Tản văn của Nguyễn Văn Học

08.12.2015

Tản văn của Nguyễn Văn Học

Nhớ những cơn gió 

Những ngày đầu tiên trở thành cư dân của một thành phố lớn, tôi được may mắn sống ở một khu phố tương đối khang trang và có đủ điều kiện sinh hoạt cho gia đình và việc học tập của con cái. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi cảm thấy không vui như thiếu thiếu một cái gì. Và tôi đã nhận ra đó là thiếu những ngọn gió.

Bức tường vô cảm lạnh lùng của những căn nhà che kín tầm mắt, không cho tôi cảm nhận được không gian rộng lớn của bầu trời xanh trong vào những trưa hè, vẻ đẹp lung linh của chị Hằng  vào những đêm trăng sáng và cảm giác êm ái mơn man của những cơn gió thoảng lướt qua da thịt. Có lẽ vì thế, trong tôi có cái khao khát là trông mong đến những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ để tìm đến những nơi có không gian rộng mở, có khi là quán cóc vỉa hè nhiều bóng cây, nơi chưa có sự hiện diện của những căn nhà cao tầng mà mặc sức thả lỏng hồn mình vào những đám mây trắng phiêu du trên nền trời xanh thẳm. Vì thế, những cơn gió khi trở trời rất hiếm hoi trong thành phố lang thang lọt vào phòng tôi chiều nay đã mang đến cho tôi cảm giác hạnh phúc nao lòng được sống lại với hương xưa. Ký ức của một thời thơ dại cùng với lũ bạn chăn trâu thuở nào, nằm trên cánh đồng vừa gặt thơm mùi rơm rạ, lim dim mắt hướng lên bầu trời xanh với những cánh diều no gió mà tận hưởng cái cảm giác êm ái khi những làn gió nhẹ nhàng thoáng qua mơn man trên da thịt.

Thành phố cho tôi rất nhiều, cho tôi những cái mà hồi còn trên ghế nhà trường tôi từng mơ ước.Và cái hệ quả của khói bụi, những ngã tư chờ đèn xanh đầy hơi xăng, hơi nắng cháy da người vào mùa khô và những con đường không kịp thoát nước khi mưa trút là điều tất nhiên mà những cư dân của thành phố phải chấp nhận và tôi cũng vậy dù muốn hay không muốn. Giờ đây, ngoài đường phố, dòng người vẫn đang hối hả nối đuôi nhau miệt mài đi tìm hạnh phúc và chẳng mấy ai bận tâm đến những cơn gió thoảng qua trong lòng thành phố như tôi lúc này. Biết làm sao được, điều quan tâm mọi người đâu phải lúc nào cũng giống nhau.Với tôi, cuộc sống hằng ngày của mình sẽ hạnh phúc biết mấy, khi có những cơn gió trời thỉnh thoảng lướt qua trong lòng thành phố.

Ấm áp tình người khu chung cư 

hu chung cư nơi vợ chồng tôi ở trong lòng thành phố cũng là nơi sinh sống của một số cặp vợ chồng trẻ vào thành phố học tập, làm việc, quen nhau, yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ. Có thể nói đây là nơi hội tụ của những người ở những vùng miền khác nhau, có người ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây...

Khu chung cư ấy từ thứ hai đến thứ bảy, thì nhà nào cũng cửa đóng then cài vì các vợ chồng trẻ phải đi làm việc, trong nhà thường thì chỉ có những bà mẹ già từ quê đến để giữ nhà và chăm sóc cháu. Và cứ mỗi chiều về, tầm khoảng 3-4 giờ chiều, các bà mẹ mới mở cửa cho cháu xuống hàng ghế đá nơi công viên nhỏ trong khu chung cư chơi đùa, đợi con đi làm về, và đó cũng là nơi các mẹ gặp nhau trao đổi tâm tình cho vơi đi nỗi nhớ quê và bà con hàng xóm. Ban đầu chỉ là những câu chào hỏi xã giao thông thường, và theo thời gian họ thân thiết gọi tên nhau và kể cho nhau nghe cảnh đời của từng người và cả cái chuyện của người tuổi già thời xa lắc xa lơ trước kia. Mặc dầu cách phát âm theo tiếng quê nhà của họ, người nghe ban đầu còn khó hiểu, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ quen dần sắc thái ngữ điệu của nhau nên từ xa lạ trở nên gần gũi và cũng theo thời gian, tình thân láng giềng của những người mẹ xa quê càng ngày càng thêm khắng khít. Mỗi khi có mẹ nào về quê vì có việc nhà, họ cũng tranh thủ đến chào nhau, nếu không kịp họ còn nhắn gửi lời thăm cho người ở lại. Khi về lại thành phố, dẫu là một chút quà nhỏ nơi quê nhà họ cũng đem ra biếu nhau, gói ghém trong đó cả một tấm lòng thơm thảo. Thỉnh thoảng, một người nào đó bị ốm, cái cộng đồng của bà mẹ quê ấy lại tìm đến thăm nhau.

Cái tình của những bà mẹ quê có con cùng khu chung cư đối xử với nhau vô cùng giản dị, chân thật và ít nhiều nghĩa cử vô tư bình dị của các bà mẹ già cũng làm cho những người trai trẻ lập nghiệp nơi phương xa chúng tôi cảm thấy như quê hương gần gũi quanh đây.

N.V.H