Thư của lính

05.12.2022
Trần Ngọc Phương

Thư của lính

BBT: MƯA TRÊN ĐỒNG À NA CÚT (NXB Đà Nẵng, 2022) là tập hồi ức chiến trường K của thầy giáo, cựu chiến binh Trần Ngọc Phương. Tập sách dày 364 trang gồm những câu chuyện về cuộc đời lính chiến gần 6 năm ở Campuchia của chính tác giả. Trần Ngọc Phương tâm sự: “Tôi viết, trước tiên là để cho chính mình, như một cách để giải tỏa những ám ảnh của cuộc chiến mà mình từng tham dự. Sau nữa là cho đồng đội, để cùng nhớ lại quãng đời trong quân ngũ, một thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời mà ảnh hưởng của nó với rất nhiều người là mãi mãi. Và cuối cùng để tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn không có ngày về. Người đã khuất sẽ mãi còn nếu chúng ta còn nhắc đến họ”.

Vẫn là những khốc liệt gian khổ tột cùng của những người lính trận, nhưng các trang viết được nhìn từ một anh chàng trí thức, lại là người có niềm đam mê toán học nên Mưa trên đồng À Na Cút có giọng điệu rất riêng: bình thường và nhẹ nhàng, trung thực và gợi nhớ, phận lính và sống chết. Nhà báo Lam Điền trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 16.10.2022 cho rằng: Tác phẩm quả thật là một bổ sung độc đáo vào hành trình nhặt nhạnh những kỷ niệm đặc biệt của một thời đoạn đặc biệt: những người lính đi chiến đấu bên ngoài Tổ quốc.

Tạp chí Non Nước xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một câu chuyện trong tập Mưa trên đồng À Na Cút.

***

Đã qua rồi thời viết thư, bỏ bì, dán tem đem ra bưu điện gửi. Ngày nay với cái điện thoại cầm tay, điện thoại bàn còn mất tác dụng, nói gì tới chuyện thư từ. Còn nhớ cách đây chừng hai mươi năm, xin được một chân làm việc trong bưu điện, dù chỉ là lon ton, chạy giấy tờ hay đưa thư thôi đã ấm thân lắm rồi. Lương thưởng gấp đôi, gấp ba ngành khác. Tán gái chỉ cần xưng ra anh đang công tác trong ngành bưu điện, giá trị lập tức tăng lên, tựa như có một vầng hào quang bao phủ. Ánh mắt người đối diện lập tức phải điều tiết thích hợp cho khỏi lóa.

Còn nhớ thời tôi đi dạy, có một vị phụ huynh đến nhà đặt vấn đề dạy cho con ông ta. Sau khi chào hỏi, biết mục đích của ông, tôi nhận lời và nói:

- Hôm nào anh đưa cháu đến để tôi xếp lớp.

- Không! Tôi muốn anh kèm riêng cho cháu tại nhà

- Vậy thì không được, tôi không còn thời gian.

Nghe tôi trả lời ông không nói thêm mà chỉ hỏi:

- Anh biết tôi là ai không?

- Xin lỗi! Tôi không biết.

Nghe xong ông quay lưng đi.

Nơi tôi dạy ngày xưa là một huyện miền núi, dân nghèo nhưng khá hiếu học, dù trình độ dân trí còn thấp so với đồng bằng, thành thị. Phụ huynh của học sinh tôi đa phần là nông dân, nhiều bác đáng tuổi cha tuổi chú tôi nhưng khi giao tiếp họ thường gọi tôi là thầy. Lúc đầu nghe gọi vậy thấy ngại, lâu dần cũng quen và hiểu thêm về cách ứng xử của người Việt mình. Gọi thay cho con là cách dạy con xưng hô khi giao tiếp và cũng thể hiện sự tôn trọng người mình đang tiếp xúc. Cũng bởi đã quen với cách xưng hô đó, nên tôi hơi lạ khi nghe phụ huynh hỏi:

- Anh biết tôi là ai không?

Thường những người hỏi kẻ khác có biết mình là ai không, là những người tin rằng mình có vị trí cao trong xã hội, có quyền lực, có tiếng tăm. Câu hỏi nghe bình thường nhưng ít nhiều hàm chứa sự khoe khoang, và có chút đe dọa người nghe. Băn khoăn một chút rồi thôi, quên luôn. Một thời gian sau, tình cờ tôi biết ông ta là giám đốc bưu điện!

Với người lính, trừ một vài trường hợp đã từng xa nhà, còn lại đa phần là lần đầu sống xa người thân. Nhiều nỗi nhớ lắm, nhớ vợ con, nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, anh chị em, nhớ bạn bè, nhớ xóm làng. Lâu dần những nỗi nhớ ấy được gộp chung thành một cái tên: Nhớ nhà. Phải chi được như bây giờ, nhớ ai cầm cái điện thoại lên, người thân có ở tận bên Tây, bên Mỹ cũng được gặp liền, không chỉ nghe giọng nói mà còn được nhìn, được thấy nhau, tuyệt vời hơn nữa là chẳng phải tốn tiền. Chuyện này hồi đó có giàu trí tưởng tượng bao nhiêu cũng không hình dung ra.

Lính tráng hồi đó nhớ nhà chỉ biết viết thư. Mỗi quý được cấp sáu con tem, với mấy anh chàng lính mới đương nhiên là không đủ, lính cũ thì dư. Từ chiến trường về đến quê nhà xa xôi, bao nhiêu trắc trở, thư gửi thì nhiều mà đến tay người nhận không mấy lá. Giải thích điều này, lính ta đưa ra rất nhiều giả thiết, giả thiết nào cũng đầy hồ nghi vì chẳng có gì làm chứng cớ. Mặc kệ hết, cứ viết để đó, có dịp là gửi đi, phó mặc cho số phận rủi may. Lính tráng bọn tôi ngày đó phần lớn học thức không cao, xuất thân con nhà nông, thật thà chân chất. Nhưng thư lính viết cho người thân đọc xúc động lắm. Tình thương và nỗi nhớ đầy ắp trong những trang thư mà lời lẽ vụng dại, chữ viết còn đầy lỗi chính tả. Tôi đã có vài lần được đọc thư trong ba lô của đồng đội đã hy sinh, lần nào cũng khóc. Mấy mươi năm qua rồi, nhiều chuyện đã quên, vậy mà lạ kì những dòng Nha viết cho chị, dù chỉ nghe qua lời kể của Phượng vẫn nhớ như in:

“Chị ơi! Em nhớ chị và cháu lắm, nhưng chắc em không về được nữa rồi”... Nếu ở một nơi có điều kiện y tế tốt hơn, chắc là Nha sẽ không chết. Vết thương ở bụng đã nhiễm trùng, mổ đi mổ lại sáu bảy lần. Lúc hy vọng sống nó viết:

“Chị ơi! Em sống rồi, lại được về gặp chị và cháu. Chờ em, không lâu nữa em về, chị em mình lại gặp nhau”… Ai cũng khóc khi đọc thư nó.

Trời đã ban cho muôn loài khát vọng sống thật mãnh liệt. Chính niềm khát vọng đó đã giúp người ta vượt qua những khó khăn vất vả, những nghịch cảnh trái ngang mà tiếp tục sống. Những người lính ở chiến trường là một minh chứng. Chiến trường gian khổ, ác liệt, sống chết cận kề. Những lá thư từ quê nhà cứ thưa dần, có khi hằng năm trời không tin tức. Vậy nhưng, có dịp để gửi thư họ lại viết, nhiều khi chỉ là những dòng thư viết trên bao thuốc lá. Cứ gửi dù biết rằng chẳng có bao nhiêu hy vọng thư sẽ đến tay người thân. Không chỉ là thư cho người thân, những chàng lính trẻ yêu đời còn mua trước niềm vui bằng những lá thư tọa độ. Là những lá thư gửi cho một người con gái không quen biết, chỉ được nghe đồng đội giới thiệu. Nhận được thư hồi âm, không chỉ là niềm vui của người nhận mà của cả đơn vị, lá thư sẽ được truyền tay nhau đọc. Niềm vui của những người lính đôi khi thật giản đơn.

Tôi cũng có hai lần viết thư tọa độ. Lần đầu lúc còn ở Đức Cơ, thằng Thanh giới thiệu cho tôi cô em họ của nó, có cái tên rất đẹp là Hồng Phượng. Chỉ mới thư làm quen lần đầu, nhận được hồi âm chưa kịp viết lá thứ hai thì vào chiến dịch giải phóng Campuchia. Túi bụi với chuyện đánh nhau, truy quét, không giấy tờ bút mực, còn nghĩ gì tới chuyện thư từ. Lần viết thư tọa độ thứ hai là trên đất K. Tôi xuống đại đội Hai của tiểu đoàn Mười thăm thằng Ong. Tôi và Ong chơi thân với nhau dù nó học hơn tôi một lớp, hai thằng ở cùng xóm, cái xóm nghèo chỉ có mấy đứa học cấp ba. Ngày nó vào cao đẳng, tôi là đứa luôn xúi nó bỏ đi về mà thi đại học. Rồi nó cũng nghe lời tôi, cùng đi thi đại học, tôi thi vào tổng hợp, nó thi y khoa. Hai thằng đều đậu nhưng chẳng thằng nào được học. Tôi vào lính, nó ở nhà năm sau lại theo bước tôi vào lính. Gặp nhau nó mừng lắm nói rằng bây giờ có chết cũng được rồi. Cả hai thằng đều nhà nghèo, tôi còn lười chứ nó siêng học lắm, đêm nào cũng chong đèn học đến nửa đêm.

Cuộc đời nó tưởng đã được an nhàn, ngờ đâu căn bệnh quái ác đã mang nó đi. Lần đó,  xuống đơn vị nó, làm quen được với anh Doan. Mấy anh em đã ngồi với nhau đàn hát rất khuya. Cũng dịp này anh Doan giới thiệu cô em họ tên là Hoa Anh, đang học sư phạm văn cho tôi và nó. Nói rằng Tao chỉ có một đứa em, giới thiệu cho cả hai đứa bây. Giờ cả hai đứa viết thư, nó hồi âm cho đứa nào thì đứa đó thắng. Tôi và nó hào hứng nhận lời như tham gia một cuộc thi. Tôi đã được hồi âm, đã thắng nhưng chầu nhậu như giao hẹn thì mãi đến giờ vẫn chưa có lần thực hiện. Mày đã bỏ cuộc chơi sớm quá Ong ơi!

 

Thư từ là chuyện riêng tư, chẳng thế mà luật pháp bảo vệ quyền bí mật thư tín, ai xâm phạm quyền riêng tư này có thể bị phạt tù. Nhưng với lính chiến thì không! Thư đọc chung, viết chung, thậm chí còn được nhận giùm và mở ra xem trước. Chuyện nhờ đồng đội viết thư giùm là chuyện rất tự nhiên của lính. Tôi cũng có đôi lần được nhờ viết thư. Thiệt lòng, chuyện viết giùm này là chuyện chẳng đặng đừng, chẳng được công cán gì mà đôi khi còn bị chê đồng hương viết dở ẹc!

Nhớ lần nằm ở đội điều trị Mười Chín, toàn những ca bệnh nặng mới xuống đây, nên thời gian nằm viện thường cả tháng. Lính điều trị ở đây thuộc rất nhiều đơn vị của quân khu. Không cùng đơn vị nhưng ở cùng nhau lâu cũng thành thân. Cùng điều trị với tôi, ở cùng phòng, ăn cùng mâm có thằng Thưởng lính trung đoàn Chín Tư, đau gan mãn tính nước da vàng khè mà uống rượu như hũ chìm, thằng Hương lính sư Ba Mười Lăm quê ở Quế Sơn, khuôn mặt như con gái, đứa nào cũng xin ngủ chung, thằng Nhựt lính trung đoàn Một Bốn Ba, đẹp trai, cao ráo, cười có lúm đồng tiền, duyên chết người. Và ba đứa nữa tôi đã quên tên, tất cả đều lính mới, nhập ngũ tám hai. Một bữa Nhựt rụt rè nói với tôi:

- Anh viết giùm em lá thư…

- Thôi! Tao không rành chuyện này.

- Anh mà không rành, kể chuyện hay quá trời luôn...

- Kể và viết là hai chuyện khác nhau, mày nhờ đứa nào văn hay chữ tốt nó viết cho.

- Thôi mà, giúp em chút đi! Em hậu tạ anh gói ba số năm.

- Mày có ba số thiệt à, bữa giờ giấu kỹ không đem ra hút.

- Giờ chưa có, vài bữa nữa thằng đồng hương em ở S’tưng T’reng lên em mới xin.

- Thôi! Hút được gói ba số của mày tổn thọ chết sớm mất.

Trả lời nó vậy nhưng cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Nó đem hình và thư của bạn gái cho tôi xem. Bạn gái nó đẹp, viết thư rất hay, hèn gì nó sợ mất. Viết thư rồi mà không dám gửi, sợ bị chê.

- Bạn gái mày viết thư hay quá!

- Vậy em mới sợ.

- Tao cũng sợ luôn rồi, hồi giờ tao toàn viết thư cho mấy đứa đại học chữ to, nói chuyện trăng sao, thương nhớ như trong tiểu thuyết, chẳng sợ nó bắt bẻ gì. Còn bạn gái mày là sinh viên thứ thiệt, viết ngu nó bỏ mày, tao không dám.

- Anh cũng viết thư cho chị gì bạn anh, cũng là sinh viên đó.

- Bạn bè với người yêu khác nhau hoàn toàn. Viết cho bạn nói hươu, nói vượn gì cũng chẳng chết ai. Viết cho người yêu phải nói thương, nói nhớ. Tao còn chưa biết tay con gái cứng hay mềm thì biết thương, biết nhớ ra sao mà viết.

Dù tôi đã nói rất thật lòng, nó vẫn không tin, một mực nhờ tôi viết. Cuối cùng hai anh em thỏa thuận:

- Em viết rồi anh đọc lại chỉnh sửa cho thêm phần… văn chương

- Ừ! Coi như tao là biên tập viên.

Nhựt đưa cho tôi lá thư nó viết. Dù có đôi chỗ viết sai chính tả, nhưng thư nó viết thật hay, chan chứa yêu thương:

- Dung thương yêu! Anh đang nằm viện, mấy anh lính cũ nói rằng chưa sốt rét chưa phải là lính chiến. Thời gian ở đơn vị, ngày tuần tra, đêm phục kích cứ mong có một ngày được nghỉ, một đêm được ngủ thẳng giấc đến sáng. Giờ ở đây rảnh rỗi cả ngày đêm, thấy trống vắng, lại nhớ em, nhớ đến cồn cào…

 

Đọc thư nó xong, sửa vài lỗi chính tả, tôi trả lại cho nó và nói:

- Viết hay lắm! Cứ thật thà chân chất như vậy là hay rồi. Anh là người ngoài cuộc mà đọc còn thấy xúc động huống chi người yêu em.

Thằng Nhựt nghe khen sướng lắm:

- Thiệt hả anh?

- Thiệt chứ. Anh có cố cũng không viết nổi như mày.

Biên tập viên được trả công không phải là một mà đến hai gói ba số năm. Chắc không phải là công biên tập mà là công cổ vũ.

Chuyện thư của lính kể cả ngày không hết, có chuyện cảm động, có chuyện cười ra nước mắt. Tôi còn một lần viết thư giùm cho thằng Minh lính xê Bảy. Chẳng nhớ làm thế nào mà hai anh em quen nhau, chỉ nhớ nó là lính của thằng Liền đồng hương với tôi, trận 547 cả thầy trò nó đều hy sinh. Lá thư nó nhờ tôi viết chỉ trước trận đánh ít lâu, không biết đã kịp gửi chưa. Hôm nhờ tôi viết thư, nó cũng mang thư và hình bạn gái cho tôi xem. Bạn gái còn đang học lớp mười hai, vậy mà nó nói, hai đứa quen nhau đã được ba năm. Thư bạn gái nó viết lời lẽ mộc mạc nhưng tràn ngập tình cảm, những lời dặn dò như của một người vợ nói với chồng:

- Minh ơi! Em thương anh nhiều lắm, cứ nghĩ anh đang ngày đêm nơi lửa đạn, lòng em quặn đau, chỉ biết khóc và cầu xin ơn trên phù hộ cho anh chân cứng, đá mềm. Anh ráng giữ mình, đừng ham chiến công. Nhớ nghen anh, nơi quê nhà luôn có em mong ngóng, ráng mà về với em, dù bao lâu em vẫn đợi…

- Bạn gái mày viết thư tình cảm ghê! Mày đã hôn nó chưa?

- Em không biết hôn, mà nó nhát lắm. Có lần em làm liều ôm nó mà nó đẩy ra, không cho em đụng vào mặt.

- Rồi nó có giận không?

- Có giận gì đâu, nó còn sợ em giận vì đã xô em…

- Vậy là tại mày yếu…pin!

- Dạ, yếu thiệt. Sau chuyến đó em đã hỏi mấy người bày cho cách hôn, là lấy môi mình áp vô môi nó đúng không anh?

- Tao có người yêu đâu mà biết.

- Anh... xạo!

Nó cứ nghĩ chắc rằng tôi từng trải tình trường, đâu biết rằng nếu ngày ấy mà tôi hy sinh thì còn tệ hơn nó, còn chưa một lần được yêu, được ôm người con gái nào trong vòng tay.

Tôi biểu nó:

- Mày phải kể chuyện mày với nó hẹn hò ra sao, từng làm gì với nhau, ở đâu thì tao mới biết đường mà viết, chứ không lẽ tao nói chuyện ầu ơ ví dầu à!

- Thì có làm gì đâu anh, lâu lâu có buổi chiếu phim hay đi họp thì mới gặp nhau, cùng coi phim, cùng họp rồi em đưa nó về. Nhà nó ở giữa đồng, đường về phải đi qua một cánh đồng, sáng trăng còn đỡ, tối trời sợ ma lắm.

- Nó sợ ma à!

- Em sợ chứ nó quen rồi.

Nghe nó nói mà tôi không nhịn được phải bật cười.

- Đưa người yêu về mà sợ ma thì còn làm ăn gì được.

- Chỉ sợ lúc về một mình, lúc đi chung đâu có sợ. Nó không biết em sợ ma đâu.

Trong thư gửi cho bạn gái nó tôi viết:

- Anh nhớ em tha thướt trong tà áo dài mỗi sáng đi học, anh nhớ em những chiều đi làm đồng, áo bà ba đội nón lá, mặt vẫn sáng ngời nụ cười khi gặp anh. Và anh nhớ con đường về nhà em, quanh co giữa cánh đồng, đẹp như trong tranh. Những đêm trăng anh đưa em về, gió đồng mát rượi, thoang thoảng hương lúa. Chúng mình bên nhau, hạnh phúc ngập tràn…

Đọc đi, đọc lại lá thư mấy lần, nhìn vẻ mặt băn khoăn của nó, tôi hỏi:

- Có chỗ nào không vừa ý à!

- Dạ không! Anh viết hay lắm, đúng ý em luôn. Nhưng em muốn sửa một chỗ.

- Thì mày cứ sửa cho đúng ý mày đi!

- Em muốn nhờ anh sửa luôn, đọc cho xuôi.

- Được rồi, mày muốn sửa chỗ nào.

- Đoạn… Những đêm trăng anh đưa em về…

- Sao phải sửa, không có đêm trăng nào mày đưa nó về à!

- Có chứ! Nhưng những đêm tối trời mới đáng nhớ.

- Kì dzậy! Gió mát trăng thanh không nhớ, tối hù thấy gì mà nhớ.

Mặt Minh đỏ lên khi nghe tôi nói, nó lắp bắp phân trần:

- Tại vì kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần em đưa Lành về, một đêm mưa, trời tối đen.

- Chắc có gì mờ ám nên mới nhớ lâu phải hông?

- Thì em kể anh nghe rồi. Lần ôm, định hôn mà không được đó.

- Kỷ niệm đó thì bá cháy rồi, mày định nhắc lại chuyện đó hả!

- Đừng anh! Nhắc lại kì lắm, chỉ nói là nhớ đêm mưa, trời tối, trên đường về nhà là nó nhớ liền.

- Mày cũng ghê thiệt! Vậy thì bỏ đoạn nhớ những đêm trăng đi thay vào là nhớ đêm mưa nào, trời tối mò, anh đưa em về mà chẳng làm chi cả.

Nghe tôi chọc nó cười hì hì, rồi nói:

- Thôi đừng bỏ đoạn đêm trăng, em cũng thích đoạn đó. Anh tìm cách thêm vào chỗ nào đoạn đêm mưa, nếu không được thì thôi.

- Làm thuê cho mày chẳng được công sá gì, mà yêu sách tùm lum.

- Kệ mà! Tối em qua đấm lưng cho anh. Em mới xin được hộp cao sao vàng.

Trả treo với nó cho vui vậy thôi, chứ tôi biết nó thương tôi lắm, có chút gì cũng dành phần cho. Lính tráng thiếu thốn quanh năm, vậy mà kiếm được gói thuốc, chai rượu, thế nào nó cũng tìm cách mang sang. Chắc là hai anh em cũng có duyên nợ với nhau từ kiếp nào. Duyên nợ bọt bèo nên chỉ được gần nhau thoáng chốc.

Nó kể lại cho tôi nghe hôm nó đưa Lành về. Cảm xúc của nó còn mới nguyên như câu chuyện chỉ vừa xảy ra đêm qua. Tôi nghe nó diễn tả cảm giác của một chàng trai lần đầu ôm người mình yêu trong tay. Những hương tóc, hơi thở, bờ vai con gái với tôi hồi ấy còn quá xa lạ. Dù vậy tôi đã cảm nhận được tình yêu của nó và Lành thật đẹp, thật trong trẻo.

Tôi đã viết thêm một đoạn vào trong thư cho nó:

- Nhớ đêm mưa nào hai đứa che chung áo mưa trên đường về nhà em. Mưa lạnh nhưng anh thấy lòng ấm áp. Con đường như ngắn lại, và bỗng dưng anh ước chúng mình được đi cùng nhau suốt kiếp này, dù đường đời nhiều gió mưa hay giông bão. Anh nhớ mùi tóc em nồng nàn hương con gái. Anh nghe hơi thở em gấp, chừng như nó đã quyện vào nhịp tim đang đập rộn ràng của anh, và bờ vai em mềm ấm đưa anh lạc vào cõi mộng mị nào xa lắc. Chưa bao giờ mình gần nhau đến vậy. Chưa bao giờ anh cảm nhận được hạnh phúc dâng lên trong lòng rõ ràng như nhìn thấy, như cầm chắc được trong tay. Hạnh phúc của chúng mình thật giản dị, đơn sơ, chỉ là được bên nhau thôi đâu mơ ước chi xa vời. Vậy mà sao khó lòng với tới… Mà sao chúng mình mãi cách xa!

 

Đọc xong, nó rưng rưng nước mắt, nói với tôi.

- Anh viết cảm động lắm, cảm ơn anh, đó chính là nỗi lòng em, chính là những điều em muốn nói với Lành mà không viết ra được.

- Ừ! Thì đó chính là những điều mày kể, anh chỉ ghi lại thôi.

- Em sẽ chép lại gửi cho Lành, và sẽ giữ bản này, lâu lâu đem ra đọc.

 

Không biết nó đã kịp đọc lại lần nào chưa! Những người lính ra trận sống chết cận kề, nhưng mấy ai nghĩ mình sẽ là người nằm lại. Bao nhiêu chàng trai như nó, tuổi đời chưa quá đôi mươi đã ngã xuống, đã ra đi mà trong lòng vẫn đầy ắp ước mơ một ngày mai thanh bình, trở về quê mẹ.

Thôi, ngủ yên em nhé! Giấc ngủ ngàn đời, mãi mãi tuổi hai mươi. Khép lại những mộng mơ, những hẹn hò dang dở của cuộc đời phù vân.

 T.N.P