Thương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu Phước

11.03.2019

Thương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu Phước

Nhà thơ Trương Đình Đăng sinh năm 1933 tại xã Triệu Đô, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng anh chọn Đà Nẵng làm đất sống. Anh là hội viên Hội Nhà Văn TP. Đà Nẵng, đã xuất bản các tập thơ: Hoa cỏ vườn đời (Thơ, Nxb Đà Nẵng - 2004), Đi tìm lời ru (Thơ, Nxb Đà Nẵng - 2007).

Thỉnh thoảng trên các báo, tạp chí Trung ương hoặc địa phương anh xuất hiện ngoài cái tên còn có một bút danh khác là Đăng Sơn. Báo Tiền Phong đã từng giới thiệu về anh trong các bài viết “Ông lão bảy mươi làm thơ World cup” và “Dịch thơ Tagore từ tiếng Việt sang... tiếng Việt” (Báo Tiền Phong, số 93, ngày 10/5/2006).

Tôi có may mắn làm người thơ bạn vong niên của anh trong gần 20 năm qua, khi tôi chuyển về sống cùng phường với anh. Tuổi của anh đáng bậc chú, bậc cha, nhưng vì là "bạn" của nhau, nên tôi thường bảo đùa anh là người bạn thơ... già! Anh “già” về tuổi tác, nhờ thế mà “già” về kinh nghiệm sống. Anh lăn lộn nhiều trong trường đời và trải qua không biết bao nhiêu cung bậc thăng trầm nên tâm trạng luôn tĩnh tại và thản nhiên trước xô bồ cuộc sống. Chơi với anh, tôi học hỏi được ở anh được nhiều điều.

Hồi anh còn ở nhà cũ tại số nhà 30 đường Nguyễn Văn Thoại, lúc đó tôi cũng có nhiều thời gian rảnh, nên thường ghé anh chơi. Một già một trẻ khi thì ra quán. Lúc thì ngồi nhà. Chuyện trò về văn chương và cuộc sống. Đôi lúc lạm bàn chuyện nhân tình thế thái tâm đầu ý hợp. Nhờ thế, nhiều bài thơ anh viết chưa ráo mực thì đã dúi cho tôi đọc xem thế nào. Anh luôn lắng nghe và sẵn sàng sửa những chỗ được góp ý hợp lý. Thật ra thì tôi cũng ít có cơ hội để "chỉnh" anh. Vì chữ nghĩa anh luôn tròn trịa, chỉn chu. Dưới một góc độ nào đó, anh thông thái như một Thầy Đồ Nho bụng mang đầy bồ chữ.

Thơ anh viết chạm đến nhiều đề tài trong cuộc sống. Nhưng tôi thích nhất là mảng thơ tình của anh. Phải chăng, cái nòi thi sĩ khi chạm đến hai chữ Tình Yêu, chạm đến Nàng là trái tim run rẩy và bùng cháy hết mình. Nếu chỉ đọc thơ thì khó ai hình dung ra tuổi tác của người viết:

“Hoa anh trồng trước sân

Trắng mấy mùa chờ đợi

Lá úa vàng ngày xanh

Người đâu không thấy tới?”

(Hoa trắng)

Người không thấy tới, vậy thì người đi về phương nào giữa cuộc sống xô bồ, thực dụng và gấp gáp này? Trong hoài niệm, biết tìm đâu một bóng dáng xa xưa duyên dáng, hiền lành và đoan trang:

“Vì sao em hỡi, vì sao?

Bước chân em lạc lối vào vườn tôi

Và tôi chừ lạc em rồi

Bài thơ tôi viết để hồi âm ai”

(Em lạc tôi rồi)

Thơ anh đa dạng thể loại. Mỗi một đứa con tinh thần anh chọn cho nó một chiếc áo mặc thích hợp. Anh cũng là người làm thơ Đường Luật khá nhanh và với kỹ thuật rất chắc. Khi tôi viết những bài thơ Đường Luật đầu tiên, tôi nhờ anh đọc. Anh chỉ cho thấy vài khiếm khuyết mà người mới làm mắc phải. Từ đó tôi “tốt nghiệp” phương pháp làm thơ này!

Còn nhớ, mùa World cup 2002, anh đã dùng thể thơ Đường Luật để viết Nhật ký cho từng trận đấu. Câu chữ dí dõm, tung tẩy như những pha chuyền bóng, ở mỗi bài anh đều lột tả được hồn cốt của trận đấu. Tôi khâm phục anh điều này. Vì thế mà Báo Tiền Phong tìm nhà và lên bài “Ông lão bảy mươi làm thơ World cup”. Tôi đã gõ vi tính giúp anh cả tập nhật ký này và nhân bản vài chục tập để anh tặng bàn bè yêu thích. Mở đầu "Nhật ký world cup 2002", anh có “Lời ngỏ”:

“Đây nỗi đam mê tuổi xế chiều

Đây hồn khách bút phút tiêu diêu

Câu thơ theo bóng trời gieo nắng

Trái bóng vào thơ biển dậy triều

Năm vận Đường Thi ghi dấu ấn

Vài câu lục bát gởi tình yêu

Ai người tri kỷ, ai đồng điệu

Xin hãy là Kim đến với Kiều”

Tôi đã là "người tri kỷ", người "đồng điệu" - một chàng Kim và một nàng Kiều đến với nhau trong thi ca, nên trong quá trình gõ vi tính tập thơ đã “tức cảnh” viết tặng anh một bài "Cảm đề":

"World cup tình anh đắm đuối mê

Giao tranh từng trận bút thơ đề

Dô! Dô! Bóng hụt buồn ngơ ngẩn

Há! Há! Bàn ghi sướng hả hê

Trau chuốt đôi câu bình cuối trận

Lạm bàn mấy ý ngỏ lời quê

Tiếng còi chung cuộc từ lâu vãng

Sáu tám bài thơ hết chỗ chê!"

Tôi và anh có một thời làm thơ xướng họa. Thú vui thi phú một trẻ, một già cùng nhau. Vậy mà, cũng tới lúc xếp vào ngăn kỷ niệm.

Chiều mùng một Tết Kỷ Hợi - 2019, vợ chồng tôi ghé thăm anh. Anh bệnh nặng đang nằm bảo con trai đỡ dậy. Tôi khoát tay nói thôi. Cứ để anh nằm nghỉ. Tuy mệt, nhưng anh vẫn gắng nói vài câu thăm hỏi và chúc Tết. Mũi anh đang nối dây với máy thở oxy. Chân tay anh phù lớn. Anh có bệnh tim mạch đã lâu. Bây chừ là giai đoạn cuối. Sáng mùng hai, lúc tôi chuẩn bị đi thắp hương mộ mẹ thì cháu anh điện thoại báo: Bác sĩ là bạn của ông con phải không? Ông con bây giờ nằm bất động rồi. Mời bác ra khám ông con và cho... một lời xác nhận.

Mặc vội quần áo và vớ lấy ống nghe và máy đo huyết áp. Chạy xe xuyên qua đường xóm sang ngay nhà anh. Anh nằm đó bất động. Đông đảo con cháu ngày Tết đang vây quanh. Tôi đặt ống nghe lên ngực anh. Nhịp tim anh đang thoi thóp, rời rạc. Chậm dần rồi ngừng hẳn... Vậy là vĩnh biệt anh - Người bạn thơ già kính mến và đáng yêu của tôi. Tôi nắm tay anh lần cuối. Bàn tay lạnh, nhưng những kỷ niệm về nhau vẫn ấm mãi trong lòng.

M.H.P

Bài viết khác cùng số

Thành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếNhớ mẹ - Võ Duy DươngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoChuyện nhặt trên phây - Dân HùngTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiHậu chiến tranh - Thu HiềnBạch Hạc - Trần Như LuậnLàm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànMột chuyện tình - Khin Hnin Yu Hội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũThơ Phùng HiếuThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu PhướcNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy Hường