Kham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá Lợi
Một buổi chiều tại thành phố cảng Hải Phòng, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Đào Trọng Khánh, người đã quay gần ngàn thước phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với tôi về sự nhẫn của vị danh tướng này. Anh Khánh nói: Ông Giáp chỉ là nhà giáo có học trường quân sự nào đâu, nhưng ông có một điều lạ. Đó là linh cảm và trực giác. Không có một ông tướng nào có linh cảm và trực giác ghê gớm như Võ Nguyên Giáp. Cụ Hồ nhìn ra điều lạ này của ông. Ông biết đánh vào đâu thì thắng, biết thò đầu vào đâu thì chết. Còn đánh đấm thế nào là phần việc các tướng tá dưới quyền bàn bạc, nghiên cứu với nhau. Không nghe theo ai dù là thế lực lớn chỉ nghe theo linh cảm. Điện Biên Phủ là một thí dụ. Thời 32 anh giải phóng mà theo cấp trên đánh vào Cao Bằng thì không có cái gì sau này. Ông ngờ ngờ đánh sẽ không thắng và xin Cụ Hồ tự đi vào Cao Bằng và nhận ra đánh vào đây là 32 quân mình nguy ngay. Xin Cụ Hồ nói với Trung ương cho đánh Phai Khắt - Nà Ngần. Đây là cái đồn nhỏ, 32 ông tướng nhà mình đánh vào chiến thắng ngay, chỉ có một ông bị thương vào ngón tay. Từ đây có tiền đề để làm cách mạng Tháng Tám, chứ đánh vào Cao Bằng, 32 ông thương vong, cách mạng khó khăn, có khi đất nước chuyển sang hướng khác. Hay như chuyện cánh quân phía đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh của tướng Lê Trọng Tấn. Nếu không nhanh chóng thành lập cánh quân này thì mục tiêu vào Sài Gòn sẽ bị chậm. Chiến tranh kéo dài thêm một ngày là thêm đổ máu. Hay như vụ mượn tàu của dân giải phóng Trường Sa. Mình đã đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi rồi mà không có lực lượng ra Trường Sa. Hải quân mình lúc ấy mỏng lắm, tàu bè không nhiều mà đang ở tận Hải Phòng. Linh cảm báo cho ông Giáp biết phải nhanh chóng làm việc này. Ông ra lệnh cho quân khu 5, cho sư đoàn 2 của ông Nguyễn Chơn mượn tàu dân, sơn lại phù hiệu tổ chức lực lượng chiếm Trường Sa ngay. Chiếm được Trường Sa rồi, chỉ có Nguyễn Chơn được bộ đội tặng quà là một rổ trứng chim và một viên đại úy quân đội Việt Nam Cộng hòa quê Hòa Vang, cùng làng với Nguyễn Chơn.
Anh Khánh kể tiếp:
- Tôi nói với ông Giáp sao anh không treo chữ nhẫn, nhiều người nói anh thực hành thành công đức nhẫn. Ông nói, anh không thích chữ nhẫn. Có người cho anh chữ nhẫn rất đẹp nhưng anh không treo. Trường hợp của anh không phải là nhẫn. Anh không hề nhẫn. Cái chính là không phải đúng hay sai, mà là có hợp thời hay không? Điều đúng sai trên đời này không có, cái này hôm nay là đúng nhưng ngày mai là sai, bảo là đúng nhưng cuối cùng là sai. Ông Giáp nói ông tồn tại được là biết cư xử cho hợp thời chứ không phải đúng sai. Ông nhấn mạnh không có chuyện đúng sai mà là hợp thời. Tôi chưa bao giờ thấy Võ Nguyên Giáp nóng giận hay bực bội mỗi lần bị thuyên chuyển công tác. Chắc là ông Giáp nhận ra việc nó phải như thế, mà khi nhận ra rồi thì việc gì phải cãi cọ. Ông Giáp là người có linh cảm và trực giác mạnh, nhưng cũng nhận biết được cái hợp thời chứ không phải là người nhẫn.
Tôi biết đạo diễn Đào Trọng Khánh đàm đạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chữ nhẫn thường tình mà người đời đang quan niệm. Nhưng tôi nghĩ với tướng Giáp chữ nhẫn của ông có một ý nghĩa khác, có thể gọi là kham nhẫn. Trong Kinh Di Giáo (Lời giáo huấn cuối cùng) Phật Thích Ca Mâu Ni nói: Kham nhẫn là đức hạnh mà giữ giới luật cùng với khổ hạnh cũng không sánh được. Người thực hành kham nhẫn mới xứng đáng là bậc đại nhân có sức mạnh. Người nào chưa tiếp nhận sự nhục nhã một cách hoan hỉ như uống nước cam lồ thì chưa phải là người có trí tuệ vào đạo...”. Sự nhẫn của Võ Nguyên Giáp gần gũi với khái niệm này.
Trong cuộc đời cách mạng lâu dài và phong phú của mình, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại dấu ấn rất mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân Việt Nam và nhiều bạn bè trên thế giới. Những chiến tích của ông gắn liền với lịch sử dân tộc trong suốt 60 năm cuối thế kỷ XX. Những địa danh như Phai Khắt - Nà Ngần, chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ đến Tổng tấn công mùa xuân 1975 không thể không có tên ông. Một con người đã sống trên một thế kỷ cho đến lúc ra đi đã chiếm trọn tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ cùng sự kính trọng của những đồng đội đồng chí đã từng làm việc với ông, những đối thủ của ông, đến cả những người chưa từng gặp ông, chỉ biết ông qua sách báo, qua các câu chuyện kể, hiện thực chứ không phải là huyền thoại. Trong các danh nhân của lịch sử Việt Nam được như ông không phải nhiều.
Nhưng vinh quang của Võ Nguyên Giáp không thiếu chông gai. Có thể những chông gai đó đến từ danh tiếng lẫy lừng của ông. Ông từng nói: tôi mong chỉ là một giọt nước trong biển cả cách mạng của nhân dân. Nhưng tên ông lại gắn với những khái niệm dù là thân thương như người anh cả của quân đội đến hoành tráng như một trong những danh tướng vĩ đại của thế giới. Ánh hào quang của ông phần nào làm lu mờ công tích của những người khác trong đội ngũ lãnh đạo cách mạng với quan niệm chiến công là của tập thể. Điều đó không phải là khuyết điểm của ông nhưng nó là mầm mống đưa đến những điều rất không hay cho ông, cũng có lúc đã cần kể với rắc rối lớn.
Nhưng ông đã vượt qua tất cả và để sống với chính mình, kiên định mà mềm mỏng, thân ái dịu dàng với người đời, làm cho ai gần ông cũng thấy ấm áp và vững vàng.
Dù ông đã nói rằng mình chưa phải là người thực hành hoàn hảo đức nhẫn như nhiều người nói về ông, ông chỉ lựa cái hợp thời để sống, để tồn tại nhưng chúng ta nhìn lại ứng xử của ông sau ngày non sông về một mối, khi ông bị điều động nhận những nhiệm vụ không dính dáng gì đến chuyên môn của mình một cách bình thản, hay những lúc tiếp khách dù là nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh nước ngoài, đến các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các cháu nhi đồng, dù cập rập đến đâu ông cũng phải mặc vào mình bộ quần áo lính để cho mọi người hiểu ông là một chiến sĩ chưa từng buông súng.
Sống một cuộc đời tự tại như vậy phải có một nguồn sống dồi dào và một trí tuệ thâm sâu, phải biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu, không để bị đánh gục trước mọi mưu toan. Góp vào sự vững vàng của Võ Nguyên Giáp có sức mạnh của đức kham nhẫn mà ông đã thực hành trong suốt đường đời của mình, xứng danh là một con người của lịch sử Việt Nam, trí đức song toàn.
(*) Tham luận tại Hội thảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, Hà Nội 21/12/2018.
T.B.L