Tổ tiên tác giả Ngẫu hứng là tù binh Chàm
Tác phẩm Ngẫu hứng của Trần Tiến
Một buổi sáng mùa hè man mát, dư âm từ chiều qua trời trở giông, bên ly cà phê hiên nhà, như bị hút vào màn hình điện thoại bởi một phụ nữ Chàm, khăn choàng qua đầu, hai tay chấp trước ngực, ánh mắt thành kính lặng lẽ bước chầm chậm qua từng bức tường loang lỗ thấm đẫm thời gian trên đất tháp Mỹ Sơn. Một người Chàm thành thục hành hương đất thánh tổ tiên[1].
Trương Việt Anh, admin của nhóm Di sản Việt
Xem tài khoản, người phụ nữ ấy là Trương Việt Anh, Hà Nội, admin của nhóm Di sản Việt trên facebook. Liên hệ qua messenger:
- Chào chị. Tôi xem đoạn video về Mỹ Sơn rất cảm xúc.
- Em mới tập làm video. Em rất yêu thích sưu tầm văn hóa Chàm.
- Xem video tôi tưởng chị là người Chàm từ Phan Rang, Bình Thuận.
- Ôi ! Vậy hay quá. Trong người em có một phần dòng máu Chàm. Lâu đời rồi. Em về tháp rất cảm xúc. Với không hiểu sao khi em quàng khăn chụp ảnh nó rất khác, kể cả mặc áo dài choàng khăn.
- Sao chị biết mình có một phần máu Chàm?
- Cụ tổ đằng ông ngoại em là người Chàm ở xứ Đoài. Em là cháu ruột nhạc sĩ Trần Tiến. Trong hồi ký bác em viết là cụ tổ người Chàm.
- Vì sao cụ tổ bên ngoại lấy họ Trần, chị?
- Chắc các vua Trần bắt đổi họ.
- Tên làng xưa của cụ tổ xứ Đoài, bây giờ là xã, huyện nào?
- Làng Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội.
- Xem trên Facebook, nhìn anh cũng giống hai bác em Trần Hiếu, Trần Tiến.
- Chị còn nhớ các cụ nói nguồn gốc cụ tổ người Chàm từ đâu không?
- Chỉ biết khi cụ Lý Thường Kiệt bắt làm tù binh ở hồ Tây và xứ Đoài. Chắc là từ miền Trung thôi.
Chị ấy chuyển cho tôi những gì người bác ruột của mình viết về tổ tiên. Xin trích một đoạn:
“Nơi quê anh rải rác những dấu chân người Chàm cổ. Các vị La Hán chùa Tây Phương bị “chôm” gần hết những bức tượng đẹp, cũng may những vị còn lại không bán được mới quý.
Có một vị xấu nhất kể anh nghe:
“Tiến à! Tổ của con là một vị tướng của bà Bô Bô đất Chàm. Cụ Lý Thường Kiệt không đánh được bà ấy, phải nhờ mưu bà Phường Chào xứ Quảng mới thắng đấy. Có câu ca xưa “Bô Bô sánh với Phường Chào/ Xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.
Tổ của con là tù binh bị cụ Lý Thường Kiệt mang về nhốt ở xứ Đoài. Một ngày người lang thang trong vùng cỏ hoang thấy có loài cua nhiều hình vẽ kỳ dị trên mai, ông mừng thầm và quyết định lấy mảnh đất này cắm dùi”.
Quê anh đấy, làng quê chỉ biết làm món nhậu với rượu mía, nem Phùng nổi tiếng. Chả biết làm gì nên cứ nghèo mãi.
Mẹ anh dặn: Nếu có mệnh hệ gì nhớ đưa mẹ về quê nội để mẹ nằm cạnh bố, nhưng phải quay đầu mẹ về hướng chùa Tổng.
Chùa Tổng cách mộ có vài trăm mét. Anh còn chưa bao giờ vào.
Một ngày ngồi trên xe với thằng Thanh Thảo. Nó bảo:
Chắc mày người Chàm. Nhà thơ Quang Dũng cũng cao to như mày, cũng quê Phùng, mà lại viết bài thơ “nỗi nhớ quê” ở chính nơi mình sinh ra.
Quê “đéo” gì, ha ha! Thơ hay là vô thức. Ông ấy lộ ra nơi quê tổ gốc Chàm trong giây phút vô thức đấy!
Anh giật mình, một ngày ra Hà Nội, tức tốc tìm chùa Tổng của mẹ. Đúng là chùa Chàm”.
- Nhà thơ Quang Dũng từng bị phê đi kháng chiến còn mơ dáng Kiều thơm. Mà thơ ông ấy đọc lên không người xứ Đoài nào không xúc động!
Chị lại chuyển cho tôi bài thơ của Quang Dũng.
“...Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?…”
- Về truyện “Ông Móng”, có một bạn văn của Nguyễn Huy Thiệp cho biết, Ngã Tư Sở, nơi nhà văn sinh sống, có nhiều di duệ của tù binh Chàm. Xứ Đoài và nhiều nơi có tù binh Chàm. Ông Phỗng trong các đình chùa là hình ảnh về tù binh Chàm đó anh.
Chị ấy chuyển tiếp cho tôi những tấm ảnh tượng Phỗng tại đình, chùa, nhà thờ tộc họ tại xứ Đoài, và bài “Mưa bay tháp cổ” của nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Tùng Dương thể hiện như lên đồng[2].
Thói quen tìm bản gốc, tôi đặt tìm trên mạng và đặt mua cuốn Ngẫu hứng của Trần Tiến. Bốn ngày sau sách về. Sách do Trần Tiến viết và viết về Trần Tiến. Những bài viết của tác giả thường ngắn một vài trang thôi, lướt qua các tiêu đề không dễ tìm đoạn ấy ở đâu. Rồi cũng gặp, bài “Quê hương thứ hai”, chị ấy trích không sai một chữ[3]. Những Ngẫu hứng của Trần Tiến và bộc bạch của người cháu là ký ức thẳm sâu cả ngàn năm trước về nguồn gốc tổ tiên Chàm.
Sử ghi: năm 1044, nhà Lý bắt 5000 người Chiêm Thành, và năm 1069, bắt 50.000 người Chiêm Thành cho an trí xứ Bắc, cho lấy tên làng theo tiếng Chiêm Thành, như làng Đa Gia Ly (nay là làng Phú Gia ở Hồ Tây). Hàng vạn người Chàm ấy ắt hẳn không chỉ là binh lính mà có cả những thành phần dân chúng khác nên mới cho lập làng để khai phá những vùng đất hoang. Năm 1075, Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành không thắng được, cho vẽ địa đồ ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (nay là tỉnh Quảng Bình), thuộc về Đại Việt và đổi Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh[4], Bố Chính vẫn giữ như cũ. Không thắng như hai lần trước nhưng cũng không có nghĩa không bắt được người Chiêm Thành.
V.H
[1]facebook.com/100011774285400/videos/ 350422007272431/
[2] https://youtu.be/oX-bxn2w9EY
[3] Trần Tiến, Ngẫu hứng, Nxb Hội Nhà văn, 2016, trang 41,42.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Văn hóa Thông tin, 2017, trang 172.