Nhiếp ảnh nghệ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên đang từng ngày khởi sắc - Đình Hiệp

03.07.2015

Nhiếp ảnh nghệ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên đang từng ngày khởi sắc - Đình Hiệp

Trong những năm qua, Nam miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật phát triển mạnh với đội ngũ cầm máy hùng hậu và kỹ năng chuyên môn không ngừng được cải tiến, đổi mới và phát triển từng ngày để cho ra đời những tác phẩm thực sự hút hồn những người yêu Nhiếp ảnh nghệ thuật, đưa phong trào Nhiếp ảnh nghệ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên ngày càng vươn xa hơn trên con đường nghệ thuật. Nhân dịp Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XX - năm 2015 tổ chức tại Đà Nẵng, BBT Tạp chí Non Nước đã có buổi trò chuyện với NSNA Đào Tiến Đạt, người nghệ sĩ có thành tích trong làng Nhiếp ảnh nghệ thuật, đóng góp cho sự phát triển chung của Nhiếp ảnh nghệ thuật Nam miền Trung – Tây Nguyên.

 

Xin chào nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt, Ban Biên tập Tạp chí Non Nước xin gửi tới nghệ sĩ lời chúc sức khỏe. Nếu chỉ dùng 1 câu để nói về Nhiếp ảnh nghệ thuật (NANT), ông sẽ nói gì ạ?

NSNA Đào Tiến Đạt: Cám ơn BBT đã dành cho tôi lời chúc sức khỏe và trò chuyện về nghệ thuật nhiếp ảnh. Quan niệm về nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nói riêng thì nhiều, với tôi nhiếp ảnh nghệ thuật không chỉ “vẽ bằng ánh sáng” mà đó còn là ngôn ngữ để chia sẻ, giải bày, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

— Là 1 nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) có hàng trăm huy chương, giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, xin ông chia sẻ những kinh nghiệm khiến tay máy của ông đạt được độ thăng hoa như vậy?

NSNA Đào Tiến Đạt: Không những trong nghệ thuật mà gần như tất cả các lĩnh vực đời sống, phàm việc gì tận tâm, chịu khó, nỗ lực, cầu thị và may mắn sẽ đạt một số thành công nhất định. Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật gắn liền với khoa học, kỹ thuật nên đòi hỏi nhà nhiếp ảnh không những luôn luôn học hỏi, thâm nhập cuộc sống mà còn nghiên cứu, trang bị về công nghệ số đang thay đổi hằng ngày.

— Ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về nghệ thuật nhiếp ảnh Nam miền Trung – Tây Nguyên? Theo ông, NANT Nam miền Trung – Tây Nguyên có những điểm thuận lợi và mặt khó khăn nào so với NANT ở những vùng miền khác?

NSNA Đào Tiến Đạt: Để nói về nghệ thuật nhiếp ảnh Nam miền Trung – Tây Nguyên (NMT-TN), tôi nghĩ đây là một phạm trù rất lớn, đòi hỏi phải có tầm nhìn xuyên suốt qua nhiều giai đoạn lịch sử, thời kỳ. Thiết nghĩ cũng nên tổ chức hội thảo chúng ta mới có thể đánh giá đầy đủ, thấu đáo được. Tuy vậy cũng nhận thấy rằng trong những năm qua phong trào nhiếp ảnh NMT-TN ngày càng khởi sắc và đạt nhiều thành tựu nổi bật đáng khích lệ.

Kế thừa thành quả từ nhiệm kỳ các Khóa trước, hằng năm Hội NSNA Việt Nam phối hợp với các Hội VHNT các tỉnh, thành phố tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, đổi mới hoạt động tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, thi ảnh marathon, giao lưu sáng tác… tạo cho liên hoan ngày càng đa dạng, hấp dẫn, kích thích sáng tạo. Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực vừa là vườn ươm vừa là bệ phóng của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thành danh.

Hội NSNA Việt Nam chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, định hướng sáng tác, tổ chức hoặc phối hợp với các tỉnh mở Trại tập huấn công tác tổ chức và thẩm định ảnh (Khánh Hòa – 2011), Trại lý luận phê bình nhiếp ảnh (Đà Lạt – 2012), Trại sáng tác ảnh nghệ thuật NMT-TN (Bình Định – 2013) và mới đây, tháng 5/2015, Trại sáng tác ảnh Biển đảo quê hương và tập huấn thẩm định ảnh tại Quảng Ngãi. Ngoài ra Hội VHNT các tỉnh/ thành mở Trại sáng tác, thường xuyên tổ chức thi và triển lãm ảnh làm cho phong trào phát triển rộng khắp.

Mối quan hệ gắn kết giữa Hội NSNA Việt Nam, Hội VHNT và Chi hội NSNA

Việt Nam tại các tỉnh, thành phố cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy nhiếp ảnh khu vực phát triển.

Đặc biệt NMT-TN là vùng đất trầm tích văn hóa, phong cảnh hữu tình, sở hữu nhiều di sản vật thể và phi vật thể là chất xúc tác, môi trường thuận lợi để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế. Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn nghệ sĩ trong đó có những người cầm máy ảnh. Đầu tư trang thiết bị, cập nhật thông tin chưa theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Vấn đề xã hội hóa nhiếp ảnh chưa tương xứng với tiềm năng. Phổ biến tác phẩm còn ít, thu nhập từ tác phẩm nghệ thuật không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày nên khó kích thích sự sáng tạo. Mặt khác, phát triển nhiếp ảnh giữa các tỉnh thiếu đồng bộ, lực lượng nhiếp ảnh trẻ tham gia hoạt động hội chưa nhiều cũng là vấn đề cần quan tâm của những người làm công tác phong trào.

— Ông có thể cho biết những thành tích nổi bật mà NANT Nam Miền Trung – Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua?

NSNA Đào Tiến Đạt: Điều đáng mừng đến năm 2011 hội viên Hội NSNA Việt Nam trải đều khắp 10 tỉnh thành trong khu vực, chính thức xóa “vùng trắng” trong bản đồ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam; thành lập mới 2 Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Kon Tum (2012) và Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (2013). Hiện còn tỉnh Đắk Nông chưa đủ điều kiện thành lập Chi hội TW.

Các NSNA hăng say sáng tác, tích cực gửi tác phẩm tham gia dự thi, triển lãm trong nước, quốc tế đạt cả ngàn giải thưởng nhiếp ảnh làm giàu thêm thành tích chung của Hội; góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương và con người NMT-TN đến với công chúng trong và ngoài nước.

Đạt được kết quả trên là nỗ lực chung của Hội và các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tiến trình hội nhập và phát triển.

— Ông có thể chia sẻ 1 kỷ niệm đáng nhớ nhất gắn liền với 1 tác phẩm của mình?

NSNA Đào Tiến Đạt: Từng chứng kiến nhiều cuộc ra đi của người thân nhưng sự ra đi để về cõi vĩnh hằng của Mẹ và Cha là nỗi ám ảnh lớn nhất trong tôi. Nghiệm rằng rồi ai cũng có ngày trở về cát bụi như quy luật đời người, từ đó tôi xây dựng ý tưởng, tìm chụp hoặc nhờ các nhà nhiếp ảnh dịch vụ báo tin về những đám tang. Chụp đi chụp lại nhiều lần nhưng tất cả đều không thành. 2 năm sau, tháng Chạp năm 2005, trong một lần săn ảnh ở quê, trên đường về tôi chụp được cảnh đoàn người đưa tang. Sau đó tác phẩm  này - Trở về cát bụi - đã cho tôi 1 giải C Ảnh xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam năm 2006 và 15 giải thưởng quốc tế trong đó có 1 HCV xuất sắc nhất châu Á tại Ý (chung với tác phẩm Đồ nho) và 1 Cúp xuất sắc nhất (chung 4 ảnh) tại Hồng Kông

năm 2006.

— Là 1 người gắn bó với nhiếp ảnh Đà Nẵng, ông vui lòng có vài nhận định về nhiếp ảnh Đà Nẵng hiện nay?

NSNA Đào Tiến Đạt: Tôi thật sự ấn tượng với những thành tựu của nhiếp ảnh Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua.

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, thi và triển lãm ảnh, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn... đạt hiệu quả, đã tác động tích cực đến phong trào nhiếp ảnh thành phố. Nhiều năm liền nhiếp ảnh Đà Nẵng đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực. Chỉ trong quãng thời gian 5 năm, Đà Nẵng đăng cai 2 kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực NMT-TN (năm 2010 và 2015), điều đó cho thấy lãnh đạo và các ngành liên quan, nhất là

Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, ủng hộ nhiếp ảnh

nghệ thuật.

Các NSNA thành phố Đà Nẵng đam mê sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi, tiếp cận nhanh với công nghệ, phần mềm xử lý ảnh, đạt nhiều giải thưởng giá trị trong những cuộc thi ảnh khu vực, quốc gia, quốc tế, được phong tặng các tước hiệu cao quý của Hội NSNA Việt Nam và tổ chức nhiếp ảnh nước ngoài.

Vấn đề xây dựng lực lượng nhiếp ảnh trẻ của Đà Nẵng cũng là điểm son. Nhiều CLB nhiếp ảnh được thành lập tập hợp nhiều giới có cùng đam mê nhiếp ảnh tham gia sinh hoạt sẽ là nguồn lực bổ sung vào đội ngũ nhiếp ảnh thành phố.

— Ông có thể cho giới trẻ yêu NANT ngày nay một vài chia sẻ  về con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh?

NSNA Đào Tiến Đạt: Như những đợt sóng, lớp sóng sau sẽ tiếp nối lớp sóng trước, nghệ thuật cũng thế, không có điểm cuối cùng. Nuôi dưỡng tâm hồn, trải nghiệm cuộc sống, không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng… và “Đi tới cái tận cùng của chúng ta, ta sẽ gặp thế giới ở đó” như lời của Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã từng chia sẻ.

Đ.H