Như gió bay đi

05.12.2022
Nguyễn Vĩnh

Như gió bay đi

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Làng Thủy Tú trải dọc triền sông Cu Đê phẳng lặng, hiền lành trước khi hòa vào với biển. Ngày ngày gió mang hơi muối mặn, cùng với dòng nước lợ của sông làm bọn dừa thích thú. Dừa mọc ven làng ven sông, như cô gái duyên dáng nghiêng mình soi nước. Tóc dừa rập rờn trôi trên sóng vỗ lao xao.

Nơi đây, rất nhiều chàng trai cô gái ra đi cầm súng ở tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Cô gái trẻ Trần Thị Lụa vào đội viên du kích, hoạt động bí mật đúng vào tuổi mười bảy vừa tròn. Mỗi sáng tinh mơ cô quảy gánh cá xuống chợ Nam Ô bán phụ mẹ có tiền đong gạo. Buổi chiều, cô lảng vảng gần cầu Liên Chiểu, quan sát hoạt động của hai đội lính bảo vệ. Có lúc cô lại loanh quanh đồn lính Nam Ô nghe ngóng tình hình. Có lúc cô mượn xe đạp, chạy lòng vòng quanh kho xăng… Chợ trở thành nơi bươn chải mưu sinh, cũng là nơi kín đáo giao nhận thông tin cô thu thập được. 

Một buổi sáng, chợ đông đúc người bán mua, bỗng hai xe cảnh sát đỗ xịch trước chợ. Nhiều cảnh sát mặc sắc phục ùa vào như đang tìm ai. Linh tính mách bảo Lụa có điều không hay, cô gửi gánh cá cho người bạn ngồi bên rồi đội nón, xách giỏ lẻn ra sau chợ tìm đường về nhà. Giữa trưa, tin cảnh sát tìm Lụa tới tai. Cả nhà tức tốc xếp cho cô tay nải nhỏ. Mờ sáng hôm sau, Lụa băng qua núi Hầm Vàng vào Trường Định, tìm đến Khe Răm dưới chân Hòn Quặp. Đi một đoạn đường dài, khi đã vào rừng, Lụa dừng bước nghỉ chân. Cô ngoái lại phía quê nhà. Sông Cu Đê trắng bạc như dải lụa lấp lánh nắng sớm. Bóng các rặng dừa làng Thủy Tú nhìn không tỏ, chỉ thấy lô nhô màu xanh đậm nhạt. Lụa bất giác thở dài. Tạm biệt quê nhà yêu dấu. Ở lại không được nữa rồi. Sa vào tay cảnh sát, với trăm vạn kiểu nhục hình, sống chẳng bằng chết.

Cuối chiều, Lụa tới được Khe Răm. Dọc đường, cô hỏi thăm nhiều người mới tìm thấy nơi cần tới. Thuở ấy Trường Sơn người đi như mắc cửi, anh gùi chị cõng ngược xuôi. Dưới vành mũ tai bèo, những khuôn mặt đỏ hồng sau cung đường vội vã. Cuối thu trời tối nhanh, sương giăng kín nẻo, ai cũng vội chân cho kịp lối về.

Cụm nhà của Khu 1 lợp tranh lá, náu mình dưới vô số tán cây đại thụ. Ban chỉ huy đi vắng cả, đơn vị chỉ còn tổ quân y và các bệnh nhân. Trông thấy Lụa, cô gái đang nằm trên võng ngồi dậy nhìn cô đăm đăm, rồi cười vui vẻ: “Chào mừng em đến với B nữ nhà ta. Hãy ở đây, bên chị, và dần thích nghi với cuộc sống mới nhé!”. Lụa không biết, người vừa nói chuyện là B trưởng Nguyễn Thị Hai đang bị sốt rét, năm ngày rồi chưa đỡ.

Đêm đầu tiên xa nhà lạ chỗ, Lụa trằn trọc mãi không chợp mắt. Lúc nãy mở tay nải, cô thật mừng vì cha đã cẩn thận xếp theo chiếc võng nylon. Mẹ xếp cho mấy bộ áo quần thường mặc, cái tấm đắp nhỏ xuân hè. Có cả chút tiền mẹ gói không biết bao nhiêu lớp giấy vở học trò, nhét vào trong áo. Cô ứa nước mắt: “Con ở đây mua sắm chi mà cần tiền chứ, mẹ để dành đong gạo phải hơn không”. Lan man cô nhớ đến bạn bè xóm chợ. Ngày mai, những ngày sau nữa không thấy cô, các bạn sẽ lo lắng, thắc mắc, nhưng rồi tất hiểu. Các bạn sẽ thầm thì rỉ tai nhau: “Con bé Lụa lên rừng cầm súng rồi”.

Tuần sau cô nhận quân trang. Xưa cô là người lính mặc thường phục, giờ khác rồi. Khoác bộ quân phục lên người, hơi rộng so với dáng vóc mảnh mai. Lụa không khỏi hồi hộp bâng khuâng. Cô lấy chiếc gương soi tròn nhỏ trong gùi, đặt vào lòng bàn tay len lén đưa lên ngang mặt. Trong gương hiện ra cô gái tóc rẽ ngôi bên, mắt như đang cười và đôi môi đỏ thắm. Cô gái ấy dường như rắn rỏi và cứng cáp hẳn.

 

Trên toàn miền nói chung, các vùng quê Quảng Nam nói riêng, Hiệp định Geneve có hiệu lực, chính quyền Quốc gia Việt Nam vừa tiếp quản lập tức truy sát, thủ tiêu người kháng chiến cũ ở lại, giải giáp chờ đợi tổng tuyển cử. Năm sau chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra đời, thủ đoạn đánh phá còn quyết liệt gấp bội. Ý định chia cắt lâu dài đất nước, rõ ràng hơn bao giờ hết. Cánh cửa thống nhất thông qua hiệp thương, các thế lực trong và ngoài nước đóng sầm lại. Chỉ còn duy nhất con đường đấu tranh vũ trang mở ra.

Phải đến những năm 1960/1961, toàn tỉnh mới chắp nối được liên lạc tới cấp xã, từng bước gầy dựng lại phong trào quyết tâm thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Cuối năm 1962/1964, lực lượng cánh Bắc Hòa Vang chỉ có một trung đội, nhưng hoạt động vô cùng hiệu quả. Thắng lợi bước đầu ấy đã cổ vũ nam thanh nữ tú cánh Bắc, tham gia tòng quân ngày càng đông.

Tháng 2 năm 1965, những đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng. Mang theo vô số xe tăng, máy bay, tàu chiến… hiện đại. Chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng phút chốc trở nên gai góc, thử thách thật sự với lực lượng chiến đấu non trẻ của toàn tỉnh thời bấy giờ.        

 Đặc khu Quảng Đà ra đời năm 1967, theo quyết định của Bộ tư lệnh Quân khu 5, có mật danh Mặt trận 44. Không lâu sau, Đại đội cánh Bắc được Đặc khu quyết định thành lập. Vừa ra đời, Đại đội đã đánh những trận oanh liệt ở Phò Nam, Eo Muối nổi tiếng một thời.

Huyện Hòa Vang tựa cánh tay dài, choàng ôm thành phố Đà Nẵng kín ba hướng: Ở hướng Tây, từ Hòa Hiệp vào tới Hòa Khương, 9 xã miền núi áp lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, tạo ra thế trận rộng lớn. Hòa Vang còn sở hữu hàng trăm kilomet Quốc lộ 1. Các đường Quốc lộ 14G và ĐT 601 chạy từ Hiên (Đông Trường Sơn) xuống, khác nào lưỡi dao bén nhọn hăm he thọc vào nách. Chính vì mối đe dọa này, Quân đoàn 1 Sài Gòn đã bố trí ở đây lực lượng mạnh và dày đặc, vòng trong vòng ngoài phối hợp với quân đội Mỹ, bảo vệ tối đa cho tổ liên hợp quân sự bao gồm sân bay, hải cảng lớn nhất khu vực miền Trung.

Trước địa bàn tác chiến rộng, lại thêm binh hỏa lực đối phương quá hùng hậu, không dễ tập kích cứ điểm lớn. Hòa Vang chia nhỏ thành nhiều khu để tiện việc xây dựng lực lượng, chủ động, linh động với cách đánh: “Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”, tiêu hao sinh lực, phương tiện chiến tranh của đối phương. Khu 1 ra đời trước, sau này có tên gọi khác là cánh Bắc. Phía Tây kéo dài từ Hòa Hiệp đến Hòa Ninh, chiều sâu tận Hòa Phát, Hòa Châu ven phố.

Mùa đông lẳng lặng tới, mang theo những trận mưa trút nước dữ dằn. Đơn vị vào huấn luyện kỹ chiến thuật, xen kẽ với học chính trị và đi cõng gạo. Những điều vừa nói ở trên, Lụa ngồi nghe trong những ngày mưa ào ào như muốn đè sập ngôi nhà lá cũ. Các bài học này tựa câu hỏi: Vì sao chúng ta cầm súng? Khi người lính hiểu lý do mình cầm súng, tự nhiên sẽ biết cần bắn vào đâu để giành thắng lợi. Hiểu về truyền thống và cách đánh thực tế, là cách để mỗi người tự có điều chỉnh tâm lý thích ứng, phù hợp.

Trung đội nữ có nhà ở riêng, thao trường riêng, chỉ có hội trường kiêm nhà ăn dùng chung. Ngày mưa tạnh, trên thao trường, Lụa và vài chị em khác lần đầu tiếp cận với kỹ năng cơ bản của người lính: lăn, lê, trườn, bò… không khỏi bỡ ngỡ. Nhìn Nguyễn Thị Hai, Phạm Thị Ba, Ngô Thị Nhì, những chiến binh từng trải thực hành động tác qua rào, Lụa thích quá. Các bạn trườn êm ru trên đám lá rừng, luồn mình dưới hàng dây kẽm gai chuẩn xác đến từng ly, từng tý một. Lụa tâm phục khẩu phục, thầm nghĩ: “Cô còn phải cố gắng nhiều, nhiều lắm”.

Mà không gắng sao được. Đây là một trong những kỹ năng sinh tồn, khi tiềm nhập vào đồn bót năm bảy lớp rào của địch. Một sơ ý nhỏ chạm phải dây mìn, dây pháo sáng… người lính đều phải trả giá đắt, bằng chính sinh mạng mình và đồng đội.

                                                 

Tết đến xuân về. Cơn mưa mùa đông dần nhẹ hạt. Một sáng cuối tháng Chạp, nắng trải vàng sườn núi. Nắng chui qua kẽ lá tìm đến với nền đất đầy lá khô hoai mục, nắng làm cho cái lạnh của rừng không còn khốc liệt, nứt nẻ những đôi môi thiếu nữ. Lũ cây rừng trút lá ngủ đông bừng tỉnh, vô số lộc non he hé trên cành hồi hộp chờ thời khắc giao mùa.

 Lụa ăn cái Tết đầu tiên xa nhà. Nhớ nhà thoáng buồn lên mắt, nhưng rồi bên cạnh nhiều bạn gái hồn nhiên vui cười, giúp cô khuây khỏa. Năm ấy là mùa xuân năm một chín bảy mươi, Lụa vừa tròn hai mươi, dần quen với chiến trường. Những đêm cõng gạo ở Quảng Nam, Xuân Thiều, cô và mọi người phải lách qua làn đạn mai phục, cái chết rập rình sát bên. Có gạo rồi lại phải leo nhiều con dốc dựng ngược, không kịp thở. Cô đã biết chế ngự nỗi sợ hãi. Đó chính là bản lĩnh cần có của người lính.

Những năm tháng trận mạc bắt đầu. Hai năm 1970-1971, hàng chục trận đọ súng với đủ các thứ quân. Trung đội nữ của Lụa đầy rồi lại vơi sau mỗi trận đánh. Vơi rồi lại đầy, khi được bổ sung từ các nguồn khác nhau. Đầu năm 1972, Đại đội cánh Bắc hóa trang, đánh úp cơ quan Ủy ban hành chánh xã Hòa Hiệp. Trận đó B nữ làm đội tiếp ứng, đánh chặn truy kích tại núi Hầm Vàng. Từ nơi này trông về làng Thủy Tú, Nam Ô gần lắm, bóng dừa rợp kín triền sông. Cả B nữ cứ xuýt xoa ao ước, chỉ muốn chạy ào về thăm nhà một chút rồi đi.

Sau trận, Đại đội quay lại chân Hòn Quặp dưỡng quân. Thời gian này lòng Lụa luôn có chút bâng khuâng là lạ, cô cảm thấy hình như mình đang nhớ nhung một ai đó khi không gặp. Hàng ngày cô muốn nhìn thấy người đó cười nói. Chất giọng nhỏ nhẹ của người ấy làm cô vui, nhưng cũng lo lắng vô cùng. Lẽ nào cô đã yêu? Lụa tự chất vấn, rồi chẳng khó khăn khi tìm thấy câu trả lời.

Cuối năm 1971, Nguyễn Đức Mỹ được Mặt trận điều về Đại đội cánh Bắc làm cán bộ chính trị. Mỹ quê ở Điện Bàn, xuất thân tú tài thuộc nòi văn hay chữ tốt, làm thơ nên chuyện trò dí dỏm. Anh lên rừng năm 1964, đánh nhau nhiều mặt trận, gian khổ đói cơm lạt muối thì không kể xiết. Mỹ có phong cách sống rất hay, lúc rỗi anh đi tìm củi phụ bếp, nhặt rau giúp nuôi quân. Lúc quần nhau với địch thì lì như trăn đất. Mỹ thường đi các mũi trọng điểm, theo sát lính mới và luôn tạo cho họ sự điềm tĩnh cần thiết trước giờ nổ súng.

Cái dáng hào hoa nhưng lại dễ gần ấy, chắc chắn lọt vào mắt xanh của nhiều cô gái trong B nữ. Mà B nữ thì không thiếu các cô gái duyên dáng nết na. Vậy mà chẳng hiểu sao, Mỹ lại để ý tới Lụa. Có thể sự rụt rè, e lệ đầy nữ tính của Lụa, làm anh không rời mắt đi đâu được. Giữa họ chẳng có tiếng sét ái tình nào cả, tình yêu cứ chầm chậm nảy nở, dần lớn lên từng ngày một cách tự nhiên, ngay cả chủ nhân của trái tim cũng không hay biết.

Chuyện “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của hai người, kéo dài hàng năm trời đeo đẳng. Ngày nọ, Mỹ sang nhờ Lụa đơm lại hai chiếc cúc túi áo đang mặc. Anh gửi áo rồi ra suối mò ốc, mò cua. Lụa tay cầm kim chỉ, tay kia thọc vào túi áo giữ thẳng vải để đơm cúc, cô bắt gặp tờ giấy nhỏ gấp đôi trong túi. Kéo tờ giấy ra, không mở thì tự nó cũng bung, vừa đủ để Lụa đọc những hàng chữ viết ngay ngắn, cẩn thận: “Lụa ơi. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc. Hãy chờ anh đến ngày hòa bình nhé. Anh yêu em”.

Lụa hốt hoảng nhìn quanh, may chỉ có mỗi cô trong trại. Tai Lụa ù ù, ngực đập thình thịch, mặt cô nóng bừng, hổn hển thở gấp. Thế mới biết mãnh lực ái tình thật ghê gớm, nó làm cho người lính chiến gan dạ như Lụa run lên không phải chuyện vừa. Tình yêu tựa như rượu, càng ủ càng nồng. B trưởng Nguyễn Thị Hai tinh ý, nhận ra mùi hương yêu này đầu tiên. Hai rủ Lụa đi hái rau tầm phục, khi chỉ còn hai người trong suối, chị nhẹ nhàng nhắc chừng: “Người chứ có phải gỗ đá mô hè. Lính thì cũng chỉ là người trần tục thôi, nhưng đã yêu nhau thật lòng thì phải biết giữ gìn cho nhau, đừng để vương vòng kỷ luật Lụa nhé!”. Lụa lại đỏ mặt ngượng ngùng, lí nhí dạ nhỏ, lòng cô rối bời. Tình yêu đầu đời như thảo nguyên bát ngát cỏ hoa và cô say men chuếnh choáng.

Giữa năm 1972, cả hai bên đều đẩy mạnh hoạt động quân sự, hỗ trợ cho bàn đàm phán Paris đang vào các vòng cuối căng thẳng. Quân giải phóng bẻ gãy cuộc hành quân lớn Lam Sơn 719, cùng lúc tổ chức tiến công nhiều mặt trận, làm nên một mùa hè đỏ lửa. Đơn vị của Lụa sau trận đánh cơ quan hành chánh Hòa Hiệp, nghỉ ít ngày cho lại sức, đại đội đánh tiếp mấy trận nữa ở Hòa Nhơn, gây cho lực lượng Chi khu Hiếu Đức tổn thất và một phen hoảng sợ.

Mùa thu, gió heo may dìu dịu thổi ngang, những cây dẻ rừng bắt đầu nhuộm vàng, nắng nhẹ và đổi sang màu tím nhạt. Hoàng hôn dường như đến sớm và man mác chút buồn. Đúng lúc Nguyễn Đức Mỹ nhận được thông báo chiêu sinh, lớp nâng cao của Quân khu tổ chức. Ngày anh đi, Mỹ bắt tay giã biệt mọi người. Anh cầm tay Lụa lâu hơn, nói khẽ: “Chờ anh nhé. Lụa rưng rưng gật đầu. Cả hai nhìn thấy bóng mình trong mắt nhau lặng lẽ”.

Mỹ ra đi, để lại khoảng trống mênh mông trong lòng Lụa. Cô buồn, nhưng rồi những trận đánh, những chiến dịch đã kéo cô theo với bao nhọc nhằn, gian truân đến nỗi không còn thời gian để mà nhung nhớ. Chuẩn bị chiến dịch Đông Xuân 1972/1973, Lụa được phân công làm B phó của trung đội nữ, công việc như càng nhiều hơn.

Cái Tết đạm bạc nữa lại đến. Khu 1 rục rịch tìm kiếm lá dong gói bánh chưng, lá chuối gói bánh tét. Lúc này không khí chiến tranh dịu hẳn, Hiệp định đình chiến Paris sắp sửa ký kết. Mọi người thở phào thầm vui, chỉ nay mai thôi là chạm tay vào chùm trái ngọt hòa bình. Ngày 24 tháng Chạp, Hiệp định Paris được bốn bên hạ bút, có hiệu lực ngay lập tức.

Trong lúc Quân giải phóng hớn hở vui hòa bình, không biết rằng ngay trong đêm ký kết Hiệp định, phía Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 74 cuộc hành quân lớn nhỏ trên toàn miền. Tại Quân đoàn 1 của tướng Trưởng, 44 cuộc hành quân nống ra giành dân lấn đất. Tiếng súng lại nổ, tiếng xích xe tăng rin rít chói tai cùng tiếng đại bác ầm ì vang động khắp trời. 

Ăn vội cái Tết cổ truyền dang dở, mùng ba B nữ xuôi quân xuống đứng chân gò Khu Ốc, cắm cờ đánh dấu nơi đồn trú. Sáng hôm sau chưa xong công sự, đã bị tàu rà phát hiện. Chiếc L19 nghiêng ngó mấy vòng, ném xuống đỉnh đồi trái khói. Chỉ ít phút sau, pháo ở đồn Quảng Nam đã rần rần bắn tới, chưa dứt pháo các cặp UH1B từ Đà Nẵng lên quần đảo đánh phá. Sau màn dạo đầu chết chóc, lính Sư đoàn 3 từ Thanh Vinh, Nam Ô tràn qua, ồ ạt tiến công chiếm đồi. B nữ đẩy lùi được 3 đợt xung phong, chờ đêm xuống đưa thương binh tử sĩ thoát ra. Mỗi người súng chỉ còn vài viên đạn.

Tháng hai, B nữ trở lại quần nhau với Sư 3 ở gò Ông Tự. Trận này bốn người là Huỳnh Thị Chắn, Đặng Thị Quyết, Nguyễn Thị Đắc, Ngô Thị Nhì đã không về. Trận gò Cây Cau thêm Phạm Thị Nợ, Lê Thị Bưởi, Phạm Thị Ba nằm lại chiến địa. Lòng Lụa đau thắt. Cô hiểu ra rằng: “Chùm quả ngọt hòa bình không thể chín muồi, tự rụng xuống như bao người hằng mong đợi”.

Tháng ba, Đại đội cánh Bắc quay lại hậu cứ, chỉ còn vài người thưa thớt. Trung đội nữ khuyết vơi hơn một nửa. Ngôi nhà của B nữ, xưa ríu ran tiếng nói cười trẻ trung vui nhộn, nay trống vắng và buồn. Đêm xuống, những cánh võng mắc dồn vào một góc. Lụa nhìn góc trống dành cho các bạn không về, thút thít khóc thầm. Giọt nước mắt sau ngày đình chiến tưởng sẽ ngọt ngào, hóa ra vẫn mặn chát bao nỗi đắng cay.

                                                        

Diễn biến tình hình sau Hiệp định Paris ngày càng xấu. Quân lực của chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, liên tục tiến công các khu vực đồn trú của Quân giải phóng. Để che đậy sự thật này, quân lực Sài Gòn có công điện thượng khẩn gửi cho báo chí, đài phát thanh và truyền hình: “…Từ nay cấm không được nói rõ số lượng phi xuất, hải xuất, pháo binh yểm trợ… mà phải thay đổi hình thức, giải thích đó là các hoạt động có tính cách phản ứng tự vệ…” (Công điện mang tay số 5458/TTM, ngày 10/02/1973 của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Sài Gòn).

Ở mặt trận Quảng Đà, toàn tuyến phía Tây các huyện Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn đều bị quân đội Sài Gòn nống ra lấn chiếm. Các cuộc hành quân càn quét cấp tiểu đoàn trở lên, có bom pháo và tăng yểm trợ tạo nên binh hỏa lực áp đảo, đã giành được ưu thế nhiều nơi. Tổng thống Thiệu trong các cuộc họp báo hùng hổ tuyên bố: “…Sẽ không có tổng tuyển cử, sẽ không có Chính phủ Liên hiệp, sẽ không có phân chia vùng kiểm soát, sẽ không có lực lượng thứ ba và không có một Chính phủ Cách mạng lâm thời nào”.

Sau Hiệp định Geneve, Hiệp định Paris lần nữa bị xé toẹt. Liên tục năm 1973 qua đầu năm 1974 trên toàn miền, quân đội Sài Gòn nống ra tới đâu xây dựng trận địa phòng thủ tới đó. Tổng thống Thiệu đi thị sát khắp nơi, luôn miệng đôn đốc các sư đoàn, quân đoàn ráo riết tấn công: “…Chúng ta phải có hành động ngay từ đầu, phải ngăn ngừa hành động chuẩn bị phản công của Cộng sản một cách chính đáng…” (Bài nói chuyện của Tổng thống Thiệu với Quân chủng Hải quân vùng 1 duyên hải, ngày 16/01/1974). Hay: “…Đánh thằng Cộng sản phải đánh cho hữu hiệu, hữu hiệu hơn Cộng sản vì hỏa lực chúng ta hơn thằng Cộng sản…” (Bài nói chuyện của Tổng thống Thiệu tại Bộ tư lệnh Sư đoàn 1bb- ngày 18/01/1974).

Từ đầu năm 1973 đến giữa năm 1974, Quảng Đà dồn sức ngăn chặn lấn chiếm của quân lực Sài Gòn ở đồng bằng, cùng lúc phối hợp với Khu 5 khẩn trương huy động sức người sửa chữa đường Trường Sơn huyết mạch, bảo đảm tất cả nguồn cung ứng thông suốt. Sửa chữa hoàn chỉnh nhiều đoạn đường 14 nối với Đông Trường Sơn, tạo thành những múi đường chiến dịch rộng mở, sẵn sàng phục vụ xuất kích phản công.

Chiến tranh dẫu chẳng muốn đã thành giải pháp lựa chọn, bởi lúc này ngồi đợi thực thi Hiệp định, khác nào bó tay chờ chết. Thương mình thương quê, Lụa không giấu nỗi uất nghẹn: “Sự can thiệp của thế lực nước ngoài nấp dưới danh nghĩa hệ ý thức nào đó, cùng với lòng tham lam quyền lực của một bộ phận người, chúng bắt tay hợp tác cùng nhau, bất chấp lợi ích Quốc gia. Bất chấp ý nguyện yêu chuộng hòa bình và thống nhất của Dân tộc”.  

Giữa năm 1973, Quảng Đà tiếp nhận 500 chiến sĩ mới từ Thái Bình vào chi viện. Mặt trận 44 gấp rút kiện toàn các đơn vị của mình, đủ sức đương đầu với cục diện mới. Đó là những tiểu đoàn chủ công, sau hơn 5 năm chiến đấu quân số hao mòn gần hết, không thể thực hiện quy mô các trận đánh lớn.

Ngày Lụa cùng các anh chị em (2 trung đội, một nam một nữ), có quyết định của Quảng Đà điều đi tăng cường cho đơn vị mới, nhiều ý kiến dùng dằng không muốn đi. Cuộc họp đại đội kéo dài nửa ngày chưa ngã ngũ. Cánh Bắc như ngôi nhà thân thương, nay rời xa không nỡ. Tuy nhiên không thể không đi. Lụa thay mặt B nữ phát biểu rất gay gắt: “Nhiệm vụ phải chấp hành, nhưng tư tưởng không thông”.

B nữ sau mấy trận quần nhau ác liệt với Sư 3, hy sinh và bị thương gần hết. Đến tháng 6, Khu 1 điều chuyển nhiều chiến sĩ nữ ở các bộ phận khác về bổ sung, chuẩn bị ôn luyện thì có lệnh biên chế mới. Trong kế hoạch kiện toàn của Mặt trận 44: Tăng cường một bộ phận của cánh Bắc, đồng thời bổ sung 100 chiến binh Thái Bình vào Tiểu đoàn 10, tác chiến trên một địa bàn khá rộng từ cánh Trung (giáp ranh với cánh Bắc), kéo dài vào phía Nam dọc hai bờ Thu Bồn. Lụa rời đơn vị cũ, không vui nên nói cho đỡ bực bội vậy thôi. Người lính phía nào cũng là phía trước, buồn hay vui như gió thoáng qua.

Tháng 7 năm 1974, Tiểu đoàn 10 của Lụa từ cánh Trung hành quân cắt rừng vào Đại Lộc, tham gia trận hợp vây Thường Đức. Sau khi nhổ được cái chốt hiểm yếu Thường Đức trên yết hầu đường 14, đơn vị chuyển về hậu cứ Thọ Lâm, quần nhau với Sư 3 ở vùng B. Chiến trường Quảng Đà giai đoạn này vô cùng khốc liệt. Sư dù được Sài Gòn điều động tham chiến, cùng với tham vọng tái chiếm Thường Đức. Bom pháo rền trời ngày đêm.

 Năm 1974, tôi binh nhì Đỗ Vĩnh về Tiểu đoàn 10, khi mùa thu đang còn rủ rê những dải mây lụa cuối trời, nắng mưa đan xen. Tôi được biên chế vào trung đội thông tin, tiểu đội hữu tuyến. Hôm đi lấy cơm ở bếp, tôi sửng sốt trước tổ bếp: Nguyễn Thị Hiên, Lê Thị Chắt, Trịnh Thị Châu do Nguyễn Thị Chín làm bếp trưởng. Cả tổ đều đẹp, nhưng nếu xếp hạng thì Chắt sẽ giành số 1.

Hơn tuần, tôi lại lụi cụi vác ba lô về C hỏa lực, suốt ngày ngắm nghía khẩu DKZ và đại liên. Ở đây, tôi được ăn cơm Trần Thị Lụa và Phạm Thị Sau nấu. Những buổi trưa không ngủ tôi thường ngồi hí hoáy ghi chép, Lụa đi ngang vẫn hay cười khen: “Trông giống sinh viên quá, không ra lính chút nào”. Năm ấy tôi trẻ nhất đại đội, trắng trẻo như chàng thư sinh thật.

Chiến dịch Thu Đông, dọc đôi bờ Thu Bồn tiểu đoàn đều vấp phải chống cự quyết liệt của Sư 3. Bờ Bắc là Trung đoàn 56 từ Ái Nghĩa lên, bờ Nam là Trung đoàn 57 từ An Hòa ra, mũi nào cũng có tăng hành tiến đi kèm. Chốt Gò Quy của Đại đội 1, chốt Quảng Đại của Đại đội 3 đều bị tăng xuyên thủng.

Kết thúc chiến dịch, cái Tết cổ truyền vừa vặn tới. Tôi men theo con suối nhỏ tìm thăm bạn bè. Dưới đôi tay chăm chỉ của Nguyễn Thị Bến, Trần Thị Kiềm bếp Đại đội 1 đỏ lửa nhưng buồn (hai hôm trước, bếp trưởng Trần Thị Giỏi bị thương khi đưa cơm ra chốt, đang nằm trạm 76). Bếp Đại đội 3 cũng vậy, Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Thị Chúng, Ngô Thị Xa không nói, không cười, mắt chưa khô vì khóc bạn. Tôi đến Đại đội 2 đã chiều lắm rồi, Ngô Thị Bích, Đặng Thị Đức loay hoay chuẩn bị cơm tối. Cánh lính trẻ bạn tôi, trận này nằm lại đôi bờ sông Thu nhiều quá. Đứa về, mắc võng ngủ mê ngủ mệt, có đứa lầm lì hơn thường ngày. Sau trận đánh ác liệt, giành giật mạng sống trở về, người lính bỗng thấy nhớ nhung đâu đó thật nhiều. Họ để mình nhàn du, lang thang rong chơi trong vòm trời ký ức, tự thưởng thức sự ngọt ngào đầy chất trai trẻ. Thường thì trong sự ngọt ngào ấy, có bóng dáng mẹ và một người khác nữa từng làm lòng ta xao xuyến.

 

Hình như đã sắp tàn xuân rồi. Tháng ba những bụi sim đồi bắt đầu cho hoa đầu mùa. Nắng lên sớm, tầm nửa buổi đã nóng như thiêu đốt. Pháo dù vẫn nện liên hồi cầm canh như giã gạo. Mỗi chạng vạng, Lụa đi đưa cơm ra chốt trên những sườn đồi xơ xác, lơ thơ cây núi không che kín ngực. Vòng quanh các chốt ở cao điểm 363 (Chóp Nón - Tây Nam Đại Lộc), trao hết mấy chục nắm cơm Lụa lại mò mẫm quay về trên con đường cũ tối mịt, vừa đi vừa nghe chừng tiếng đạn pháo dọc ngang gầm rít qua đầu.

Một hôm đơn vị rời chốt trong đêm, lặng lẽ hành quân luồn sâu tiến công Hội An. Đêm qua sông Thu, trăng thượng tuần chênh chếch đầu non, Lụa ngoái nhìn phía sau bùi ngùi nhớ những sườn đồi nắng gió, nhớ những người bạn còn nằm đâu đó phía đại ngàn:

“…Dạo ấy hối hả quân đi 

đồng bằng phía trước

đêm Thu Bồn ri ri dế gáy triền lau

vạc kêu mờ mờ sương lạnh

mái chèo khua nước

trăng vỡ từng vuông vàng mườn mượt

người múc trăng làm rượu

thay lời giã bạn

cạn chén qua sông…”

(Thơ Nguyễn Vĩnh)

Sau ba ngày đêm liên tục đi, cả tiểu đoàn đã tới phố. Phố sáng nay tràn ngập nắng, vài tiếng súng lẻ tẻ đâu đó xa xa. Lụa và các bạn hít thở không khí của phố, mà như mơ như thực. Trước đây vài ngày, lính tổng Thiệu vẫn đánh rất hăng, vẫn bắn như vãi đạn. Vậy mà ngày trước ngày sau, họ lũ lượt bỏ chạy thục mạng, chưa đánh đã chạy. Chẳng riêng mặt trận Quảng Đà, các mặt trận khác Quân giải phóng tiến như chẻ tre. Lụa lý giải theo cách riêng của cô: “Đó là cơ trời mầu nhiệm. Tổ quốc linh thiêng khát khao thống nhất, không muốn chàng trai cô gái Việt đổ thêm máu xương hơn nữa”.

Lụa vẫn thức khuya dậy sớm lo bữa cơm chung, nhưng không phải nấu từ bếp Hoàng Cầm dưới hầm sâu ngột ngạt. Cô đã sống với hòa bình vài tháng nay, đã làm quen với phố phường nhộn nhịp. Nhiều đêm cô ngủ muộn, nhớ về đâu đó rồi đỏ mặt mắc cỡ một mình. Hòa bình rồi người ấy chưa về, để cô cứ mãi băn khoăn một lời khất nợ.

Tháng 8 năm 1974, Nguyễn Đức Mỹ xuống Điện Bàn tham gia chống càn. Anh bị phục kích, dính đạn ở Điện Thọ. Đồng đội dìu Mỹ ra bờ sông Thu, tìm cách đưa anh vượt sông thoát hiểm. Biết không sống được, Mỹ năn nỉ các bạn dừng lại. Anh lục tìm trong gùi chiếc hộp vuông vức, gói ghém cẩn thận nylon bên ngoài, đặt lên tay bạn kèm theo lời dặn dò: “Ngày hòa bình, hãy chuyển kỷ vật này tới tay Lụa, Khu 1 cánh Bắc Hòa Vang giùm tôi”. Đêm ấy, anh nằm lại bên bờ sông Thu rười rượi gió, lấp lánh sao trời in soi bóng nước.

Chiều chủ nhật, mọi người loanh quanh ra phố doanh trại vắng teo. Lụa đem di vật của Mỹ ra ngồi ngắm. Đó là cuốn nhật ký đã ố màu. Hôm qua nhận kỷ vật từ tay người bạn cũ của Mỹ, cô bật khóc. Hôm nay lần giở từng trang, bắt gặp anh trải lòng với con chữ nghiêng nghiêng quen thuộc, cô lại nức nở khóc òa.

“Dốc Gió tháng 8 năm 1972.

Vừa leo hết Dốc Gió, ngồi thở cho đỡ mệt. Trên đỉnh dốc này, anh nhìn thấy Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, thấy cả Hải Vân xa mờ, nhất là thấy Hòn Quặp nhô cao lẫn trong dãy Bà Nà, thì nỗi nhớ em không bút nào tả xiết. Mới rời cánh Bắc ba ngày mà ngỡ như lâu lắm. Nỗi nhớ cứ làm cho bước chân trĩu nặng, con đường rừng bỗng chông chênh và thấp thỏm làm sao.

Lụa ơi. Dẫu buồn chúng ta vẫn phải đi. Hãy nhớ lời anh hẹn nhé:

Hẹn em gặp giữa Đà Thành

Nếu không. Gặp nhau dưới lá cờ Tổ quốc.

Hòn Tàu ngày…tháng …năm

Khe Răm ngày…tháng…năm…”.

Ghì chặt cuốn nhật ký vào ngực, Lụa ngồi bất động một lúc lâu. Giữ lời hẹn em đã về với Đà Nẵng đấy thôi, Lụa bất chợt lẩm bẩm, chỉ anh như gió bay đi phương nào xa thẳm. Chẳng trách anh đâu, dẫu anh lỗi hẹn. Không về.

 

Viết câu chuyện này năm tôi 18 tuổi. Quanh tôi là đại ngàn và những người bạn lính nhiều thế hệ. Thời bom rơi đạn nổ, cánh “mày râu” chúng tôi đã khó trăm bề, vậy mà cánh “liễu yếu” các cô ung dung đi qua suốt thời chiến trận. Ngày tới Thủy Tú tìm Lụa, thuyết phục cô cùng với B nữ xuất hiện trong truyện bằng tên thật người thật. Lụa khăng khăng chối từ, nhưng khi nghe tôi viết về đồng đội một thời trận mạc, về trầm tích một vùng quê xứ ven sông ven biển đang dần mờ phai dưới bụi thời gian, thì Lụa đành ừ và thôi không cự nự nữa.

 Người lính chẳng mấy ai thích nói về mình. Họ như bông lúa chín vàng, toát mùi cỏ nội hương đồng ngào ngạt không dễ lẫn vào bất kỳ đâu.

N.V