Một đoạn đời nữ sĩ Tương Phố - Trần Công Chung

31.03.2020

Một đoạn đời nữ sĩ Tương Phố - Trần Công Chung

Thông thường các tác phẩm văn học luôn gắn liền theo thời gian và không gian, cùng đời sống tình cảm mà tác giả trải nghiệm. Trường hợp nữ sĩ Tương Phố, ít thấy thông tin đề cập giai đoạn khi bà vào Nam sinh sống tại Nha Trang, chỉ thấy nói chủ yếu tại Đà Lạt.

Là một trong những nữ sĩ có tiếng thời tiền chiến cùng Vân Đài, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Hằng Phương, Ngân Giang, Nguyễn Thị Manh Manh... nữ sĩ Tương Phố nổi tiếng với bài văn xuôi xen những câu thơ "Giọt lệ thu" được đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1928. Sau đó bà tập hợp cùng nhiều bài thơ khác in thành tập thơ cùng tên, xuất bản tại Hà Nội năm 1952.

Trong tác phẩm “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của hai tác giả Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng xuất bản năm 1967, quyển Thượng có nói về nữ sĩ Tương Phố: “...Giọng thơ của bà nghe thật thê thảm nó là tiếng nấc nghẹn ngào những giọt lệ đầy vơi của một người vợ khóc chồng, những tiếng thở than của kẻ ở người đi, một người đi vào cõi chết, tiếng nói của một tâm hồn khổ đau vì tình yêu tan vỡ, tiếng lòng của một đôi vợ chồng trẻ phải vĩnh viễn xa nhau. Chính vì những lẽ đó mà người ta thich đọc thơ của bà để hiểu thế nào là sự cùng tột của đau thương, thế nào là niềm xót xa của một cõi lòng đang thổn thức. Hầu hết tác phẩm của bà cũng chỉ nói đến tình cảnh của mình, và chính mình là vai chính trong câu chuyện...”

Tương Phố sinh năm 1900 (ghi theo trên nhà bia mộ) tại đồn Đầm, tỉnh Bắc Giang, nhưng nguyên quán ở xã Bối Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Bà lên Hà Nội học trường Nữ hộ sinh sau bỏ, qua học trường Nữ Sư phạm rồi lập gia đình với một y sĩ (1915). Thời gian một năm sau đó chồng bà qua Pháp công tác rồi bị bệnh, năm 1919 về nước rồi mất tại Huế, lúc bấy giờ bà mới 20 tuổi, đang học ở trường Nữ Sư phạm Hà Nội. Năm 1925 bà tái giá với ông Tuần phủ ở Phúc Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo một số tài liệu, sau 1945 bà vào Nam cùng con trai, thế nhưng một lần tôi được nghe anh Quách Giao (con trai nhà thơ Quách Tấn) thuật lại, bà đến Nha Trang 1954, trước đó đến đâu anh không rõ. Sau bà sống một mình tại một căn nhà nhỏ tại đường Trịnh Phong, thành phố Nha Trang, sinh hoạt văn nghệ cùng bạn bè cho đến năm 1969.

Anh Quách Giao nhớ lại lần đầu bà Tương Phố làm quen với nhà thơ Quách Tấn: “...Một buổi chiều của năm 1956 khi anh đứng ngoài sân, còn ba anh đang lúi húi chăm sóc cây mận trước sân nhà (số 12 đường Bến Chợ bây giờ), có một phụ nữ mặc áo dài trên đường ra chợ đứng trước sân ngó tới ngó lui vào nhà và hỏi chính người chủ nhà! Sau đó ba anh mời vào nhà và họ hỏi thăm nhau, từ đó cho đến 1969 hai người trở thành đôi bạn văn thơ tâm giao. Sau này còn có thêm nhà văn Võ Hồng cũng là bạn thân thiết văn nghệ của bà Tương Phố”.

Một lần chị Ái Duy, là hậu thế sau này viết văn tại Nha Trang, cho biết đã từng thấy nhà văn Võ Hồng cho chị xem thơ ông làm tặng nữ sĩ Tương Phố.

Trong khoảng thời gian 1954-1969 tại Nha Trang, tập thơ “Mưa gió sông Tương” ra đời lần đầu, xuất bản năm 1960 (*). Cho đến năm 1969, khi tuổi đã cao, hay do yêu cầu gia đình con trai, bà rời Nha Trang lên sống ở Đà Lạt những năm cuối đời và mất vào năm 1973. Mộ bà trên một đồi thông bên đường Mimosa, thuộc dãy Langbiang. Sau này người đời yêu mến gọi là đồi Tương Sơn.

T.C.C