Những đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy Hường
Tuồng cổ Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và Nghệ thuật tuồng Việt Nam nói chung là loại hình nghệ thuật độc đáo, mang tính bác học của sân khấu dân tộc. Trải qua quá trình hình thành và phát triển hàng mấy trăm năm là một chuỗi dài vừa khai sáng, tích lũy vừa chọn lọc, bổ sung của các nghệ sỹ Tuồng trên cả nước. Đối với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng, kiên cường, không biết từ bao giờ, Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần thấm sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Ngoài những đặc điểm chung của nghệ thuật Tuồng cả nước, Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng còn có những đặc trưng riêng: Vừa được thừa hưởng của nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, vừa có sự giao thoa với Tuồng Bình Định, Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng còn sở hữu dòng tuồng văn (thiên về hát và biểu diễn nội tâm) rất được khán giả yêu thích. Trong đó có sự đóng góp công sức rất lớn của các tác giả, nghệ sỹ Tuồng xứ Quảng qua nhiều thế hệ.
Nhà soạn tuồng lỗi lạc Nguyễn Hiển Dĩnh, người đã tạo ra phong cách nghệ thuật Tuồng “Xứ Quảng” đặc sắc. Ông được các thế hệ Tuồng sau này tôn vinh là một trong những hậu tổ nghề Tuồng. Trong lịch sử Hát bội Việt Nam, cùng với Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh là người có công lớn, vừa sáng tác hàng chục vở tuồng đề tài bi hùng và cả tuồng hài nổi tiếng, vừa là một đạo diễn xuất sắc, một người tổ chức hoạt động sân khấu nhiệt thành. Ông còn góp phần đào tạo nhiều lớp diễn viên tuồng xuất sắc, trong đó có 5 học trò được triều đình nhà Nguyễn phong là Ngũ Mỹ: Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo) nổi tiếng vai Kép, Nguyễn Lai vai Nịnh, Chánh Đệ vai Tướng, Chánh Phẩm (Nguyễn Phẩm) vai Lão, Văn Phước Khôi vai Hề. Để tri ân công lao của ông, năm 1992, trên nền tảng Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã lấy tên ông đặt tên cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến nay.
Khi nhắc đến sự nghiệp sáng tác tuồng, không thể không kể đến người con ưu tú của quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng là soạn giả Tống Phước Phổ- giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ông là một trong những tác giả lớn của sân khấu Tuồng cách mạng. Vở “Trưng Vương” của tác giả Tống Phước Phổ có nội dung đề cao phẩm chất anh hùng của người phụ nữ Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, trở thành vở tuồng mẫu mực, là giáo án thực hành đào tạo diễn viên Tuồng của nhiều trường Nghệ thuật sân khấu trong cả nước.
Cùng với hai nghệ sỹ tài danh Nguyễn Lai và Ngô Thị Liễu, tác giả Tống Phước Phổ thành lập gánh hát “Tân Thành Ban” (năm 1940) rồi cộng tác với Đoàn tuồng “Ý Hiệp Ban” của cụ Phạm Đệ đi diễn nhiều nơi ở miền Trung. Ngoài chức năng biểu diễn, gánh hát này còn đào tạo lớp diễn viên trẻ để nối nghiệp. Đây là gánh hát có nề nếp và có chất lượng nghệ thuật tốt, một thời vang bóng ở các miền quê Quảng Nam - Đà Nẵng.
Để gây quỹ tài chính đỡ đầu cho dân quân huyện Điện Bàn, năm 1949, tác giả Tống Phước Phổ lập Đoàn hát Đồng Ấu và kiêm nhiệm nhiều cương vị: đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật... Vài năm sau, ông cùng với ông Võ Bá Huân đi vận động thành lập đoàn tuồng để lấy tiền ủng hộ quỹ kháng chiến. Ông được xem là người đầu tiên đưa hơi thở của cuộc sống hiện thực cách mạng đến với Nghệ thuật Tuồng.
Sau khi Đoàn tuồng Liên khu V thành lập, tác giả Tống Phước Phổ đã gia nhập Đoàn và cộng tác với tác giả Nguyễn Lai cho ra đời vở tuồng “Chị Ngộ” kịp thời phục vụ đồng bào và bộ đội khắp chiến trường Liên Khu V. Hơn 60 năm trong lĩnh vực sáng tác, soạn giả Tống Phước Phổ đã để lại cho sự nghiệp Tuồng một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 100 kịch bản. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông được Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng và tham dự các kỳ Liên hoan, Hội thi, Hội diễn toàn quốc đã đạt giải thưởng cao, góp phần làm rạng danh tên tuổi của đơn vị như các vở diễn “Lam Sơn khởi nghĩa”, “Sao khuê trời Việt”, “Trưng Nữ Vương”... Ngoài ra, ông còn nghiên cứu lý luận về Nghệ thuật Tuồng, để lại cho thế hệ sau những công trình nghiên cứu công phu, đầy tâm huyết, tiêu biểu như tác phẩm “Tính dân tộc trong Nghệ thuật Tuồng cổ”. Tác giả Tống Phước Phổ rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ kế cận, nhiều học trò của ông đã thành danh, là những cây viết khá nổi tiếng như: Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Kim Hùng, Dũng Hiệp, Võ Sỹ Thừa, Trần Hưng Quang, Đoàn Thanh Tâm...
Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ đã hiến tặng cho cuộc đời, cho bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò cũng như hậu sinh những tác phẩm Nghệ thuật đậm tính nhân văn, chứa đựng tâm hồn, tư tưởng cao cả, thể hiện một nhân cách lớn. Tuy ông đã đi xa nhưng những tác phẩm của ông vẫn luôn được các đơn vị Nghệ thuật Tuồng, các thế hệ nghệ sỹ tiếp nối trân trọng, giữ gìn, phát huy và được khán giả đón nhận với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ và biết ơn đến “cây đại thụ” của ngành Tuồng cả nước.
Trên lĩnh vực nghiên cứu, mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi sinh thành và nuôi dưỡng Nhà nghiên cứu Tuồng hàng đầu cả nước - GS. Hoàng Châu Ký, người có công lớn trong việc xây dựng, biên soạn nhiều công trình bảo tồn Nghệ thuật Tuồng nói chung và Tuồng xứ Quảng nói riêng, như “Sơ Khảo lịch sử Tuồng”, “Tuồng Quảng Nam”, “Tuồng cổ”, “Nghệ thuật biểu diễn Tuồng”... Giáo sư Hoàng Châu Ký cũng là người được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn tuồng Liên khu V - đơn vị tuồng cách mạng đầu tiên trên cả nước (tiền thân của Nhà hát tuồng Đào Tấn ngày nay), quy tụ nhiều nghệ sỹ tài hoa, nổi tiếng như Đội Tảo, Sáu Lai, Mười Thân, Ngô Thị Liễu... và các nhà nghiên cứu, tác giả Tống Phước Phổ, Phạm Phú Tiết, Mịch Quang... Họ đã cùng với Hiệu trưởng Trường nghệ thuật Ca kịch dân tộc đầu tiên GS. Hoàng Châu Ký- sưu tầm, phục dựng những vở tuồng có giá trị, chiêu sinh và đào tạo được những lớp diễn viên tài năng cho sân khấu Tuồng. Các thế hệ nghệ sỹ tên tuổi của Nhà hát tuồng Đào Tấn như NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Đinh Quả, NSND Đình Bôi, NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo... từng là những học trò của các bậc thầy ở Đoàn tuồng Liên khu V. Ngoài ra, nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký cùng với tác giả Tống Phước Phổ đã có công lớn trong việc cải biên, chỉnh lý một số vở tuồng cổ điển như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Sơn Hậu”, “Ngoại tổ dâng đầu”,... phục vụ cho việc biểu diễn của các Nhà hát, Đoàn tuồng trên toàn quốc. Có thể nói, Giáo sư Hoàng Châu Ký - giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là người có công đầu trong việc làm vực lại và nâng cao vị thế của ngành Tuồng cũng như Tuồng cổ xứ Quảng.
Quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng còn có Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hồ Đắc Bích- Nguyên phụ trách Đoàn tuồng Liên khu V, nguyên phó Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam; Nguyễn Văn Bằng- Nguyên phó Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, là những người có công trong việc quản lý lẫn công tác nghiên cứu, góp phần xây dựng sự nghiệp Tuồng cách mạng ngày càng phát triển.
Về lĩnh vực biểu diễn Tuồng, xứ Quảng luôn có những nghệ sỹ tài danh tiếp nối qua các thế hệ như NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Nguyễn Lai, NSƯT Văn Phước Khôi, NSƯT Vĩnh Phô, NSƯT Tư Bửu...
NSND Nguyễn Nho Túy được tôn là người đóng kép giỏi trong Ngũ Mỹ (năm người đóng tuồng giỏi nhất) của tỉnh Quảng Nam. Không chỉ có hát hay Đội Tảo còn rất giỏi về múa tuồng, nhất là nghệ thuật sử dụng đôi hia mũi cong trên sàn gỗ như trượt băng thì đến nay vẫn chưa ai bì kịp. Cùng chung chùm sao sáng của Quảng Nam (Chánh Phẩm, Chánh Đệ, Ngô Thị Liễu), Đội Tảo đã trở thành “cây đa, cây đề,” một thời vàng son, tô điểm cho sân khấu Tuồng cung đình.
Trong cách mạng tháng Tám (1945), lúc Ty tuyên truyền Quảng Nam mời các nghệ sỹ hát Bội bàn việc đưa nghệ thuật phục vụ Cách mạng, Đội Tảo hăng hái tham gia đóng vai chính trong các vở “Cờ giải phóng”, “Kiều Quốc Sĩ”, “Lòng già yêu nước”. Đặc biệt là vai Thi Sách trong vở “Trưng nữ vương” do Tống Phước Phổ sáng tác.
Năm 1952, Đoàn Tuồng Liên khu V thành lập, NSND Nguyễn Nho Túy cùng các nghệ sĩ Nguyễn Lai, Phó Sơn, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Huỳnh Văn Cát, Lê Phát, Tường Nhẫn... góp công đầu xây dựng đoàn. Sau ngày tập kết ra Bắc, (1954) Đoàn tuồng Liên khu V vinh dự được diễn cho Bác Hồ xem vở “Chị Ngộ”. Đây là vở tuồng hiện đại đầu tiên do chính Nguyễn Nho Túy dàn dựng từ những mô hình tuồng cổ cùng với những sáng tạo mới đã được công chúng yêu Tuồng đón nhận. Vở diễn đã gây tiếng vang lớn, đến nay vẫn còn được khán giả nhắc đến là một tác phẩm mẫu mực về Tuồng với đề tài hiện đại.
Người nghệ sĩ bậc thầy Nguyễn Nho Túy đã có những đóng góp rất lớn cho nghệ thuật hát Bội về nhiều mặt: nghiên cứu lý luận, tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên tên tuổi cho ngành Tuồng cả nước nói chung và tuồng Quảng Nam nói riêng như NSND Võ Sĩ Thừa, NSND Đinh Quả, NSND Đình Bôi, NSƯT Vĩnh Phô, NSND Đình Sanh,...
Cố NSND Võ Sĩ Thừa - một trong những người học trò xuất sắc của NSND Nguyễn Nho Túy, nguyên giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn kể lại: “Khi tôi được học vai Tạ Ngọc Lân của thầy Nguyễn Nho Túy, tôi mới thấy rõ vai Tạ Ngọc Lân của tuồng Quảng Nam có nét riêng và đặc sắc so với tuồng Bình Định. Đối với tuồng Quảng Nam, nhân vật Tạ Ngọc Lân bước đi hơi dài, hai đầu gối mở rộng, đầu lắc lư và động tác múa đơn giản. Còn vai Tạ Ngọc Lân theo phong cách tuồng Bình Định thì bước đi ngắn, gối kẹp lại, đầu không lắc lư, động tác khá phức tạp”. Như vậy, nhờ được học thêm thầy Nguyễn Nho Túy mà NSND Võ Sĩ Thừa mới biết điểm khác biệt trong cách diễn cùng một nhân vật giữa Tuồng võ Bình Định và Tuồng văn Quảng Nam - Đà Nẵng.
NSND Nguyễn Nho Túy còn là người có công lớn trong việc phục hồi và phát triển Nghệ thuật Tuồng truyền thống với hàng chục vở cổ được ghi lại, diễn lại; hàng trăm làn điệu và động tác được ông truyền lại cho thế hệ kế cận. Nguyễn Nho Tuý thật sự là một nghệ sĩ xuất sắc, đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển sân khấu Tuồng cả nước cũng như quê hương Quảng Nam.
Vừa là người học trò xuất sắc vừa là cháu ruột của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là NSND Nguyễn Lai. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã dồn hết tâm trí vào việc sáng tạo các vai nịnh nổi tiếng như
Vua Trụ, Tạ Thiên Lăng, Cát Thượng Nguyên... Ông là người biết kế thừa truyền thống, sáng tạo và đúc kết nên 36 kiểu cười trong Tuồng, đã viết thành công trình nghiên cứu “Nghệ thuật cười trong Tuồng” để truyền dạy lại cho các thế hệ học trò. NSND Nguyễn Lai cũng đã nghiên cứu và hệ thống hóa toàn bộ nghệ thuật hóa trang và phục trang của Tuồng cổ Việt Nam. Ông còn là một soạn giả tuồng với nhiều vở cải biên từ tuồng cổ để phục vụ Cách mạng. Đặc biệt, ông là người đầu tiên sáng tác tuồng hiện đại thành công với vở “Chị Ngộ” đã có sức lay động mạnh mẽ tới tình cảm của đông đảo người xem. Tuồng “Chị Ngộ” cũng đã được giải thưởng Phạm Văn Đồng.
Với vốn nghề phong phú, thể hiện xuất sắc trong sáng tác và biểu diễn Tuồng, NSND Nguyễn Lai là một trong những ngôi sao sáng của Đoàn tuồng Liên khu V, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giữ gìn, phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam. Ông cũng đã đào tạo được nhiều nghệ sỹ tài năng như các NSƯT: Vĩnh Huế, Trần Hưng Quang, Đỗ Ngọc Liên, Phan Quang Hạnh...
Hiện tại, không chỉ Tuồng Quảng Nam- Đà Nẵng mà ngành Tuồng cả nước đã được thừa hưởng một tài sản vô giá qua các vở diễn truyền thống kinh điển, hoành tráng, mẫu mực và những tinh hoa từ sự truyền dạy của các bậc thầy tâm huyết xứ Quảng như tác giả Tống Phước Phổ, Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký, NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Nguyễn Lai,... trên nhiều lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của Nghệ thuật Tuồng Việt Nam, góp phần vào việc gìn giữ cốt cách tinh hoa Văn hóa của đất nước.
T.H