Thi sĩ lãng tử Nguyên Lâm Huệ - Thái Bá Lợi
Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ, tên thật là Nguyễn Xuân Huệ, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1953 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại tỉnh Udon Thani Thái Lan. Năm 1960, Nguyễn Xuân Huệ theo gia đình hồi hương về Việt Nam, về Hà Tĩnh quê hương tại xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, dù nơi ông không sinh ra nhưng trong từng tế bào ông đều thắm đượm tình cảm quê cha đất tổ. Trong hoàn cảnh khó khăn của những năm 1960, ông là học sinh giỏi toán những năm phổ thông ở trường cấp 3 thị xã Hà Tĩnh. Chiến tranh nổ ra ngày càng ác liệt, Nguyễn Xuân Huệ cũng như lớp thanh niên thời đó xếp bút nghiên lên đường kháng chiến dù ông hoàn toàn có khả năng để vào một trường đại học. Lớp bạn bè ngày ấy của ông nhiều người đã trở thành giáo sư tiến sĩ vì đã tiếp tục con đường học hành, còn ông thì quyết chí ra chiến trường.
Gian khổ khó khăn của chiến tranh không làm nhụt ý chí của một thanh niên đầy nhiệt huyết với đất nước, quả cảm và lãng mạn là hai tính cách đã hình thành con người Nguyễn Xuân Huệ từ thời đó.
Trở về với đời thường khi đất nước chưa hẳn im tiếng súng, Nguyễn Xuân Huệ có một đời sống giản dị: lái xe tải rồi xây dựng gia đình, chăm lo cho vợ con. Nhưng con người này không phải chỉ có như vậy. Ông giao du chân tình với bạn bè khắp nước, ở miền đất nào cũng có bạn thân, sống hào phóng hết mình với bạn bè và làm thơ. Kiến trúc sư Ba LanKazimierz Kwiatkowski thường kể lại chuyện trong dịp tết năm 1991, ông cùng bạn bè lên nhà Nguyễn Lâm Huệ chơi. Lúc đó kinh tế rất khó khăn, Nguyễn Xuân Huệ đã đem tất cả những gì mình có để đón tết ra đãi bạn bè. Kazik nhận ra điều đó, nhiều năm sau vẫn nhắc lại.
Chính trong đời sống gian nan và trong sạch ấy, những bài thơ của ông về quê hương, kiếp người đã ra đời:
Cái ngày ta trở về phố nhỏ
Phố đìu hiu trong khóe mắt em buồn
Ngồi lơ đãng nâng ly cùng với gió
Chợt nghe lòng chớm lạnh nỗi cô đơn
Nói về đời và thơ của Nguyên Lâm Huệ, nhà thơ Thanh Thảo đã khái quát:
“Chiều phố Cẩm Lệ - Đà Nẵng mà cũng là chiều phố nhỏ Quy Nhơn, nơi Huệ có tình yêu và tìm được bạn đời ở đó. Nghe cũng rưng rưng nhiều nỗi lắm. Thì tôi đã nói, với Nguyên Lâm Huệ, làm thơ hay chạy xe tải thì cũng là một kiểu di chuyển, một cách thay đổi, một nơi bấu víu, một chốn đi về, vậy thôi. Và thơ đến với Huệ nhiều khi trên ca-bin xe tải, hay nơi quán vắng giữa đèo, lắm nửa đêm dừng xe bên đường cái quan muốn kiếm tạm giấc ngủ qua quýt thì đột ngột... trăng lên. Thế là thơ. Tôi đã từng theo Huệ “đen” trên ca-bin xe tải chu du khắp miền Trung. Xe Bo-ma ca-bin rất rộng, có hẳn một giường nằm. Huệ ưu tiên tôi chiếc giường ấy nhưng tôi chẳng mấy khi nằm. Vì mỗi lúc dừng xe lại tìm ít nước “cay” anh em thù tạc. Tôi thấy cách nghêu ngao ấy cũng chẳng kém vẻ bụi đời và lãng mạn của Jack Kerouac thuộc nhóm “Beat” ngày trước ở Mỹ thường hay lang thang trên xe tải chạy dọc sống lưng Hoa Kỳ. Ai có được một thời như thế, với những kỷ niệm nhỏ nhoi nhảm nhí như thế, bây giờ nghĩ lại cũng đủ... sướng rồi! Như kiểu lái xe tải qua cầu Trà Khúc Quảng Ngãi, chợt: Chợt Quảng Ngãi đêm nay lóe một ánh sao băng/ Như mắt người chớp vội.
Thơ Huệ “đen” - Nguyên Lâm Huệ đấy!”
Với chặng đường công tác cho đến khi về hưu, Nguyên Lâm Huệ đã đi qua nhiều đơn vị: Công ty Lương thực miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2, Công ty Viễn thông điện lực, cuối cùng là Viettel. Ở đâu ông cũng có một phong cách sống như nhau: thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm. Ở đâu cũng có bạn bè chí cốt.
Nhưng ông vẫn là người cô đơn, cô đơn để sáng tạo:
Anh phiêu bạt nửa đời nghe gió hú
Nay trở về cô độc bến sông quê
Với chiếc lá bần rơi trên nước
Như tình em nơi xa ấy thả về
Với bạn bè, với thơ là vậy, Nguyên Lâm Huệ là người chăm lo gia đình chu đáo mà không phải ai cũng có được điều đó. Ông có được hậu phương vững chãi là một nhà giáo mẫu mực, trải qua những cương vị từ giáo viên đến hiệu trưởng một trường trung học lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng bao giờ cũng hoàn thành thiên chức làm vợ làm mẹ để cho ông bay nhảy.
Những mảnh của đời sống gia đình, của tình yêu chồng vợ đã hiển hiện rất nhiều trong các trang thơ của ông. Ông chỉ biết dùng những vần thơ của mình để cảm ơn đời, cảm ơn người vợ hiền, cảm ơn các con đã cho ông những giây phút bình yên để trọn niềm yêu thơ.
Nguyên Lâm Huệ có tấm lòng rộng rãi nhưng lại nghiêm khắc. Ông nghiêm khắc với chính mình. Hứa với ai điều gì ông đều cố gắng làm trọn lời hứa. Chăm lo cho mọi người được vui vẻ. Chắc ông không đọc Antol Sêkhôp nhiều, nhưng ông lại có gì đó giống với những ý tưởng của nhà văn Nga vĩ đại là hằng ngày chắt lọc từng giọt nô lệ ra khỏi con người mình để luôn luôn hoàn thiện mình, mỗi ngày một tốt thêm ra. Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ đã in nhiều tập thơ, có nhiều bài thơ được bạn đọc yêu mến.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng nói: “Cánh bạn bè ở miền Trung chúng tôi gọi anh là Huệ “đen”. Huệ lãng tử với khuôn mặt phong trần, chất sống phóng túng “chất chơi” mà đã chơi thì phải hết mình, dẫu không có lãng tử thì cũng thành lãng tử, chưa kể anh lại mê thơ và làm thơ. Đọc thơ của anh tôi thêm: “Nguyên Lâm Huệ là thi sĩ lãng tử”.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì nói: “Mỗi lần gặp Huệ cùng ngồi uống rượu tôi luôn nhớ câu thơ Tản Đà: Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương. Chơi với nhau mấy chục năm nay, tôi thấy rất rõ “Huệ đen” là một gã giang hồ chính hiệu, nhẹ nhàng hơn, khiêm nhường hơn như Huệ tự nhận trong thơ của mình”. Trong những sáng tác của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết về Đà Nẵng thành công có bài hát phổ thơ Nguyên Lâm Huệ.
Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại tâm sự: “Khép lại tập thơ, ta gặp một con người. Con người Nguyên Lâm Huệ nồng nàn, yêu đời, yêu người nhưng cũng ngang tàng nghĩa hiệp. Nếu không đọc thơ anh, chắc tôi cũng không hiểu anh được mấy. Thơ là người, dù nó chỉ là một phần của con người tác giả, nhưng nó lại là cái phần quan trọng bậc nhất, những bí mật sâu xa của hồn người”.
Nhiều nhà thơ, nhà văn, bạn bè thân quen đã viết về con người và thơ Huệ, ở đây không trích ra hết được. Nguyên Lâm Huệ ra đi đã để lại trong lòng những người thân quen ông, những người gần gũi ông và cả những người chưa gặp ông, chỉ mới đọc thơ ông niềm thương tiếc lớn lao về một con người đã sống một cuộc đời hết mình vì con người, yêu thương con người. Cuộc đời ông, thi ca ông để lại là niềm an ủi cho chúng ta trong những phút đau thương này.
Trong tập thơ Vẫn còn tập hợp những bài thơ xuất sắc nhất của ông, Nguyên Lâm Huệ đã nhắn nhủ:
Vẫn còn một chút heo may
Lẫn trong màu nắng chan đầy mắt em
Vẫn còn một thoáng dịu êm
Em xanh màu gió trốn tìm trong tôi
Chiều vàng chiếc lá nhẹ rơi
Chơi vơi tím biếc một trời sắc không
Ngày 19/2/2020 Nguyên Lâm Huệ đã ra đi. Từ đáy lòng những người có mặt hôm nay, xin được chia buồn sâu sắc với người vợ hiền - nhà giáo Nguyễn Thị Thanh, với các cháu, với thân quyến của Nguyễn Xuân Huệ - nhà thơ Nguyên Lâm Huệ.
(Trích điếu văn tại lễ truy điệu nhà thơ Nguyên Lâm Huệ)
T.B.L