Câu chuyện xóm Dinh - Trần Trung Sáng

31.03.2020

Câu chuyện xóm Dinh - Trần Trung Sáng

Xóm Dinh ở Hội An đơn giản ngày xưa gọi là Dinh ông Lớn, tức khu vực thuộc nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường. Nơi đây, từ thuở còn chưa kịp làm quen với những trang sách Tự Lực Văn Đoàn, tôi đã thường xuyên qua lại chơi đùa với những bạn bè cùng lớp. Lớn lên lại có những quan hệ riêng tư với người và việc tại ngôi từ đường, nên càng thêm nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, trở lại lần này tôi thấy hào hứng hơn cả, bởi hồi trong năm tôi đã có dịp thăm mộ của khai quốc công thần triều Nguyễn - Binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân (người lập dòng họ Nguyễn Tường tại Hội An) và Nguyễn Văn Huấn (thân phụ NTV). Càng thú vị hơn nữa, khi đọc lại bài viết "Năm mới đi viếng nhà thờ Nhất-Linh Nguyễn-Tường-Tam" của nhà văn Nguyễn Văn Xuân (Bách Khoa, 1973) đã đưa ra những nhận định một thời gây tranh cãi gay gắt về Tự Lực Văn Đoàn (*).

 

XÓM DINH VÀ DÒNG HỌ NGUYỄN TƯỜNG Ở QUẢNG NAM

Dư Mân, thằng bạn chơi thân với tôi từ thời thơ ấu, mà mỗi tuần, tôi vẫn thường vào ra nhà nó ở xóm Dinh để chơi đùa, nay không còn cư trú nơi cũ, nhưng rất tình cờ, gia đình nó lại tọa lạc kề cận bên cánh cổng nhà thờ phái nhì của tộc Nguyễn Tường, tức nơi thờ Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và hậu huệ, trong đó có nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam (đường Lê Quý Đôn, cạnh di tích Khổng Miếu). Do đó, câu chuyện đầu năm của chúng tôi lại dễ dàng dẫn dắt đến Xóm Dinh và những việc liên quan tộc họ Nguyễn Tường. Mân nói: “Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì được xây dựng sau và kiến trúc cũng không thể sánh bằng nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (dựng năm 1806), ở xóm Dinh. Nhà thờ phái nhì tuy còn lưu giữ nhiều thư tịch quý giá, gắn liền với danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng 3 nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhưng không phải là điểm tham quan chính thức như nhà thờ Nguyễn Tường phái nhất hiện nay”.

Nghe nói như vậy, nhưng tôi vẫn bước qua cánh cổng nhà thờ trước mắt rảo nhìn toàn cảnh. Chủ nhà đi vắng, hoặc sinh hoạt gia đình ở khuất phía sau, nên không gian khu nhà vườn trông thật trầm lắng, u tịch, gần giống cái cảm giác nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã từng miêu tả khi ông đến nơi này vào một ngày đầu xuân 47 năm về trước: “con đường màu đỏ nhạt, đọng nước với những khu vườn vẫn gợi cho tôi nhớ ở đâu đây, trong các truyện của Thạch Lam, một cảm giác lâng lâng, dịu dàng theo bóng nắng qua các chòm lá cây, rải trên mặt đường. Từ đường kiệt vào nhà phải qua một khu vườn. Nhìn cái nhà thờ bằng gạch lợp tôn nho nhỏ, khép nép trong khu vườn rộng, tôi sực nhớ lời anh Nguyễn Tường Tâm, con Kỹ sư Nguyễn Tường Cẩm (anh của Nhất Linh) cho biết là xưa kia, nhà thờ này rộng lớn, nhưng qua binh lửa, bây giờ thu nhỏ lại”. Cũng trong bài viết Nguyễn Văn Xuân có đoạn : “Ông Cụ Cố ông Nhất Linh xưa kia được phong tiết Việt (?), tới đâu đem cắm là có quyền nhận lãnh năm mẫu đất ở vùng đó. Sự đó có đúng không? Nếu như thế thì cả khu vực mênh mông từ nhà thờ lớn (tức xóm Dinh) ra tới đây đều nằm trong vùng sở hữu của họ Nguyễn Tường cả hay sao? Chuyện đó, có cơ hội, tôi sẽ hỏi lại một nhân vật lão thành trong gia đình Nguyễn Tường”.

Chợt nhớ lại những ký ức về nhà thờ Nguyễn Tường nhánh 1 ở xóm Dinh,  chúng tôi cũng chỉ biết mơ hồ ngôi nhà cổ kính ấy là nơi phát tích của những nhà văn Tự Lực Văn Đoàn giữ vai trò tiên phong trong nền văn học hiện đại Việt Nam, với sự chăm sóc của những người họ hàng hậu duệ của tộc họ, chứ không có dịp tìm hiểu nhiều, vì thời điểm ấy, chiến tranh loạn lạc, các di tích văn hóa du lịch chưa được quan tâm... Mân nói với tôi:

Hồi nhỏ lớn lên, mình cũng chỉ nghe người lớn kể lại, đất của xóm Dinh là của một đại thần triều Nguyễn, sau này loạn lạc dân chúng đến ở kín dần, chỉ còn lại ngôi nhà từ đường và vết tích cổng ngõ ở lối vào đầu đường. Hồi đó, thỉnh thoảng nhìn thấy cảnh sát, quân cảnh vào đó tảo thanh, tức là ngày  đó, tướng Ngô Quang Trưởng về, ông có thể đi 2 ngõ (Duy Tân hoặc Phan Châu Trinh) vào. Bởi vợ ông Trưởng là bà Nguyễn Tường Nhung (con gái  của nhà văn Thạch Lam). Ông Hoàng Đạo cũng có một người con gái nữa (ca sĩ Từ Dung hát nhạc Từ Công Phụng), nhưng bà này ít người biết như bà Nhung. Các nhà văn Duy Lam, Thế Uyên khá tiếng tăm ở miền Nam (mẹ là bà Nguyễn Thị Thế - em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam...) ngày trước  cũng có lần ghé đến xóm Dinh.

Tuy nhiên, ấn tượng của mình về nhà thờ Nguyễn Tường này, là nơi rất gần gũi, hiếu khách, những người lớn tuổi trong xóm vào ra rất tự nhiên, để xúm tụm trà lá, chơi bài tứ sắc... Có một sự kiện đáng nhớ, khiến người ta nghĩ đất này rất linh thiêng: Hồi đó, đời sống còn khó, cả xóm chỉ có 3 cái Ti vi, thì nơi đây có 1 ti vi trắng đen (của ông Nguyễn Tường Cự, nay con trai là Nguyễn Tường Hưng thường trông coi nhà thờ). Đang xem Ti vi thì có 1 trái cannon (105) bắn lạc lọt ngay vào giữa đám đông đang tập trung. Nó xuyên qua tường mấy vòng, rồi nằm lại lăn lên chiếc giường, không nổ. Sau đó, lính pháo binh đến kiểm tra đem đi, chỉ nghe nói là của Đại Hàn bắn ẩu lạc đến (người dân cho rằng của pháo binh bắn lạc, vì có lẽ đạn được bắn qua bên kia sông các vùng, Duy Xuyên, Cẩm Kim...). Câu chuyện này người dân rất nhớ, và tin nhà Từ đường này rất linh thiêng, có ông bà phù hộ.

Một việc khác, là vào trận lụt năm Thìn (1964), trận lụt lớn nhất xưa nay, ở xóm Dinh người dân tập trung hết gần 300 người về nhà thờ này, nhưng nước dâng càng lúc càng lớn. Nhà thờ này cũng bị ngập gần 2 mét. Bí quá, người ta phải tập trung các liễng trướng ở nhà thờ kê lên để tìm cách trèo lên những mái nhà lân cận, để thoát đến những nhà gần chùa Cầu, khiến các liễng bị gãy, hư hại...

Hồi xưa, Từ đường chỉ là nơi thờ tự. Bây giờ trở thành điểm tham quan, được nhà nước và gia đình chăm sóc đàng hoàng, trang trọng hơn xưa rất nhiều. Sau buổi chuyện trò cà kê với người bạn cũ Dư Mân, mình tôi trở lại xóm Dinh để tận hưởng cái cảm giác hoài cổ ngày xuân. Quanh khu vực chùa Cầu, khách du lịch khá tấp nập, nhưng riêng điểm nhà thờ Nguyễn Tường hầu như vắng vẻ. Ngoài điện thờ di ảnh cụ Nguyễn Tường Vân ở chính giữa, hiện nay, quanh phía các bờ tường ngôi nhà trưng bày các tủ sách cùng hình ảnh khá đầy đủ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Năm 2001, các con của Nhất Linh cũng đã đưa hài cốt ông và vợ ông (bà Phạm Thị Nguyên) về chôn tại Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hội An. Tiếp tôi, ngoài cô gái nhân viên lễ tân của ngành du lịch, còn có anh Nguyễn Tường Quý, hậu duệ của dòng tộc, nhưng chỉ thăm hỏi nhau về công việc, đời sống hiện tại, bởi tôi vốn là người quen cũ.

 

LẶNG LẼ NƠI YÊN NGHỈ TIỀN NHÂN

Thực ra, trước khi trở lại xóm Dinh, tôi có chuyến viếng thăm các ngôi mộ của những vị tiền hiền, từ xa xưa đã dừng chân và gầy dựng nên tộc họ Nguyễn Tường danh tiếng tại quê hương xứ Quảng.

Theo câu chuyện gần như là giai thoại dân gian độc đáo và được phổ biến rộng rãi trong nhiều tài liệu về tộc họ Nguyễn Tường: một lần, ông Nguyễn Tường Vân (lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Vân) theo phò vua Gia Long, khi ngang qua một ngọn núi ở Hòa Vang (nay thuộc TP Đà Nẵng), thấy đẹp, hỏi ra mới biết là núi Phước Tường. Vốn là người có mối quan hệ gắn bó khăng khít, được vua Gia Long trọng dụng, tin tưởng, nên nhân vua nghe tên núi có chữ "Phước" là chữ trong tên mình (vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phước Ánh), vua liền ban chữ còn lại cho Nguyễn Tường Vân. Kể từ đó, hậu duệ của cụ Vân đều đổi tên có chữ "Tường", định cư ở Quảng Nam, tạo nên nhánh Nguyễn Tường tồn tại đến ngày nay... Năm Minh Mệnh thứ ba (1822), ông được phong chức Binh Bộ Thượng Thư (tương đương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ). Khi mất, thi hài cụ Nguyễn Tường Vân được đưa từ kinh đô Huế về an táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, trên suốt chặng đường về làng La Vân tìm nơi cụ Vân yên nghỉ (nay thuộc thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) hầu như không một người dân nào tại địa phương biết rõ. Bởi, lăng mộ cụ Nguyễn nằm liền kề một khu vườn nhà dân, chìm khuất trong những bụi cây, lau cỏ um tùm, nếu không có sự hướng dẫn của người nhà gia tộc Nguyễn Tường thật khó mà biết được. Nơi đây, có tên gọi Gò Lăng, có lẽ xa xưa là khu mộ bề thế (ngoài mộ cụ Vân, còn có mộ một người em gái của cụ). Một tấm bảng gắn trên bờ tường phía trước lăng: “Hoàng Việt quốc táng/ Lăng Ông/ Bắc thành Phó Tổng trấn - Binh Bộ Thượng thư/ Nhuận Trạch hầu/ Xây dựng: 1820 - 1821/ Trùng tu: 1995”. Như vậy, triều đình đã trực tiếp tổ chức an táng một vị đại thần có công với nước tại nơi đây theo nghi lễ trọng thể của hoàng triều.

Một điều khá ngạc nhiên hơn nữa, trên đường trở lại Hội An, không xa lắm khu mộ cụ Vân, tại làng La Tháp, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, còn có khu mộ Nguyễn Văn Huấn (và cụ bà Trần Thị Dung), song thân của cụ Nguyễn Tường Vân. Khu mộ này được gia tộc Nguyễn Tường cải táng từ hơn 10 năm trước, có bình phong chạm khắc khá công phu, bề thế. Tuy nhiên, những thông tin về cụ Huấn rất ít ỏi. Chúng tôi hỵ vọng một dịp không xa, các nhà nghiên cứu sẽ quan tâm chú ý tìm hiểu mở rộng hơn về Câu chuyện Xóm Dinh và những việc liên quan. Bởi, trong việc nghiên cứu văn học đòi hỏi không chỉ phải biết về văn phẩm mà còn cả con người, thân tộc, dòng họ, đất đai phát tích...

 

BOX:

Binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822) có ba người con: Nguyễn Tường Vĩnh (1799 - 1860) Nguyễn Tường Khuôn (1804 - 1849), và Nguyễn Tường Phổ (1807 - 1856).

Dòng dõi Nguyễn Tường Vĩnh là phái nhất của tộc Nguyễn Tường ở Hội An, được thờ ở nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hội An). Theo tài liệu của dòng tộc Nguyễn Tường, vì Nguyễn Tường Khuôn là con rể của danh tướng Lê Chất, con cháu biệt tích sau vụ án Lê Chất; nên, dòng dõi Nguyễn Tường Phổ là phái nhì của tộc Nguyễn Tường. Cụ Nguyễn Tường Phổ có một con trai là Nguyễn Tường Tiếp (1831 - 1890), thi đỗ Tú Tài, đến năm 1874, theo làm quan văn cho Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) khi Phạm Phú Thứ làm Thự Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương và Quảng Yên). Nguyễn Tường Tiếp có 4 con trai trong đó có con trai út là Nguyễn Tường Chiếu (1880 - 1918). Đời cụ Chiếu gia cảnh sa sút nên ở luôn Hải Dương không về quê. Và cụ Chiếu chính là thân phụ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.

T.T.S