Mùa chim làm tổ - Nguyễn Thị Lê Na

31.03.2020

Mùa chim làm tổ - Nguyễn Thị Lê Na

Chiếc xe dằn qua ổ gà khiến Nhiên bừng tỉnh. Có lẽ vì đói và mệt, Nhiên đã thiếp đi chốc lát. Bươn bả mấy ngày nay từ trung tâm thị xã, đất khách quê người, lên thị trấn miền rừng trăm phần lạ lẫm, đã nhàu nhĩ cả thân xác lẫn tâm hồn. Không còn nước mắt để than thân trách phận nữa, nó đã âm thầm chảy hằng đêm từ ngày Duy rời đi. Và nó đã mặc sức tuôn trào từ khi cô ở cái thị xã lạ hoắc với các cuộc gọi cho Duy bất thành...

Bây giờ, sau khi đã tỏ đến nơi, tường đến chỗ, Nhiên không mảy may chút hồ nghi nữa. Chợt thấy hoang lạnh bốn phía, một vùng cây cỏ và đôi ba tảng đá như lưng trâu lặng im, vẳng nghe âm âm thác dội đâu đó. Sau cơn mưa đầu mùa, bãi cỏ chỗ Nhiên ngồi đã xanh mướt trở lại, dịu mát dưới chân.

Lúc trên xe khách đi qua chiếc cầu cao của con sông lên thị trấn miền rừng, Nhiên đã nhác thấy vị trí này. Và khi Duy tắt biệt máy, cô đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, đầu óc cô không rời nó nữa. Có phải là định mệnh không? Lẽ nào đây là nơi tâm thức Nhiên đã chọn để đặt dấu chấm hết của cuộc đời.

 Vì Nhiên có chọn lựa nào khác đâu? Trở về với miền đồi rừng? Trở về với cha ư? Ông, một Trưởng bản ngàn người tin cậy, chúa ghét sự băng hoại của đạo đức xưa nay, có chịu được tin dữ này không? Cô con gái duy nhất ông tự hào, lại bôi tro trát trấu vào mặt cha sao? Rồi cả làng bản, rồi bạn học và thầy cô ở trường, bao năm dành sự yêu mến rất mực cho Nhiên, sẽ thế nào khi biết cô chửa hoang? Lại không đồng xu cắc bạc dính túi, cô làm sao tha cái thân tội lỗi đi được hàng ngàn cây số về lại quê nhà?

Nhiên nhoai người nhìn xuống, một vực nước sâu hút xanh lè, cuồn cuộn xoáy chóng mặt.

 

Ấy nhưng trong lòng Nhiên, cha luôn hiện hữu. Đánh trận trở về, ông mới muộn màng lập gia đình, sinh được mụn con gái chưa kịp lớn thì vợ mất. Ông gà trống nuôi con, dồn hết thảy mọi yêu thương chăm chút cho Nhiên, lòng ngập tràn hy vọng. Cái bản làng Vân Kiều dưới chân ngọn Tăngki này, bên dòng suối đầy cuội trắng, sau chiến tranh hàng chục năm dân mới lần lượt tìm về nương vườn cũ. Phải nhen nhóm lại từ đầu. Rừng không còn, không thể kiếm cái ăn từ rừng nữa. Nhà cũng thôi làm nhà sàn. Bắt đầu khai hoang các vùng đồi, thoạt đầu là khoai sắn, giờ đã bạt ngàn cà phê. Phần lớn các chủ trương ấy đều từ cha Nhiên mà ra, kể cả việc mở trường học... Và cha trở thành Trưởng bản từ bao giờ.

Hết trung học cơ sở, Nhiên cùng vài bạn ra trường huyện tận ngoài thị trấn học tiếp phổ thông. Xa vài ba chục cây số đường rừng, gạo đùm mắm bới, vài ba tuần mới về nhà một lần. Vất vả và tốn kém, số bạn bè trong làng bản dần nghỉ hết. Nhưng cha Nhiên nhất định không để con gái rượu thất học. Thậm chí ông đã mơ tấm bằng đại học của Nhiên, tấm bằng đại học đầu tiên của bản làng này. Cả làng cả bản sẽ ngước mắt nhìn Nhiên, khâm phục, tự hào...

Nhiên nhớ mẹ. Mẹ trong tâm trí Nhiên là một người đàn bà có gương mặt đẹp và buồn. Và đôi mắt. Đôi mắt nhìn Nhiên lúc nào cũng chan chứa thiết tha yêu thương và lo lắng. Có phải trước khi mất, mẹ nhìn Nhiên như thế, là lo lắng chuyện của ngày hôm nay? Cái ngày định mệnh năm ấy, bất lực, hai cha con Nhiên chỉ biết khóc và đứng nhìn mẹ run bần bật khi cơn sốt ập đến, rồi lịm đi...

Lúc đó, Nhiên mới sáu tuổi. Cha Nhiên, người lính đã vuốt mắt bao đồng đội ngoài chiến trường, giờ lại đau đớn vuốt mắt cho người vợ trẻ, mặt ông ràn rụa. Những giọt nước mắt đàn ông ứa ra, lăn qua các nếp nhăn sạm đen. Hai cha con côi cút trên đời. Nhưng lạ thay, Nhiên như một cái cây rừng, lớn lên, phổng phao nhờ nắng gió bỏng rát khắc nghiệt của vùng đồi. Cho đến khi gặp Duy, trái tim thiếu nữ rung lên điệu đàn yêu đương mãnh liệt...

 

Chiều trước ngày quyết định lên đường tìm Duy, Nhiên bí mật về thắp hương trên mộ mẹ. Nhiên thủ thỉ cùng ngôi mộ, thì thầm những điều sâu kín chỉ của con gái với mẹ.

Từ nghĩa địa bước ra, Nhiên chạm ngay Hồ Ruôn đứng xớ rớ ở lùm cây. “Lại là cậu? Nãy giờ cậu ở đâu, sao biết tôi đến đây?”. Hồ Ruôn mặt buồn thiu, nói líu ríu: “Miềng sợ Nhiên một mình nơi nghĩa địa lắm ma, nên đi theo”. “Tôi không khiến, có cậu, chỉ thêm rối”. Hồ Ruôn cúi mặt bước đi, hình như cậu ấy đang khóc. Có lẽ oan ức vì bị Nhiên mắng mỏ, hủi hắt. Nhiên cứ té tát, xua đuổi cậu ta như đuổi tà. Nhiên nhìn cái mặt sượng sùng và ngây ngô của Hồ Ruôn. Hồ Ruôn cúi mặt bỏ đi, không trả lời. Cái cúi mặt cung cúc bỏ đi, hẳn đau khổ vì không nói nên lời. Đêm đó, trăng mới lên cây sào, không đủ sáng soi khuôn mặt khắc khổ của cậu.

Không hiểu sao, sau người cha không biết bỏ đâu cho hết thương nhớ, Nhiên lại nghĩ đến Hồ Ruôn thế không biết. Nhà cậu ấy đông anh em lại quá nghèo, học bữa đực bữa cái, gắng gổ cho hết cấp trung học cơ sở, rồi ở nhà làm nương. Suốt thời trẻ nhỏ sang tuổi dậy thì, Nhiên luôn vững tâm khi có Hồ Ruôn bên cạnh. Cậu lầm lì ít nói, luôn nhường nhịn và bảo vệ Nhiên, dù những đứa khác có ngổ ngáo, cũng không dám động đến cái lông chân của Nhiên. Có phải trời sinh ra Hồ Ruôn, là để bảo vệ Nhiên, con gái cành vàng lá ngọc của Trưởng bản? Nhiên khẽ mỉm cười một mình...

Từ ngày ra phố thị trọ học, Nhiên như rơi vào một thế giới khác, mới lạ và cuốn hút. Bạn bè bốn phương đều nói tiếng phổ thông, dễ hiểu dễ lọt tai, thậm chí một số thầy cô nói giọng Bắc mê lịm, khiến cho cái giọng Vân Kiều làng bản thấy quê cục quá. Rồi ngày gặp Duy, nhân viên thu mua cà phê hạt, đẹp trai lịch lãm thư sinh, giọng nói cũng ngọt ngào, dễ nghe làm sao.

Hôm Duy hẹn sẽ vào chơi, uống rượu với cha Nhiên. Có lẽ Hồ Ruôn biết Nhiên có tình cảm với Duy, đang thắc thỏm vào ra đợi Duy? Mà sao Duy lại đến đúng cái đêm cha Nhiên dự hội nghị Già làng Trưởng bản toàn huyện hai ngày ngoài thị trấn thế không biết?

Trăng bắt đầu sáng góc sân, Hồ Ruôn lại đến. Nhiên đang bồn chồn trước ngõ, thì vặc luôn: “Sao cậu cứ ám riết lấy tôi mãi thế? Kiếp trước tôi mắc nợ gì cậu?”. Hồ Ruôn lại gãi tai, cái mặt nghệt ra, vốn đã đen giờ hệt mặt pho tượng gỗ. “Tôi muốn... bảo vệ Nhiên!”.“Không cần! Tôi lớn rồi, tôi cóc cần cậu bảo vệ...”. Hồ Ruôn vẫn đứng đó, cúi mặt lì lợm. Bóng hàng cây vườn bên hắt sang con đường, che đôi tay cậu xoắn vặn khổ sở trong bóng tối. “Tôi không cần!”. Nhiên hét lên lần nữa, quay mặt không nhìn Hồ Ruôn, không thấy vẻ thiểu não của cậu ấy lủi thủi đi...

Khoảng nửa tiếng sau thì Duy đến, tiếng giày gõ nhẹ lên mặt đường sỏi, khiến trái tim Nhiên muốn vỡ tung trong ngực. Không kìm được mong nhớ, Nhiên lao ra cầm tay, khi Duy đã đứng sững giữa sân. Duy đúng là bậc nam nhi có học, anh ta không vồ vập, nhẹ gỡ tay Nhiên bước vào nhà. “Cha em đi họp ngoài thị trấn hai ngày, tối nay không về!”.

Ngay cả câu nói như ngầm thông báo của Nhiên, cũng không làm anh ta xúc động mừng vui trên nét mặt. Ngược lại, giọng anh buồn buồn. “Vậy à? Buồn quá, lấy ai uống rượu cùng bây chừ?”. Duy nói và một tay trải chiếu, tay kia đặt gói đồ nhấm cùng chai rượu trắng xuống sân trăng. Trong nhà này, Duy thạo mọi chỗ, từ nhà bếp nhà tắm, đến con rựa cây liềm, cả chiếc chiếu chuyên trải ngồi ăn cơm. “Thôi đành vậy! - Duy chậc lưỡi - Bác đi vắng, thì em uống với anh nhé!”. Nhiên ngồi xuống phía đối diện. Duy rót ra hai ly đầy, đưa cho Nhiên một ly.

Duy nâng ly rượu, nói khiêm nhường: “Ly thứ nhất, mừng sức khỏe Trưởng bản! Em đừng uống, chỉ nhấp môi, để anh uống thay!”. Duy uống liền hai ly, khà khà... Mùi rượu nồng tỏa thơm phảng phất. “Ly thứ hai, là mừng gia đình mình có vụ cà phê trúng đậm. Em đừng uống, chỉ chạm môi, để anh uống thay bác! Ly này, là mừng em sắp xong lớp 12 rồi, cổng trường đại học rộng mở chờ đón em. Em nhấp được bao nhiêu thì tùy, còn để anh! Còn ly này, là uống vì sắc đẹp của em, một sắc đẹp trời ban cho làng...”. Duy chưa nói hết câu, Nhiên đã dốc cạn. Trời ơi, sao có người đàn ông con trai lịch lãm đến thế, hiểu tâm lý đàn bà con gái đến thế?

Sao Nhiên chậc lưỡi, để cho sự việc xảy ra? Vì Duy đã khéo léo đánh chiếm trái tim cô? Hay vì cô cậy vào sự tin cậy của cha đối với Duy? Bắt đầu từ khi nào, khiến Duy thành như người trong nhà cha con Nhiên? Có lẽ bắt đầu từ bức ảnh lồng trong khung kính cùng với Huân chương chiến công, treo ở đỉnh cột phòng khách. Duy đã săm soi một lúc, rồi khẽ nói: “Thưa bác, nhà cháu cũng có bức ảnh thế này”. “Hả? Vậy cháu với thủ trưởng Đinh Tư là...”. “Dạ, cháu là Đinh Duy, con trai của bố Đinh Tư...”. “Trời đất!”. Cha của Nhiên lao đến, ôm ghì Đinh Duy, như ôm người đồng đội chí cốt. Nước mắt ông trào ra, bùi ngùi nhớ lúc ôm xác người thủ trưởng hy sinh vì trúng mảnh đạn cối của địch năm ấy. Bức ảnh hai người khoác vai nhau, trước ngày mặt trận mở chiến dịch phản kích, đẩy lùi kẻ địch. Mỗi người giữ một ảnh. Cha của Nhiên nhìn Duy từ đầu đến chân như ước lượng, rồi nắm hai vai anh ta lay lắc, cuối cùng ông nghẹn ngào thốt lên: “Con trai!”.

Mặc nhiên, tình cảm chân thành ấm áp của cha, thậm chí coi Duy như con trai, đã vô tình truyền sang Nhiên. Và nữa, bản thân Duy hình như cũng ý thức được tình cảm sâu sắc bất ngờ này, nên đã đối xử hệt người con trai thực sự của cha Nhiên.

Rẫy cà phê của nhà Nhiên bắt đầu ra hoa trắng xóa, thì trời làm mặt giận, không cho hạt mưa nào. Duy bàn với cha Nhiên đào khơi sâu thêm đáy giếng, lắp thêm máy khoan ở các giếng cạn. Nhiên tranh thủ về nhà, ra thăm rẫy, thì bất ngờ gặp cảnh tượng lạ lùng. Như người ngoài hành tinh. Một hình người bùn đất ba zan nhão bết phủ từ đầu đến chân, đang cúi người tời một hình người khác từ đáy giếng lên, cũng bùn đỏ bết dày từ chân đến đầu. Cả hai thân thể bùn hao hao chiều cao và cân nặng, cười phô hai hàm răng trắng, họ nhìn Nhiên, bằng hai con mắt đen nhấp nháy. Nhưng khi Nhiên dùng vòi nước phun vào người, thì hai anh chàng quen biết hiện ra khác nhau. Một Duy trắng trẻo cân đối ưa nhìn. Và một Hồ Ruôn như súc gỗ lim, chắc nịch, gương mặt như đẽo. Hồ Ruôn chỉ hơn Duy đôi mắt, to đen, sâu ngời ánh lân tinh. Con gái mà có được đôi mắt Hồ Ruôn, thì cánh con trai khó mà bước chân.

Vài hôm sau, hệ thống phun nước tưới cho rẫy cà phê nhà Nhiên hoàn thành. Cha Nhiên cười giãn nở khuôn mặt sạm đen, nói: “Công của thằng Duy và thằng Hồ Ruôn cả đó, cha già rồi, chỉ nấu nước phục vụ hai đứa nó thôi”. Sự cả tin của Nhiên về sau, có phải bắt nguồn cả từ những chuyện này?

Giờ nghĩ lại, sao Hồ Ruôn không quay lại, để kịp ngăn Nhiên uống rượu? Mà Duy lúc đó cũng lịch sự nói, em chỉ nhấp môi thôi, để anh uống. Nhiên uống cạn một hơi, trong người chẳng thấy sao cả. Thậm chí, ít giây sau, cô không nghe Duy nói gì, chỉ thấy trong người réo rắt. Mọi thứ đẹp diệu kỳ, chung chiêng như cánh chim chao mình trên thảo nguyên đầy hoa cỏ, sà cánh lướt trên những mái đồi nở trắng hoa cà phê. Trăng rười rượi, rập rờn như thần tiên chốn địa đàng.

Hóa ra, với đàn bà con gái, rượu uống dốc thẳng một hơi, thì quá nhẹ nhàng. Nếu uống từng ngụm, sẽ không thể nuốt được. Đêm đó, Nhiên dốc bao nhiêu ly? Không biết. Chỉ thấy tất cả bồng bềnh, bồng bềnh một nhịp điệu dịu êm. Bồng bềnh con thuyền Nhiên ngồi tựa mạn. Bồng bềnh mái tóc Nhiên buông xõa. Bồng bềnh khu vườn nhà xanh cây ăn trái. Bồng bềnh hai cánh tay đàn ông chắc nịch của Duy. Bồng bềnh chiếc giường ngủ con gái màu phớt hồng quen thuộc...

Kỳ nghỉ hè cuối năm lớp 11 của Nhiên có một đêm trăng ma quỷ như thế. Và Nhiên đã sống say mê trong những ngày hè ma quỷ không biết mệt. Cho đến khi vào học lớp 12, cô mới nhận ra hệ lụy của nó.

Bóng nắng cuối ngày yếu ớt vắt qua ngọn núi, chiếu xuống mặt sông loang loáng. Mùa này, nước sông hiền hòa, trong vắt, soi rõ những hòn cuội dưới đáy. Nhiên tựa đầu vài vai Duy. Cảm nhận sự ấm áp lan tỏa từ hơi thở, từ vòng tay Duy đang ôm choàng qua vai mình, thấy mọi thứ xung quanh gì cũng đẹp.

Từ làn gió thoảng, ngọn cỏ rong rêu, ráng chiều đỏ ối, thứ gì cũng gần gũi, thân thương, khi nghe Duy thủ thỉ: “Anh về, sắp xếp mọi thứ, rồi cùng mẹ vào bàn chuyện cưới xin luôn…”. Nhiên cầm tay Duy đặt lên bụng mình: “Em bé, chắc cũng được bốn tuần rồi anh ạ!”. Duy bảo cả đi lẫn về, chỉ một tuần thôi. Cũng phải tổ chức cưới nhanh, kẻo cái thai ngày một lớn, bụng Nhiên to mặc váy cưới sẽ không đẹp.

Duy đi. Rồi bặt vô âm tín. Nhiên rơi vào hoảng loạn. Sực tỉnh lại, cô buộc chặt bụng mình, không để cho dân làng biết chuyện. Không để cho cha hay. Cả Hồ Ruôn, người bạn lẽo đẽo theo chân Nhiên từ nhỏ, không rời cô nửa bước.

Một ngày, Nhiên đi thăm rẫy. Nắng gay gắt, ngột ngạt xuyên qua mấy tầng lá, Nhiên nhìn đồng hồ, chưa đến mười giờ trưa, vậy mà cảm giác mệt mỏi như từ đâu ập tới khiến Nhiên ớn lạnh, nhạt miệng, cổ họng cứ dợn lên, chân tay thừa thải, như rớt ra mỗi nơi một thứ. Nhiên thu dọn mấy bao đựng hạt cà phê, gom lại một chỗ rồi ngồi nghỉ. Cô uống một ngụm nước rồi mở phần cơm đã chuẩn bị từ sáng. Vừa mở cái cặp lồng ra, mùi cơm, mùi thức ăn xộc lên mũi, Nhiên bịt miệng, nhưng không kìm được, nôn thốc nôn tháo, ruột gan như cuốn cả vào nhau, lộn cả ra ngoài.

Đúng lúc ấy, Hồ Ruôn đến, vẫn như mọi khi, lặng lẽ rót cho cô ly nước, lấy cho cô cái khăn... Có phải mấy lần Hồ Ruôn nói sợ, là sợ Nhiên vấp phải chuyện này không, hả Hồ Ruôn?

Từ nơi trọ học ngoài thị trấn, Nhiên nhảy lên xe tuyến. Trong tay ít ỏi số tiền học bổng mới nhận, và khư khư mảnh giấy ghi địa chỉ của Duy, cô nhớ được khi anh ta nói chuyện với cha. Chỗ bấu víu duy nhất của Nhiên, là cái mảnh giấy này. Đôi khi cô cũng giật mình, thon thót lo, liệu cái địa chỉ này có phải dấu khắc trên mạn thuyền?

May mắn, anh công an nơi thị trấn miền rừng ấy, đã đưa Nhiên đến trước cửa nhà Duy. Của đáng tội, lúc đó Nhiên đã ngất xỉu bên lề đường, sau hành trình gần ngàn cây số. Tiền đã hết từ hôm đến thị xã tỉnh lỵ, chỉ còn đủ mua vé xe đi thị trấn nhỏ này. Nhiên nhịn đói từ chiều hôm trước. Anh ta mua cho cô hộp sữa tươi, nghe cô bình tĩnh nói đôi nét về chuyến đi. Cuối cùng, Nhiên chìa cho anh ta mảnh giấy, điểm cần đến và người cần tìm. Khi nghe Nhiên nhắc tới, anh ta hỏi lại: “Có chắc chắn người này không?”. Nhiên gật. Anh ta quay mặt đi, giấu vẻ ái ngại. Nhưng Nhiên không để tâm, lòng cứ nóng bời bời, muốn gặp Duy cho bõ thương bõ nhớ, cho ra môn ra khoai...

Lạ thế, vẫn biết Duy tắt máy, cố ý không liên lạc, tức là có thể anh ta đã quất ngựa truy phong, chạy trốn Nhiên, chạy trốn cái thai. Nhưng Nhiên vẫn mong mơ hồ cái máy điện thoại anh bị hỏng, bị rơi xuống nước, hay anh bị tai nạn nằm viện ở đâu đó... Nhiên chỉ cần gặp anh một lần... Thế mà anh công an bắt Nhiên đứng chờ ngoài ngõ, nơi có hàng ô rô che khuất. Ngôi nhà cấp bốn tường gạch cũ kỹ, mái xỉn mốc xệ xạc. Nhiên thắc thỏm, vì chợt nhớ, có lần Duy hăng hái nói, sẽ có ngày chúng ta mở công ty riêng, chuyên thu mua chế biến đóng gói cà phê bột. Em hãy học chuyên ngành thực phẩm, chuyên sâu về chế biến các mặt hàng từ cà phê... Nhiên đã ngất ngây với người yêu chí lớn tài trai trên thương trường.

Qua kẽ lá, Nhiên thấy một người đàn bà bế bụng bầu ra chào anh công an, đứa bé chừng năm tuổi bám một bên váy mẹ. Mươi phút sau, anh ta đi ra, vẫy tay bảo Nhiên đi theo. Có lẽ nhầm nhà, Nhiên nghĩ thế. Nhưng đến một bóng cây bên đường phố, anh ta mở điện thoại, ghé sát mặt Nhiên, hỏi gấp: “Có phải người cô tìm đây không?”.Trên màn hình, những bức ảnh Duy hiện ra, bức ảnh anh công an đã kịp chụp tấm ảnh cưới của vợ chồng Duy. Mắt Nhiên hốt sáng rực, rồi tối sầm. Đúng Duy rồi!

Ngực đau thắt. Nhiên chưa kịp mở lời, anh công an đã nói: “Cô không gặp may rồi, anh ta đang đi thu mua cà phê, cả tháng nay không về...”. “Không! Không phải anh ta!”. Nhiên bỗng quả quyết nói. Vẻ mặt tỉnh bơ. Phũ quyết. Đến lượt anh công an chưng hửng: “Đúng địa chỉ cô đưa lúc nãy mà!”. “Chắc tôi ghi nhầm địa chỉ rồi!”, Nhiên nói. “Cảm ơn anh rất nhiều!”. Nhiên bỗng mạnh mẽ, bước dứt khoát theo con đường ngược lại, đến chỗ bến xe.

Phòng đợi còn vắng người, Nhiên thả người xuống ghế, ôm mặt bật khóc hu hu. Nước mắt như mưa như gió. Cô không ngờ, điểm đến cuối cùng cuộc hành trình gần ngàn cây số, cho cô một ngõ cụt, một dấu chấm hết. Không, là một vực sâu nước xiết xoáy xanh lè, cuồn cuộn thăm thẳm

Khi xe qua chiếc cầu cao, mắt Nhiên sáng lên bởi hoang cỏ cuối chiều, cạnh bờ sông có thác đá như chờ đợi. Cô ra hiệu xin xuống. Chiếc xe phanh gấp, cửa mở, Nhiên lao ra như ngọn gió. Không ngoái lại, cô đi nhanh về cái đích cuối cùng của đời mình. Bãi cỏ non sau mưa đón cô êm mượt. Dòng sông đón cô bản nhạc rầm rào. Những lùm cây lúp xúp bốn bên đón cô như một vòng vây che đỡ, và mấy hòn đá lưng trâu thản nhiên sát bờ sông...

Nhiên lại nhoai người, ước lượng số bước chân trên bãi cỏ. Cô không dám đứng thẳng người lên, vì vực sâu nước xanh lè ma quái khủng khiếp. Phải chạy năm bước. Bước cuối cùng sẽ hụt chân, và rơi như hòn đá xuống vực xoáy. Nhiên rùng mình, khi mường tượng cơ thể rơi xuống cái mồm toàn răng đá lởm chởm, đang há ra chực nuốt của con quái vật, phun trào nước xanh cuộn xiết ấy. Không thể được, nếu nhìn thấy vực sâu, chắc cô sẽ chết giấc trước khi đặt bước nhảy cuối cùng.

Cũng phải quyết thôi, nhưng cách nào? Bịt mắt lại. Coi như không thấy gì, không biết gì. Tòm một cái là xong! Cô bỏ chiếc điện thoại cùng linh tinh đồ con gái vào cái túi nhỏ, đặt ở phía sau lưng, chút đồ kỷ niệm của người đi xa để lại trên cõi dương gian này. Nhiên lôi ra chiếc khăn mùi soa, vén mớ tóc dày hai mai, và buộc chặt sau ót. Bóng tối đen đặc. Không lưu luyến nữa...

Nhiên bặm môi, miệng nhẩm, một hai, ba... Nhưng...

Cơn đau nhói ở bụng dưới khiến Nhiên khuỵu xuống.

Lần đầu tiên đứa bé biết đạp, và cú đạp yếu ớt ấy khiến Nhiên tỉnh giấc, như nó thức tỉnh Nhiên. Thức tỉnh cả tình mẫu tử, mà bấy lâu Nhiên còn mơ hồ. Nhiên đưa tay ôm lấy bụng mình, thấy gồ lên một bên. Nhiên cảm nhận được vùng bụng đang méo đi, chuyển động. Là con trai hay con gái? Lẽ nào, cái hình hài nhỏ bé đã cảm nhận được ý nghĩ dại dột của mẹ nó, và đã bất bình, bằng hành động nhắc nhở... Con ơi! Mẹ là người không ra gì. Đã đưa cả hai mẹ con ta đến ngõ cụt này...

Lại một cơn đau khác, tức nhói vùng ngực.

Nhiên không đứng lên được. Ừ! Là mẹ không tốt. Mẹ đã mãi lo lắng, và quên đi cảm xúc của con. Mẹ không có quyền... Mẹ xin lỗi... Nhiên gục xuống, thổn thức, úp mặt trong hai bàn tay. Những hình dung chơi vơi khủng khiếp khi chân rời khỏi mặt đất, đã không diễn ra, lại rơi nhẹ tênh vào một gì đó. Không phải đá. Không phải nước. Không hun hút độ sâu. Từa tựa một vòng tay. Mạnh mẽ và êm dịu. Có chút va chạm nhẹ, vì hốt hoảng, gấp gáp. Lập tức, cái vòng tay ấy nâng bổng người Nhiên, đi lùi về phía sau, tránh xa bờ sông ma vương quỷ ám...

Là cái gì? Là ai? Mãi sau, Nhiên mới rút được một cánh tay mình, giật chiếc khăn mùi soa bịt mắt. Sững người...

“Là cậu, Hồ Ruôn?”. Nhiên nói trong cơn thở gấp. Ngỡ ngàng. Không biết vui hay buồn... Mặc những giọt mồ hôi chảy thành dòng hai bên thái dương, Hồ Ruôn nhìn thẳng vào Nhiên, ánh mắt hàm trách móc: “Không ngờ, Nhiên ngốc đến thế!”. “Sao cậu lại ở đây?”. “Miềng theo Nhiên mấy ngày nay. Hôm trước, từ thị trấn nơi Nhiên trọ học, miềng nhảy lên chuyến xe ngay sau đó, đuổi theo Nhiên. Lúc Nhiên được anh công an chăm sóc, miềng đã đến nhà Duy... Miềng biết, tính Nhiên bướng lắm, khó nghe lời mình. Nên phải âm thầm...”. “Sao cậu biết tôi đi tìm...?”. “Miềng nghe... Nhiên khóc trước mộ mẹ, nên biết...”. “Ai khiến cậu! Cậu biết thì làm được gì!”. Nhiên nói, và vùng vằng, cố đẩy Hồ Ruôn để ra khỏi vòng tay đang ôm chặt người cô. Dường như cô căm ghét anh chàng phá bĩnh công việc mình. Hồ Ruôn vẫn giữ chặt Nhiên trong vòng tay, từ tốn: “Về đi Nhiên, về với bản làng, với cha...”. Nhiên buông thõng hai tay, nhìn xuống cái bụng đã nhô lên dưới làn áo, nước mắt lưng tròng. Miệng liên tiếp lặp lại: “Cậu biết thì làm được gì chứ!”. “Miềng làm được tất cả, Nhiên ạ, cả việc làm bố thằng bé trong bụng Nhiên...”. “Cậu nói gì?”. Nhiên há miệng, trố mắt nhìn cậu bạn bao năm hiền lụt lịt như cục đất miền đồi. Rồi cúi gằm mặt: “Miềng xin lỗi... Miềng... không xứng đáng!”. Không để Nhiên kịp phản ứng, Hồ Ruôn nói chắc chắn: “Còn một học kỳ hai nữa thôi, Nhiên sẽ sinh con vào kỳ nghỉ hè tới. Rồi miềng sẽ chăm nuôi đứa bé, cho Nhiên đi học tiếp đại học...”. “Không được! Việc gì Hồ Ruôn phải chịu thiệt thòi chứ...?”. Nhiên nói, vẻ dứt khoát. Nhưng không hiểu sao, cô vẫn để cho Hồ Ruôn ôm mình trong vòng tay...

Trên trời cao, từng đôi chim đang rủ nhau bay về tổ.

N.T.L.N