Chúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh Quế

08.03.2019

Chúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh Quế

Vào một ngày cuối tháng 3 năm 1971, Chu Cẩm Phong lên đường đi công tác ở Quảng Đà, vùng đất cực kỳ ác liệt. Trước đó, sau khi nghe tin anh Hoàng Trà bên báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ đi Quảng Đà về kể chuyện, Chu Cẩm Phong rạo rực lắm. Anh nói với nhà thơ Vương Linh, thủ trưởng cơ quan:

- Nghe nói tình hình Quảng Đà sơ khoáng rồi, anh cho tôi đi nghe anh.

- Không được, các anh trên Ban Tuyên huấn nói tình hình Quảng Đà khó khăn lắm chưa cho ai đi.

- Anh Hoàng Trà bên báo vừa đi về đó, anh cho tôi đi, chẳng sao đâu.

Thấy Chu Cẩm Phong nằn nì mãi, nhà thơ già mủi lòng, gật đầu.

Trước khi đi Quảng Đà, cũng như hầu hết anh em ở chiến trường, anh gói ghém những tài liệu, bản thảo, nhật ký cho vào trong một bao giấy bóng, bỏ vào thùng đạn đại liên của Mỹ, nói với tôi:

- Cậu giữ dùm tớ thùng này, có nhật ký tớ viết từ năm 1967 đến nay (sau này tôi đã nhầm vì chữ tới nay khi nghĩ đó là phần nhật ký anh viết từ 1967 đến cuối năm 1970, mang theo cuốn ghi từ 1971 đến khi anh hy sinh, chứ không ngờ là nhật ký anh gởi lại chỉ đến đầu năm 1970), với một số bản thảo.

Chu Cẩm Phong rất siêng viết nhật ký. Công tác ở vùng sâu, nhiều lần sau những cuộc săn đuổi của giặc, tới nơi yên yên một tí là anh viết nhật ký. Ở căn cứ, sau những giờ phát rẫy, tỉa lúa, trồng sắn, làm nhà, tối đến anh tranh thủ viết vài dòng. Lúc nằm nghỉ vì sốt, anh cũng viết. Anh ghi lại những công việc, những sự kiện, những câu chuyện, những nhân vật anh gặp gỡ với cảm xúc của một nhà văn. Có lẽ vì thế mà sau này, khi in sách, nhiều người rất thích, coi đó như một tác phẩm văn học. Những quyển nhật ký được đóng bằng giấy pơluya với chữ viết li ti, anh gửi lại cho tôi giữ.

Nhiều năm sau này tôi nghĩ, không biết vì sao anh không giao nhật ký của anh cho ai giữ mà là tôi. Có lẽ anh em tôi quen biết nhau đã lâu, tôi mới vào chiến trường nên ít đi công tác xa như Cao Duy Thảo. Vả lại việc này cũng rất bình thường trong chiến tranh. Người ra đi công tác biết mình sống chết thế nào, người ở lại giữ kỷ vật của bạn bè để lỡ có chuyện gì sau này còn giao lại cho gia đình, người thân của bạn. Ai cũng vậy thôi, nên tôi thấy việc anh giao tôi giữ kỷ vật của anh cũng là việc bình thường. Xin nói thêm rằng, hồi đó chúng tôi thường đựng tài liệu trong thùng đạn đại liên hay ống pháo của Mỹ để khi bị địch càn hay có vấn đề gì, có thể chôn dưới lòng đất, dưới lòng suối; tài liệu, kỷ vật sẽ không bị hư hỏng. Nếu khi di chuyển, hoặc cồng kềnh, hoặc sợ gặp địch thì giấu lại để sau này tìm lại.

Vì thế, sau khi Chu Cẩm Phong đi công tác, tôi đã đặt thùng đại liên của anh bên ba lô tôi để có gì thì giấu hoặc xách đi như là tài sản của bản thân mình, như là một nhiệm vụ được bạn bè giao phải thực hiện. Từ khi nghe tin Chu Cẩm Phong mất, việc giữ gìn di vật của anh càng được chú ý hơn, bởi vì chúng tôi yêu anh, nghĩ có lúc sẽ gởi lại kỷ vật của anh cho gia đình. Tôi nhớ, một hôm vào tháng 5/1971, sau khi anh hy sinh mấy ngày, Ban Tuyên huấn Khu báo tin xuống tiểu ban văn nghệ chúng tôi. Trưa ấy, tôi vừa đi làm rẫy về, em Tam cấp dưỡng cơ quan vẻ mặt buồn bã chạy đến báo tin:

- Anh Quế ơi! Anh Tiến hy sinh ở Quảng Đà hôm 1/5 rồi.

Tôi chạy lại chỗ anh Vương Linh, anh đang đấm ngực mình, giận dữ vì đã mủi lòng cho Chu Cẩm Phong đi. Mọi người ai cũng buồn, cũng khóc. Chu Cẩm Phong là một người anh gương mẫu, một người bạn tốt, một nhà văn có khả năng tiến xa...

Từ nay, chúng tôi không còn anh nữa. Những di vật của anh đối với chúng tôi càng thiêng liêng hơn.

Tôi nhớ, sau khi anh mất một thời gian, chị PL, người yêu của anh được ra Bắc chữa bệnh và học tập. Hình như chị cũng là một bác sĩ đi vào Nam cùng đoàn với chị Đặng Thùy Trâm. Chị đến gặp tôi và nói:

- Trước khi đi Quảng Đà, anh Tiến có ghé chỗ tôi, ảnh nói ảnh có gởi cho Quế giữ nhật ký của ảnh. Nay tôi ra Bắc, Quế cho tôi cầm ra ngoài đó giữ để bảo đảm hơn, có dịp thì gởi cho ba ảnh.

Ngày đó, tôi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm gì trong cuộc sống, nhưng tôi nghĩ: chị PL là người yêu của anh. Họ yêu nhau nhiều, nhưng giờ anh mất, chị sẽ phải xây dựng gia đình với người khác, chị giữ nhật ký sẽ không có lợi. Chi bằng mình giữ, có dịp sẽ trao lại cho gia đình. Thế là tôi nói dối:

- Đúng là anh Tiến có giao nhật ký cho tôi. Nhưng vừa qua, tôi đi công tác nên đã giao lại cho Cao Duy Thảo. Hiện nay Thảo lại đi Bình Định, không biết nó cất ở đâu.

Nghe tôi nói, vẻ mặt chị thoáng buồn...

Tối ấy, tôi lên nhà tổ văn, kín đáo mở thùng đại liên lấy ra bản viết tay bút ký Làng Tà Riềng của Chu Cẩm Phong (còn mấy bản anh đã đánh máy). Sáng hôm sau, trước lúc chị đi, tôi đưa cho chị:

- Tôi còn giữ bản viết tay bút ký Làng Tà Riềng của anh Tiến. Bữa trước, có người ra Bắc, ảnh đánh máy, định gởi nhưng sau thấy chưa sướng nên giữ lại. Chị cầm bản này kỷ niệm chữ viết của anh... Chị thông cảm cho tôi nhé. Chị đi mạnh khỏe nhé.

Gần đây, nhân ra họp Đại hội Hội Nhà văn, tôi được chị PL mời đi ăn nhà hàng cùng một số bạn, tôi đã kể lại chuyện nói dối này. Chị chỉ im lặng. Còn hồi ấy, sau khi Cao Duy Thảo đi công tác Bình Định về, tôi kể lại chuyện này cho Thảo, Thảo nói:

- Chú mày làm thế là đúng.

Sau chiến tranh, tôi đã đưa một bản đánh máy bút ký này cho nhà văn Nguyễn Thành Long. Anh đưa đăng báo Văn Nghệ. Đây là bút ký cuối cùng của anh Chu Cẩm Phong.

Tháng 9 năm 1971, nhiều nhà văn ở lớp bồi dưỡng khóa 4 của Hội nhà văn vào tăng cường cho Hội Văn nghệ giải phóng Khu V. Anh em chúng tôi được chia nhau đi công tác. Tôi và Trần Vũ Mai được phân đi Phú Yên. Tôi rất mừng vì từ khi vô Nam, đây là lần đầu tiên tôi được trở về quê hương. Trước khi đi, tôi nói với nhà thơ Ngô Thế Oanh, người bạn cùng tôi từ thuở tắm ao ở trường Học sinh miền Nam:

- Tao có giữ nhật ký và một số thứ của anh Tiến, nay tao đi Phú Yên. Mày được phân công ở nhà trực tạp chí, mày thay tao giữ, đi đâu cũng phải mang theo, có địch càn thì mang theo hay giấu đi.

Ngô Thế Oanh đã thay tôi giữ nhật ký của Chu Cẩm Phong đến hè năm 1972, mang theo cả lúc di chuyển từ Nước Nghêu đến Dốc Voi. Rồi đến lượt Oanh đi Quảng Ngãi, tôi lại giữ như vật bất ly thân. Rồi tôi lại đi Phú Yên, Oanh lại giữ mang theo xuống vùng thị trấn Trà My. Rồi Oanh đi, tôi lại giữ, mang theo từ Trà My về Trà Nô (Quế Tiên, Quảng Nam). Nếu khi cả hai chúng tôi đi cõng gạo hay đổi sắn ngắn ngày thì giao cho Cao Duy Thảo hay một bạn nào đó giữ. Trong thời gian chúng tôi giữ, bình thường cứ vài tháng chúng tôi thường giở ra xem có bụi, có mốc, có gì hỏng không để xử trí. Nếu có bụi thì giũ, nếu có ẩm mốc thì phơi, nhưng phơi ở nơi râm để không bị bay nét mực. Nhưng nói chung, thùng đại liên giữ tài liệu rất tốt.

Tháng 2 năm 1975, tôi được phân công đi công tác ở Quảng Ngãi cùng Phan Nghĩa An. Lần này, chúng tôi được cấp trên nói sẽ là chuyến đi công tác lịch sử vì sắp tới ta sẽ mở ra những vùng giải phóng rộng lớn. Ngô Thế Oanh lại được phân trực tạp chí, nếu cần thì đi Quảng Đà, về Đà Nẵng. Tôi lại giao cho Ngô Thế Oanh giữ di vật của Chu Cẩm Phong. Và sau ngày 29/3/1975, Ngô Thế Oanh đã mang di vật của Chu Cẩm Phong về số 10 Gia Long, nay là 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng.

Tại đây, sau khi nhà thơ Bùi Minh Quốc được một sĩ quan Sài Gòn trao lại phần nhật ký cuối cùng, lấy được từ dưới căn hầm bí mật nơi Chu Cẩm Phong hy sinh, anh và Ngô Thế Oanh đã vào Hội An trao nhật ký cho gia đình Chu Cẩm Phong, coi như nhiệm vụ và nguyện vọng của chúng tôi đã được hoàn thành. Theo anh Bùi Minh Quốc nói, chỉ trao phần chúng tôi giữ, còn phần người sĩ quan Sài Gòn trao, anh Quốc giữ lại suốt 20 năm tới khi làm xong tập Nhật ký chiến tranh, anh mới trao lại cho Trần Mạnh Hùng, em trai Chu Cẩm Phong. Những quyển nhật ký do chúng tôi giữ sau này anh Quốc photo và ghép với phần nhật ký của người sĩ quan Sài Gòn trao để làm thành quyển Nhật ký chiến tranh.

Trong chiến tranh, tôi và Ngô Thế Oanh cũng như anh em ở cơ quan, giữ nhật ký của Chu Cẩm Phong như giữ báu vật, với ước nguyện có ngày giao lại cho gia đình. Chúng tôi không có thời gian để đọc và không thể lường hết giá trị của nó như sau này in ra. Chỉ một lòng yêu thương đồng chí mà lưu giữ di vật cho gia đình anh mà thôi, không vì một lẽ gì khác. Dù sao, cái việc làm bình thường này cũng nói lên đồng đội Chu Cẩm Phong cũng rất quý trọng, gìn giữ di vật của người đã hy sinh, và vì thế đã góp phần lớn số trang cho quyển Nhật ký chiến tranh, chứ không phải cả quyển Nhật ký chiến tranh là do người sĩ quan Sài Gòn trao lại như người Mỹ trao lại toàn bộ Nhật ký Đặng Thùy Trâm như một số người đã nhầm tưởng. Nói thế chỉ để hiểu sự việc rõ ràng hơn mà thôi, không có ý gì khác. Tôi và đồng đội thật sự biết ơn, rất biết ơn người sĩ quan nọ, nhờ anh mà quyển Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong đã hoàn thiện và đầy đủ như hiện nay. Việc này thiết tưởng cũng giúp ích cho bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu về Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong.

T.Q

Bài viết khác cùng số

Thành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếNhớ mẹ - Võ Duy DươngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoChuyện nhặt trên phây - Dân HùngTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiHậu chiến tranh - Thu HiềnBạch Hạc - Trần Như LuậnLàm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànMột chuyện tình - Khin Hnin Yu Hội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũThơ Phùng HiếuThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu PhướcNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy Hường