Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích Nhàn

08.03.2019

Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích Nhàn

1. Mới đó mà con trai đã học lớp 5.

Hôm sắp xếp lại góc học tập, tình cờ nhìn tờ giấy vo tròn ghi: Những cọng tóc loăn xoăn làm quả đầu mình giống một trái chôm chôm. Nhìn cũng ra dáng ca sĩ nhưng mấy đứa trong lớp cứ bảo nhất môi chì nhì tóc quắn. Nếu có ba thì đố đứa nào dám bôi bác mình. Ba sẽ nhéo tai hết thảy, mình sẽ nói ba nhéo thật đau vào cho chúng biết lễ độ. Nói tới ba thì nhớ. Sáng nay, cô giáo bảo sẽ đưa mình vào danh sách học sinh mồ côi vượt khó để nhận trợ cấp. Mình thưa: em có mẹ, có ba. Thằng Hải bảo không có ba mà bày đặt nói có. Tức cành hông luôn, giá có ba, mình sẽ bảo ba đến cổng trường đón cho tụi nó biết tay...

Bao nhiêu đó thôi, tôi không còn sức để đọc tiếp. Những dòng chữ ngây thơ, ám ảnh.

Đúng là sau ly hôn, tôi buồn nhiều, tủi nhiều mỗi khi nhìn gia đình ai đó cha mẹ con cái đoàn tụ. Đặc biệt nát lòng khi trời mưa tầm tã đến cổng trường đón con mà thấy những ông bố khác cầm áo mưa đứng đợi con họ. Càng tê tái hơn khi lắc lư 40km trên xe buýt đưa con xuống khu vui chơi nhưng không dám ngồi tàu lượn siêu tốc với con. Luôn thấy con thiệt thòi nên chăm gấp đôi gấp ba để bù đắp mà không hay vật chất và tình thương của mẹ không thể nào bù đắp được mặc cảm không cha...

 

Làm gì có đứa trẻ nào được sinh ra mà không có cha. Anh lãng tử như con ngựa bất kham. Anh tuyên bố chỉ quan tâm rượu và đàn bà. Yêu đương làm tôi mụ mẫm. Nhiều người ái ngại nhưng, mặc kệ những phát ngôn “cản mũi”, tôi sống chết theo chàng về dinh. Tôi còn kiêu hãnh tràn trề vì đã sở hữu người đàn ông cá tính.

Ngay từ đầu chúng tôi đã không hợp nhau. Anh không đặt nặng chuyện con cái trong khi tôi ý niệm kết hôn không con là điều bất hạnh. Nỗi bất hạnh còn lớn hơn điều bất hạnh. Vậy là dù anh chưa muốn nhưng tôi một hai phải sinh con.

Tôi thuộc tuýp phụ nữ khó sinh. Năm lần sẩy thai đã khiến tôi hoang mang nhưng không từ bỏ. Tới lúc lên bàn mổ thì người nhà phải ký vào bản cam kết chọn mẹ hoặc con. Cam go như vậy nên khi được nhìn hài nhi đỏ hỏn trên tay tôi ứa nước mắt.

Dùng con cái để níu giữ bố nó, đó là sai lầm lớn nhất trong hàng tá sai lầm của phụ nữ.

Còn nữa, thương con khiến mờ mắt. Con chào đời, mẹ loay hoay dành hết tâm sức cho con. Rắc rối hôn nhân bắt đầu lộ diện. Vợ mà cứ suốt ngày ôm con, “quên” chồng thì nó phải tìm chỗ “gửi” thôi, đàn ông đang thời sung mãn sao nhịn nổi?? Bà chị chồng, khi chuyện vỡ ra, phán như thánh.

“Quên” chồng, tội ấy quả tôi có mắc. Sinh con đâu dễ như gà vịt đẻ trứng huống chi tôi còn mang thai khó, giữ thai khó hơn, nên với tôi con là cả thế giới. Chỉ cần trông con ăn, nhìn con ngủ, ngắm con cười là tôi hạnh phúc ngất ngư. Bố nào chẳng thương con, tôi tụng câu đó để tìm bình an trong ý niệm khi anh nóng nảy, cộc cằn với con. Cộc tới mức sẵn sàng thong đũa vô mặt khi thằng nhỏ ngồi nhơi nhơi miếng cháo hay cầm chổi nện ào khi con chơi bẩn. Tôi tin  “còn cha gót đỏ như son”  nên bỏ qua những cơn cả giận mất khôn đó. Trò chuyện với chồng, tôi thường bắt đầu bằng cụm từ “vì con...”. Tin không, khi người thứ ba công khai xuất hiện, tôi dù đau đến tím ruột nhưng vẫn cắn răng xem đó là “sự cố” ngoài vợ ngoài chồng.

Không có bố, sẽ như người đi trong bóng đêm, phía trước rất nhiều hầm hố mà tay không có đèn. Và thật khó khăn để đứa trẻ nhìn thấy bầu trời... Tôi nhớ mình đã đọc/nghe câu đó ở đâu. Nó ám vào tâm trí. Không, con tôi không thể mất bố, bằng mọi giá...

Nhưng không phải cứ muốn là được.

Khủng hoảng thực sự thường đẩy người ta đến lựa chọn một còn một mất. Suy nghĩ “bằng mọi giá” đã tắt ngấm khi anh gọt táo mà cu Bo háu ăn thò tay vô chụp, anh trở dao bập một phát vào tay làm tôi hoảng hốt ôm con vô viện. Ngay hôm sau, tôi lại tận mắt thấy anh chở người thứ ba đi mua sắm. Như giọt nước tràn ly. Tôi chủ động giành quyền nuôi con.

 

Đặt mình vào tâm tư của con, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thề sẽ lật tung thế giới để tìm cho con một ông bố.

- Gửi con về nội đi em! Anh sẽ gửi đủ gửi dư để thằng nhỏ sống theo chế độ “con quan”.

- Sống thiếu con em chết mất!

- Chúng ta sẽ sinh đứa khác!

Trời!! Vậy mà leo lẻo hứa sẽ yêu thương Bo như con ruột. “Con ruột” mà đòi đem đưa người dưng nuôi.

Chuyện đời quả không đơn giản. Lúc khởi đầu cũng có những tín hiệu tốt. Mỗi khi thấy ô tô đậu trước nhà thì Bo mừng rỡ, càng vui hơn khi được ngồi ô tô đi “kéo ghế” nhà hàng. Tôi đồng ý hẹn hò vì thấy con vui nhưng nhiều lần như vậy, mọi thứ vẫn không thể xa hơn. Tôi ít nhiều băn khoăn vì trực giác làm mẹ cảm thấy có cái gì nhàn nhạt. Anh chưa một lần mỉm cười với Bo ngoài động thái rút những tờ tiền mới cáu (lạnh lùng) cho. Lần nữa nước lại tràn ly khi anh “đề nghị” gửi con về nội...

Đúng lúc Điền xuất hiện.

Điền bạn học phổ thông hiện đang là ông chủ ở phố. Hồi xưa, tôi mê chàng trai giỏi Toán dáng người dong dỏng, hợp cùng đôi giày Adidas vừa đặt một khuôn với chiếc xe đạp thể thao. Mê vụng thôi, không ảo tưởng. Tôi mặc cảm khuôn mặt bánh bèo, lại thêm chiều cao cây nấm nên đau khổ từ chối lời tỏ tình của hắn.

Gặp lại sau mười năm. Hắn lầy đây, bắt đền hồi đi học ngày nào cũng bị tôi đấm thùm thụp vào lưng, cả chuyện tôi trả lại thư tình. Giỡn đã đời rồi trầm ngâm.

- Chắc sẽ về quê định cư.

- Bà xã cũng đồng ý?

- Không liên quan. Hai người chỉ còn chung tên trên một tờ giấy.

Tôi im lặng. Điền tiếp tục:

- Cô ấy sợ người đàn bà khác nhào vô ôm nửa cơ nghiệp nên cứ lùng nhùng. Hôn nhân tiền cát hậu hung luôn khiến người ta mệt mỏi. Định sẽ đặt một dấu chấm hết. Nếu gặp ai đó đủ duyên, sẽ bắt đầu lại...

Bâng quơ mà hàm ý thật rõ ràng. Nghe đâu Điền vô sinh. Hay mình chủ động nhận “bắt đền” để con có bố, còn thoát được nỗi lo “con anh con em”? Gì chứ nhân cách của Điền thì tôi có thể yên tâm. Ý nghĩ thoáng qua để sau đó tự rủa xả mình hồ đồ quá mức, thương con đến mức thành nhỏ nhen tính toán, quên luôn chút tự trọng đàn bà...

Hôm sau đi làm về tôi bị chặn xe. Xe dừng, lập tức có một bàn tay trượt mạnh xuống ngực và những móng tay nhọn hoắt cày trên da mặt.

- Tưởng bà ở xa không biết, tính rù rín chồng bà hả?! Dụ này, lẳng lơ này, đĩ thõa này!

Vừa chửi vừa cào tới tấp, tôi rát toàn thân.

Hôm sau Điền nhắn tin xin lỗi nhưng tôi im lặng không hồi âm. Cần phải bơn bớt mộng mơ, cuộc sống vốn không tồn tại cổ tích.

 

Tôi quay về nơi xuất phát. Yên phận làm bà mẹ đơn thân và tập tò viết lách.

Thâm nhập chốn văn chương, tôi bắt đầu chú ý một cái tên. Cứ nghĩ khó có cơ hội gặp nhau, nhưng rồi cũng tình cờ chạm vai trong ngày hội sách.

Một nhà thơ, điển trai và lịch lãm. Ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật, chúng tôi xã giao không kiểu cách và vui vẻ trao đổi nickname facebook.

Thế giới ảo thành cầu nối cho hai kẻ yêu văn. Chat hằng ngày nhưng câu chuyện của chúng tôi không có gì ngoài những vấn đề chung xoay quanh nỗi đam mê chung. Anh vừa cởi mở vừa kín đáo. Sôi nổi, nhiệt tình nhưng khó nắm bắt. Sau này tôi mới biết anh thực ra là gã trai nghèo kiết, cái tiền đồ rực rỡ nhà văn và những đồng nhuận bút còm không cám dỗ được vợ. Bi kịch bắt đầu khi nàng nhận ra một thằng “cầm bút tự do” thật chẳng khác bao nhiêu so với tên thất nghiệp không nuôi nổi thân mình. Hạnh phúc túng thiếu, chật vật trong cảnh nghèo là hạnh phúc yểu mệnh. Sớm muộn rồi nó cũng sẽ đội nón ra đi để... tìm cách thoát nghèo! Đời cay đắng, thăng trầm nhưng anh không oán thán. Bất đắc dĩ thì chỉ dùng từ “hết duyên” để giải thích lý do tan vỡ. Tôi thích đàn ông trượng phu như vậy: giữ được sự tôn trọng, cảm thông - ngay cả với người phụ nữ đã bỏ mình.

Ngày nào cũng vậy, anh hỏi nhiều về sức khỏe, công việc và lắng nghe tất tật. Tôi gặp trục trặc gì đều tìm đến anh. Từ chuyện con ho, đi học bị bạn đánh đến chuyện tôi bị đàn ông trêu ghẹo tục tằn, bị đồng nghiệp ganh ghét và vân vân... Trực giác mách tôi: người đàn ông này có thể tin. Anh luôn cho tôi cảm giác an toàn tuyệt đối. Tôi bắt đầu một nỗi lo mới, nỗi lo “fall in love” với một người tôi không hề định yêu. Phải thôi; anh, tên nghèo kiết, tương lai mờ mịt, bạn thôi thì được chứ lấy làm chồng thì..., lạy Phật từ bi, tôi vẫn là đàn bà!

Điều nằm ngoài tưởng tượng là tôi không nghĩ anh thích trẻ con đến vậy. Anh sẵn sàng bỏ cả buổi chơi trốn tìm, cá ngựa, nhảy chuông cùng Bo hoặc tập Bo đi xe đạp. Anh không đối xử với Bo theo cung cách quan tâm “đứa trẻ tội nghiệp, mồ cút mồ côi” như những người lớn khác. Cu Bo khoái chí tử, suốt ngày cứ mẹ ơi bác đâu, chừng nào bác đến...

Hạnh phúc của người làm mẹ là đây. Khi anh bảo con trai em thật đáng yêu thì bờ vai tôi nhũn ra, đầu rơi xuống ngực anh không cách nào cưỡng nổi. Đến mức này tôi hoàn toàn bị thu phục. Thậm chí tôi tin mình có thể yên tâm biến mất khỏi thế giới này vì con trai tôi đã có anh…

 

- Em...

- Gì anh??

Tôi sợ kiểu nói chuyện chỉ bắt đầu bằng một từ nên run rẩy.

- Cô ấy đã trở về. Đang phóng tín hiệu “gương vỡ lại lành”...

Tôi như con lật đật, lắc lư:

- Vậy anh tính sao ??

- Nếu “châu về hợp phố” chắc các con anh mừng lắm...

Không biết là cảm giác gì nhưng thấy nghèn nghẹn, khó thở. Có cái gì đang từ từ vỡ ra. Tôi yếu ớt:

- Sẽ... quay về với chị ấy?

- Là nói em biết vậy thôi. Không về!

Dường như anh không mấy tự tin. Một chút hoang mang trong mắt.

Kệ. Tôi thấy lòng ấm hơn. Biết anh là người rất trọng chữ tín.

Đêm nằm, nghĩ tới nghĩ lui bỗng giật mình. Sao người phụ nữ ấy lại về? phải chăng... cùng cảnh ngộ?? Đàn bà trăm ngàn tính nết nhưng trái tim người mẹ luôn chỉ một. Đủ sáng suốt để biết chỉ có người đã ban giọt máu cho con mới là người yêu thương con nhất. Máu mủ tình thâm, hiểu rồi...

Tôi không giã từ anh, im lặng đưa con về ngoại.

 

Chủ nhật kế tiếp là một ngày trọng đại. Lần đầu tiên tôi dám ngồi cùng con trên tàu lượn siêu tốc. Hai mẹ con thỏa sức la hét, làm như thế giới này chỉ có tôi và cu Bo. Khi đưa con đi ăn những món con thích, tôi mỉm cười tự nghĩ: Biết đâu không bố lại là điều may...

N.T.B.N

Bài viết khác cùng số

Thành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếNhớ mẹ - Võ Duy DươngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoChuyện nhặt trên phây - Dân HùngTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiHậu chiến tranh - Thu HiềnBạch Hạc - Trần Như LuậnLàm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànMột chuyện tình - Khin Hnin Yu Hội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũThơ Phùng HiếuThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu PhướcNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy Hường