết được, chúng tôi lại tìm đến ông để xin ý kiến”. Thời gian 10 năm công tác cùng nhau không dài, nhưng cũng đủ để từng con người hiểu về nhau. “Với bất kỳ ai, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh cũng tạo điều kiện cơ hội phát triển. Sắp xếp cho họ những công việc phù hợp với năng lực, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Khi chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ của người lính vẫn thúc giục ông đấu tranh không ngừng nghỉ. Những nơi có nội bộ lũng đoạn, sa sút, Bộ Chính trị đều điều ông về xây dựng lại lực lượng. Tại chiến trường Quân khu 5, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh trở thành “đặc phái viên” được Bộ Chính trị tin tưởng giao cho nhiều trọng trách. Ông đã thể hiện rõ tấm lòng kiên trung, tận tụy, sẵn sàng lao vào những nơi khó khăn với tinh thần vô tư và đầy trách nhiệm. Cùng đồng đội tổ chức nhiều cuộc đi tìm mộ liệt sĩ tại chiến trường xưa. Trong câu chuyện giữa những người lính già, là cả một quãng đời xanh mà họ đã sống, đã chiến đấu. Giờ đây, khi ông đã đi xa, những câu chuyện ấy thêm chất chứa nhiều tình cảm quý mến, lẫn sự nể trọng, tin yêu.

 

T.Y