Bạch Hạc - Trần Như Luận

08.03.2019

Bạch Hạc - Trần Như Luận

1. Câu chuyện xảy ra vào tháng Ba năm Ất Sửu 1385, tức là năm Xương Phù thứ 9.

Lúc này, tại triều đình Thăng Long, Đế Hiển(1) mới hai mươi lăm tuổi, quyền hành nằm cả trong tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và Hải Tây đô Thống chế Lê Quý Ly. Ở đất Bắc, Minh triều đang mạnh. Từ phương Nam, Chiêm Thành nhiều lần ùa ra đánh phá kinh sư(2). Thượng hoàng sai tướng Nguyễn Đa Phương trấn giữ kinh đô rồi dẫn vua về Đông Ngàn lánh nạn.

Vị danh y Tuệ Tĩnh, năm mươi lăm tuổi, đang tu tại chùa Hải Triều làng Yên Trang. Mười năm về trước, sư thi Đình, đỗ tới Hoàng giáp, được triều đình mời ra làm quan. Sư say mê Phật sự, tạo dựng hằng chục ngôi chùa, nghiên cứu y lý, hăng hái đi hết làng nọ tới làng kia chữa bệnh cho dân, âm thầm viết y văn để lại cho đời.

Tài chữa bệnh bằng thuốc Nam của sư được tôn lên hàng Thánh. Hằng trăm người nằm liệt giường, sư chữa xong, đứng bật dậy, đi lại được. Hằng chục người bị cấm khẩu lâu ngày, sư châm cứu, cho uống thuốc, chỉ sau ba ngày là nói được. Có lắm trường hợp, người nhà khóc lóc chuẩn bị mộ phần, sư đến chữa bằng thảo dược, xông và cứu(3), người bệnh từ từ ngồi dậy ăn được.

Y nghiệp của sư dựng nên không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Mới sáu tuổi, mất cả cha lẫn mẹ, cậu bé mồ côi ấy vô chùa để chỏm, học chữ. Năm mười tuổi, chú tiểu được các sư phụ đưa sang chùa Dũng Nhuệ, hăng say học sách thuốc và kinh kệ. Hai mươi hai tuổi, nhà sư trẻ đi thi Hương, đỗ nhất bảng. Tròn ba mươi, sư quay về trụ trì chùa làng Yên Trang. Càng trưởng thành, tài năng chữa bệnh của sư càng phát huy. Y thuật của sư thực chất là y đạo. Sư dành trọn thời gian để chữa bệnh cho dân, chẳng bao giờ nghĩ tới bạc tiền. Tên tuổi của sư lan truyền đến tận kinh sư và nước Đại Minh bên đất Bắc.

Bỗng có tin nhà sư có một chuyến đi xa. Sư đi xa mà không rõ đến lúc nào được quay về cùng bà con làng phủ. Đây rõ ràng là một chuyến đi không hẹn ngày về. Nhân dân trong phủ nghe thế, rất đỗi ngậm ngùi. Ai cũng tiếc đến rơi lệ, vì quê hương, làng xã từ nay khuyết đi một nhân tài kiệt xuất, chỗ dựa tin cậy của dân.

Trời đang tiết thanh minh(4).

Rời khỏi cái cười hả hê của phú ông, Bờm cầm nắm xôi chạy thẳng một mạch về tới cổng chùa. Sân chùa đông hơn mọi lúc. Dường như mọi người đang tìm đến để được gặp sư phụ lần cuối cùng. Lão Bộc từ bên gốc cây đa bước ra, chặn đường lại hỏi:

- Này, Bờm! Ngươi đi đâu nãy giờ? Sư phụ hỏi ngươi tới hai bận mà ta chẳng biết trả lời sao!

Thằng Bờm không hề dừng lại. Cái chỏm tóc trên đầu cậu bé vẫn bay phất phưởng về phía sau. Lão Bộc chỉ nghe một câu cộc lốc “Con tìm sư phụ!”. Rồi bóng dáng thằng Bờm biến mất.

Đằng sau cánh cửa tăng phòng đang khép hờ, vị thánh y đang ung dung ngồi trên tấm chiếu trải rộng. Nhà sư lúc nào cũng như đang hành thiền. Khi chú tiểu Bờm đứng ngấp nghé ở cửa, trên tấm chiếu ấy đang có thêm nhiều vị khách. Nhìn cách ăn vận, có thể đoán họ không phải là những người quyền cao chức trọng gì. Hầu hết họ là những người dân dã trong làng, trong phủ.

Có người thưa rằng xin ngài cáo bệnh đừng đi. Lại có ai đó bảo rằng sư phụ là người của làng, của phủ, sư phụ ra đi thì hằng trăm người bệnh biết nương tựa vào ai. Lại có người vừa khóc vừa thưa: “Chúng con biết sư phụ chẳng bao giờ nhận tiền nhận bạc. Nhưng đây chỉ là chút ít để đi đường. Nếu sư phụ không chịu nhận, hằng trăm người dân trong phủ sẽ mất ăn mất ngủ vì lo sư phụ nhỡ đường”. Ông Cửu Dượng, ông Tám Sài, ông Bảy Hói cũng hết lời năn nỉ sư phụ bọc theo lộ phí vì đường từ đây sang tận nước Đại Minh đâu phải thuận lợi gì.

Sắp bước sang giờ Ngọ.

Tiểu Nho và tiểu Phụng được lệnh theo thầy. Thằng Bờm chen chân mãi mà vẫn không lại gần sư phụ được vì chung quanh quá đông. Lớp trước, lớp sau nườm nượp.

Khi đoàn sư sãi ra tới bờ sông, Bờm ngạc nhiên thấy thiên hạ tề tựu đông gấp mấy trăm lần. Hàng hàng lớp lớp môn đồ của thầy Tuệ Tĩnh tại hai mươi bốn tăng y xá(5) đã tề chỉnh đứng chờ. Các sư bên chùa Giao Thủy ở tận hạt Sơn Nam cũng sang đưa tiễn. Bà con làng Yên Trang và các làng kế cận đều có mặt. Dân đông vô số kể. Già có, trẻ có. Áo xống đủ màu, đủ cỡ. Kẻ chít khăn, người để đầu trần. Ai nấy mặt mày lo âu, sầu não. Người ta đứng sát rạt bên nhau, từ rặng tre dọc đường làng, tràn ra mép nước. Người ta đứng đông nghịt các lối đi. Đồng bào trên các vạn đò cũng kéo về đông không kể xiết.

Nhưng hầu như tất cả đều im lặng.

Thiền sư Tuệ Tĩnh vận thường phục. Tiểu Nho và tiểu Phụng gánh hành lý theo sau. Ông Cửu, ông Tám, ông Bảy, mỗi người mỗi túi vải, cùng theo chân bước lên thuyền. Chiếc thuyền tròng trành nhẹ. Người lái thuyền nghe đâu là một người cùng quê với sư phụ, làng Nghĩa Lư, tổng Văn Thai. Ba vị bô lão khỏe mạnh ấy được sư phụ cho phép đi theo tiễn chân cho đến khi sư phụ gặp được mười chín vị tăng nhân(6) khác tại Ải Nam quan để rời Đại Việt.

Thằng Bờm đến giờ này mới thấy ngỡ ngàng. Ôi! Chẳng nhẽ sư phụ ra đi thật sao! Sư phụ đi. Là đi đâu? Ai cũng yêu kính sư phụ. Ai cũng coi sư phụ như cha như mẹ. Lúc có bệnh, thậm chí lúc sắp chết, ai cũng dựa cả vào sư phụ. Vậy mà sư phụ nỡ đi sao? Không! Sư phụ đừng đi!

Người ta thấy một chú tiểu lưng to, bụng phệ, vẻ mặt vừa ngây ngô vừa sầu thảm lao xuống mạn thuyền. Nước sông bắn tung tóe. Những người bùi ngùi đứng sững nơi mép nước đều bị ướt.

Đứa trẻ con vận áo quần nâu sòng ấy gào lên:

- Thầy ơi! Thầy đừng đi! Thầy đừng đi!

Nắm xôi gói trong lá chuối khô của chú tiểu văng ra bờ sông. Ai đó sơ ý giẫm lên bẹp nhẹp. Người chú tiểu ướt đầm đìa. Hai người phụ nữ đứng cạnh đó liền trờ người tới. Họ quàng tay giữ chú lại. Một người nói to:

- Bờm ơi! Đừng làm thế. Chú phải giữ bình tĩnh. Chú không được khóc!

Nhưng vô ích. Bờm khóc rống lên:

- Thầy ơi! Sư phụ ơi! Ngài đừng đi!

Vị sư phụ cảm thấy lòng xốn xang. Ngài đứng hẳn lên ở một nơi rất cao giữa khoang thuyền. Nắng trên đầu ngài vô cùng rực rỡ. Hai bàn tay ngài chắp lên trước ngực. Người ta nghe giọng ngài rất nhỏ nhẹ:

- A-di-đà Phật. Bờm ơi! Con đừng làm thế! Con hãy nghe lời thầy!

Nhưng nỗi bi thương đã lan ra khắp chốn. Tất cả những người phụ nữ, kể cả hai người đang dùng hết sức bình sinh để giữ chặt chú tiểu trong tay cũng òa khóc. Hầu hết những người đàn ông đứng tuổi đều cúi đầu, chụm đôi bàn tay để ngang trước ngực, nước mắt lưng tròng. Dường như mọi người đều mong được khóc nhưng phải kiên tâm chờ đợi cho đến khi đúng lúc, đúng thì, mới òa vỡ ra thành tiếng. Rất nhiều người bưng mặt khóc. Bà Mai, bà Hậu, cái Nhớn, cái Minh, cả Sửu, thằng Cù, những người được sư phụ cứu vớt khỏi tay thần Chết trong trận dịch năm ngoái đều hướng mặt về phía sư phụ rồi bất thần quỳ mọp xuống lạy tạ.

Bạch hạc ơi!

Bạch hạc bay đi

biết bao giờ quay trở lại

Dòng sông quê nhà

mòn mỏi ngóng trông!

 

Thần tiên! Thần tiên!

Cốt cách thần tiên

bạch hạc xây tổ nơi làng Yên Trang

bạch hạc xây tổ ở trời Nam

rồi sẽ bay đi biền biệt

 

Sao bầu trời không u ám hẳn đi

Sao khoảng không kia chẳng tối mịt

hẳn đi

Bày chi những tia sáng ngập trời

Để phải nhìn nhau qua dòng

nước mắt!

Thằng Bờm bất thần vùng vằng mạnh. Cậu bé lăn lóc ra bờ. Cậu quằn quại trên vũng nước bùn lầy. Cậu gào lên. Cậu muốn phát điên lên để giành lại sư phụ trong tầm tay.

Người ta thấy thầy Tuệ Tĩnh, trong bộ phục trang trắng tinh, vội rời khỏi thuyền, bước lên bờ, đi nhanh về phía những người bệnh thân thiết đang quỳ lạy thầy. Thầy bảo họ đừng làm thế. Thầy đỡ họ đứng lên. Rồi thầy đi thật nhanh về phía thằng Bờm.

Với đôi bàn tay ấm áp đặt lên vai chú tiểu, vị sư phụ ân cần nói:

- Này Thiện Minh! Con hãy nghe lời sư phụ. Đừng để tâm tư mình rơi vào bi lụy. Dù ở bên Đại Minh hay ở Đại Việt, trong lòng ta lúc nào cũng nghĩ tới con và nghĩ tới mọi người ở đây mà.

Như lệ thường, khi nghe gọi tới pháp danh của mình, Bờm tỏ ra vô cùng ngoan ngoãn. Người ta thấy cậu bé lễ phép đứng lên. Hai bàn tay bẩn của cậu chụm lại như búp hoa sen ngay trước ngực. Nước mắt đã ráo hoảnh đi. Cậu thưa:

- Bạch sư phụ. Tại sao sư phụ phải ra đi?

Vị thầy từ tốn đáp:

- Này con ạ. Có lệnh của triều đình. Triều đình cũng bất đắc dĩ phải cống nạp hai mươi tăng nhân sang Bắc địa(7). Ở bên ấy người ta đang cần tạo dựng các đạo tràng, củng cố nền đạo đức nơi xã tắc. Đây là một việc cần cho sự bang giao lâu dài của hai nước, con hiểu chưa?

Thằng Bờm hiểu không thì đố ai biết được. Nhưng mọi người vừa lau nước mắt, vừa ngậm ngùi chứng kiến cảnh tượng thương tâm: Chú tiểu Thiện Minh ôm chầm lấy vị thầy tu trụ trì chùa Hải Triều. Toàn bộ áo xống sũng nước bẩn của chú thấm cả sang người sư phụ. Mùi mồ hôi ngai ngái của chú bốc lên tận cửa mũi thầy.

Mặt trời trên cao tỏa ánh nắng hừng hực. Bạch hạc đã quá giờ xoải cánh. Nhưng cõi lòng bạch hạc vẫn không rời quê hương.

 

Câu chuyện đến đấy chưa thể nào khép lại. Người dân phủ Thượng Hồng và ngay cả tại kinh sư đều không ngớt truyền tụng hai câu thơ nhắc tới cụ:

Hoàng giáp phương danh đằng

Bắc địa

Thánh sư diệu dược chấn Nam bang.

Tạm dịch là:

Thi đỗ hoàng giáp tiếng lừng

Đại Minh

Thuốc Tiên  thầy Thánh tài vang

Đại Việt(8).

Những bộ dược thư đồ sộ do cụ Tuệ Tĩnh dày công biên soạn như Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm đã được nâng niu, trân trọng trong một thời gian dài. Đông đảo lương y nhiều thế hệ, nhờ kế thừa phương cách trị liệu của cụ, đã cứu được dân vượt qua nhiều vụ dịch lớn.

Nhưng năm tháng chất chồng lên năm tháng. Không ai biết được cụ đã sống ở đâu, làm gì bên nước Đại Minh. Cũng không ai hiểu được cụ có thường ngẩn ngơ nhớ tới ngôi làng mộc mạc mà nặng tình nặng nghĩa này chăng. Những đứa trẻ ngây thơ như thằng Bờm, thằng Cù, cái Nhớn, cái Minh lần lượt lớn lên, già đi, rồi qua đời. Dù mọi người suốt đời kính cẩn, trọng vọng và thương nhớ cụ, dù nhiều người không ngớt nghĩ về vị ân nhân cứu mạng của mình, thì thời gian vô tình vẫn cứ dần dà khỏa lấp đi tất cả.

Bạch hạc ơi!

Bạch hạc bay đi

biết bao giờ quay trở lại

Dòng sông quê nhà

mòn mỏi ngóng trông!

Ngót ba thế kỷ kể từ khi cuộc chia ly bùi ngùi ấy chìm dần vào quên lãng. Một buổi xế chiều. Trời đang tiết cốc vũ. Mưa như rải bụi trắng giữa bầu trời Giang Nam. Cỗ xe hai ngựa của Hữu Thị lang Nguyễn Danh Nho đang lóc cóc đi trên một con đường đất gồ ghề. Hai bên mé đường là nghĩa trang đìu hiu, vắng vẻ. Bỗng đâu một cánh hạc trắng vụt bay vẩn vơ giữa không gian u tịch. Hạc lẻ loi lượn lờ quanh bầu trời rồi nhẹ nhàng đậu lên mái khung xe. Nó vừa đậu tại đó, vừa vỗ cánh đành đạch.

Vị đại quan tuổi trung niên vừa đi sứ về tới đây. Ngài vén rèm, nghiêng người, ngước mặt lên, tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Sau khi dặn quân hầu cho xe dừng lại, ngài khẽ bảo:

- Này các vị! Tại sao con hạc ấy không chịu bay đi mà lại tỏ thái độ kỳ lạ thế kia? Ta linh cảm có điều gì rất lạ!

Dường như vừa nghe tới đó, hạc sợ hãi tung cánh bay vèo. Sau một hồi lượn lờ, nó nghiêng đôi cánh mỏng, khẽ đậu lên một nấm mộ bên đường. Đó là một ngôi mộ cổ, khá khác biệt so với nhiều ngôi mộ xung quanh. Ngay giữa mộ là một cái tháp cao, đầy rêu phong. Kiến trúc của tháp y hệt như những ngôi tháp lục giác bảy tầng mà ngài thường trông thấy nơi các ngôi chùa ở quê mình. Hai bên tả hữu của tháp là hai cây sứ trắng cao lêu nghêu đang độ ra hoa. Phía sau ngôi tháp là một cây đa lớn. Ngôi mộ hướng đầu về phương Nam.

Đúng vậy, ngôi mộ hướng đầu về phương Nam.

Lại gần, Hữu Thị lang nghe thoang thoảng mùi hoa sứ thơm tho xen giữa mùi đất ẩm ướt. Chợt ánh mắt ngài dừng lại nơi tấm bia trước mộ. Đây là một tấm bia đá cũng hết sức khác lạ so với những tấm còn lại trong nghĩa trang. Đỉnh bia tròn. Đế vuông. Nơi hoa văn viền quanh có nhiều hình hạc. Chữ khắc khá công phu, nhưng nhiều chỗ đã nhòe đi. Vị đại quan cùng hai người hầu cận trố mắt đọc.

Ông hết sức ngạc nhiên. Người nổi toàn gai ốc. Sao lại thế này? Người nằm dưới mộ là thiền sư Tuệ Tĩnh, người làng Nghĩa Lư, đồng hương với ông. Thiền sư đã từng nhậm chức tại Thái y viện triều Minh, từng chữa bệnh cho Tống thị, một trong các bà vợ của Minh Thái tổ. Nhà sư đã được Thái tổ Cao hoàng đế tôn lên hàng Đại y. Sư đã lặng lẽ qua đời khi tuổi già sức yếu, tại đây, nơi mảnh đất Giang Nam đầy cây cao bóng cả này. Bốn chữ Đại y thiền sư được khắc to, rõ ràng từng nét.

Nguyễn tiên sinh ứa nước mắt nói:

- Này hai vị! Thật là hy hữu! Ta không ngờ có ngày được gặp vị tiền bối lỗi lạc và đức hạnh ấy ngay tại đây, trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt như thế này. Thì ra, kể từ khi xa quê, vị Thánh y ấy vẫn không thôi nhớ về quê hương.

- Dạ, quả đúng như vậy - Người đồng hành tóc hoa râm nói - Con cũng hết sức ngạc nhiên. Từ lâu con vô cùng ngưỡng mộ vị lương y đức cao đạo trọng này.

- Di nguyện của cụ tha thiết quá ! Đã an nghỉ tại đất khách quê người, vậy mà cụ vẫn ước ao “Về sau, có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với!”. Đọc được ý nguyện của cụ ghi trên bia, ta thật không đành lòng bỏ đi !

- Dạ, con cũng ao ước, nếu được, chúng ta hãy di dời hài cốt của cụ về quê. Xin thưa...

Người hầu cận cao tuổi định thỉnh thị ý kiến vị đại quan. Thế nhưng, chợt nhìn sang, ông thấy gương mặt vị Thị lang rất ưu tư. Phải một hồi thật lâu, vị quan đức độ ấy mới lên tiếng:

- Ta rất thiết tha với điều đó. Nhưng ngôi mộ cổ đã “kết”(9) yên ổn tại đây gần ba trăm năm. Mộ lại xây thật kiên cố. Dân địa phương vô cùng ngưỡng mộ cụ. Làm sao họ có thể đồng ý cho di dời được ? Cho nên việc chúng ta có thể làm là ở lại đây vài ngày. Ta sẽ thuê thợ Giang Nam, dùng đá tại đây để khắc bia, mang di nguyện của vị Thánh y về nước.

Nói đoạn, vị thị lang trang trọng đứng chắp tay trước mộ phần. Ông lâm râm khấn:

- Kính bạch cụ! Con là Nguyễn Danh Nho, người cùng quê với cụ. Con vô cùng cảm động khi hiểu được tâm nguyện của cụ lúc nằm xuống tại đây. Xin cụ hãy phù hộ để chúng con hoàn thành tấm bia đá và đem về thờ tại làng Nghĩa Lư, quê nhà của cụ. Đó là ước nguyện của chúng con.

Lời khấn nguyện vừa dứt thì ào một tiếng, hằng vạn giọt mưa hối hả dội xuống đầu ba người như cố níu cả ba ở lại bên ngôi mộ. Hữu Thị lang liền sai quân hầu che chắn một chỗ đơn sơ bên mộ để tá túc. Tảng sáng, khi trời còn mù sương, ngài đích thân sao lục văn bia một cách cẩn thận rồi thúc giục mọi người nhanh chóng tìm thợ thầy để lo việc làm bia. 

Quang cảnh buổi sáng vẫn cứ mờ mờ ảo ảo. Mưa bụi bay trắng xóa cả bầu trời. Ba người Đại Việt chân bước ra khỏi nghĩa trang mà lòng còn vương vấn. Họ cứ vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lui. Trên đầu ngọn tháp, con hạc trắng cứ cất tiếng kêu thảng thốt. Đôi mắt nó cứ ngơ ngác nhìn theo cho đến khi bóng dáng cỗ xe song mã khuất dần.

Vị Thị lang quả là một người đầy nhiệt tâm và tận tụy. Ông thận trọng theo dõi từng chi tiết khắc đẽo, cho sửa đi chữa lại tới khi nào thật hoàn hảo mới thôi. Người thợ lão luyện đất Giang Nam phải thức trắng nhiều đêm liền để hoàn thành công việc.

Bia được chở về quê bằng đường bộ trên cỗ xe của vị Thị lang, sau đó tiếp tục đi đường thủy. Ba người ngày đi đêm nghỉ. Phải mất tới sáu ngày năm đêm thuyền mới về tới khúc sông rộng nằm giữa Văn Thai và Nghĩa Lư. Trời quang, mây tạnh. Vậy mà bỗng dưng giông gió nổi lên. Hai người hầu cố loay hoay mãi mà không chèo chống được gì. Thuyền bất ngờ bị đắm. Hữu thị lang phải cho thuê năm thanh niên lực lưỡng hì hục mãi mới khiêng được bia lên bờ.

Ngó đi ngó lại, đây quả là nơi có địa cục rất tốt. Mặt đất cao ráo, bằng phẳng. Chung quanh là đồi thông và rặng liễu. Tiếp liền sau đó là lũy tre xanh. Bên bờ sông là một lối đi khá rộng. Cỏ mượt mà mọc tràn ra hai bên.

- Đắc địa rồi! - Vị Thị lang vừa chắp tay lên trước ngực, vừa nói như reo.

Đoạn, ông sai người báo với vị già làng về ý định của mình. Cũng may mọi việc suôn sẻ. Ba tuần sau, một ngôi đền được cất lên hướng mặt ra sông. Dân Cẩm Văn lấy làm lạ. Ai đi ngang cũng tò mò bước vào xem.

Trên văn bia, di nguyện của Đại y thiền sư được khắc đẽo rất rành rọt:

“Về sau, có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với!”.

Dân làng ngậm ngùi nhớ tới vị thần y được lưu truyền tên tuổi trong sử sách. Họ liền cử người ngày đêm nhang khói. Đền được gọi là đền Bia. Bạch hạc chẳng bao giờ quên đất tổ.

Thần tiên! Thần tiên!

Cốt cách thần tiên

bạch hạc xây tổ ở trời Nam...

Thần tiên! Thần tiên!

Cốt cách thần tiên

Hồn bạch hạc chẳng lìa đất tổ...

 T.N.L

(1) Về sau bị bác là Thượng hoàng phế truất, nên sử sách gọi là Trần Phế Đế.

(2) Từ cổ, chỉ kinh đô.

(3) Dùng ngải nhung quấn thành điếu, đốt rồi hơ trên huyệt.

(4) Tháng Ba âm lịch thường có hai tiết là tiết thanh minh, kế đó là tiết cốc vũ.

(5) Những túp lều tranh tre do thầy Tuệ Tĩnh cho người dựng lên trên đất của chùa để chữa bệnh cho dân nghèo.

(6) Từ cổ, chỉ thầy tu ở chùa

 

(7) Từ cổ, chỉ Trung Hoa

(8) Lời dịch của tác giả (TNL)

(9) Từ này được hiểu là mồ yên mã đẹp, trên thuận lòng Trời, dưới hợp lòng người.

Bài viết khác cùng số

Thành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếNhớ mẹ - Võ Duy DươngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoChuyện nhặt trên phây - Dân HùngTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiHậu chiến tranh - Thu HiềnBạch Hạc - Trần Như LuậnLàm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànMột chuyện tình - Khin Hnin Yu Hội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũThơ Phùng HiếuThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu PhướcNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy Hường