Lối sống Đà Nẵng - Một nét riêng
Người dân và công nhân công ty môi trường cùng nhau dọn rác sau bão.
Lối sống là một thói quen có định hướng, là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, đặc trưng văn hóa của một con người hay một cộng đồng. Lối sống có thể khác nhau tùy vùng miền, lối sống ở nông thôn khác với lối sống ở thành thị, miền núi khác đồng bằng, nhưng thường có một điểm chung là đều hướng đến những mục đích, mục tiêu mang tính tích cực, vừa duy trì, phát huy bản sắc vốn có, đồng thời cũng là sự phát triển theo xu thế tất yếu của thời đại.
Cũng như bất cứ đô thị nào của nước ta, “Lối sống” của Đà Nẵng đều là sản phẩm của quá trình phát triển đô thị, nó không chỉ thụ động mà còn có vai trò tác động trở lại đối với chính sự phát triển đô thị. Sự biến đổi của lối sống đô thị trước hết phụ thuộc vào chất lượng phát triển đô thị, mà cốt yếu nhất là vào chất lượng của quá trình đô thị hóa. Nhìn dưới góc độ địa giới hành chính, đô thị ở Đà Nẵng chiếm tỉ lệ áp đảo với 6 đơn vị hành chính cấp quận, chỉ còn một “huyện vùng quê” duy nhất là Hòa Vang, cũng đang từng bước được “đô thị hóa” (chưa tính đơn vị hành chính đặc biệt là huyện đảo Hoàng Sa). Vì vậy, nếu nói đến “Lối sống Đà Nẵng”, không thể không đề cập đến “Lối sống đô thị”.
Bàn về “Lối sống đô thị” của Đà Nẵng, điều đầu tiên cần đề cập là nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Dưới con mắt và cảm nhận của nhiều người thì Đà Nẵng có một môi trường văn hóa lành mạnh cùng một bản sắc văn hóa riêng có, được bắt nguồn từ một nhân tố mang tính căn bản, đó là “Con người Đà Nẵng”. Từ cái gốc mang tính căn bản đó, đã tạo nên lối sống Đà Nẵng, nó được thể hiện những hành vi, thái độ ứng xử, hành vi văn hóa của người Đà Nẵng mà không khó bắt gặp được ở mọi nơi, mọi lúc trong thành phố này. Một nhà văn hóa đã đúc kết một cách rất cụ thể về người Đà Nẵng: Đà Nẵng nằm trong vùng đất được tôn vinh là "Ngũ phụng Tề phi", gắn liền với truyền thống hiếu học và say mê sáng tạo. Người Đà Nẵng có bản tính chất phác, ngay thẳng, sống đơn giản, thân thiện, yêu sự chân thật và kiên quyết trong hành động chống lại những điều ác, điều xấu. Trải qua diễn trình lịch sử, Đà Nẵng là nơi quần cư của cư dân nhiều địa phương khác đến; là nơi giao lưu và hội tụ những nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Dẫu chưa hình thành nét đặc trưng rõ rệt như một số nơi nhưng người Đà Nẵng vẫn có tính cách riêng và ngày càng được hun đúc cùng tiến trình phát triển đô thị.
Trải qua chặng đường 47 năm sống trong hòa bình, hơn 25 năm là Thành phố trực thuộc Trung ương, cuộc sống của người Đà Nẵng ngày càng khá hơn và hình ảnh về tính cách con người Đà Nẵng chân chất, hiền hậu, hiếu khách vẫn được khắc họa đậm nét, dù cho quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường tác động theo một quy luật tất yếu. Đó cũng là bản chất văn hóa, nhân văn đã thấm sâu trong máu thịt những người Đà Nẵng. Văn hóa, cũng là lối sống của người Đà Nẵng là thái độ ứng xử, lịch sự, tận tình với bạn bè, du khách gần xa đến Đà Nẵng, là sự tự giác trong giữ gìn phố phường sạch đẹp, sự tôn trọng luật pháp… Dưới con mắt và nhận xét của bạn bè gần xa, người Đà Nẵng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Đó là sự thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng hợp tác của mọi người từ em bé đến cụ già, từ anh xe ôm đến anh cảnh sát giao thông với những du khách gần xa. Một người bạn của tôi, từ một tỉnh phía Bắc, lần đầu tiên đến Đà Nẵng, đã thốt lên rằng: “Người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ, điều mà những thành phố lớn khác không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Một dẫn chứng nữa rất sinh động về lối sống của người Đà Nẵng là sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người một cách vô tư, không vụ lợi, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, cơ nhỡ, không may. Mới đây nhất là câu chuyện một người đàn ông khi lưu thông trong đoạn hầm chui đường Điện Biên Phủ, chẳng may bị rơi ví tiền, gần 10 triệu đồng bay tung tóe khắp nơi trong hầm chui, đã được người đi đường dừng lại, nhặt và đưa lại cho anh không thiếu đồng nào. Đó là một trong nhiều hình ảnh đẹp về người Đà Nẵng được lan tỏa khắp nơi... Hay như trên Trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” (Trang QLĐTh), là một quản trị viên (admin) của Trang này, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được những thông tin của các thành viên gửi đăng tin nhờ thông báo đến “khổ chủ” là những người bị mất, thất lạc giấy tờ, tiền bạc, tư trang mà nhiều khi có giá trị rất lớn liên hệ nhận lại mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Đăng tin mất của, mất tiền là lẽ thường tình nhưng đăng tin nhặt được của rơi, tài sản thất lạc để người mất nhận lại thì không phải ở đâu cũng có. Đó còn là những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời khi tiếp ứng máu cho những trường hợp bệnh nhân, nạn nhân của vụ tai nạn nào đó đang cần gấp máu để truyền, hay quyên góp tiền cho những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.
Lối sống Đà Nẵng còn thể hiện đậm nét ở tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong việc làm cho thành phố quê hương sạch hơn, đẹp hơn. Thông qua mạng xã hội, đã có những “phong trào tự phát” được phát động nhưng rất có tổ chức để đi dọn rác ở các bãi biển, trên bán đảo Sơn Trà và “điển hình” nhất là năm 2017, khi trước ngày Tuần lễ cấp cao APEC 2017 khai mạc 1 ngày, do ảnh hưởng của cơn báo số 12, đường phố xơ xác, băng rôn, cờ xí tả tơi, rác tràn bãi biển... Vậy mà, sau khi Chủ tịch UBND thành phố phát lời kêu gọi thì ngay lập tức, toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ và chiến sĩ của Đà Nẵng, đặc biệt là các bạn trẻ, không hẹn mà gặp, đồng loạt xuống đường, bất chấp mưa gió, không quản ngày nghỉ, đã có mặt từ sáng sớm cùng với các lực lượng chức năng khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường để ngày hôm sau thành phố khang trang, sạch đẹp sẽ đón quan khách và bạn bè gần xa đến tham dự một sự kiện lớn mang tầm quốc tế, qua đó để lại những ấn tượng tốt đẹp của họ về một thành phố thanh bình và văn minh. Đó còn là những chàng trai còn rất trẻ, với vẻ bề ngoài khá “bặm trợn” của nhóm “Báo Đêm” (SOS Đà Nẵng). Ban ngày mỗi người mỗi việc, nhưng khi thành phố đang say giấc ngủ, họ lại rong ruổi trên khắp các tuyến đường để kịp thời hỗ trợ những trường hợp hư xe, tai nạn cần trợ giúp… Mới đây nhất là hình ảnh gần 1000 chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả do trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022 gây sạt lở nghiêm trọng tại Nghĩa trang Hòa Sơn cũng là một hình ảnh đẹp về tình quân dân thắm thiết trên mảnh đất Đà Nẵng đầy tình người này.
Từ những cách hành xử rất đời thường nhưng đậm chất nhân văn đó, đã làm toát lên một Đà Nẵng rất đáng mến, thân thiện, chân thành, được bắt đầu từ những con người Đà thành bình dị như vậy. Và rõ ràng, nó cũng xuất phát từ bản chất “có văn hóa” của người Đà Nẵng, trực tiếp tạo ra “Lối sống Đà Nẵng”.
Tất nhiên, bên cạnh mặt tích cực, những điểm sáng mang tính bao trùm, đại diện cho lối sống đô thị ở Đà Nẵng thì không thể bỏ qua những vấn đề tồn tại, nhất là khi sự nhận thức, tiếp cận với văn minh hiện đại chưa phải ai cũng theo kịp tốc độ phát triển về mặt cơ học của một đô thị thời đổi mới và hội nhập. Lấy dẫn chứng ở vấn đề giao thông đô thị, một vấn đề đang trở thành đề tài thời sự được quan tâm thường xuyên, nhất là khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, cùng với việc dân số ngày càng tăng, số lượng các loại phương tiện giao thông ngày càng nhiều, chủng loại ngày càng đa dạng và phong phú. Nói đến lĩnh vực này, không thể không đề cấp đến khái niệm “Văn hóa giao thông”. Đây là một khái niệm nằm trong khái niệm chung về nếp sống văn hóa văn minh, mà bất kỳ ở đâu, nhất là ở các thành phố lớn của nước ta, trong đó có Đà Nẵng đều quan tâm. Cũng giống như các đô thị lớn ở nước ta, Đà Nẵng cũng không tránh khỏi những bất cập nhìn từ góc độ “Văn hóa giao thông”, nó liên quan đến sự tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, là biểu hiện ở việc cần tôn trọng và nhường nhịn nhau trong tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; không lấn chiểm vỉa hè, lòng đường; hạn chế việc sử dụng còi v.v…
Chỉ cần quan sát ở một vài trạng thái của đèn tín hiệu là có thể đánh giá được phần nào ý thức của người tham gia giao thông. Vẫn còn tình trạng người ta vượt đèn đỏ khi qua giao lộ, khi không có cảnh sát giao thông là người ta thản nhiên vượt đèn đỏ và cả đi ngược chiều ở những con đường chỉ được phép đi một chiều, ở những đoạn ngắn đã có bảng cấm rất to, rất rõ nhưng người ta vẫn “tranh thủ” đi qua… Ngoài ra, còn là hiện tượng khạc nhổ, là ném xác chuột ra đường, là lấn chiếm vỉa hè, dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang, đám tân gia lấn ra, thậm chí là chiếm lĩnh nguyên một đoạn đường, gây cản trở giao thông... Và rộ lên gần đây là tình trạng “loa kẹo kéo”, karaoke “hát cho nhau nghe” bất kể ngày đêm; rồi tình trạng đậu đỗ xe, tuy không sai luật tại những tuyến được phép nhưng lại không được những nhà mặt tiền “cho phép”, gây ra xung đột bất phân thắng bại ở cả hai phía…
Đi cùng sự phát triển của đô thị là những hệ lụy, hệ quả tất yếu kéo theo, lối sống đô thị ở Đà Nẵng cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Nếu chính quyền và cơ quan chức năng quản lý tốt thì những bất cập, tồn tại sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, đô thị sẽ sáng xanh sạch đẹp, ngăn nắp, an toàn và văn minh hơn và ngược lại. Và trên hết là người Đà Nẵng luôn biết trân quý, giữ gìn và phát huy cái nền tảng văn hóa tạo ra lối sống rất riêng của Đà Nẵng để cho thành phố quê hương mãi văn minh, thân thiện, an bình và đáng sống một cách bền vững ở hiện tại và cả tương lai.
D.H