Một chuyện tình - Khin Hnin Yu
Khin Hnin Yu (1925 - 2003) là một trong những nhà văn nữ Miến Điện có ảnh hưởng nhất, đã hai lần đoạt giải thưởng Văn học Quốc gia. Những câu chuyện của bà kể về thực tế cuộc sống ở Miến Điện sau Thế chiến thứ hai. Hơn 50 tiểu thuyết được xuất bản của bà đều liên quan đến các nữ anh hùng trẻ, những người phải đấu tranh cho sự sống còn của họ.
Hầu hết các tiểu thuyết của bà đều được chuyển thể thành phim nổi tiếng. Tiểu thuyết Pan Pan Lhwet Par (Vẫn còn đeo hoa) được chuyển thành bộ phim cùng tên vào năm 1963, rất thành công, chiếu hơn 25 tuần và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Miến Điện.
Khin Hnin Yu là em họ và thư ký riêng của cựu Thủ tướng Miến Điện U Nu hơn 20 năm. Chồng bà là một Trung tá trong quân đội Miến Điện. Bà qua đời năm 2003 ở tuổi 78.
Tạp chí Non Nước giới thiệu truyện ngắn “Một chuyện tình” qua bản dịch của Nguyễn Khắc Phước.
Một chuyện tình
(Nguyễn Khắc Phước dịch)
Cứ mỗi lần tôi hoặc Chit, vợ tôi, phải đi xa một mình, nàng thường quỳ trước mặt tôi, chắp hai tay cúi đầu ba lần1 và nói: “Làm ơn cho phép em làm mọi thứ em muốn, và anh Ko, anh cũng vậy, cứ làm mọi thứ anh muốn”. Trong thời gian đầu chúng tôi mới lấy nhau, tôi không biết ý nàng muốn nói gì, và chỉ trả lời: “Vâng, cưng ạ, em muốn làm gì cũng được”.
Gia đình kiểu cổ của nàng có những tập tục truyền thống bảo thủ như người vợ không được gội đầu hay đi dự đám cưới khi chồng xa nhà. Vì lý do gì thì chỉ có trời biết. Có lẽ Chit cũng chẳng biết điều mê tín này dựa vào đâu.
Sau một thời gian thì nàng giải thích: “Vì anh đi nhiều quá và không biết anh sẽ vắng nhà bao lâu. Vậy nếu em không gội đầu, tóc em sẽ thành một đám rối bù và nếu em không đi đám cưới, em sẽ mất hết bạn bè”.
Nàng nói đúng. Có khi tôi ở nhà một hoặc hai năm tròn nhưng có khi tôi vắng nhà một hoặc hai tháng trong năm. Rõ ràng có một lỗ hổng trong truyền thống gia đình của nàng, đó là, nếu trước khi chồng đi xa, người vợ yêu cầu chồng cho phép vợ gội đầu hoặc đi dự đám cưới thì nàng được phép làm vậy. Chit thường nói “mọi thứ” thay vì nói rõ chi tiết đó là thứ gì.
“Làm ơn cho phép em làm mọi thứ em muốn, và anh cũng vậy, anh Ko, anh cứ làm mọi thứ anh muốn”.
“Đúng, đúng, cưng ạ, cứ làm mọi thứ... mọi thứ!” Tôi thường cười và đồng ý sau khi ban ơn cho nàng khi nàng lạy tôi.
Tôi trở lại rừng Bắc bang Shan để nghiên cứu. Trong rừng sâu, tôi đợi thư của Chit. Ngồi đọc thư dưới cây đại thụ có phong lan nở rộ trên cành là điều vô cùng hạnh phúc. Không thú vị sao khi tưởng tượng mùi hoa là mùi của thân thể nàng?
Trong thư, thi thoảng nàng viết về tình hình đất nước và không khí chính trị. Đôi khi nàng viết về đời sống ở Yangon. Nàng thường viết về trái cây hoặc hoa trong mùa. Đôi khi nàng cũng lãng mạn viết rằng nàng nhớ tôi lắm. Bất cứ nàng viết gì, được đọc thư nàng là tôi khoái rồi.
Trong những giờ giải lao, tôi thường đi kiếm hoa phong lan cho nàng, vì vườn hoa phong lan nhỏ của nàng đang sum suê.
Vào xuân, nàng gởi cho tôi một lá thư. Nằm gối đầu trên rễ cây, tôi mở ra đọc.
Anh Ko yêu dấu,
Vào thời gian này có lẽ anh đang sống giữa rừng lá đang rơi2. Mùa xuân hẳn đã mang lại vẻ tươi mát cho rừng. Có người từ Bộ Lâm Nghiệp đến báo rằng nhóm của anh sẽ trở về trước khi mùa mưa đến. Thật ra chẳng có gì quan trọng nhưng em viết chỉ vì không thể không viết, em phải kể với anh... Chủ nhật tuần trước, bố của bạn Khin Maung Win của em qua đời, do đó em phải đi dự đám tang. Không có gì đặc biệt về đám tang, người ta mang quan tài đến nơi để an táng. Bạn em và em ở trong nhà dành cho người ta nghỉ ngơi3. Trong khi xem lễ an táng, em liếc nhanh về phía em đã đỗ ô tô và thấy một người đàn ông đang nhìn chòng chọc vào em. Em sợ quá. Không có lý do gì để hắn nhìn em như thế. Em mặc đồ bình thường và để bày tỏ sự kính trọng, em đã mặc đồ đen4, do đó, em trông giống như bà già .
Em sợ lắm, anh Ko ạ, nếu ma của nghĩa trang này đuổi theo em, em cũng không sợ như thế. Biết tại sao không, anh Ko? Em sợ bởi vì chính Tin Maung Maung đang nhìn em. Em nhanh chóng xin phép tang gia và ra về. Không có gì quan trọng, nhưng nếu em không kể với anh, em cảm thấy đang làm điều gì sai trái. Thế thôi, anh Ko nhé.
Chúc anh vui,
Chit
Đọc xong thư nàng, tôi cười to. Cô vợ bé nhỏ của tôi thi thoảng cứ om sòm về những chuyện bé tẹo. Tin Maung Maung từng là bạn trai của nàng hồi nàng còn đi học. Tôi chưa bao giờ gặp hắn ta. Tôi thường hát câu này để trêu nàng:
“Tình yêu ơi từ thời học sinh, trêu em, anh thường nói ta cưới thật nhanh...”
Mỗi lần tôi hát câu đó, nàng thường trề môi, khiến tôi bật cười. Tôi không biết ai bỏ ai, nhưng họ đã chia tay, và cũng nhờ vậy mà nàng trở thành vợ tôi, phải không nào?
Đôi khi nàng bộc bạch: “Em là phụ nữ nhưng em chưa bao giờ làm hại bất cứ ai 5”.
Tôi chưa bao giờ nghe nàng nói nàng và Tin Maung Maung gặp nhau sau khi chúng tôi lấy nhau.
Nàng thường nói: “Em sợ gặp lại hắn lắm, chẳng khác chi gặp ma hay kẻ giết người. Em không biết hắn có muốn gặp em ở kiếp sau của hắn không, nhưng em sợ em sẽ gặp hắn trong kiếp sau của em”.
K.H.Y
(1) Cử chỉ của vợ, con, cháu để bày tỏ sự kính trọng khi tạm biệt chồng, cha mẹ, ông bà; trong một vài gia đình, cử chỉ này được thể hiện ngay cả trước khi đi ngủ.
(2) Lá cây ở Miến Điện rơi vào mùa xuân.
(3) Sảnh đường ở nghĩa trang, tu viện hay tổ hợp chùa dành cho người ta nghỉ ngơi hoặc ngủ.
(4) Vào những năm 1950, phụ nữ thường mặc màu nhạt.
(5) Có tục mê tín rằng phụ nữ gây rắc rối cho người khác.