Câu chuyện của gió

05.12.2022
Thủy Nguyễn

Câu chuyện của gió

(Đọc Nơi ngày đông gió thổi, Thơ Đinh Thị Như Thúy, NXB Hội nhà văn 2022)

Sức lay động của Nơi ngày đông gió thổi (NXB Hội Nhà văn 2022) của Đinh Thị Như Thuý không chỉ ở lối kể giản dị như lời tâm sự của một người đàn bà về những câu chuyện xung quanh mình với giọng thơ đằm thắm dịu dàng mà ở những con chữ mang bề sâu tâm trạng. Rong ruổi cùng chị qua 21 phân khúc của bản trường ca về gió, tôi nhận ra những câu thơ chị viết như những giọt thanh âm trong trẻo, gõ vào lòng người những ngân khúc trầm êm, sâu lắng. Không đơn thuần kể chuyện về những ngọn gió đang rượt đuổi nhau. Mê mải. Không khởi đầu. Không kết thúc… nơi mảnh đất Tây Nguyên trời xanh cao và gió ngùn ngụt đuổi ngày đông nắng lạnh, Đinh Thị Như Thúy gửi vào thi ảnh này những ngẫm suy về thơ ca, về cuộc đời và thân phận con người.

Để dẫn dụ người đọc phiêu diêu theo bước chân của gió qua từng phân khúc, Đinh Thị Như Thúy mở căng đôi mắt, đôi tai và cả trái tim để lắng nghe, cảm nhận những biến động của cuộc sống xung quanh. Người đàn bà ấy có đôi lúc mộng mị nhưng những điều chị cảm thức không hề mơ hồ, ảo ảnh. Mỗi ngọn gió trong thơ chị kể một câu chuyện không đâu xa, mà rất thực, bình dị và thân thương đến lạ lùng. Nơi ấy thời gian được tính bằng mùa dã quỳ đồng loạt nở, mùa hoa cà phê nở trắng đồi, mùa hái trái chín đỏ... Không gian của rẫy nương, suối sông cùng những đường mòn đầy bụi, những sân phơi chong đèn rực sáng, những vòm cây cạnh ngôi nhà nhỏ xíu dúm dó, trống hoác...

Gió trong trường ca của chị vừa được nhân cách hóa, mang tâm trạng, xúc cảm của con người, vừa là đối tượng để nhà thơ gửi vào đó những suy ngẫm, triết luận. Thi ảnh gió xuất hiện dày đặc với nhiều dạng vẻ, nhiều hành động phong phú bất tận: Những ngọn gió như ngựa hoang/ Ngùn ngụt suốt ngày suốt đêm (Khúc một). Có tiếng gió u u/ chưa bao giờ mất/ trên xứ sở này (Khúc hai). Những ngọn gió muộn đang rập rình sửa soạn những cuộc đi (Khúc sáu). Những ngọn gió lãng du không biết bắt đầu từ đâu (Khúc bảy). Những ngọn gió làm bản năng thú hoang thức dậy (Khúc mười một), Gió cuồng nộ xoáy tròn (Khúc mười hai), Gió uốn cong, bẻ gãy vứt ném tất cả (khúc mười chín)… Gió lộ diện với nhiều cung độ và trường độ khác nhau khi u u, lúc ngùn ngụt, lồng lộn, rú rít, lúc gầm gào, bất ổn nổi loạn… qua số lượng từ láy tượng thanh, các động từ mạnh được cài cắm khá dày trong từng phân khúc, cho thấy những biến thiên của gió như tâm trạng phức tạp đan xen của con người: hạnh phúc, lo lắng, buồn đau, giận dữ… Tương ứng với hành động của gió là hoạt động của nhân vật trữ tình: nàng lắng nghe, thở, cúi mặt, gõ, nhắm mắt, không ngủ, nằm nghe, rời đi. Mỗi hành động ấy chất chứa biết bao nỗi niềm, đó là lòng đắm đuối trước cái Đẹp: Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết; nỗi đau thân phận: Sinh ra làm người với gánh nặng u mê thân xác; sự đồng cảm với những gian khổ của người lao động trong mùa lạnh Tây Nguyên: Da thịt con người tím tái trong gió lạnh. Nhất là những người lao động. Họ xơ xác như cây cà phê sau mùa thu hái; nỗi lo thời tiết bất thường dấu hiệu báo trước của những mùa sau thất bát; thấm từng nỗi nhọc nhằn của những kẻ ly hương đổi công sức lao động cùng sự rã rời mỏi mệt của thân xác để lấy áo mới cho con và những vật dụng cần thiết khác trong sinh hoạt gia đình. Những đêm không ngủ, người thơ nhận ra tiếng gió thì thầm như những trăn trở của “nàng”-“em”- nhân vật trữ tình về những chuyển động của thế giới xung quanh.

Du miên theo từng phiên khúc trong bài ca về gió của Đinh Thị Như Thúy, ta nhận ra những lấp lánh đằng sau con chữ. Đó là những suy ngẫm về sự phù phiếm của cõi đời: Bướm hoang ong rừng rồi hết/ Nhưng những lẩn khuất đơn côi đau đớn mãi còn. Thật vậy, ảo vọng rồi sẽ tan biến chỉ còn đây nỗi đau, niềm lo, nỗi cô đơn của đời thực; nên chăng mỗi người cần trân quý những niềm vui bình dị hàng ngày. Bằng những dòng thơ đậm đặc thi ảnh gió, Đinh Thị Như Thúy gửi vào đây những suy tư về quy luật đuổi bắt của tình yêu và khát vọng: Có những con người như ngọn gió mong mỏi được buông bỏ, được phiêu lưu/ Có những con người như ngọn gió muốn ra đi để đuổi theo một ngọn gió khác/ Có con người này là ngọn gió của con người kia/ Con người kia là ngọn gió của một con người khác nữa (Khúc mười một). Trò chuyện cùng gió, người đàn bà trong khu vườn thơ nhận ra biết bao điều về nghề viết: Nàng chờ nghe tiếng thở trầm nặng/ Lần theo từng chuyển động của con chữ/ Trải nghiệm sự xáo động/ Như lần đầu tiên biết quyền lực của làn da. Và đêm tối cho chị nhận ra: Bóng tối là chiếc chăn/ Che giấu những dịch chuyển lặng thầm của cảm xúc…

Thơ Đinh Thị Như Thúy hấp dẫn tôi không chỉ ở thi ảnh gió rung ngân, xuyên suốt và đậm dày trong từng chương, đoạn mà còn ở những câu thơ dài nhưng giàu nhạc tính, chất chứa tần số điệp, các so sánh ẩn dụ tu từ gợi cảm, đầy ám ảnh. Chẳng hạn viết về mùa ly hương, mùa những người lao động từ khắp nơi đổ về Tây Nguyên để bán sức lực, một bức tranh giàu hiện thực nhưng được chị cảm nhận qua phép điệp tạo sự vang ngân cùng ngôn từ giàu tính trữ tình: Mùa ra đi của những đàn chim tránh rét… Mùa của dã quỳ bất ổn gửi nỗi buồn vào không gian bao la ngờm ngợp gió. Mùa tìm kiếm hiyvọng, tìm kiếm sự sống, tìm kiếm những khoảnh khắc phiêu bạt đắm mê. Để tái hiện không khí của mùa thu hoạch cà phê, chị dùng những câu thơ với nhịp điệu tấp nập, giục giã gợi cho người đọc cảm giác rộn rã cùng niềm vui của người gieo trồng: Nắng giục nắng. Mưa giục mưa. Mùa màng trù phú trên dòng xe máy cày bất tận đang hối hả chạy từ đồi nương rẫy ruộng về sân phơi chong đèn sáng rực canh giữ suốt đêm.

Đến với thơ Đinh Thị Như Thúy, ta gặp một người viết tràn đầy năng lượng sống, năng lượng chữ. Từ Cùng đi qua mùa hạ (2005); Phía bên kia cây cầu (2007); Ngày linh hương nở sáng (2011), Trong những lời yêu thương (2017) đến Nơi ngày đông gió thổi (2022) chị đã có những bước đi vững bền, khẳng định được một cá tính thơ giàu nữ tính. Thơ Đinh Thị Như Thúy mới lạ không đơn thuần ở việc vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để tạo sinh nghĩa cho chữ mà thơ chị chinh phục độc giả bằng cái thật, cái Đẹp. Và chỉ có cái Đẹp mới mang đến sức quyến rũ, sự đắm say làm phục sinh tâm hồn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã định danh được ánh sáng riêng biệt của thơ Đinh Thị Như Thúy qua những nhận định xác đáng: Khu vườn của người đàn bà tên Thúy được dựng lên bởi ngôn ngữ của chị, một ngôn ngữ đơn biệt và cá nhân hóa không bao giờ mang mục đích dẫn dụ người khác tìm đến để xác thực khu vườn ấy mà để anh ta hay chị ta nhìn thấy cái ánh sáng màu vàng của dã quỳ trong những căn buồng đầy bóng tối của ký ức… Chị đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà thơ, chị đã tạo ra thế giới ấy. Chị đã tạo ra thứ ánh sáng mà ở đâu tôi cũng bị ngập chìm bởi nó (Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy - NQT).

T.N