Thức đêm cùng đàn bà qua tập thơ “Lục bát” - Nguyễn Thị Thu Thủy

31.03.2020

Thức đêm cùng đàn bà qua tập thơ “Lục bát” - Nguyễn Thị Thu Thủy

Đêm vốn là thời khắc người - thơ tự đối diện để sống thật với chính mình. Ba nhà thơ nữ: Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu, Trần Mai Hường cũng đã chọn đêm để kí thác tâm tình. Goethe đã từng nói: “Đêm là nửa kia của cuộc đời và là nửa tốt đẹp hơn”. Soi mình vào đêm, soi mình vào tập thơ “Lục bát” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019) ta càng hiểu thêm bao suy ngẫm, khát vọng của những trái tim đàn bà yêu tha thiết.

“Lục bát” - tập thơ mới phát hành vào cuối năm 2019, là lời tự sự của ba cánh hồng giữa nhân gian. Họ cùng chung nhịp đập của những thao thức, trăn trở giàu nữ tính, vừa có những dạng thức riêng khi thể hiện các cung bậc tâm trạng đó.

Đặng Nguyệt Anh, một cây bút nữ giàu trải nghiệm, thường tìm cảm hứng từ những đêm có trăng. Phải chăng, tên của chị đã tràn ngập hình ảnh của nguyệt, của trăng? Người phụ nữ ấy say trăng như thi sĩ Hàn Mặc Tử năm xưa, để rồi gọi trăng, vọng trăng:

- Gọi trăng/ cho gió về say/ gọi hoa về nở/ gọi mây về ngàn (Gọi)

- Từ em/ gọi nguyệt về trăng/ là khi tôi đã gọi rằm/ sang đêm (Cháy lên em)

- Biết đâu trần thế có người vọng trăng (Gửi người mong trăng chết)

Thậm chí, người thơ ấy còn táo bạo dám mời trăng xuống làm bạn, làm chị em với mình: Đẹp/ mà cô quạnh/ trăng ơi/ Mời trăng hãy xuống cõi người/ cùng ta (Chị em). Đọc thơ Đặng Nguyệt Anh, ta gặp những khát khao thật khác biệt của một tâm hồn giàu khát vọng được cháy hết mình cho cuộc sống và tình yêu. Chị gửi lòng mình vào trăng, vào đêm bởi khoảnh khắc ấy con người cảm thấy cô đơn đến rợn ngợp. Ta như hòa cùng tiếng thở dài chao chát của chị khi ngẫm nghĩ về thân phận đàn bà, đặc biệt là người đàn bà làm thơ: Câu thơ cũng luỵ má đào/ Cũng xa xót/ cũng ngọt ngào yêu thương (Lục bát tử vi); Rồi mai/ đời trả cho thơ/ cố hương xế bóng/ ai chờ ta không (Rồi mai). Một Đặng Nguyệt Anh rất riêng với những câu lục bát vắt dòng, giọng thơ phiêu diêu pha chút tự trào. Bằng vốn sống phong phú, chị đã dâng tặng độc giả những câu thơ giàu khát vọng của một tâm hồn tự nguyện “đứng canh suốt giấc thức dài của trăng”.

 

Bóng hồng thứ hai của tập thơ là một Huệ Triệu nhẹ nhàng, tinh tế. Đêm đối với chị niềm vui nhường chỗ cho nỗi buồn lên ngôi. Trong chùm thơ in trong tập sách, chị dành nhiều bài cho mẹ, với nỗi niềm của người con gái đi lấy chồng xa. Đêm thao thức, chị hình dung mẹ cũng đang trăn trở cùng mình: Con gần rồi lại con xa/ Quờ tay mẹ chạm một nhà gió đêm (Gió ru lời mẹ). Người con gái ấy lòng nhói đau khi mẹ tuổi già xế bóng, lúc trái gió trở trời, quặn thắt cất tiếng gọi nhưng mẹ không còn: Đành đi, mẹ bỏ con côi/ Giờ con gọi mẹ, im nơi đất sầu/ Tháng năm dài, mẹ ốm đau/ Lấy chồng xa ngái/ nhói câu... canh cần (Cơm canh cúng mẹ). Huệ Triệu còn có những vần thơ cho người chị gái dở dang một đời vì bao lời hẹn ước, sóng biền biệt xuôi. Thức đêm nghe tiếng mọt nghiến gỗ cầm canh, chị xót xa liên tưởng đến thân phận đa đoan của kiếp hồng trần: Đêm nghe gió lật phên cài/ Nắng mưa mọt tiếng thở dài tháng năm/ Ngực xuân đã lặn trăng rằm/ Chị cùng tiếng mõ âm thầm áo nâu (Chị).

Trong những vần thơ viết cho mình, Huệ Triệu cất lên tiếng nói đầy khao khát: Ngày dài nối sợi tơ vương/ Đêm dài mơ giấc vô thường... Khâu Vai (Giấc đêm). Một Huệ Triệu đằm thắm hiển hiện qua những dòng lục bát giàu nét truyền thống, linh hoạt trong cách ngắt nhịp, dùng chữ, đặc biệt dấu chấm lửng được dùng để tạo khoảng lặng cho thơ. Người đọc rung ngân cùng nữ thi sĩ “khẽ khàng đêm hái lộc mơ cho ngày” ấy.

 

Mãnh liệt nhất phải kể đến những vần thơ của Trần Mai Hường. Đêm là thời điểm để Hường “ngậm ngải vượt rừng” với từng con chữ, tung tẩy trong “nỗi hờn người dưng”. Thơ chị bỏ bùa, bỏ ngải cho người đọc bởi những trang, dòng viết về đêm: Đêm - ta và chữ hoang ngôn/ Để chừng mực lại nỗi hờn người dưng (Như chưa từng). Con người luôn bận rộn với công việc biên tập ấy, luôn biết dành cho mình những khoảnh khắc để cháy hết mình cho tình yêu, dù tình yêu ấy có thể chỉ là ảo mộng: Đốt anh tròn một giấc em/ Câu thần chú cháy/ lừng men dại khờ (Mai); Nhớ mà không thể gọi tên/ Là em đấy - muốn đốt đền sáng nay (Lục bát em). Nhớ, hờn, hồi tưởng, mơ... vốn là những cung bậc của một trái tim khát khao sống và yêu đến cuồng say. Dù cuộc sống và tình duyên có lắm thăng trầm, người đàn bà kiên cường mà mong manh ấy không để cho nỗi buồn nhấn chìm mình, chị “liều hò hẹn với những huyền hoặc xanh”, tự nuôi “giấc mơ riêng mình”, như Thị Màu băng băng rẽ lối lạ lẫm năm nào: Nửa đêm/ khua giọt người êm/ Bồ đề dốc lá lót mềm giấc hoang (Thơ cho Thị Màu).

Để diễn tả hết những khát vọng rất đàn bà trong đêm trắng, Trần Mai Hường đã chọn cho mình một lối thơ riêng với những dòng lục bát phá cách, phong phú trong cách ngắt nhịp, đậm đặc từ láy gợi hình gợi cảm, các phép tu từ: điệp, nhân hóa, ẩn dụ được vận dụng tài tình. Thơ chị để lại trong người đọc những ấn tượng khó phai với cách “nhúng chữ vào đêm” tinh tế vô cùng.

 

Đọc tập thơ “Lục bát”, ta thổn thức cùng nỗi niềm của các thi nhân giữa cái vô tận của đêm dài. Bằng lối đi riêng, các chị đã tô màu cho bức tranh thi ca nữ Việt Nam thêm phần lấp lánh. Tiếng lòng ấy cũng chính là tiếng lòng chung của tất cả chị em khao khát yêu và được yêu. Bởi phụ nữ luôn là một nửa của thế giới.

N.T.T.T