Thiếu nữ lâu năm - Chế Diễm Trâm

03.07.2015

Thiếu nữ lâu năm - Chế Diễm Trâm

Cô Hiên với cha tôi cùng chung ông nội. Ông nội của cha và cô, tôi gọi là ông cố. Có vẻ họ hàng hơi xa, cô lại sinh ở Bắc vì “ông nội nhỏ” - cha của cô Hiên - đi tập kết, còn “ông nội lớn” sinh cha tôi tại quê. Hai anh em nhận lại nhau nhân một lần giỗ họ. Vậy mà không hiểu sao, gặp cô Hiên là tôi bám luôn, bám hơn đỉa, bôi vôi cũng không rời.

Có lần tôi hỏi cô sao ông không đặt tên cô là Hiền có phải hay hơn không? Cô Hiên cười: “Mày không biết hoa hiên hả, đẹp và quý lắm đấy nhé, có thể trồng dọc lối đi làm cảnh và làm thức ăn giải nhiệt đấy!”. Thấy tôi tròn mắt, cô Hiên bẹo má tôi: “Hoa kim châm đấy, biết chưa?”. À, thì ra người ta hái hoa hiên trước khi kịp nở, rồi phơi khô làm kim châm. Me vẫn hay sai tôi ra hàng khô mua kim châm về nấu món chay rất ngon. À, thì ra đó là lý do cô Hiên rất thích màu vàng: xe Attila vàng, đầm vàng, giày vàng, bóp vàng, cái cài tóc cũng vàng. Thành ra, cô Hiên đã U60 rồi mà vẫn “nhí nhảnh” lắm. Me tôi mỗi lần nhìn thấy cô Hiên là thở dài nhẹ nhẹ: “Thiếu nữ lâu năm!”

Tôi chịu ảnh hưởng tính cách và lối giáo dục của me tôi từ nhỏ. Tính me ít nói, me thuộc tuýp người sống im lặng và điềm tĩnh. Me gốc Huế, ông ngoại là ông giáo, bà ngoại quanh quẩn nội trợ quán xuyến trong nhà ngoài ngõ nên nhất cử nhất động của con cái, ông bà đều chỉ bảo, uốn nắn đến điều. Me là gái Huế, Huế mộng Huế mơ, cái tủ quần áo me nhuận một màu tím Huế, đủ cấp độ từ tím hồng, tím hoa cà, hoa bằng lăng, hoa sim, đến tím xôi lá cẩm, tím xanh, tím than…

Tôi phục sức không chút cầu kỳ cho đến khi cô Hiên thường xuyên lui tới nhận anh em cô cháu. Trước, me mua cho gì, tôi mặc nấy. Đi học: áo dài trắng, sơ mi trắng; đi học thêm, đi chơi: áo pull trắng. Đôi ba lần, me chọn cho màu hồng, hồng nhàn nhạt hoặc vàng, vàng đất xin xỉn. Có lần thấy tôi mặc cái áo mới nâu nâu, cha trêu:

- Con gái hôm nay được me cho mặc màu du ca hí?

Me nhướng mắt nhìn cha rồi từ tốn:

- Con mình có chơi bời lêu lổng mô mà màu du ca, anh?

Chỉ khi cha cười sặc cơm vô mâm me mới hiểu cha nói lái, bậy hết sức. Me nhíu mày, lúc nào bực, me cũng đến nhíu mày là thôi. Vậy mà cha ngán cái nhíu mày của me ghê lắm. Cha là dân hay cãi vậy mà im re trước cái nhíu mày nhẹ

như một nếp nhăn của me. Tôi hiểu cái màu áo vậy đã được phê duyệt, cứ thế mà chấp hành.

Cha tôi người Quảng. Ông bà nội nghèo nhưng quyết chí lo cho con ăn học cho đời con bớt khổ. Một trong những ông thầy dạy cha tôi là ông ngoại. Mỗi năm xuân hạ nhị kỳ, trước khi về quê ăn Tết, nghỉ hè, cha lại đến nhà chào thầy. Người mở cổng cho anh học trò nghèo, người rót nước mời anh học trò nghèo không ai khác chính là me. Cha me liếc trộm nhau đâu mấy lần, vậy mà thành. Ông ngoại thương anh trò nghèo mà hiền, có chí, gả con gái cho, như người ta chọn mặt gửi vàng.

Cha tôi là công chức nên thuyên chuyển miên man nay đây mai đó khắp dải duyên hải gió cát. Chỉ đến khi cha đau khớp nặng, cả nhà mới “dừng bước giang hồ” ở đất Nha Trang quanh năm nắng ấm. Cha tôi hay nói nhà mình là điển hình cho sự dung hợp văn hóa vùng miền. Cha Quảng Nam, me Huế, chị Hai được ra đời bên dòng sông Trà đặc sện cá bống quanh chân núi Ấn , tôi Nha Trang rặt. Từ khi có cô Hiên lui tới, nhà tôi có thêm giọng Bắc ngọt lịm người.

Lối sống, lối ăn uống chị em tôi chịu ảnh hưởng me nhiều lắm. Chị Hai tôi đi lấy chồng rồi qua Úc, ngày nào gọi điện về cũng thèm món me nấu điên người. Me mà kho cá bống thì miễn chê, cái tộ cá kho không khác chi một bức tranh lập thể với tông nâu tựa màu mật ong óng ả điểm mấy nhát ớt sừng đo đỏ bóng lên như có ánh sáng chiếu rọi. Con cá cong lên một cách kiêu kỳ giữa mấy hạt tiêu đen, lá hành xanh điểm nhịp cho làn nước mắm đường phèn sệt sệt. Buổi xê xế, chén cơm nguội với cá bống thệ kho khô của me là hạnh phúc bất tận của tuổi thơ chị em tôi.

Cô Hiên tôi sinh ở Bắc, quen lối sống phong lưu của vùng đất nổi tiếng bờ xôi ruộng mật. Rồi thêm cái máu Quảng Nam đầy khí chất của dòng họ vẫn rần rật trong huyết quản nên cô tranh biện mạnh bạo, thẳng thắn ghê lắm. Hai chất ấy cộng lại, cô tuy nể me tôi lắm vẫn không ngại phê bình me không cho tôi được tự do ăn mặc, nói năng, lúc nào cũng như già háp. Những buổi trưa tôi ở lại công ty, cô Hiên chạy đến dẫn tôi đi “xóa mù” về thời trang, mỹ phẩm, giải trí… Thời gian đầu, tôi giấu me, để hết phụ tùng phụ kiện ở công ty. Rồi dần dà, tôi đem về nhà, cất trong hộc tủ, trong bóp. Rồi một ngày nọ, tôi rụt rè mặc váy công sở, từ nhà. Mấy tháng sau, tôi uốn cái đuôi tóc cong cong. Khoảng đôi, ba tuần sau, tôi tô son môi. Rồi tôi mặc cái đầm hoa khi hai cô cháu đi cà phê chủ nhật…

Me tuy không đồng ý cô Hiên “làm hư” tôi nhưng me cũng không quyết liệt cấm cản, chỉ những khi mình me với tôi, tôi mới được nghe những bài học về công dung ngôn hạnh. Nhưng rõ ràng là me tôi không thích cô Hiên, những khi cha và cô ngồi nói chuyện với nhau, me cũng có mặt nhưng ít khi góp chuyện, thường me tìm cớ đứng lên, lúc châm trà, lúc gọt trái cây bận rộn.

 Cô Hiên hình như hiểu trái tim me tôi lắm nhưng cô rất tỉnh. Cô nói cô mê cái không khí bàn ăn trang trọng của nhà tôi quá, cô nói cô say các món kho của me nên không tới nhà tôi chừng ba bữa là cô phát ốm. Me nghe vậy rất cảm động nhưng me vẫn giữ nguyên thái độ điềm đạm, có phần lịch sự thái quá như không có gì có thể xê xích được.

Cha tôi vui hẳn từ khi có cô em họ thường xuyên lui tới. Những bữa cơm có cô Hiên, nhất định cha phải làm cút rượu cho hừng lên, hai anh em cãi nhau cho vui, đúng chất Quảng hay cãi, cha nói thế. Nhất là cha thấy con gái cha thay đổi theo “chiều hướng tích cực” nhờ có cô Hiên. Mỗi khi cô Hiên đến lôi tôi đi mua sắm, cha là đồng minh qua cái nháy mắt ngầm với tôi, khích lệ tôi biến nhanh đi trước khi me đổi ý. Tôi thì khỏi nói, tôi mê cô Hiên lắm lắm, đặc biệt là khi bạn bè khen tôi mày xinh ra đó, mày sành điệu rồi đó.

Gia đình tôi đang yên ả thì sóng gió ập đến. Cha tôi ra đi đột ngột sau cú đột quỵ do tai biến mạch máu não. Me tôi thành một người khác hẳn. Me ngơ ngác, me thất thần, me ngơ ngẩn. Me không khóc một tiếng. Cô Hiên nói như me mi mới dễ sợ chứ khóc ầm ào lại không can chi. Chị Hai và anh rể chưa kịp về nước, tôi phải là trụ cột. Nhưng với một đứa con gái quen sống trong vòng tay bảo bọc ấm êm của cha me như tôi, tôi nào biết phải làm sao. Cô Hiên lo tất tần tật. Cô họp bà con trong họ, cắt đặt mọi sự, từ tìm dịch vụ mai táng, mời thầy tụng kinh, mua một chỗ nằm cho cha, đến sửa cơm cúng ngày ba bữa, chợ búa cơm nước cho người trong họ vượt hàng trăm cây số về để tang cha… Cô bảo sao tôi làm răm rắp như vậy, vuốt mắt cho cha, lau tắm báo hiếu cha một lần sau chót, quỳ xuống đứng lên, đội cơm dâng nước, nói lời cảm ơn người đến phúng viếng… Không có cô Hiên, chắc tôi sụm luôn những ngày ấy.

Thất thứ ba của cha hôm trước, hôm sau chị Hai bay qua Úc lại. Chị còn công việc, còn bao nhiêu việc chờ chị. Nhà chỉ còn tôi và me. Me không còn minh mẫn nữa, me nằm vùi, tóc me đổ sương nhanh không ngờ. Me vốn người sạch sẽ, trước đây mỗi buổi sáng, dù lạnh hay nóng, me vẫn dậy sớm, tắm nước nóng, thay bỏ bộ áo mặc ngủ, mặc một bộ tinh tươm đã ủi gấp phẳng phiu, soi gương chải đầu, bắt đầu làm việc nhà. Giờ, me hoặc nằm yên hoặc ngồi thẫn thờ nhìn đăm đắm bàn thờ cha.

Tôi mỗi sáng chỉ kịp lo điểm tâm cho me rồi vội vã rời nhà, ba chân bốn cẳng chạy đến công ty. Tôi không dám để cửa, thường vẫn phải khóa me trong nhà. Có khi tôi chạy đi mà khóc thành tiếng, không dám nhìn qua cửa sổ vào nhà. Trưa tôi không ở lại công ty nữa mà ù té ra về, ghé đâu đó mua hai hộp cơm cho hai me con. Rồi lại sấp ngửa chạy đến nơi làm. Cả me và tôi sa sút kinh khủng.

Cô Hiên ra tay. Cô mang vô cho hai me con tôi một người họ xa để chăm sóc me, quét tước, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Cô cắt tóc me ngắn lên. Cô xếp tất cả những bộ đồ màu buồn cũ của me lại, cô may sắm cho me thuần một thứ lụa bạch mát dịu, ưa nhìn. Mỗi sáng, cô Hiên đến, cô mở hết cửa lớn cửa nhỏ, cô đưa me đi tắm rồi dẫn ra vườn ngắm hoa cỏ. Cô mua về những cuốn sách Quà tặng cuộc sống có những câu chuyện ngăn ngắn, để ngay trên bàn đá chỗ me thường ngồi. Thỉnh thoảng, cô mua đến cho me gói bánh nậm, bánh bột lọc, bịch chè hoa cau… Chiều mát, cô chở me ra biển, đi bộ trong công viên biển rồi chở dạo một vòng phố xá trước khi về nhà. Cô đưa me đến lớp tập yoga và đi chùa. Me hồng hào dần dần, ánh mắt tinh anh lên, tôi lại thấy me đẹp một cách sang trọng, quý phái, đúng vẻ đẹp các mệ xứ Huế.

Cô Hiên thỉnh thoảng ra tay làm món mì Quảng và bún chả Hà Nội, hai món ruột của cô. Thật tình, cô Hiên là người không bao giờ giỏi được trong chuyện nấu ăn nhưng nhìn cái cách cô chạy qua chạy lại trong bếp, chạy từ trong bếp ra vườn, cười nói hi ha, tôi thấy thật vui và ấm áp. Đôi khi, cô vừa làm vừa hát “Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ…”, tôi để ý thấy me khe khẽ hát theo.

Gần đến ngày giỗ đầu cha tôi thì cô Hiên đi Singapore và Malaysia. Tôi quên nói, cô Hiên tôi là bà góa cũng đã lâu lâu. Dượng tôi, mà tôi gọi là chú theo cách gọi của người Bắc, đã mất vì chứng u não. Chú tôi cực giỏi trong kinh doanh, một tay chú mà nên nhà lầu, xe hơi, đất cát, công ty mua bán bất động sản. Hồi còn chú, cô tôi thuộc hạng có cỡ, lên xe xuống ngựa, mưa nắng không đến đầu. Chú tôi ra đi tuy không quá bất ngờ nhưng là sự ra đi có báo trước vô cùng nhanh. Cô tôi đau lắm nhưng rồi phải tự đứng dậy. Cô thấy khả năng cô không thể đi tiếp con đường của chú, cô tháo vát nhưng cô chỉ rành về khoa học - cô là tiến sĩ về tâm lý học. Thế là, cô Hiên giải thể công ty, bán luôn cả xe hơi vì cô không tự lái được, tiền gửi cả vào ngân hàng. Cô chỉ giữ lại ít đất và cái nhà lầu năm tầng, cũng là trung tâm ngoại ngữ, niềm vui, nguồn sống dồi dào của cô bây giờ.

Bà tiến sĩ về hưu góa chồng lọt vào tầm ngắm của rất nhiều người đàn ông góa vợ, trong đó có ông sĩ quan vợ đã mất, ở gần nhà cô. Ngày hai người chuẩn bị hứa hôn, ông hỏi cô thích nhẫn gì. Cô cũng vui nhưng có vẻ hơi thất vọng, sao lại phải hỏi ba chuyện đó nhỉ, phải tự mà hiểu chứ. Tôi xúi dại, thì cô cứ nói thích nhẫn kim cương đi. Cô tôi thở dài, thứ nhất là tao chỉ thích một thứ hạt trai, thứ hai là người ta không có khả năng mua hạt xoàn, làm khó nhau mà làm gì!

Họ đưa nhau đi nước ngoài một chuyến. Bay hôm trước, hôm sau cô gọi về cho tôi. Câu đầu tiên cô nói là tao rất nhớ nhà, nhớ hai me con bây. Tôi ngạc nhiên nhưng có lẽ tôi hiểu. Một người như cô Hiên, nói nhiều nhưng không bao giờ nói ra lời những gì lòng mình muốn. Ông chú sĩ quan lại vụng về trong việc đọc những ý nghĩ âm thầm của cô. Mà bà cô tôi tính tình tuy bề ngoài rất sôi nổi nhưng tâm hồn lãng mạn lắm lắm. Chắc cô tôi nhận ra họ vênh nhau rồi! Đến ngày cuối cùng của chuyến du lịch, cô nhắn tin cho tôi: “Lúc nào cũng chỉ nhớ con và me con!”. 

Cô về đúng hôm me con tôi cúng cha ngày sống. Như tục lệ, ngày hôm sau, ngày cha mất, tôi sẽ sửa mâm cơm chay, còn ngày tưởng nhớ cha còn sống là một mâm cơm toàn những món sinh thời cha ưa ăn. Chiều hôm đó, mới bốn giờ, tôi đã gãi đầu gãi tai ỏn ẻn xin sếp về sớm. Sếp vừa ờ là tôi biến ngay. Mười lăm phút sau, tôi đã vô đến sân nhà. Một mùi thơm ngào ngạt làm nước miếng tứa ra đón tôi từ phòng ngoài vô tới bếp. Không thể tin nổi vào mắt mình, me và cô Hiên đang đứng bên trả cá bống kho tiêu. Me cầm đôi đũa chấm vào trả cá trên bếp rồi đưa cô tôi nếm thử, hai chị em cùng cười. Tôi chạy vội ra sau vườn, nước mắt đầm đìa, tôi thấy cha đang về, mắt ngấn lệ nhưng cha cười rất tươi.

Đốt mấy nén nhang trên bàn thờ xong, me tôi mang ra hai xấp vải, một xấp vải hoa và một xấp màu hoa hiên. Me trịnh trọng:

- Sáng nay chị đi chợ, mua cá bống cho anh cô, món anh cô rất thích. Còn đây, tặng cho “thiếu nữ lâu năm” của chị cái áo màu hoa hiên rất ưa nhìn. Tặng “thiếu nữ mới lớn” của me xấp áo hoa cho rực rỡ trong mắt bọn con trai, con hỉ!

Cả “thiếu nữ mới lớn” lẫn “thiếu nữ lâu năm” dụi vào vai me khóc òa lên.

C.D.T