Sắc phong duy nhất ở thành Điện Hải - Đinh Thị Toan
Thời nhà Nguyễn, triều đình rất coi trọng việc bố phòng ven biển, coi đó là mối nguy thường trực đe dọa đến an ninh đất nước. Vì vậy, luôn tổ chức bố trí quân đội chặt chẽ ở các cửa biển, trong đó có cửa biển Đà Nẵng. Thành Điện Hải cùng nhiều thành khác được xây dựng ven cửa sông Hàn chính là để kiểm soát việc xuất nhập của tàu bè trong và ngoài nước, các tàu thuyền đi và đến, trong đó đặc biệt chú ý tàu ngoại quốc lai vãng.
Đà Nẵng là nơi rất xung yếu ở chỗ bờ biển, tàu Tây dương đi lại tất phải qua đấy. [...] Ngươi nay có chức trách giữ một địa phương, nên thân đến xem xét 2 thành An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, gia tâm chỉnh lý, chúng nếu có lòng nhòm ngó cũng không có chỗ sơ hở có thể mượn cớ được. Đấy cũng là cách chữa giọi cửa nhà từ lúc chưa mưa, là kế hoạch to của nhà nước, chứ ta có sợ gì họ đâu?(1) Đó là lời răn dụ của vua Minh Mạng khi quyền thự Tuần phủ Nam Ngãi Nguyễn Tri Phương vào cung bái biệt để vào Đà Nẵng trấn nhậm. Đi cùng với việc đánh giá cao tầm quan trọng của tấn Đà Nẵng, trong năm này, tức năm Canh Tý (1840), vua ra lệnh bổ sung quân lính và đạn dược, tăng cường bố phòng cơ sở vật chất cho các thành An Hải, Điện Hải, Định Hải và tích cực xây dựng Phòng Hải. Cũng trong thời gian trên, thành Điện Hải có vị Thành thủ úy đầu tiên.
Nguyên trước đó, thành Điện Hải do Lãnh binh Lương Văn Liễu(2) trông coi. Tuy nhiên, công vụ rối rắm khó kham được, bị vua trách phạt. Lúc này, chính thức “đặt thêm chức Thành thủ úy ở Điện Hải, Định Hải mỗi thành một người”(3) để tăng tính chuyên trách. Theo điển lệ, người được cử nhiệm sẽ nhận được sắc lệnh của vua ban xuống để “danh chính ngôn thuận” đảm đương công việc. Sắc phong hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng (cũng chính là thành Điện Hải lúc trước) chính là tấm sắc được ban vào thời điểm này.
Đây là sắc phong duy nhất hiện biết liên quan đến thành Điện Hải. Sau nhiều năm thất lạc, vào năm 2012, ông Bùi Văn Quang, hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam tại Nam Định đã trao tặng lại cho Bảo tàng Đà Nẵng và hiện được trưng bày tại tầng 3 của Bảo tàng. Sắc có kích thước 48 x 79,5 cm, nền màu vàng nhạt, viền trang trí hình rồng - mây nhiễu cuộn có rắc phủ nhũ bạc. Tuy nhiên, do lâu ngày, sắc bị hư hại khoảng 40-45%. Phần chính văn bị mất nhiều chữ, đặc biệt là danh tính người được sắc phong. Điều này gây ít nhiều khó khăn cho người tiếp cận.
Tra tìm chính sử triều Nguyễn, thấy Đại Nam thực lục ghi chép về sự kiện cắt đặt thêm chức Thành thủ úy thành Điện Hải nhưng không nói rõ người được trao trọng trách. Tra cứu các sự kiện liên quan về sau mới biết được người nhận chức đầu tiên là ông Tôn Thất Trực. Đại Nam thực lục tập 6, trang 143, Thiệu Trị năm thứ nhất, tháng 6 ghi “Thự Thành thủ úy thành Điện Hải là Tôn Thất Trực(4) thăng Phó vệ úy vệ Kim ngô”.
Dựa vào thể thức sắc văn cùng những thông tin tra cứu được, chúng tôi đề xuất phục dựng chính văn sắc phong này như sau:
Phiên âm
Sắc Thần Cơ doanh Tiền vệ nhất đội Cai đội Tông [Thất Trực] tòng bộ vụ dự hữu công trạng. Tư Binh bộ nghị bổ cụ đề chuẩn nhĩ thăng thự Điện Hải thành Thành thủ úy, [suất nội] thuộc biền binh tòng cai quản viên. Phàm chư công vụ, [y lệ] chuẩn hành. Nhược quyết chức phất kiền, minh chương cụ tại. Khâm [tai]!
Minh Mệnh nhị thập nhất niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật.
Dịch nghĩa
Sắc cho Cai đội đội 1, thuộc vệ Tiền, doanh Thần Cơ là Tông [Thất Trực] theo việc tróc nã tội phạm, lập nhiều công trạng. Nay bộ Binh nghị bàn đề cử, vậy chuẩn ngươi thăng thự Thành thủ úy thành Điện Hải, [đốc suất] biền binh dưới quyền, theo lệnh của cai quản viên. Phàm việc công [theo lệ phụng hành]. Nếu giữ chức mà không chuyên cần thì đã có phép nước trị tội. Hãy kính đấy!
Ngày 24 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840).
Theo lệ, người mới nhận chức phải trải qua một thời gian thử việc, tạm giữ chức, sau khi thành thạo, mới cho thực thụ chức vụ. Do đó, ở đây gọi là Thự Thành thủ úy. Việc tìm hiểu và tiến tới phục chế tấm sắc phong này có thể nói là việc làm cần thiết, bổ sung thêm hệ thống di vật, cổ vật liên quan đến thành Điện Hải, đưa khách tham quan tiệm cận hơn lịch sử của một thành đài có tiếng trong quá khứ. Điều này càng có ý nghĩa khi mà UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng về địa điểm mới, trả lại không gian cho thành Điện Hải, để dấu tích của lịch sử ở lại lâu hơn với người Đà thành và du khách gần xa.
Đ.T.T