Chuyện một người tử tế - Trần Phiêu

03.07.2015

Chuyện một người tử tế - Trần Phiêu

Vậy là ông đã chết thật rồi. Nhìn mọi người nháo nhác mà lòng ông xốn xang quá chừng. Đây đâu phải lần đầu ông chết. Ông đã chết một lần ở Trường Sơn rồi. Sau cái lần bị thương trong một trận đánh, ông lên cơn sốt rét ác tính. Giữa chiến trường với mưa bom, bão đạn, không có thuốc thang điều trị, sau 5 ngày chống chọi với những cơn lạnh buốt thấu tận xương, ông đã phải gục ngã. Cùng lúc ấy, đơn vị được lệnh hành quân vào Nam nên đành phải để ông lại bệnh viện dã chiến để cứu chữa.

Mặc dù được các y bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng cơn bệnh sốt rét đã chẳng buông tha, tìm mọi cách kéo ông đi. Ông tắt thở vào khoảng 4 giờ 30 phút. Xác ông được quấn vào một tấm nilon và đưa xuống hầm. May sao hôm đó, vì máy bay giặc đến trinh sát cả ngày nên chưa đem chôn được. Sáng hôm sau, qua một đêm nằm dưới hầm xác, nhờ tấm nilon quấn chặt đã ủ hơi, làm cho cơ thể ông ấm lại. Vừa lúc cô y tá xuống thăm thấy xác ông cựa quậy, còn hơi thở liền gọi người đưa lên để tiếp tục chữa trị. Vậy là ông được lôi về từ cõi chết.

Hiện tại ông vẫn chưa có cảm giác gì về cái chết của mình. Ông thấy mình như được chia làm đôi; một nửa là thân thể nằm đó, còn một nửa là linh hồn đang ở đây. Ông chỉ ngờ ngợ một điều là dù đứng rất gần mà sao mọi người chẳng nhìn thấy ông; có khi bức bối quá, ông nói thật to, ông hét thật lớn, cũng chẳng ai thèm để ý. Mọi người cứ thay nhau vào ra, tất bật lo toan cho đám ma của ông mà không hề hay biết đến sự hiện diện của ông. Thân thể ông nằm đó cứng đờ mà ông thì đứng đây mỏng tựa khói hương, lạc lõng trong ngôi nhà của mình đến

là bơ vơ. Cái cảm giác trống vắng được coi như một người thừa lại ùa về trong

ký ức…

Ông là một “chiến binh” như ông thường viết trong nhật ký. Ngày lên đường đi “B” ông cũng háo hức lắm, với bao ước mơ. Đến nơi mới bật ngửa ra, Trường Sơn không như trong các bài hát mà bọn ông từng được nghe. Trường Sơn với ông lúc này đây chỉ toàn là đèo cao, vực sâu, toàn vắt, muỗi, thiếu ăn, thiếu mặc… được cái là khi ta đứng trên dốc cao nhìn xuống sẽ thấy đoàn quân di chuyển giống một hàng cây đang chuyển động quanh chân dốc rồi lại lên cao như một con rồng đang uốn khúc lượn đi lượn lại trông thật kỳ vĩ. Ông vẫn luôn tự hào mình là chân của con rồng. Mà rồng thì làm gì có thật. Còn ông và đồng đội thì có thật. Thế mới kinh.

Vừa vào, cái gì ở Trường Sơn cũng đều lạ lẫm nếu không muốn nói là chẳng ra sao cả. Tết ở Trường Sơn thì càng chán chết. Không bánh, không có một thứ gì ngoài không khí chuẩn bị chiến đấu. Mỗi người một phần hai hộp thịt cừu với nửa cái bánh chưng. Nằm ăn Tết mà nỗi nhớ nhà đay nghiến triền miên đến phát sốt.

Nhắc đến Trường Sơn ông mới nhớ. Đã lâu rồi không có dịp về lại. Hồi còn ở đơn vị, hễ rảnh rỗi là tụm năm tụm ba kể về gia đình, làng xã. Nhóm của ông có mấy người đồng hương nên cũng xôm tụ lắm, có gì cũng kể nhau nghe. Khi đó bọn ông còn nói gở “Thằng nào mà chết ở đây, sau này mấy thằng còn sống phải về thăm lại”. Dè đâu sau trận chiến đấu đầu tiên, đã có ba trong số đó ra đi vĩnh viễn. Trận đó mình thắng nhưng tổn thất, nên toàn đơn vị chẳng liên hoan tí nào.

Hứa sẽ về thăm “chúng nó”, bây giờ thì có dịp rồi. Ông lẳng lặng đưa tay lên quệt vào đôi mắt theo quán tính của người sống khi cảm động nhưng thấy trống không. Ông biết mình đã thành ma mà mình không biết. Ừ, vậy càng tốt chứ sao? Lâu nay cứ hẹn hoài hẹn mãi, bây giờ mới rảnh rang mà về chiến trường xưa thăm bạn cũ. Mới nghĩ tới đó thôi mà lòng ông đã rạo rực, sướng rân lên.

Bây giờ thì ông đang ở trong quan tài rồi, bàn thờ đã được lập. Tấm ảnh chân dung của ông được đặt trang trọng ở giữa với khói hương nghi ngút. Ông thích nhất tấm ảnh chụp khi còn tại ngũ này. Ai cũng bảo chụp lại cái mới nhưng ông cương quyết nói không. Bức ảnh này đã theo ông đi suốt chiều dài đất nước, không có huân huy chương trên ngực, chỉ có cái nón cối với vài lá ngụy trang cùng chiếc áo bộ đội bạc màu nhưng có hồn ra phết. Hồn tử sĩ. Chẳng vậy mà ngày xưa từ chiến trường ông gởi về, bà vẫn giữ cho tận đến ngày gặp lại ông.

Một tấm ảnh đầy ắp kỷ niệm, nên khi nhìn vào ảnh là ông có thể hình dung tất tần tật những đất và người nơi ông đã đi qua. Thậm chí ông còn nhìn thấy hình ảnh của các bà mẹ trẻ người dân tộc trên những rẻo cao vừa địu con vừa hái rau rừng cho bộ đội trong những năm tháng chỉ ăn toàn muối với rau. Ông tự nhủ chết rồi có khi lại gặp được họ cũng nên. Nghĩ tới đó ông bật cười. Biết đâu mình chết bây giờ lại hóa hay. Chứ nếu chết chậm đi vài ba năm thì họ lên thiên đường hết thì sao mà gặp cho được. Mấy người tốt như họ không sớm thì muộn phải lên thiên đường thôi. Mà chẳng biết thiên đường có thật không nữa. Nếu có, mình sẽ xin lên gặp họ một lần để thỏa lòng mong nhớ rồi có xuống địa ngục cũng cam lòng.

Nhìn mọi người từ lớn đến bé, từ thân đến sơ cúi lạy thắp hương cho mình ông cảm động lắm, mới hiểu hết câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. May mà ông sống không đến nỗi tồi. Sau cái vụ chết đi sống lại ông tự nhủ với lòng phải sống sao cho không bao giờ ân hận, sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay không một mảy may vướng bận tâm can.

Ông hứa và ông làm thật, thật đến nỗi vợ con ông nhiều lúc phải giận dỗi, tưởng ông ruồng rẫy họ. Còn hàng xóm có người bảo rằng ông đi chiến đấu chắc bị bom mìn gì đó gây ảnh hưởng nên không bình thường. Nhiều lúc ông cũng thấy vậy, không biết mình có còn bình thường không nữa khi chính quyền cấp đất, cấp ruộng ưu tiên, một hai ông dứt khoát trả lại và yêu cầu phải cấp cho gia đình có mẹ liệt sĩ đang neo đơn, không nơi nương tựa. Hay khi có đợt mạnh thường quân về tặng trâu để hỗ trợ tăng gia sản xuất, ông cũng trả nốt dù nhà thuộc diện nghèo của xã, lại đông con. Ông tha thiết năn nỉ họ hãy đem cho những gia đình không có đàn ông để họ dễ bề đồng áng, còn gia đình ông đã đủ người cày kéo rồi. Nói tới đây ông cười khà khà, vậy mà có người nói ông điên. Đúng là thời thế điên đảo!

Quái nhất là chuyện xin việc cho con. Người quen của ông bây giờ có biết bao nhiêu người đã là ông nọ bà kia từ cấp huyện, tỉnh, đến trung ương. Ai trong số đó khi nhắc đến ông cũng đều quý mến. Chỉ trông chờ ông mở miệng là họ thu xếp ngay công việc cho con cháu ông liền, thế mà chẳng bao giờ ông đề cập đến. Có khi họ còn gợi ý, ông lại tảng lờ đi như không biết.

Cũng có vài lần ông cắm cúi đi xin việc nhưng chỉ toàn xin cho đám cháu con của mấy người bạn cũ hy sinh hồi ở Trường Sơn. Ông bảo thấy bọn trẻ tội nghiệp quá nên đành xin liều mấy chỗ không đâu, ai dè lại được vào làm người nhà nước, thiệt mừng quá. Nghe vậy, vợ ông bảo sao ông không chịu đi xin việc cho con mình? Ông im lặng rồi nói trong xa vắng: “con mình còn có bà và tui rồi, chưa đủ sao?”.

Rốt cuộc các con ông bây giờ cũng đã có công ăn việc làm ổn định mà ông chẳng cần phải xin xỏ, năn nỉ ai. Thế mới oách. Thấy vậy mọi người cho là ông  giỏi quan hệ ngầm nên các con ông mới được vậy. Nghe người ta kháo nhau, cả gia đình ông ôm nhau cười ngặt nghẽo. Ông mà chịu đi xin việc cho các con khi chân ướt chân ráo lúc mới ra trường chắc bây giờ con ông đã có người làm tới chức Chủ tịch tỉnh rồi chứ chẳng chơi. Ông nghĩ thấy cũng đúng đôi chút.

À đây rồi, các cựu chiến binh cũng đã đến viếng ông. Trân trọng quá. Lòng ông lại thấy rưng rưng. Mình may mắn thật. Bao nhiêu người lính đã chết, không người thân, không người đến viếng, không hòm, không kèn, không trống...thậm chí không có cả mồ mả. Vậy mà ông... Lòng ông đau đáu. Mình chết thật rồi, mình thành ma thật rồi.

Ông lẳng lặng ngồi bên mấy người cựu chiến binh. Họ đang nói về ông.

Một người nói :

- Tui nghe đâu có đợt ổng được cử đi báo công tận miền Bắc.

Người khác lại nói :

- Hình như ổng được đề nghị phong Anh hùng thì phải.

Mỗi người một tiếng vào ra, ông nghe và mỉm cười. Ôi dào, tưởng chuyện gì ghê gớm lắm. Chuyện anh hùng thì bỏ bèn gì. Hồi đó có người trai trẻ nào mà chẳng mong muốn được đi bộ đội. Đi du học sinh, đi nước ngoài thì làm gì đến lượt mình. Còn ở nhà thì chán chết, suốt ngày nghe mấy cái loa ra rả “vì miền Nam ruột thịt”, chưa kể phải nhìn những ánh mắt soi mói của những gia đình có người đi “B”. Mà thời đó, làng xã rặt toàn những người già, phụ nữ và trẻ em, ở lại có mà khốn khổ khốn nạn à? Học xong cấp 3 là ông xung phong đi bộ đội để tránh cái tính hà khắc của ông bố dượng. Mà cũng lạ, đi rồi ông mới thấm cái tình yêu quê hương, yêu đất nước. Nhìn cái gì cũng nhớ tới quê, ngồi đâu cũng nhớ tới người thân, nhất là mẹ, thế mới lạ.

Khi tham gia trận đánh đầu tiên ông run dữ lắm nhưng rồi cũng qua, lâu dần thành quen và có khi ông mất cảm giác sợ, đâm ghiền chuyện xung phong, diệt địch. Nhớ có lần một chiếc máy bay “Đầm già” của địch bị bắn cháy ở tận đâu đâu rơi ngay vào chỗ đơn vị ông trú quân; thế là có mấy chiếc trực thăng tới quần tới quần lui tìm kiếm. Đang núp trong hang đá, chờ lâu thấy bực bội lại thêm cái máu thèm đánh đấm nên ông liền cầm khẩu tiểu liên chỉ còn vỏn vẹn 16 viên đạn nhắm bắn nhầu vào chiếc trực thăng đang bay trên đầu, vậy là hạ được. Lần đó ông suýt bị kỷ luật vì địch phát hiện ra chỗ đóng quân của ta nên nã pháo vào liên tục, làm đơn vị phải di chuyển ngay đến vị trí khác. Cũng may là lần đó không bị tổn thất gì nhiều.

Thời gian sau ông được cử qua đơn vị khác. Lần này ông được phân công bắn B40. Ai sợ thì sợ, riêng ông không sợ. Có trận ông vác B40, xông lên, ùm một phát làm chết tươi 4 mạng giặc. Đồng đội ai cũng khiếp. Nói vậy chứ không phải đơn giản đâu, nghĩ lại đến giờ ông nhiều lúc còn bủn rủn tay chân. Có lần quả đạn B40 ông bắn ra nó bị xì, rơi cái bịch ngay trước mặt, cách mấy mét làm ông tê cứng, may mà đồng đội kịp xô ông xuống cái hố bên cạnh, nếu  không thì ông đã trở thành ma trẻ lúc đó rồi chứ đâu thể thành ma già như hôm nay.

Còn chuyện anh hùng đối với ông là chuyện hên xui, không thể biết trước được. Nhớ có một lần tiểu đội đi trinh sát. Ông đi trước, cứ cách một khoảng là anh em trong tiểu đội, đi nối tiếp nhau, cuối cùng là y tá. Đang đi gặp địch phục kích, vừa nghe tiếng súng là ông tuôn chạy theo qui ước. Sáng ra, chờ dứt hẳn tiếng súng, ông quay lại tìm mãi mới gặp mỗi người y tá đang thoi thóp. Phía địch chết cũng không ít. Ông cũng chẳng hiểu vì sao mình thoát được nữa. Đến khi viết báo cáo ông chẳng biết viết gì ngoài bốn chữ “tôi vẫn còn sống” rồi cứ ngồi chết lặng. Ai cũng bảo ông phúc lớn. Riêng ông nghĩ chắc đồng đội chết để cho ông được sống. Từ đó ông không còn ham hố chuyện súng ống, phê bình, góp ý nữa.

Đời ông nhiều may mắn nhưng may mắn nhất mà bây giờ ông mới dám khẳng định là lần phong hụt Anh hùng. Lần đó đơn vị làm hồ sơ và cử ông tham dự Lễ báo công trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Thông thường những người được cử đi chắc chắn sẽ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau một tuần tập luyện, trang bị những kiến thức cần thiết, chuẩn bị quân tư trang... Tất cả chỉ chờ ngày lên đường để trở thành Anh hùng. Nhưng sau đó, để tập trung cho một chiến dịch lớn của

toàn quân nên việc báo công của ông bị

hoãn lại.

May quá, ông vẫn là một người lính chiến bình thường như hàng triệu triệu người lính khác trên chiến trường. Ông không dám mừng ra mặt. Ngày đó ông nghĩ đơn giản mình còn được sống, còn tồn tại là còn hy vọng gặp lại mẹ, gặp lại người thương yêu, đó mới là mục đích của đời mình, còn mơ chi đến Anh hùng. Anh hùng là để dành cho những người đã chết mà ông đã tận mắt nhìn thấy trong cuộc chiến ông đã từng trải qua. Họ xứng đáng được tôn vinh như vậy và hơn thế nữa. Một người lính mà không chết nơi chiến trường người đó mãi mãi chưa thể là Anh hùng. Điều này ông giữ kín trong lòng, không dám nói với ai kể cả vợ con. Bây giờ thì vô tư rồi, ông có nói cũng chẳng ai nghe được. Vậy thì ông cứ nói cho nhẹ tâm hồn rồi về theo ông bà cho lòng thanh thản.

Hôm nay là ngày di quan. Ông sắp phải rời xa tất cả. Ông nhìn dán chặt vào cái cảnh vợ và con cháu dâu rể, người thân đang sụt sùi bên quan tài của mình trước giờ tiễn biệt. Bất giác ông rùng mình. Nếu ngày xưa ông chết nơi chiến trường thì sao nhỉ ? Chẳng thể có câu trả lời. Ai đó đã từng nói “chết là hết”. Riêng với ông thì không thể hết được mà sẽ còn, còn mãi. Ông nhớ lắm những cái chết của đồng đội. Tuổi đôi mươi giòn giã tiếng cười nhưng lại lắng sâu tiếng khóc. Chứng kiến biết bao cái chết, đủ kiểu chết, nhiều cách chết mà khi nhìn thấy chính bản thân mình chết lòng vẫn chưa yên như thiếu vắng điều gì. Ông chết vì bệnh, căn bệnh cũng do từ chiến tranh mà ra. Làm một người lính mà không phải chết ở chiến trường nhiều khi ông tự thấy có lỗi với đồng đội, nhưng nay dẫu sao ông chết cũng do căn nguyên của chiến tranh nên cũng phần nào bớt đi nỗi dằn vặt khôn nguôi.

Trong bản điếu văn của chính quyền địa phương có đoạn nhắc đến ông với tư cách là một người lính, ông thấy rất tự hào. Được làm một người lính chân chính là một niềm hạnh phúc lớn lao. Vậy cho nên ông thường nói với con trai “làm thằng đàn ông mà không đi bộ đội là thiệt thòi lớn cho một đời người ”.

Ông nhớ mãi, Sài Gòn giải phóng chừng một năm là ông nằng nặc xin ra quân dù chỉ với thương tật 4/4. Ai cũng bảo ông dại. Nếu ở lại, bây giờ chắc đã thành ông tướng rồi cũng nên. Nhưng giữa sự sống và cái chết, giữa mưa bom bão đạn, giữa hầm sâu vách núi, giữa những xác đồng đội chưa kịp mang chôn, ông đã tự hứa nếu còn sống mà trở về sẽ xin được làm một anh nông dân bình thường và chỉ xin được làm vậy.

Là người lính ông chỉ nghĩ đơn giản, đồng đội có biết bao nhiêu người đã không có được một lần về lại quê hương thì sao mình có điều kiện lại không trở về? Chỉ chừng đó thôi là ông đã thấy mình vô cùng may mắn và mãn nguyện rồi. Lại nữa, phải về còn mà lấy vợ nữa. Bạn bè ông, đồng đội ông bao nhiêu người không về, để lại biết bao nhiêu là tình yêu và nỗi nhớ rồi, tại sao ông không về để trên đời vơi đi một nỗi nhớ đang khắc khoải chờ mong ?

Bây giờ thì ông yên tâm rồi. Nỗi nhớ thương của ông đã được đong đầy qua cảnh cháu con đang xoắn xuýt quanh quan tài. Ông không thấy mình ích kỷ khi nghĩ đến điều này vì ông biết, bạn bè, đồng đội chắc hẳn sẽ vui lắm khi biết việc ông làm từ bấy lâu nay.

Có chuyện này mọi người hay thắc mắc. Đó là việc ông không chịu tham gia bất kỳ vị trí lãnh đạo nào trong bộ máy chính quyền các cấp. Người như ông thật hiếm. Hiếm ở chỗ ông là người từng đi chiến đấu lại có học thức, chưa kể tư cách đạo đức của ông thì ai cũng phải nể trọng vậy mà ông luôn từ chối một cách quyết liệt, đến nỗi có thời gian chi bộ phải đưa vào nghị quyết buộc ông phải tham gia. Nhưng ông sẵn sàng chịu kỷ luật. Ông bảo tui là lính mà đã là một thằng lính rồi thì sao có thể làm quan được? Theo ông, thích hợp nhất với ông vẫn là anh nông dân, vì theo ông, sách có câu “Sĩ, Công, Nông, Thương binh”. Chẳng biết ông nói có đúng câu ông bà mình nói không nhưng mọi người càng nể phục ông hơn. Còn ông mỗi khi nhớ đến vụ này là cười đắc ý. Ông cố tình ghép  Thương vào Binh để thành thương binh, nên mọi người cứ hiểu theo nôm na: ông là thương binh trở về làm nông dân là lên một bậc rồi. Trời đất thánh thần ơi! Vậy là ông thoát khỏi bị làm “quan”.

Đội dân công đang vác ông trên vai. Ông Tổng điều khiển mọi người mang quan tài của ông đến nghĩa trang. Mọi người đưa tiễn ông có đến hàng trăm, có cả con chó Đốm nhà hàng xóm cũng đi theo. Ở quê đang trong thời điểm vào mùa mà người đi đưa tang đông như vậy là chuyện rất hiếm. Ông thầm cảm ơn những năm tháng tốt đẹp trong quân ngũ đã cho ông thành người tử tế. Trở về làm anh nông dân đã mấy chục năm nhưng chẳng có phút giây nào ông không xem mình là một người lính. Nói gì, làm gì, suy nghĩ gì ông cũng đặt mình trong địa vị người lính để ứng xử. Thậm chí khi dạy dỗ con cái ông cũng xem chúng nó là một người lính. Vậy nên các con ông bây giờ đã đủ trưởng thành để ông ra đi mà chẳng mảy may vướng bận điều gì.

Trước ngày ông mất mấy hôm, vợ ông hỏi còn muốn căn dặn điều gì nữa không? Ông lắc đầu nhưng giờ này ông mới sực nhớ ra. Các con ông bây giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Đứa giáo viên, đứa làm công chức, một thằng làm công an, lại có thêm con dâu bây giờ là Đại biểu Quốc hội nữa, như vậy là rất ổn, nhưng bây giờ thì ông lại thấy chưa ổn chút nào. Bao lâu nay ông dạy dỗ chúng nó với tinh thần “người lính”, còn chúng nó bây giờ đã là người “nhà quan” rồi, vậy mới hay hình như trong cách dạy dỗ của ông còn nhiều thiếu sót lắm. Mới mấy phút trước ông còn tự hào là đám ma ông có lắm người đưa tiễn nhưng bây giờ thì ông nghĩ lại: hay là họ vì mấy đứa con mình? Ông đã chứng kiến nhiều cảnh dở khóc dở cười. Có nhiều đám tang người ta đi là đi cho người sống chứ đâu phải cho người chết. Họ đi đám tang mà như đi dự tiệc. Thế mới tởm.

Đã hạ huyệt. Ông đã về với đất mẹ bao dung. Nắp quan tài của ông được mở ra. Lần cuối cùng, bầu trời xanh trong soi rọi vào thân thể ông, mọi người lại nhìn thấy ông, một con người tử tế. Linh hồn của ông vẫn còn đây, lưu luyến, nuối tiếc để rồi phải từ giã thế giới này. Từng nắm đất ném nhẹ vào người tưởng chừng như đang bao bọc lấy ông vào lòng đất mẹ làm ông thấy ấm áp vô cùng. Ông đứng tựa vào quan tài, muốn hét lên những điều mình đang nghĩ. Giữa những điều mình muốn nói, ông lại gần vợ ông, rất gần những đứa con đứa cháu, những người thân đang nắm từng nắm đất để đắp bồi cho sự ra đi của ông. Rồi ông hét lên, muốn nói với hết thảy, rằng ông chỉ là người lính, chỉ là người nông dân, nhưng ông muốn con ông, cháu ông, dù là quan, là tướng, hãy thành người tử tế.

Bất chợt ông nhìn thấy đứa cháu gái nội của ông mới mấy tháng tuổi đang quơ hai cánh tay vào không gian, miệng mếu xệch. Con chó Đốm già cũng tự nhiên gầm gừ nhe nanh, ra vẻ bất an. Ông chợt nhớ người xưa hay nhắc, nơi nào đến mà trẻ em khóc và chó sủa là nơi đó cần xem lại. Ông nghĩ hay là điều mình vừa nói chưa hoàn toàn đúng?

Mà thôi, dù gì bây giờ ông cũng là người đã chết. Cuộc đời dễ gì có hai lần chết như ông? Ông lẳng lặng bước xuống mồ, nơi huyệt mộ của ông chỉ còn lại mỗi khuôn mặt xung quanh toàn đất. Trước khi quyện vào mảnh đất quê hương, ông quay lại nhìn hết thảy mọi người. Bỗng đâu con bé cháu nội của ông tự nhiên cười khanh khách, làm mẹ nó mắng yêu: ông nội chết mà cười, đúng là đồ... cháu gái! Trong khi đó con chó Đốm bỗng nhảy hẳn xuống huyệt mộ ve vẩy cái đuôi và hình như ánh mắt nó ươn ướt, làm mọi người phải một phen hú vía.

Nằm trong huyệt mộ, khi đón nhận từng mảng đất lấp dần, hình dung ra cảnh mình sẽ gặp lại những đồng đội năm xưa trên dãy Trường Sơn, ông mừng mừng tủi tủi. Ở nơi đó, biết đâu... ông sẽ được gặp lại cô sơn nữ năm xưa mà ông đã từng... Nếu không có trận mưa bom ác nghiệt năm xưa, đứa con của núi rừng ngày ấy chắc bây giờ đã cho ông lên chức ông cố rồi cũng nên.

T.P