Thơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị Phú
(Cảm nhận thơ Đinh Thị Như Thúy trong tập thơ Như tiếng biển đêm)
Đọc “Như tiếng biển đêm” (Tuyển thơ tác giả nữ Đà Nẵng do Hội Nhà văn Đà Nẵng biên sọan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018), là đọc 373 bài thơ của hai mươi nhà thơ nữ, chúng ta sẽ tìm thấy những tâm tư của ai trong cuộc đời này? Ta có nghe lòng mình trăm nghìn cung bậc phập phồng trong tiếng biển đêm? Có và nhiều lắm. Nhưng lúc này đây, xin được nói về thơ của Thúy - Đinh Thị Như Thúy.
Thơ của Thúy sắc mạnh, nồng nàn, ấm lành, chứa chan, thấu tận. Đó là ý nghĩ đầu tiên khi tôi đọc qua mười sáu bài thơ của Thúy trong tập “Như tiếng biển đêm”.
Dường như Thúy phải viết cho cạn những nghĩ suy, cảm xúc đã nồng đượm của mình, nhất là những trăn trở về cuộc sống, về những ước mơ và vươn lên. Những điều ấy, tôi rất thích khi cảm nhận được từ giọng thơ mới mẻ, sáng tạo, đầy cá tính của Thúy. Có những bài, không chỉ là lời tự tình, như cách độc thoại thường thấy trong thơ, mà như thể đang có một nhân vật vô hình, hoặc hữu hình, ngồi đối diện, hoặc ngồi sát bên, lắng nghe Thúy nói.
Và Thúy cứ trải lòng mình về những nghịch lý, mâu thuẫn; những bức xúc về cuộc đời mà giá trị của chân thiện mỹ chưa đủ sức mạnh để đánh thức, để vực dậy, đổi thay:
chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lí mãi đến chẳng còn phi lí nữa
(Một vị trí buổi chiều)
Nhịp thơ ngắn mà câu thơ giống cấu trúc của văn xuôi theo lối câu phức đẳng lập nên ý thơ được nhấn mạnh và dễ hiểu, dễ cảm. Nhưng rồi ý thơ tự trải dài theo chiều sâu của niềm trăn trở về những sai lầm tự thân mỗi một con người, khi mà:
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cái cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta
...
(Đã có sai lầm ở đâu đó)
Đâu là những sai lầm? Đinh Thị Như Thúy tự trách:
đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo
chúng ta đi
(Đã có sai lầm ở đâu đó)
Nhìn thẳng vào hiện thực, đánh giá hiện thực một cách thẳng thắn, mấy câu thơ thể hiện sự rắn rỏi trong tâm hồn nhà thơ nữ ấy dường như đã góp phần đánh thức lương tri con người, gõ cửa những trái tim vốn đã xơ cứng, lạnh lùng.
có thể chân thành hơn chăng
có thể thanh thản hơn chăng
nụ cười của người này có thể
thắp sáng
khuôn mặt của người kia chăng
(Có cơn bão không đi vào đất liền)
Không một dấu câu, dấu hỏi, nhưng là những câu hỏi xoáy vào nghĩ suy con người. Rõ ràng nhà thơ vẫn dịu lòng với những ước ao, dù chưa dám, chưa tin. Phải chăng vì có những nỗi mừng vẫn chất chứa đắng cay, mà lắng nghe, ta sẽ nhận ra, như thể:
có cơn bão không đi vào đất liền
mà mưa cứ suốt đêm không dứt
(Có cơn bão không đi vào đất liền)
Thì cứ mưa suốt đêm không dứt, miễn sao cơn bão hãy tan ngoài khơi xa, để đất liền bình yên, để con người bình yên. Nhưng đằng sau câu chữ đó, còn có tiếng thầm thì trách cứ về một sự nhẫn tâm nào đó, của ai đó đối với cuộc đời này...
Nói đến rất nhiều những thói xấu xa có thực, chỉ trích sự thiếu vắng nụ cười, thói ích kỷ, giông gió cuộc đời... Nhưng không phải để lên án. Đây thực sự là vẻ đẹp tiềm ẩn trong thơ của Thúy. Bởi bàng bạc trong thơ Thúy là yêu thương, là cõi lòng ước ao thanh thản, là hướng tâm về chốn yên bình. Ta có thể nhặt ra được những câu thơ rất đẹp, nét đẹp yên bình, trái tim ấm áp. Đó là khi: “Thương làm sao sự yên bình cũ kỹ” (Mơ vườn lạnh); hoặc khi để dành câu thơ đẹp cho một ngày mai:
Nắng đã ấm như ngàn hơi thở
Cây lá trong vườn mềm mại xanh
(Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)
hoặc vàng trăng thơ mộng:
chúng ta đi như thể đang trôi
trăng rắc sáng bao la trên những dãy đồi chạy dài bất tận
(Chỉ còn chuyến xe chở hoa về muộn)
hoặc là cảm nhận hạnh phúc:
Có đôi mắt núi nhìn tôi
Có ngọn gió núi thổi qua tôi
Có cánh tay núi ôm choàng tôi
Có đám mây núi êm trôi
(Hoa mồ côi trong núi)
nghe như là sức mạnh, là núi ngàn trong những câu thơ của Thúy, sắc mạnh mà ấm áp lạ kỳ.
Thơ của Thúy còn đẹp ở sự bộc lộ một cách sống, một lựa chọn thông minh giữa tự do và ràng buộc, giữa khép mình và tự thân vươn lên. Từ hình ảnh một con tàu mắc cạn, Thúy nói nhiều đến tự do, ước mơ và sáng tạo. Cái nhìn của nữ sĩ vẫn đầy trân trọng, cảm thông với sự “mắc cạn” của ai đó giữa dòng đời:
Sinh ra là để khát khao
Rạch trên bao la xanh những con đường bạc
Mỗi lần rời bến là một lần sáng tạo
Những lối đi những hải cảng không trùng lắp
Một chân trời khép mở một chân trời
(Với con tàu mắc cạn)
Cho nên “Không một tưởng tượng nào về con tàu sừng sững cô đơn đứng chôn chân trên cát mịn” cùng với “Mơ hồ những dự báo đáng sợ” thì bài thơ vẫn có những câu kết đẹp đến độ người đọc cứ thích ngân nga:
Sinh ra là để mơ
Những giấc mơ sẽ vẫn tiếp tục tràn trề biển khơi và ánh sáng
Nó đẹp giống như những câu thơ mở bài đã trải một chiều dài xa tới xa xăm:
Sinh ra là để đi
Để dịch chuyển tự do
Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng
Nó đẹp như những bông hoa trẻ trung với sự phô sắc thản nhiên, không đợi chờ, không phụ thuộc, không sợ hãi:
Những hoa ly của ngày 20
Đang hồi hộp rướn căng trong
bóng tối
Phô diễn vẻ nồng nàn
Của niềm yêu không gì che giấu nổi
(Mơ vườn lạnh)
Nó đẹp như sự bùng cháy, sự vụt cánh của con chim sâu nhỏ bé trong sự so sánh đầy thú vị để nói về những khao khát vươn lên:
Tại sao đến con chim sâu nhỏ bé kia
Cũng dễ dàng thoát khỏi những
buộc ràng
Để vút bay trong ngời ngợi nắng
(Mơ vườn lạnh)
Cái vút cánh của con chim nhỏ cũng trở thành động lực cho con người vượt thoát hay khi kiếm tìm sự mới mẻ, đổi thay. Vì không thể nhắm mắt đợi chờ. Càng không thể thiếu bản lĩnh. Sức mạnh của con người bắt nguồn từ đâu? Sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng mọi thứ đều rất cần bản lĩnh và bản sắc. Những câu thơ khá lạ về biển là điều nhắc nhở chúng ta chăng?
Không còn lý do gì để náo động
Biển lắng lại
Biển đã ném lên bờ tảo và rong
Và những con cá chết
Và những mảnh ván thuyền
Những mủn nát của ngày biển động
Biển đã luôn nhận lấy và chối từ theo cách riêng
Biển đã luôn tẩy rửa theo cách riêng
Biển lại tinh khôi óng ả
Biển - Những con sóng xô nhẹ
Nhẹ
Tưởng như chưa bao giờ biết vật vã gầm gào
(Từ cửa sổ căn phòng này)
Và trong bao la niềm mơ ước ấy, trong thơ của Thúy, ta vẫn luôn nhìn thấy cái mơ ước rất đời thường mà vô cùng cần thiết của Thúy, của tất cả chúng ta. Đó là sự chia sẻ nỗi niềm và hãy gần gũi, yêu thương:
đừng rời nhau
xin
đừng rời nhau
những ngón tay thiếu vắng những
ngón tay
những ngón tay
đau từng mạch máu
(Chỉ còn chuyến xe chở hoa về muộn)
có khi tinh tế đầy mộng mị:
Không dưng tràn ngập mùi
khói thuốc
Căn phòng đã có thêm một người
Hiện hữu bằng tin nhắn
Anh uống cà phê trên môi em
(Từ cửa sổ căn phòng này)
vì tình yêu có những diệu kỳ:
đôi khi, bàn tay người này cảm nhận
được nắng ấm, khi người kia
đang trong
sóng biển, một ngày hè
(Có cơn bão không đi vào đất liền)
Nhưng không hẳn thế vì vẫn còn nhiều lắm những điều e ấp giấu, phải thêm rất nhiều trang thơ nữa Thúy mới gọi tên. Tôi nghĩ thế, khi Thúy viết “Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này”:
Anh sẽ không thể biết
Nỗi đắm say duy nhất của em
Tài sản duy nhất của em
Ngọn đèn không tắt
Tiếng chuông ngân không dứt
Của em
Thơ của Thúy có sức lôi cuốn mạnh mẽ có lẽ vì tình thơ lai láng chảy trong những cấu trúc mới lạ, lại pha chút âm hưởng của gió ngàn, dáng núi, sóng biển mênh mang... Nên dẫu câu thơ buồn - vui đều thẩm thấu vào lòng ta bằng hương vị cuộc đời. Thơ của Thúy không chỉ như là tiếng biển đêm.
N.T.P