Nỗi mong chờ lên xanh - Đặng Huy Giang

03.07.2015

Nỗi mong chờ lên xanh - Đặng Huy Giang

Trong phong trào thơ mới, Đoàn Phú Tứ có bài thơ nổi bật mang tên “Màu thời gian”. Trong “Thi nhân Việt Nam”, sau khi chỉ trích dẫn duy nhất một bài (“Màu thời gian”), Hoài Thanh viết: “Ấy là một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo. Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng…” Trong bài có hai câu: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát”.

Trong thực tế, thời gian có màu không? Và màu thời gian là màu gì? Đối với nhiều người, có thể là bất khả tri. Thế nhưng, thi sĩ họ Đoàn vẫn cho rằng: Nó có màu “không xanh” và “tím ngát”.

Theo tôi, việc gọi tên sắc màu thời gian như vậy, có xuất phát từ cách nhìn, cách cảm độc lập của Đoàn Phú Tứ và cũng có thể là “hiện thực” riêng (trong thơ) của Đoàn Phú Tứ.

Nhiều năm sau, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh lại có “Màu ký ức”. Và tôi nghĩ: Màu ký ức không phải là một màu nào cụ thể theo cách hiểu thuần túy cơ học, mà là màu của cảm xúc, màu của tâm trạng, màu của đời sống (trong thơ), tùy theo cách mường tượng, trải nghiệm và sự tương tác của người viết và người đọc. Dường như từ lâu lắm rồi, vẫn có một đường dẫn vô hình nào đó đã trở thành một mối nối cũng rất vô hình, giữa bài thơ và người thưởng thức thơ, được hình thành và thiết lập đương nhiên như vậy.

Nếu ví một tập thơ là một tòa nhà thì mỗi bài thơ, có thể là một cánh cửa mở ra một lối vào. Với tôi, cánh cửa đầu tiên của tòa nhà ấy là “Mùa hoa gạo”.

Có biết bao người đã viết về người lính trong chiến trận, nhưng đến Nguyễn Hồng Vinh, vẫn khác. Người lính của Hồng Vinh mang vào trận đánh một chiếc khăn hồng của người yêu tặng có “Thêu đôi chim quấn quít”. Và anh thấy chiếc khăn là một “Vùng bình yên” ở ngay “Giữa đạn bom gào rít”. Ngay “Giữa bão dông, núi sạt”, người lính vẫn cảm thấy được “Khăn ấm nồng tình em”.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một câu thơ sâu sắc trong “Đợi anh về” (theo bản dịch nghĩa) của Ximônốp: Chính sự đợi chờ của em đã cứu sống anh.

Rồi cái ý nghĩ thật nhân bản đã lớn lên cùng người lính khi “Vào mùa chiến dịch/ Mảnh đạn găm đầy mình” vẫn “Giấu không cho em biết/ Sợ em thành vọng phu”. Qua ý nghĩ khác lạ này, người lính muốn gửi đi thông điệp: Không phải anh sợ hy sinh đâu,  mà sợ có ngày em thành vọng phu thôi. Với anh, đấy mới là nỗi lo sợ lớn nhất khi lâm trận.

Cách nay cũng đã lâu lắm, Éptusencô có bài thơ “Bà mẹ của Maia”. Đây là một tứ thơ độc đáo: Bà mẹ của một nhân vật lớn Maia không để ý đến gì khác (sự nổi tiếng chẳng hạn), chỉ để ý đến sức khỏe của con trai thôi. Lúc nào, bà cũng nhìn con trai bà như một đứa trẻ cần được quan tâm và chở che như thuở nào. Chính vì thế mà lúc nào phải xa con trai, bà luôn dặn: Con quàng thêm khăn ấm vào, ngoài kia trời lạnh lắm; con đang ho đấy, hút thuốc lá ít thôi!

Còn bà mẹ của Nguyễn Hồng Vinh “Áo sơn một tấm phong phanh…/ Giữa đồng bóng mẹ mong manh” lại có mối quan tâm đến các con theo một cách khác và rất Việt Nam. Khi thấy hai con của mẹ phải lòng nhau đã ba mùa xuân mà chưa lấy nhau, mẹ cứ “nhắc hoài” sao “chậm thế?” Hoặc: Nhanh lên, để mẹ còn có cháu bế chứ!

Với Nguyễn Hồng Vinh, tình yêu luôn là những gì thuộc về khởi nguyên, tinh khôi và dễ lay động, bất ngờ. Bởi thế mà trong “Chiều nghiêng”, mới có mắt ai “lung linh Vàm Cỏ” mà ông đã “chấp chới lòng thuyền”. Bởi thế mà trong “Sóng”, mới nhận được tin nhắn của em thôi mà ông đã “khấp khởi” và cảm thấy ngay “trời bỗng mưa, sóng cuộn trong lòng”. Bởi thế mà “Trên sông Sen”, ông mới có một cuộc gặp gỡ, nhìn ngắm như gặp gỡ, nhìn ngắm một người tình của mình: “Sông Sen xanh như mắt biếc/ Tuổi em mười tám thuở nào/ Con sông đi vào trang sách/ Mà nay mới được ngắm nhau”. Cũng có thể, tình yêu luôn ở trong ông, luôn lớn lên trong ông, sống cùng ông đến mức: “Nỗi mong chờ lên xanh” (“Mùa hoa gạo”)…

Trong cái khởi nguyên, tinh khôi, dễ lay động, bất ngờ ấy còn ẩn giấu sự xúc động chân thành, ngơ ngác:

Nắng đã dát hồng cửa kính

Cây còn xao xác gió đông

Chiêm bao giật mình tỉnh giấc

Chồi xuân hé nụ mong chờ…

                             (“Nụ xuân”)

và sự mở ra của mọi giác quan trước món quà quý ở nước cộng hòa Sakhan khi nhận thêm được một món quà quý là “tuyết đầu mùa”. Có một vẻ đẹp đáng ngạc nhiên trong những khoảnh khắc nào đó của tuyết đã được khám phá trong  con mắt của Nguyễn Hồng Vinh:

Tuyết lộng lẫy bay

Ùa vào cửa sổ

Như cánh hoa lả tả rơi…

               ( “Câu hỏi lớn”)

Nhưng vốn là người từng trải nên có lúc, Nguyễn Hồng Vinh đã ra ngoài những chân thành, ngơ ngác, ngạc nhiên…để chạm vào những khoảnh khắc triết lý hiếm hoi:

Đất nước bên bờ biển Đông

Điệp trùng bãi Sau, bãi Trước

Lời nhắn gửi tiền nhân:

Người sống có sau, có trước!

              (“Từ bãi Sau, bãi Trước”)

Từ 2010 đến nay, gần như trung bình mỗi năm Nguyễn Hồng Vinh cho xuất bản một tập thơ. Đó là “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời”, “Nhịp điệu thời gian”, “Miền thương nhớ”, “Màu ký ức”, đan xen vào đó là hai tập sách khác ở mảng báo chí: “Đất nước qua những chặng đường làm báo”, “Giữ lửa”.

Điều đó cho thấy sức viết và khả năng tiềm ẩn trong con người Nguyễn Hồng Vinh. Riêng trong mảng thơ, đến “Màu ký ức”, độc giả càng thấy rõ sức viết và khả năng tiềm ẩn thơ trong con người Nguyễn Hồng Vinh. Dường như mỗi bước đi, dù gần hay xa, dù trong nước hay ngoài nước, đều là những bước thơ. Hay nói một cách khác: Con người và cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc luôn là những gợi mở về thơ cho Nguyễn Hồng Vinh. Chỉ cần đọc tên những bàn thơ: “Trước cửa Ba Lạt”, “Từ bãi Trước bãi Sau”, “Trước sông Sen”, “Lại lên Tam Đảo”, “Nghĩ từ Vạn Lý Trường Thành”, “Còn mãi Hoàng Sa Trường Sa”, “Thăm lại Xanh Pêtécbua”, “Sa Vĩ – Năm Căn”…là người đọc đã nhận ra ngay điều ấy.

Và Nguyễn Hồng Vinh, không phải là ai khác, đang tự hanh thông mình bằng những mạch nguồn tươi mới và bộn bề cảm xúc  trong thơ.

Đ.H.G