Thử thách - Hồ Duy Lệ
Tiếp quản xong, thành lập chính quyền, Hội đồng hương chính Vĩnh An, phân cho Đỗ Thế Vĩnh chức Trưởng ban thông tin xã. Còn Huyện ủy Tam Kỳ, trực tiếp là Võ Để, giao giữ chức Trưởng ban Cán sự Vĩnh An, cùng hai cơ sở là Nguyễn Đức Hiền, Bùi Xuân Tịnh có nhiệm vụ vận động nhân dân đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve và chuẩn bị hiệp thương, tổng tuyển cử. Nguyễn Tấn Thưởng là Chủ tịch Hội đồng hương chính Vĩnh An, là người được Mười Chấp - Đỗ Thế Chấp, tiếp xúc, giao nhiệm vụ. Nguyễn Đức Hiền lập một danh sách những người sẽ được vận động ký vào bản kiến nghị đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc, theo tinh thần Hiệp định Geneve, 1954.
Chiều hôm đó thấy địch bắt Nguyễn Đức Hiền, bắt cả vợ Hiền, nhưng Chủ tịch Nguyễn Tấn Thưởng không có thái độ gì, Đỗ Thế Vĩnh cho rằng chưa bị lộ, cố giữ thế hợp pháp. Mấy ngày sau, hôm ấy trời đang mưa, mây đen mù mịt, nước ngày một dâng cao khắp ruộng đồng, bà con Vĩnh An bù đầu lo chống lũ lụt.
Không biết dậy từ lúc nào, mới 5 giờ sáng, mẹ Nhụ đã nấu chín nồi cơm, gọi con trai và Võ Để dậy ăn. Võ Để* được Huyện ủy Tam Kỳ giao nhiệm vụ phụ trách vùng Đông. Sau khi đưa cán bộ xuống thuyền vào Quy Nhơn đi tập kết thì Võ Để rời vùng biển Tam Hòa, lên Kỳ Hưng tìm gặp Đỗ Thế Vĩnh giao nhiệm vụ hoạt động hợp pháp.
Thế Vĩnh làm đầu mối đường dây liên lạc hợp pháp vùng Trung - Tam Kỳ, phụ trách hai hòm thư chết, một tại dốc ông Mạnh, vùng chân núi bà Ty và một tại giếng Bể ở chân dãy Năm Đồi thuộc xã Kỳ Chánh. Đồng thời cơ cấu Thế Vĩnh làm Trưởng Ban Cán sự Vĩnh An cùng Bùi Xuân Tịnh và Nguyễn Đức Hiền.
Võ Để đi công tác đến đâu, ban ngày thường ngủ ngoài bụi, ngoài bờ, hôm ấy trời mưa, nước ngập đồng, Võ Để vào ở trong nhà mẹ Nhụ, tối đó cùng Thế Vĩnh ngủ trên cái phản ở giữa nhà.Thế Vĩnh sợ nước ngập nên ba chặp ra sân nhìn nước lên đến đâu, gần sáng mới vừa chợp mắt một lúc thì mẹ Nhụ gọi: Cơm chín rồi đó, hai anh em dậy ăn. Mẹ nghe có tiếng lội lủm bủm ngoài ruộng, như là có người.
Thế Vĩnh liền bước ra góc sân nhìn, liền quay vào nói với mẹ, bọn chúng đang vây nhà. Thấy Võ Để và con trai lo lắng, muốn tuôn chạy thì, mẹ Nhụ nói, bây giờ, chạy đường nào cũng khó thoát, con cứ nằm im trên phản, còn anh Để thì rúc vào trong tấm phên. Mẹ vừa nói, bước vội xuống bếp bưng nồi cám heo lên bôi trét quanh cái giường, bôi lên cả quần áo mẹ rồi lên giường nằm, đóng vai người đau bụng, đắp chiếu rên hừ hừ thì, chúng đập cửa ập vào nhà.
Ai là Vĩnh? Một tên hỏi.
Có tôi. Vĩnh ngồi dậy nói.
Ai rên đó?
Mẹ tôi đau gì mà ỉa mửa, rên cả đêm. Thế Vĩnh nhận ra bọn bắt người. Nghe tiếng mẹ Nhụ rên, tiếng rên quặn đau, một tên bước lại giở chiếc chiếu lên, giật lùi lại một bước, la: Bà này gần chết rồi! Cứt đái tùm lum, thối quá. Thôi. Hắn nhìn qua Thế Vĩnh: Bắt tên này. Thế là hai tên áp lại còng tay Thế Vĩnh đưa ra khỏi nhà, dưới trời mưa mỗi lúc thêm nặng hạt.
Ở cách nhà Thế Vĩnh hai cái vườn, thấy lính tráng bắt Thế Vĩnh thì Bùi Xuân Tịnh liền rời nhà trên, ra sau vườn, lách vào xóm, rúc trốn dưới con mương đầy cỏ dại, rong, bèo. Bọn chúng kéo sang nhà Bùi Xuân Tịnh, không thấy, rút đi thì, Tịnh từ dưới bụi dứa dại rúc ra chạy vào trốn trong buồng nhà ông Hương Tầm cha bà Trấm, người bà con của Tịnh.
Gần tối hôm ấy, bà Huỳnh Thị Nhụ** mẹ của Thế Vĩnh mới hỏi ra nơi giam Thế Vĩnh. Chúng nhốt Thế Vĩnh trong cái nhà kho Tiền hiền Vĩnh An.
Mẹ lo Thế Vĩnh chưa có chút chi trong bụng, còn bị tra đánh nữa thì chịu sao nổi. Nước ngập đường, mẹ và con dâu phải bơi thuyền dưới trời mưa mù, đem cơm tối cho Thế Vĩnh. Thuyền tấp bên mé đường, tay xách xách cơm, bà Nhụ bước lên bờ đi vào nhà kho Tiền hiền. Dừng trước cổng Tiền hiền, bà gọi tên con, thì Thế Vĩnh bước ra cửa, vừa đưa tay xách xách cơm từ tay mẹ, liếc nhìn vợ thậm thụt phía ngoài, chưa kịp khuyên vợ đôi câu thì tên Đối bước tới đóng cửa kho cái rầm, đẩy bà Nhụ ra...
Mấy phút sau, tên Đối gọi to: Vĩnh đâu? Ai là Vĩnh?
Tôi đây. Tôi là Vĩnh. Để tôi ăn miếng cơm đã.
Đứng dậy đi! Không ăn uống chi cả. Đối giục. Không biết Đối người ở đâu mà nói giọng Nam Bộ. Chúng liền đưa Thế Vĩnh rời nhà kho Tiền hiền đến Hội quán. Có người gọi đây là cái miếu làng. Là nơi trước ngày dân làng tế thần. Ở miếu làng, Thế Vĩnh thấy ngoài tên Đối có tên Hay, tên Liệu... có công an lưu động của quận Tam Kỳ, của tỉnh Quảng Nam (sau này là Quảng Tín). Tên Bốn đập bàn hỏi. Giọng miền Nam nghe lạ: Mày trình bày cái mà bọn mày gọi là Ban cán sự, bọn mầy định làm những gì?
Thế Vĩnh nghĩ, làm sao hắn biết Ban cán sự, nếu không có một trong ba người trong Ban khai báo. Gay go rồi!
Ban cán sự gì, tôi không biết.
Mày không biết thì ai đẻ ra cái thây ấy? Tao sẽ làm cho mầy biết cái thây ấy là một cái thây ma. Tên Bốn dọa nghe khét lẹm thì bốn tên chồm lại đè Thế Vĩnh xuống một tấm ván, cột tréo hai tay, trói cắp ké hai chân. Khi biến Thế Vĩnh thành như một con heo sắp chọc tiết thì một thằng banh miệng Thế Vĩnh cho thằng kia bưng thau nước đổ vào miệng, cho đến khi bụng Thế Vĩnh phình lên như bụng chửa, liền theo, một tên nhảy lên bụng dậm, nước trồi ra miệng.
Sau khi tống vào bụng Thế Vĩnh hai thau nước vôi, Thế Vĩnh xụi lơ, nằm như một xác chết trôi. Không để cho Thế Vĩnh chết, tức thì một thau nước lạnh tạt lên người. Thế Vĩnh tỉnh lại, chúng kéo Thế Vĩnh dậy, cột tréo hai tay thả dây dừa qua cái đỉnh xà nhà, kéo ngược Thế Vĩnh lên treo lơ lửng như treo một hình nộm. Ba bốn tên đứng xung quanh, đứa dộng, đứa đạp, đứa đá vào người Thế Vĩnh như tập võ đánh vào cái bao cát.
Một tên không hiểu hắn thù Thế Vĩnh cái nỗi chi, lấy mũi súng thọc xốc vào hông làm cho Thế Vĩnh gồng mình, nghiến răng. Tên đứng bên này đạp đẩy Thế Vĩnh qua, tên đứng bên kia đá đạp Thế Vĩnh lại. Chúng xem Thế Vĩnh như con vật, như đồ chơi. Vĩnh nghĩ, bọn chúng đã biến mất tính người! Từ khi nào? Thì bọn này vừa mới giữ trâu, đi ở đợ cho địa chủ!
Khi bị bắt, Thế Vĩnh đang mặc bộ áo quần vải pô pơ lin đen mẹ mới may, vậy mà chúng đánh đến mức bộ đồ rách bươm, lòi thịt, lòi da, máu ứa bầm từ mặt xuống đến bàn chân - máu ứ bầm còn vì treo Thế Vĩnh lên xà nhà quá lâu. Thấy Thế Vĩnh thở mạnh, một tên đưa tay bóp trái khế của Thế Vĩnh, một tên đưa tay bóp dái Thế Vĩnh.
Sợ Thế Vĩnh tắt thở khi chưa lấy được một lời khai, chúng mở dây trói, lại tát nước lạnh lên người cho Thế Vĩnh tỉnh lại.Thấy bọn đao phủ không lấy được một lời khai, Nguyễn Vĩnh Liệu, từng là bạn học, oai phong bước đến đứng trước mặt Thế Vĩnh, dạy đời: Sao mày ăn cơm Quốc gia mà mầy ngu rứa! Không thể kìm cái tức đến lộn ruột, Thế Vĩnh đạp Vĩnh Liệu một đạp ngã lăn. Thấy chủ bị đòn, tên Đối a vô sủa, liền bị Thế Vĩnh cho hắn một đạp.
Nguyễn Vĩnh Liệu cầm súng colt, lên đạn cái rẹt, thì Nguyễn Tấn Thưởng đưa tay can, chụp dằng cây colt trên tay Liệu, nói: Tôi đến đây chứng kiến việc tra hỏi. Anh chưa lấy được lời khai, thì người ta chưa có tội mà anh đòi bắn người ta. Anh bắn dân tôi phải có lý do. Các anh hành hạ người ta để lấy lời khai là hạ sách. Không có cách nào khác sao?
Nguyễn Tấn Thưởng quá bức xúc không chỉ vì chúng hành hạ Thế Vĩnh mà còn bị xúc phạm bởi đám ranh cơ hội, ăn theo bọn ngóc đầu dậy dựa hơi công an lưu động coi thường cả Chủ tịch Hội đồng do dân bầu lên... Thấy việc hành xử của Nguyễn Tấn Thưởng,Thế Vĩnh vững tin hơn. Chúng kéo Thế Vĩnh lên một cái giường tre khiêng xuống nhà kho Tiền hiền, nơi đây đang giam khá nhiều người. Họ vừa bị bắt trước đó một ngày. Nhìn bà con, Thế Vĩnh nghĩ đến một âm mưu thâm của bọn này.
Bị đánh đập mấy ngày, đổ cả mồ hôi và máu làm cho thân xác Thế Vĩnh khô khốc, khát chảy cổ họng. Từ họng, Thế Vĩnh thốt lên: Nước. Nước!
Nghe đòi nước, Lê Hoát, Chủ tịch Phú Hưng (gồm Vĩnh An và Phú Hưng nhập lại), đem đến đưa vào miệng Thế Vĩnh một chai nước. Thế Vĩnh nghe mùi rượu, đúng là rượu Quang Thắng, Thế Vĩnh há miệng ngậm đầu chai rượu uống cạn chai. Lê Hoát cầm đưa thêm một chai rượu đầy, vừa hỏi hết khát chưa, thì đưa chai rượu vào miệng. Thế Vĩnh cầm chai rượu thứ hai, nốc cạn thì ngã lăn ra giường, không áo, không quần. Hết tên này đến tên khác thay nhau đá, đạp, đánh để cho những người đang bị giam trong nhà kho Tiền hiền khiếp sợ mà “'kinh cung chi điểu”'.
Thế Vĩnh cắn răng chịu mọi đòn roi để giữ bí mật thân phận, còn là lời đinh ninh trước cái nhìn đầy đau đớn của bà con quê nhà. Qua mỗi một trận đòn trời giáng, lúc tỉnh lại, Thế Vĩnh hé mắt nhìn mọi người.
Bà con nhận ra cái nhìn của Thế Vĩnh - cái nhìn như một thông điệp: Hãy tin tôi! Sau khi ra đòn với Thế Vĩnh nhằm hù dọa bà con, làm cho bà con đừng có dại mà tiếp tay cho Cộng sản thì, lần lượt chúng thả bà con về. Chúng cử một tổ nghĩa dũng, bấy giờ gọi là hương dũng thay nhau giữ Thế Vĩnh.
Một hôm, em ruột đến thăm đem sữa cho Thế Vĩnh, nhân cơ hội nói cho anh trai biết Bùi Quảng đang che giấu Bùi Xuân Tịnh, nhưng Bùi Xuân Tịnh phụ trách liên xã nên rất lo, sợ chúng truy bắt được, sẽ không chịu thấu đòn roi, tinh thần đang rất bất an...
Mấy hôm sau thì, Bùi Quảng mang sữa đến thăm, biết Bùi Quảng được cài cắm làm liên gia trưởng nên Thế Vĩnh dặn về nói với Bùi Xuân Tịnh: Nay mai tôi sẽ về. Không khai nhận gì hết thì sẽ thả về thôi. Dặn Bùi Quảng, để Bùi Xuân Tịnh lọt vào tay chúng nó thì chết cả đám. Còn ra đầu thú thì chịu nhục cả đời.
Bị tra tấn thân tàn, kiệt sức, chúng đưa Thế Vĩnh ra nhà thương Tam Kỳ, gặp phiên trực, Y tá Chi đưa vào cho ông Đốc Dõng khám. Ông Chi là cơ sở của cách mạng, nói với ông Đốc Dõng, đây là người nhà, bị tra đánh chết đi sống lại, khi tỉnh, khi mê, đề nghị bác sỹ ghi sao để sớm được thả về.
Ông Đốc Dõng ghi vào hồ sơ bệnh án: Vùng não có di chứng chấn thương nhẹ. Mấy ngày trong bệnh viện ông Chi bí mật đưa thuốc cho Thế Vĩnh uống làm tan máu bầm. Hồ sơ của Thế Vĩnh không có một lời khai liên quan đến cách mạng, lại bịnh tình trong trạng thái bất an.
Ra khỏi bệnh viện Tam Kỳ, về nhà giam mấy ngày thì Trần Minh Ước, Khu trưởng Khu Trung, gọi Thế Vĩnh lên phòng thẩm vấn, hỏi: Tên chi? Đỗ Thế Vĩnh. Học chi rồi? Học tiểu học. Trước ngày làm chi cho Việt Minh? Là dân trắng không làm chi cho kháng chiến (thật ra, Thế Vĩnh ở trong Ban chấp hành Đoàn xã Vĩnh An, đang diện cảm tình). Quốc gia đến, tôi là Trưởng ban thông tin văn hóa dưới quyền ông Chủ tịch.
Trần Minh Ước, Khu trưởng, hỏi một tên đứng cạnh bàn:
- Đưa người về đây, cung đâu?
- Không có cung.
- Không khai chi, không có cung, thì giam làm chi cho chật, thả!
Về lại làng, Thế Vĩnh đóng vai người bị chấn thương não, ảnh hưởng tâm thần, suốt ngày đầu trần, chân đất, quần đùi, lang thang trên các xóm làng Vĩnh An, Phú Hưng, Tịch Đông, Phú Khê, Phú Hòa, Thạch Kiều, Bích Ngô, Trường An...
Ở nhà với cha mẹ được mấy ngày thì Võ Để từ Tam Hòa nhận được tin, nửa đêm vào nhà gặp nói chuyện, dặn Thế Vĩnh mấy việc quan trọng: Thấy còn hợp pháp được thì cố hợp pháp. Thấy lộ thì thoát ly ngay. Tìm chỗ nuôi giấu Bùi Xuân Tịnh, khi nào có đường dây thì đưa Bùi Xuân Tịnh ra, lên núi...
Vừa về, việc quan trọng đầu tiên phải lo là tìm cách gặp Bùi Xuân Tịnh để động viên tinh thần và tìm đường dây đưa Xuân Tịnh thoát. Thế Vĩnh đến hộp thư giếng Bể gặp Mười Chấp xin ý kiến về trường hợp của Bùi Xuân Tịnh. Năm 1957, khai thông được đường dây ra miền Bắc, Mười Chấp*** và Võ Để tổ chức cho một số cán bộ thoát ra khỏi vùng địch đưa lên núi. Thế Vĩnh thở phào khi nghe Võ Để nói đã đưa được Bùi Xuân Tịnh lên đến đường dây ra miền Bắc.
Vào đầu tháng 12 - 1954, sau khi Bí thư Thăng Bình là Võ Truyền và Phó Bí thư Ngô Tấn Tâm, hôm ấy có cả Trần Phát vừa nhận lệnh của Tư Thuận về làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, rời đất Bình Dương, Thăng Bình, theo thuyền vào Quy Nhơn, xuống tàu ra miền Bắc thì, Tỉnh ủy cử Nguyễn Tiến Chế - Hai Chế, về chỉ đạo rồi trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình.
Bước qua năm 1956, mấy tháng liền, đường dây liên lạc từ Bình Dương về cơ quan Tỉnh ủy bị đứt, Hai Chế không về tỉnh họp được...
Mười Chấp gặp Thế Vĩnh giao nhiệm vụ: Tìm cho được Hai Chế, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình.
Thế Vĩnh tròn mắt nhìn Mười Chấp: Địch tình mọc như nấm độc sau mưa, còn đất trời thì mênh mông, biết Hai Chế ở đâu mà tìm, lớ quớ bị bắt. Mười Chấp, giọng rất tình mà nghiêm: Biết khó, và vô cùng nguy hiểm, nên tôi mới nghĩ đến anh. Thì, anh nhận nhiệm vụ, ta mới bàn tiếp. Theo Mười Chấp, thì Hai Chế đang ở nhà ai đó từ Đo Đo ra tới Vinh Huy.
Có ám tín hiệu chi không? Thế Vĩnh hỏi.
Có gặp nhau đâu mà ám - tín - hiệu! Cố nhìn mặt để soi bụng người!
Chia tay Mười Chấp, về nhà, Thế Vĩnh nói mẹ ra chợ mua cho Thế Vĩnh hai ang muối. Quê Vĩnh là quê làm nghề muối, nên muối rẻ rề. Thế Vĩnh lấy cái nón lá thay coi nón cũ là sợi mây bằng miếng vải đen, gánh muối đi từ Vĩnh An, ra chợ Kế Xuyên, theo đường mòn lên hướng chợ Đo Đo. Thế Vĩnh đóng vai người bán muối dạo, bán mà không muốn người ta mua vì sợ hết muối, bán là để tiếp cận người mua, qua đó, “nhìn mặt để soi bụng người”.
Đi suốt một tháng trời, khi lội quanh làng Vinh Huy, gặp một người mua làm Thế Vĩnh chú ý. Bà ta hiền, vui tính, trạc tuổi mẹ Thế Vĩnh. Qua câu chuyện, Thế Vĩnh xác định đây là người có thể tin, cần gặp. Tuy nhiên, Thế Vĩnh chào người đàn bà, gánh muối về, tìm Mười Chấp trình bày cuộc gặp. Mười Chấp cười, nói: Anh gánh muối ra bán cho bà ấy, lần này, anh thêm một cái coi nón vải màu vàng cùng cái coi vải màu đen.
Thế Vĩnh lại gánh gánh muối ra chợ Đo Đo, bán được mấy lon, ra chợ Vinh Huy - cái chợ nổi tiếng đông vui thời kháng chiến chín năm trường kỳ chống Pháp, bán thêm mấy lon muối nữa rồi ghé vào nhà bà hôm nọ. Thấy Thế Vĩnh gánh muối vào, để gánh muối xuống, thả cái nón trên nền sân, bà ta nhìn chăm chăm cái coi nón rồi nhìn Thế Vĩnh, cười: Anh tìm ai?
Thế Vĩnh nói: Cho tôi gặp anh Hai.
Người đàn bà đi vào buồng. Thế Vĩnh nghe bà ta nói: Có người muốn gặp anh. Sau khi trình bày nhiệm vụ của Mười Chấp giao, chia tay bà chủ nhà, Thế Vĩnh cùng Hai Chế vào đến xã Bình Quế, trên đường, Hai Chế nói vùng này địch tố Cộng ác liệt lắm.Vừa rồi chúng dẫn cả chó săn vào mấy cái hang trong núi lùng anh em mình, nghe nói chúng bắt được Trần Kỉnh, Bí thư và Phan Nhuế, Phó Chủ tịch xã Bình Quế thời kháng chiến Một.
Khi chúng trói cắp ké đưa hai người ngang qua chợ Đo Đo thì Trần Kỉnh nhìn bà con, giọng khàn khàn, trầm xuống: Đồng bào yên chí đi, tôi già rồi, sắp đóng mồ rồi... Hai người tránh xóm nhà dân, theo mé rừng đi một đoạn, dừng lại nghỉ. Thế Vĩnh đổ số muối còn lại vào trong một lùm cây rồi hai người lội rừng qua Tam An, Tam Dân, vào Ngọc Nha, đến Trường Cửu, mới gặp được Mười Chấp. Nhận lệnh của Tỉnh ủy qua Mười Chấp, Hai Chế ở lại Tam Kỳ để về Tỉnh ủy.
Giữa đêm lạnh, ngày 1-10-1958, tại mả vôi ông Vệ, trong khu nghĩa địa làng Vĩnh An, bên ảnh Bác Hồ bằng bàn tay và lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc vẽ trên hai tờ giấy vở học trò, Huyện ủy viên Võ Để, thay mặt Huyện ủy Tam Kỳ tuyên bố kết nạp Đỗ Thế Vĩnh vào Đảng. Một trong những đảng viên hiếm hoi, đầu tiên được kết nạp vào Đảng, sau khi có Hiệp định Geneve - 1954. Quý vô cùng và cũng vinh dự vô cùng!
Năm 1959 - thời kỳ Ngô Đình Diệm thi hành Luật số 10/59, có quyền chặt đầu ai tiếp tay với Cộng sản, trong đêm tối, lạnh, Võ Để đến nhà báo cho Đỗ Thế Vĩnh biết đã bị lộ, phải thoát ly ngay. Võ Để tuổi Mẹo, Thế Vĩnh tuổi Ất Hợi (1933), nhỏ hơn Võ Để tám tuổi. Họ hẹn ngày hôm sau gặp nhau ở dốc ông Mạnh chân núi bà Ty. Chia tay Võ Để trong đêm, Thế Vĩnh đến nhà Nguyễn Đức Trung, người anh rể và Bùi Sanh, người bà con bên ngoại - hai người thân tín cùng ở xóm Khuôn với Thế Vĩnh, nói cho hai người biết, lệnh của Võ Để, thay Thế Vinh giữ hai hộp thư chết.
Sáng dậy sớm, mẹ Nhụ nấu một nồi cơm không, có trả cá nục kho cho ba anh em, ăn no đóng vai người đi núi, làm củi. Ba người lưng mang bội, đầu nón lá, tay cầm rựa, người nào cũng quần đùi, áo cánh. Thật ra, mỗi người mang đến hai cái quần đùi và ba cái áo cánh.
Vừa ra hết cái xóm Khuôn thân yêu thì gặp một dân vệ đang gặt lúa. Đang mùa lúa gieo tháng 10, hắn ta đứng dưới đám lúa, hất hàm:
Các ông đi đâu, sao hôm nay không ở nhà học tập tố Cộng...
Lúc đi, ba anh em đã bàn nhau, trên đường, gặp kẻ nào gây ách tắc thì khử. Thế Vĩnh hạ giọng mệt mỏi: Học cả ngày hôm qua rồi, hôm nay tranh thủ lên núi cắt vài bội lá về ủ phân trồng khoai...
Thấy ba chàng trai trông khỏe mạnh và có phần bất cần đời, tên dân vệ làm thinh. Vào đến ranh núi thì ba người gặp Võ Để. Theo chuẩn bị, sau khi bàn giao hòm thư chết cho hai bạn Đức Trung và Bùi Sanh thì Võ Để đưa Thế Vĩnh về căn cứ. Nhưng, thấy lúc đó mà để Nguyễn Đức Trung và Bùi Sanh về lại địa phương, bọn chúng sẽ chặt đầu. Võ Để quyết định cả ba cùng thoát ly.
Nghĩ đón mình Thế Vĩnh nên Võ Để mang theo một vắt cơm như trái bòng. Thế là, ba anh em cùng ăn vắt cơm lót bụng rồi bám theo Võ Để, theo bờ sông Bà Bầu, men sườn núi lên dãy Năm Đồi, băng qua Đồng Trận, qua trại ông Toàn, lên hố Hạ gần nóc ông Dũng - dân tộc Cor. Đây là khu vực cơ quan Huyện ủy Tam Kỳ đóng...
Huyện ủy Tam Kỳ thành lập đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên gồm: Đỗ Thế Vĩnh, Út Sơn, Tám Túc, Dương Tiên, Tùng (Mai), Lâm Cao Chí (Duy). Được Nguyễn Hiền và Hai Huệ cán bộ tập kết về huấn luyện quân sự. Ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý, chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, Đỗ Thế Vĩnh tháp tùng Mười Chấp, đột nhập chợ Trạm, mở cuộc mit-tinh. Cùng thời điểm diễn ra mít tinh, Đỗ Thế Vĩnh và đội vũ trang đột nhập cơ quan Hội đồng xã Kỳ Khương, Thế Vĩnh vọt lên cắm lá cờ Tổ quốc giữa cổng chính vào cơ quan Hội đồng, gần chợ Trạm.
Lúc bấy giờ, bỗng xuất hiện một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên cổng ra vào cơ quan Hội đồng xã thì hơn vạn lời tung hô đầy đe dọa đối với bọn tay sai...
Năm 1962, Đỗ Thế Vĩnh làm Chánh văn phòng Huyện ủy Bắc Tam Kỳ, cơ quan đóng ở thôn Tiểu Tây xã Kỳ Quế. Năm 1965, Đỗ Thế Vĩnh phụ trách Văn phòng tổng hợp Tỉnh ủy. Bấy giờ,Thế Vĩnh có cái tên mới là Đỗ Viết Cam. Một hôm, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đào Đắc Trinh, thường gọi Sáu Trinh, gọi Thế Vĩnh lại, tâm tình: Mình thấy cái tên Cam không hợp với cậu. Cam thì có vị ngọt, còn tính khí của cậu không ngọt mà ngang chằng. Chữ Cam còn có nghĩa cam phận, mà cậu thì không cam phận chút nào. Cậu dám đánh lại bọn đánh đập, tra tấn cậu, tức là, cậu rất can trường, giao nhiệm vụ vô cùng khó, thử thách, cậu hoàn thành xuất sắc. Theo mình, cậu nên lấy tên Can.
Từ đó, Đỗ Thế Vĩnh có tên mới là Can - Đỗ Viết Can - cái tên đi suốt cuộc đời đầy quang vinh, đậm chất huyền thoại.
H.D.L