Kiêng kỵ của ngư dân ven biển Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

08.12.2015

Kiêng kỵ của ngư dân ven biển Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

Kiêng kỵ là sự kiêng cữ, cấm đoán, được cộng đồng trong xã hội tin theo và thực hiện bằng các hành động nghi lễ tín ngưỡng để tránh sự trừng phạt của một lực lượng siêu nhiên nào đó; hay những kinh nghiệm cho rằng, sự vật hay hành động nào đó sẽ mang đến điềm xui, rủi,... Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, những điều kiêng kỵ đã được đặt ra từ thời xa xưa của hầu hết các nền văn hóa trên thế giới mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu những kiêng kỵ của ngư dân ven biển Đà Nẵng để có thể thấy được những nét văn hóa đặc sắc, sự đa dạng trong cuộc sống của ngư dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

1. Cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có đường bờ biển dài khoảng 92 km, với diện tích ngư trường khoảng 15.000 km2, có thể nói, tài nguyên biển Đà Nẵng khá dồi dào, trữ lượng tương đối lớn. Dọc theo thành phố Đà Nẵng có đến 5/8 quận, huyện với 19 phường tiếp giáp với biển là: Quận Liên Chiểu gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh; Quận Thanh Khê gồm: Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tam Thuận; Quận Hải Châu gồm: Thanh Bình, Thuận Phước; Quận Sơn Trà gồm: Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang, An Hải Tây, An Hải Bắc; Quận Ngũ Hành Sơn gồm: Hòa Hải, Khuê Mỹ, Mỹ An.

Nghề đánh bắt cá của ngư dân Đà Nẵng đã được hình thành từ lâu đời, từ khi những lưu dân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trên bước đường Nam tiến đã vào đây lập làng, làm ăn sinh sống. Họ đã hình thành nên những làng mạc và sống chủ yếu bằng nghề nông truyền thống của mình. Một số người sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên những khúc sông vắng, ở những cồn bãi xa, dần dần họ tách ra và hình thành nên những xóm ở ven sông, ven biển. Sau đó, những lớp người mới hoặc dân ngụ cư, dân nghèo di cư đến ngày càng đông, hợp với lớp người đi trước và trở thành những cư dân sống bằng nghề đi biển. Trong “Phổ liệu Phan tộc miền Trung Nam - Nam Việt Nam: Thế phổ dòng họ Đà Sơn (Quảng Nam) 1318 - 1997” do Ban Sưu tu Phan tộc phổ chí biên soạn vào năm Đinh Sửu (1997), cho biết: “Hệ Tổ của làng Phước Trường (nay là làng Phước Trường, phường Phước Mỹ,

quận Sơn Trà - TG) là ông Phan Phú Vạn - hậu duệ đời thứ 15 của Tổ Phan Công Chánh hệ tộc 2 ở Lạc Câu, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) dòng họ Đà Sơn. Ông đến khai hoang ven biển phía đông cùng các tôn tộc lập xã hiệu Phước Giang (sau là Phước Trường) là tộc Tiền hiền tại làng, phát triển thành ba chi phái, con cháu đông đúc ở tập trung truyền tự 11 đời”. Kể từ khi ông Phan Phú Vạn đến Phước Trường sinh sống tính đến nay đã hơn 400 năm trôi qua. Ngoài ra, còn nhiều phổ hệ của các tộc họ khác ở Mân Quang, Thọ Quang, Liên Chiểu,... cũng cho biết các bậc Tiền hiền của họ đến định cư, sinh sống từ lâu đời và hành nghề đi biển.

Có thể nói, từ những đợt di cư đầu tiên của người Việt đến vùng đất mới, người Việt đã gặp gỡ người Chăm - dân bản địa - một dân tộc vốn có truyền thống hành nghề đi biển - để rồi trong quá trình chung sống, giữa họ có sự tiếp biến và giao lưu văn hóa lẫn nhau. Dần dần, những di dân người Việt ở các làng ven biển đã học hỏi kinh nghiệm làm biển của cư dân bản địa. Lâu dần họ tích góp được những kinh nghiệm làm nghề cho riêng mình.

Sống chung với biển, đối mặt với những thiên tai mưa bão ở trên biển, con người nhỏ bé trước đại dương bao la, họ không có một năng lực để “phòng thủ” hiệu quả nên thường gặp hiểm nguy và mất mát rất nhiều. Đặc biệt, khi xưa khoa học khí tượng chưa phát triển, người dân chỉ biết dựa vào những kinh nghiệm để quan sát những hiện tượng thiên nhiên và dựa vào những quan niệm tâm linh để sinh tồn trên sóng gió biển khơi. Ngày nay, dù khoa học kỹ thuật đã phát triển nhưng những kinh nghiệm, những điều kiêng kỵ đó vẫn được các thế hệ cao niên lưu giữ, một số thì bị mai một dần. Do đó, cần tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ lại để thấy được đời sống tinh thần phong phú của ngư dân Đà Nẵng trong quá trình hình thành, cộng cư trên vùng đất mới từ trước đến nay.

2. Kiêng kỵ của ngư dân ven biển Đà Nẵng

Nghề đi biển ở Đà Nẵng gồm hai hình thức chính là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 5 - 6 giờ chiều, đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau thì về, ngư cụ thường dùng là lưới, câu. Sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là các loài cá, tôm, cua, ốc, mực nhỏ. Loại hình đi khơi thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại. Đi khơi chủ yếu là đi tập thể từ 7 đến 15 người, thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng, sản phẩm đánh bắt được thường là các loại cá, tôm, mực lớn... Việc đi khơi phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thời gian thường diễn ra ít hơn. Dù đi khơi hay đi lộng thì ngư dân Đà Nẵng đều có những điều kiêng kỵ phần lớn giống nhau.

Làm nghề biển, sống chung với biển nên những ngư dân Đà Nẵng có đời sống tâm linh phong phú. Khi ra biển, đối diện với những hiểm nguy do thiên nhiên gây ra đã dần dần tạo nên tâm lý kiêng kỵ của người dân miền biển. Bởi do công cuộc mưu sinh, phương tiện hành nghề trên biển chủ yếu là thuyền nên họ phải lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, trong khi đó biển cả thì bao la và nguy hiểm, còn con người thì nhỏ bé, họ không có một năng lực phòng thủ hiệu quả và phải luôn đối mặt trước sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Mỗi lần giong buồm đi/về, họ luôn cầu nguyện những lực lượng có khả năng siêu nhiên, có thể cứu giúp và dẫn dắt họ an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng thời, trong tâm thức của ngư dân Đà Nẵng, họ luôn quan niệm rằng, “có kiêng có lành” nên họ rất tin vào quỷ thần. Trải dài theo thời gian, qua những tháng năm lênh đênh trên biển khơi, có những điều giúp họ gặp may mắn và cũng có những điều mà họ cho là xui, rủi nên họ tin vào một thế lực nào đó,... do đó họ đã đặt ra rất nhiều kiêng kỵ.

Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm mới là người dân sống bằng nghề đi biển lại tổ chức cúng ở lăng Cá Ông rồi coi ngày giờ tốt để xuất phát ra biển. Bình thường, mỗi lần đi ra biển họ cũng luôn coi ngày tốt hay xấu để tránh ngày “sát chủ”, tổ chức cầu cúng trên tàu để mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió, cầu mong Ông Ngư và những âm linh trên biển phù hộ, giúp họ đánh được nhiều cá tôm.

Trước khi ra biển, công việc chuẩn bị lưới, thuyền đều rất quan trọng. Lúc phơi lưới, bặn mành thì người ta cấm tất cả mọi người không được đi qua dưới giàn mành. Khi khiêng giàn lưới xuống ghe thì phải có một người dẫn đường đi trước để tránh có người đi qua trước mặt, kiêng gặp phụ nữ có thai dọc đường. Khi đi ra thuyền để chuẩn bị ra khơi mà có ai gọi thì chỉ được trả lời mà không được quay đầu lại. Người ta kiêng phụ nữ chạm tay vào lưới vì không biết người phụ nữ lúc đó có được “sạch sẽ” không. Người đi biển kiêng như vậy để tránh bị ô uế và gặp điều không may. Nếu vi phạm những điều trên thì người ta quay về nhà đi tiểu rồi mới ra lại thuyền. Đặc biệt là những người đang chịu tang thì cấm không được xuống thuyền, đồng thời cũng không nên đi ra bãi biển để tránh cho người khác khi đi ra thuyền gặp phải; người đi dự đám tang, lúc trở về cũng phải tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ mới được bước xuống thuyền.

Ngày xưa, khi đời sống người dân còn nghèo khó, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, ngư dân thường dùng thuyền buồm để ra khơi đánh bắt cá thì họ kiêng kỵ việc cầm nón đi ra thuyền mà bị gió thổi lật nón, vì họ quan niệm rằng, nếu để nón lật thì ra khơi rất nguy hiểm, có khi thuyền bị lật. Cho nên lúc cầm nón họ thường kẹp vào nách để tránh cho nón bị lật. Đồng thời mọi vật dụng trên thuyền đều phải để ngửa chứ không được lật úp lại.

Con thuyền là phương tiện quan trọng nhất đối với người dân biển. Là nơi cư trú của họ trong những ngày tháng lênh đênh trên biển. Do vậy, tàu thuyền không chỉ là phương tiện đánh bắt trong công cuộc mưu sinh mà còn là mái nhà che chở họ, vì thế nó vô cùng quan trọng, đặc biệt ẩn chứa chiều sâu đời sống tâm linh của ngư dân. Người ta cũng xem tàu, thuyền như một vị thần và có nhiều quan niệm về con thuyền, như: mũi thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị cho nên thường tối kỵ với đàn bà, họ cấm không cho đàn bà phụ nữ tới gần vì sợ sẽ làm ô uế. Khi ở trên tàu, thuyền muốn đi vệ sinh thì phải đi bên “đốc” (tức là bên phải) cấm việc đi bên “lái” (bên trái). Lúc tàu thả neo hoặc kéo neo lên thì không được đi tiểu tiện hay đi đại tiện vì ngư dân quan niệm rằng, khi thả neo hay kéo neo là được các vị thần cai quản nơi đó phù hộ cho, nếu làm ô uế thì sẽ bị thần trách phạt. Khi đi biển, họ cũng không thích thuyền của người khác vượt lên trước thuyền mình vì như vậy có nghĩa là những may mắn của chuyến đi đã bị thuyền kia lấy mất. Ngư dân cũng kiêng cử việc “sụp sạp” trên tàu (sạp là một tấm ván trên tàu). Ngư dân quan niệm nếu đi trên ván mà bị sụp chân xuống thì chuyến đi biển đó sẽ xôi hỏng bỏng không.

Khi đi ra biển, người ngồi ở mũi thuyền phải hướng mặt nhìn về phía trước, không được ngồi quay mặt về phía sau, bởi việc làm đó đồng nghĩa với sự tiếc nuối, lưu luyến, vĩnh biệt đất liền,... họ sợ sẽ gặp nhiều bất trắc.

Khi đã ra ngoài khơi thì người ta kiêng không để vật dụng trên thuyền rớt xuống biển, bởi quan niệm nếu để vật rơi xuống biển thì bị chìm thuyền. Dù đồ vật có bị hỏng hay bể thì cũng để lại trên thuyền mang về. Có nơi như ở làng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), ngư dân quan niệm không bao giờ được để dao rớt xuống biển vì như vậy sẽ làm tổn hại đến Bà Thủy và sợ Bà nổi giận gây trở ngại cho họ trong những ngày hành nghề trên biển. Nếu lỡ đã để dao rơi xuống nước thì người ta quay trở về mua lễ vật mời thầy cúng để xin lại con dao và cầu mong Bà bỏ qua cho sự sơ sẩy đó.

Đặc biệt trong tình cảm vợ chồng, sự chung thủy của người vợ ở nhà có chồng đang đánh bắt cá ở ngoài khơi cũng rất quan trọng. Nếu người vợ ở nhà giữ mình “trong sạch”, thủy chung với chồng thì người chồng mới vượt qua những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, an toàn trở về. Quan niệm này cũng tồn tại ở một số nước như Ấn Độ, Mã Lai.

Khi ở ngoài khơi thì ngư dân đặc biệt kiêng kỵ việc chửi thề, đặc biệt là chửi mắng người “khuất mày khuất mặt”. Nếu phạm điều này thì họ sợ sẽ bị những âm linh, cô hồn làm cho gặp xui xẻo, không thu hoạch được gì.

 Khi đi nghề lưới đăng hay nghề lưới cào ra biển, khi gặp phải đàn cá heo, họ sẽ dùng chiếc đũa chỉ ra hướng khác, nếu đàn cá đi theo hướng đũa chỉ thì không sao, nếu đàn cá vẫn đi theo thuyền thì ngư dân cho rằng đã gặp “trời đuổi rồi”, người ta sẽ quay thuyền trở về. Đối với họ, cá voi là con vật linh, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin,... bởi cá voi luôn chỉ đường dẫn lối cho những người lênh đênh trên biển khi gặp sóng to, gió lớn hay gặp hoạn nạn nên họ tôn kính “ngài” như một vị thần hộ mạng.

Tới giờ nấu cơm thì ai được phân công cứ tự động làm chứ không được nói. Làm cá thì không được chặt đuôi bởi vì họ quan niệm là cá có đuôi mới bơi được, nếu chặt mất đuôi thì sợ sẽ không đánh được cá. Không được vứt đầu cá, ruột cá xuống biển vì sợ nếu làm như vậy thì sẽ cắt đứt nguồn cá. Người đầu bếp không được lấy tay chống cằm vì hành động này biểu hiện sự buồn chán nên dễ gặp vận xui.

Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày khi ở trên biển, dù là người của biển khơi, “ăn sóng nói gió” nhưng họ cũng có nhiều từ ngữ kiêng kỵ như: trước khi thả lưới đánh cá thì không ai được nói trước là bắt được nhiều cá hay không? Nếu có nhiều cá thì nói là “vô mánh”, nếu không có cá thì dùng từ “không có”. Dùng từ “no rồi” hoặc “chững dòng” thay cho “thôi”, “đầy” khi cá đã đầy khoang vì họ cho rằng từ “thôi” sẽ làm cho những lần đi biển khác không thu hoạch được gì. Thậm chí còn quan niệm “thôi” tức là “không bao giờ ra biển nữa”. Những thành viên trên tàu không được nói từ “đỗ” vì nếu nói từ đó ra thì sợ rằng sẽ không đánh được cá. Không được nói “con khỉ”, “nai”, “vích”,... theo quan niệm của người dân biển thì những con vật này thường mang lại xui xẻo nên người ta kỵ không được nói ra. Trong sinh hoạt hay nghỉ ngơi trên thuyền thì không được nói từ “vân tiên” vì theo quan niệm của ngư dân từ này có nghĩa là “rong chơi” cho nên không có hiệu quả. Họ sợ rằng khi nói như vậy thì không đánh bắt được gì.

Khi ra biển đánh bắt thì ngư dân cũng kiêng nhắc đến từ “sóng”. Sóng to gió lớn luôn là nỗi lo thường trực của người dân khi đang lênh đênh trên biển. Cho nên thay vì gọi “sóng” người ta nói “nhóc” khi sóng nhỏ và nói “tố” khi sóng lớn. Họ cũng kiêng gọi tên các loại ngư cụ nên chỉ dùng những từ chung chung như “bộ nghề”, “mang nghề” hay “dọn nghề”. Lúc đánh bắt sợ xúc phạm đến thần biển hay ông Ngư nên người ta không dùng từ “đánh”, “bắt” mà nói là “múc” (khi kéo cá thì họ sẽ hô “hồ múc”: “hồ” là dự lệnh, “múc” là động lệnh). Chuyến đi biển đầu tiên thì gọi là “đi mở hàng” mà không nói là “đi biển”. Trong hành trình trên biển tránh nói đến từ “úp” mà thay vào đó từ gần nghĩa hoặc trái nghĩa: nói “nghiêng” thay cho “úp” (nói “nghiêng thúng” thay cho “úp thúng”) để tránh những chuyện mất mát.

Trong lúc thả lưới xuống hay kéo cá lên thuyền thì nói “chững” mà không nói “thôi”. Bởi họ cho rằng từ “chững” có nghĩa là dừng lại một lúc rồi tiếp tục chứ từ “thôi” thì có nghĩa là hết hẳn, là chấm dứt, nếu mà hết thì sợ không đánh được cá nữa nên người ta tránh dùng.

3. Thay lời kết

Cuộc sống lênh đênh của những ngư dân trên biển cả bao la bất cứ lúc nào cũng gặp những sự cố mà không biết trước và cũng rất khó chống đỡ đã tạo nên tâm lý kiêng kỵ của họ. Trên đây là những kiêng kỵ chúng tôi khảo sát tại các làng biển Đà Nẵng có thể có nhiều điểm giống những làng biển ở địa phương khác và cũng có những điều là riêng có ở vùng đất này. Những kiêng kỵ này phản ánh tâm thức, quan niệm của ngư dân Đà Nẵng đối với việc hành nghề, thái độ ứng xử với giới trong một cộng đồng. Đồng thời phản ánh những mong muốn của người dân làm nghề biển. Họ khát khao mỗi lần ra biển sẽ được an toàn trở về và đánh được nhiều cá tôm. Việc thực hiện những kiêng kỵ không chỉ tạo sự bình an trong tâm tưởng mà còn thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với các lực lượng phù hộ cho họ trong cuộc sống.

Đ.T.T