Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha: Dùng hội họa làm đẹp cho đời
Tôi có cơ may được gặp anh khá nhiều lần, những lần gặp là những câu chuyện không dứt cứ xoay quanh về hội họa, nghệ thuật và cái đẹp,... Dù là kẻ ngoại đạo, nhưng lần nào gặp, với chất giọng đầm ấm của người xứ Huế, anh luôn giúp tôi hiểu hơn về hội họa, cũng như những nỗi trăn trở của một người họa sĩ luôn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật.
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha sinh năm 1966 tại thành phố Huế - vùng đất cố đô "thâm trầm sâu lắng" như trong những ca từ về Huế - có lẽ vì thế, anh cũng mang một dáng vẻ lãng tử, hiền hiền của Huế. Hơn 20 năm dấn thân vào con đường hội họa, anh đã gặt hái khá nhiều thành công, nhiều tác phẩm của anh đã đạt giải thưởng cao, tranh của anh được nhiều bảo tàng, nhiều nhà sưu tập trong nước lưu giữ. Nhưng trong anh, nỗi trăn trở, đam mê với mỹ thuật cộng đồng vẫn không ngừng âm ỉ. Và khi cơ hội đến, để được làm đẹp hơn cho Đà Nẵng - nơi anh sống và làm việc, anh luôn xông xáo dẫn đầu.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng từ năm 2013 đến nay, anh luôn năng nổ làm việc và đã gắn kết anh em họa sĩ lại với nhau, đưa hoạt động Hội ngày càng phát triển. Hàng năm, Hội Mỹ thuật đều đặn tổ chức từ 5 đến 6 cuộc triển lãm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố. Tại những cuộc triển lãm này, ngoài cương vị là thành viên trong Ban Tổ chức, anh còn luôn đóng góp sức mình với những tác phẩm hội họa chất lượng, được thể hiện nhiều thể loại như: lụa, acrylic, sơn dầu... Anh tâm sự: “Phải cố gắng tổ chức những cuộc triển lãm để đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, qua đó, nâng khả năng cảm thụ nghệ thuật của quần chúng nhân dân, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú”.
Trong đợt vận động sáng tác Văn học - Nghệ thuật chủ đề “Nông thôn mới Hòa Vang”, anh cũng là họa sĩ đầu tàu kêu gọi anh em họa sĩ trong Hội tổ chức đi thực tế sáng tác, trực họa khoảng 4 đến 5 đợt, phối hợp tổ chức triển lãm 36 bức tranh của hội viên về những nét đẹp của vùng quê, thiên nhiên, văn hóa, con người, thành tựu trong lao động sản xuất của người dân huyện Hòa Vang trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới.
Anh cho biết, trong sáng tác nghệ thuật, anh luôn ấp ủ ước muốn phát triển mỹ thuật cộng đồng, bởi mỹ thuật cộng đồng như tên của nó, nó đi vào trong cuộc sống thường nhật, có nội dung dễ hiểu và gần gủi với nhân dân. Nhà diễn thuyết Nick Vujicic từng cho rằng: "Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê". Thật vậy, dường như ai sống cũng đều có những ước mơ, những hoài bão và đam mê cháy bỏng trong tim mình, chính vì vậy mà những năm tháng tươi trẻ, đầy nhiệt huyết, họ luôn cố gắng sống và theo đuổi, nó được nuôi dưỡng bằng ngọn lửa đam mê cháy bỏng trong lòng. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cũng vậy, năm 2018, hưởng ứng “Năm văn hóa văn minh đô thị Đà Nẵng”, Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên phường Phước Ninh (quận Hải Châu) thực hiện dự án công trình "làng bích họa Đà Nẵng". Thực ra nói là "làng" nhưng không hẳn vậy. Các họa sĩ đã thực hiện các bức tranh trên con hẻm kéo dài 75 Nguyễn Văn Linh. Dự án này đã được sự cho phép của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, các thành viên của Hội Mỹ thuật đã kết hợp với một số bạn sinh viên trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Đây cũng là dự án thuộc chương trình ươm tạo khóa IV của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES).
Hàng ngày, anh cùng anh chị em đồng nghiệp miệt mài vẽ những tác phẩm về phong cảnh thiên nhiên, vooc chà vá - loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà, di tích, lễ hội, con người, cũng như những sinh hoạt bình dị trong cuộc sống của người dân Đà Nẵng lên các mảng tường trong những con hẻm nhỏ. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng trên khuôn mặt của những người nghệ sĩ dấn thân vì cộng đồng ấy luôn rạng rỡ niềm vui và cháy bỏng niềm đam mê cống hiến cho vẻ đẹp của thành phố. Ít ai có thể biết được những nhọc nhằn đó không thấm vào đâu so với việc đi tìm ý tưởng và tư liệu cho các bức họa của anh và đồng nghiệp. Nhưng họa sĩ Hồ Đình Nam Kha kể một cách nhẹ hều: “Ban ngày vẽ thì ban đêm tìm những tư liệu cho ý tưởng để vẽ chứ, tụi anh đều muốn làm sao để thể hiện được cái hồn cốt con người Đà Nẵng, vẻ đẹp thiên nhiên, các di tích lịch sử, lễ hội của người dân Đà Nẵng cốt sao khi người dân họ ngắm bức tranh thấy gần gủi, thân thương, khi du khách ngắm bức tranh có thể thấy được những vẻ đẹp của con người, vùng đất và văn hóa nơi đây. Cũng ước mong từ đó mình có thể quảng bá hình ảnh xinh đẹp của Đà Nẵng ra thế giới”.
Thành công từ công việc này không chỉ đơn thuần biến một con hẻm nhếch nhác, đầy rác bẩn trở thành một con hẻm với nhiều sắc màu xinh đẹp kéo dài. Mà hơn thế, còn thay đổi được ý thức của người dân về vệ sinh môi trường. Người dân cũng phối hợp giúp đỡ các họa sĩ, khi bức vẽ lan đến đâu thì rác thải đồ đạc được thu gom tới đó. Họ không còn đưa rác ra ngõ để mà đưa hẳn ra thùng rác công cộng. Và đặc biệt, họ còn thay đổi cả quan niệm về cái đẹp. Một số gia đình ở trong con ngõ này, ngày trước, treo các bức tranh thêu của Trung Quốc để trang trí trong nhà thì nay họ nhờ các họa sĩ vẽ cho những bức tranh có nội dung về quê hương Đà Nẵng. Anh nói: “Rõ ràng mỹ thuật đã thay đổi ý thức, tư duy của người dân, làm cho họ hướng đến cái tốt đẹp và làm đẹp cho đời”.
Đến "làng bích họa" ngay trong phố Đà thành ta có thể tưởng tượng được công sức của các anh. Những bức tường cao phải bắc thang lên để vẽ đầy khó khăn. Có lần trong lúc vẽ, thang bị trượt, anh ngã suýt gãy chân. Nói về kỷ niệm này anh cười tếu với giọng Huế: “Năm nớ mình hạn 53 tuổi, ông bà ta nói 49, 53 mà, nhưng vì say sưa quá quên mất. Mà chắc do mình đang làm việc tốt cho đời nên ông bà đỡ cho”.
Tranh của anh luôn tạo ra một cảm thức hoàn chỉnh, chặt chẽ và tỉ mỉ trong từng nét vẽ, toát lên niềm vui tươi, phấn khởi. Anh đã khái quát những câu chuyện về cuộc sống, về những hình tượng trong tranh của mình. Trong cách tạo hình có sự pha trộn giữa đồ họa và hội họa, đôi khi lại điểm sắc với sự tung tẩy... tùy theo cảm xúc, ý đồ, tùy theo từng câu chuyện.
Ngoài sáng tác và hoạt động mỹ thuật cộng đồng, với mong muốn đào tạo một thế hệ họa sĩ tương lai cho thành phố, anh còn tham gia giảng dạy mỹ thuật cho sinh viên trường Đại học Duy Tân, Đại học Kiến trúc, Câu lạc bộ Họa sĩ nhỏ tuổi Cung thiếu nhi Đà Nẵng. Mỗi mùa hè, anh đều tích cực tham gia Trại Sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng tổ chức. Anh luôn là một Hội trưởng đầy xông xáo, một người thầy, một họa sĩ tài hoa tận tâm, tận lực hướng dẫn cho các bạn sinh viên, những em thiếu nhi có năng khiếu hội họa từng gam màu, nét vẽ, anh đã gieo vào lòng các em niềm đam mê nghệ thuật luôn cháy bỏng trong tim.
Với những hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận, anh là một trong những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động mỹ thuật cộng đồng như sáng tác, tổ chức triển lãm gây quỹ ủng hộ, vẽ tranh bích họa, dạy vẽ cho thiếu nhi,... góp phần làm cho đời sống tinh thần người dân phong phú hơn, quảng bá được hình ảnh thành phố Đà Nẵng đến với thế giới. Có thể nói, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha đã dùng hội họa tô điểm và làm đẹp cho đời.
H.Đ.N.K