Đọc văn chương nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của Nguyễn Ngọc Thiện - Nguyễn Thi Lan

08.12.2015

Đọc văn chương nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của Nguyễn Ngọc Thiện - Nguyễn Thi Lan

1. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện gây cho tôi ấn tượng mạnh về sức làm việc của ông. Ngoài công việc của một Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, một ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cho đến nay Nguyễn Ngọc Thiện đã in trên 60 đầu sách, trong đó có 6 cuốn in riêng, 21 cuốn chủ biên, 36 cuốn in chung. Một khối lượng sách đáng nể của một cây bút giàu năng lượng.

Chúng ta đều biết, viết lý luận phê bình mà chuyên tâm được là điều rất khó. Nó đòi hỏi sự tích lũy. Chẳng thế mà một nhà phê bình Đức đã viết một cách hình tượng, dí dỏm: “Nhà phê bình là độc giả thuộc loại “nhai lại”.  Vì vậy “anh ta phải có nhiều hơn một cái dạ dày”. Ngoài sự tích lũy, có kiến văn, nhà nghiên cứu phê bình phải có những phẩm chất khác: Niềm say mê đọc viết; tỉ mỉ, công phu, chắc chắn; tinh tế trong năng lực cảm thụ thẩm mỹ; nhạy bén, công tâm, thẳng thắn trong khen chê... khác hẳn công việc của nhà sáng tác thơ, truyện... Nói điều này để thấy tinh thần lao động khoa học hết mình, rất đáng trân trọng của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện.

Được đào tạo ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp anh về làm việc Viện Văn học năm 1967; qua Đức tu nghiệp, tốt nghiệp Tiến sĩ (Loại A) tại Cộng hòa dân chủ Đức năm 1987; 10 năm sau (1997) là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam; và cũng 10 năm sau (2007) Nguyễn Ngọc Thiện nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tiền thân là Tạp chí Văn Nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Việt Nam, thành lập năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc). Suốt gần nửa thế kỷ, Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu cần mẫn, có bề dày thâm niên học vấn, có quá trình trải nghiệm một đời văn.

2. Văn chương Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận là cuốn sách in riêng thứ 6 của Nguyễn Ngọc Thiện. Sách dày 424 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2015. Đây là một công trình khoa học công phu, tâm huyết của tác giả. Sách tập hợp những thành quả mà Nguyễn Ngọc Thiện đã dày công nghiên cứu trong 5 năm qua (2010-2015), đã được công bố tại các hội thảo khoa học quốc gia và trên các sách, báo, tạp chí Trung ương.

Sách gồm 3 phần: Phần I: Tiểu luận, phê bình Văn chương Nghệ thuật Việt Nam hiện đại; Phần II: Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm; Phần III: Về báo chí Văn nghệ.

Phần I gồm 17 bài. Tác giả đã dành quá nửa số trang trong cuốn sách (trang 13-232) để luận bàn xoay quanh những vấn đề văn học, nghệ thuật; về các tác giả, tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại “nhìn dưới góc độ của sự đọc chuyên nghiệp và thẩm mỹ tiếp nhận”. (Lời tác giả)

Bàn về vấn đề người đọc, một đối tượng quan trọng trong lý thuyết tiếp nhận, trong bài “Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến nay” (trang 22-72) là một bức tranh khái quát, tổng quan về vấn đề “người đọc”, là một đóng góp quan trọng của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện. Tác giả đề cập hàng loạt các tên tuổi từ đầu thế kỷ XX; từ các tác giả viết tiểu thuyết: Nguyễn Trọng Quản, Trần Thiên Trung cho đến tên tuổi các nhà nghiên cứu của phê bình: Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nhất Linh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Trinh, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Thanh Hùng, Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Trần Đình Sử... PGS. TS.Vũ Nho, một nhà lý luận phê bình có nhận xét: “Nguyên cái việc đọc cho hết trước tác của các tác giả, rồi lấy ra những ý kiến quan trọng về người đọc cũng đòi hỏi công phu và một sức đọc ghê gớm” chưa kể đến việc theo dõi, hội thảo, tóm tắt ý kiến của các thành viên trong cuốn sách “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”.

Ngoài những trang viết về Ma Văn Kháng (tác giả dành hẳn ở phần II), trong phần I tác giả đã có những trang viết về những nhà nghiên cứu phê bình như Hoàng Trinh “nhà lý luận phê bình văn học hàn lâm”, như giáo sư Hoàng Xuân Nhị “Nhà nghiên cứu, dịch giả cần mẫn, nhà giáo tận tụy”, như giáo sư Đinh Gia Khánh - người thầy khả kính của Nguyễn Ngọc Thiện ở trường Đại học Tổng hợp mà ông may mắn được thụ giáo và gần gũi, Nguyễn Ngọc Thiện đã học được “bài học về tư duy thực chứng và đối thoại trong nghiên cứu văn học” của người thầy của mình. Phần I còn có những trang viết xác đáng, tinh tế về việc “xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn”, về Nguyên Hồng với cuốn “Những ngày thơ ấu” mà Nguyễn Ngọc Thiện cho là “cuốn hồi ký - tự truyện đặc sắc mở đầu cho một thể tài của văn học Việt Nam hiện đại”. Đặc biệt là những trang viết đầy trân trọng, khuyến khích về thành quả đầu tay của bốn nhà nghiên cứu phê bình văn học nữ, trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, đang dấn thân vào công việc khoa học đầy thách thức và khó khăn như: Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng, Đỗ Phương Thảo, Lê Thị Bích Hồng.

Qua những bài viết về những “chân dung văn học” ấy, độc giả thấy hiện ra “chân dung” của tác giả, một nhà phê bình thẳng thắn vô tư, đam mê văn chương, có tấm lòng khiêm tốn học hỏi lớp người đi trước và khuyến khích tôn trọng lớp người đi sau.

Là một nhà giáo, nhà khoa học tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tác giả đã đề cập vấn đề khá “nóng” đó là việc hướng dẫn khóa luận, luận văn, luận án. Trong bài “Xung quanh việc hướng dẫn người học Văn chọn đề tài Khóa luận, Luận văn, Luận án”, tác giả đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng đào tạo đại học, sau đại học ngành Văn những năm gần đây “đáng báo động về chất lượng đào tạo ở các khâu tuyển sinh, chọn đề tài nghiên cứu tùy tiện, không theo quy hoạch chặt chẽ. Đó là những nhận xét thẳng thắn, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của một người thầy.

3. Phần II gồm 12 bài (trang 233-352), tác giả tập hợp các bài phỏng vấn, nghiên cứu phê bình trước nay về nhà văn Ma Văn Kháng, với một số danh tác thuộc truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, bút ký - tiểu luận của ông. Phần này hoàn toàn có thể đứng độc lập thành một chuyên luận, một cuốn sách riêng về Ma Văn Kháng. Nhưng ghép vào đây không thừa bởi nhan đề cuốn sách là: Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận có thể bao gồm cả ba phần của cuốn sách.

Ma Văn Kháng là một “Tác gia văn học lực lưỡng” (chữ dùng của Nguyễn Ngọc Thiện), một nhà văn tài danh và nhà tiểu thuyết, truyện ngắn hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Ma Văn Kháng từng vinh dự được tặng giải thưởng Văn học Đông Nam Á (1998), giải thưởng Văn học Nhà nước (2001), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012). Tập trung nghiên cứu, giới thiệu về cuộc đời, tác phẩm của Ma Văn Kháng cho ta thấy cách chọn lọc tác giả, tác phẩm đúng đắn của Nguyễn Ngọc Thiện. Đọc, rồi nhận xét, đánh giá chân giá trị của mỗi tác phẩm, định vị một chân dung văn học mới trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại cho ta thấy tầm vóc, bản lĩnh học thuật của nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Ngọc Thiện.

Các bài viết của Nguyễn Ngọc Thiện ở phần II này thật đa dạng. Không chỉ viết khái quát về một “Tác gia văn học lực lưỡng”, “Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo”, một “Tiểu thuyết về đề tài dân tộc và miền núi của Ma Văn Kháng”, Nguyễn Ngọc Thiện còn nhận xét, đánh giá những tác phẩm cụ thể; có khi là một truyện ngắn hay (Trăng soi sân nhỏ), một tập truyện ngắn (Một mối tình si), một tiểu thuyết đề tài xã hội “Ngược dòng nước lũ”, một tiểu thuyết đề tài công an hình sự (Bóng đêm), có khi là một cuốn Hồi ký - Tự truyện (Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương), một tập tiểu luận và bút ký về nghề văn (Phút giây huyền diệu). Ở thể loại sáng tác nào của Ma Văn Kháng tác giả Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ “điểm” những tác phẩm tiêu biểu mà còn tìm ra những đóng góp của Ma Văn Kháng về nội dung tư tưởng, nghệ thuật và thể loại.

Có thể nói, những bài tiểu luận về Ma Văn Kháng của Nguyễn Ngọc Thiện đã giúp người đọc và giới chuyên môn có thêm những tư liệu, giúp vào việc mở rộng kiến văn, tìm hiểu sâu hơn về một tác giả có nhiều tác phẩm xuất sắc, đóng góp vào tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

4. Phần III gồm 9 bài (trang 353-417) được kết cấu theo hai chủ đề. Đây là những phát biểu của Nguyễn Ngọc Thiện xoay quanh việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của báo chí văn nghệ Việt Nam đương đại, từ một người mười năm hoạt động thực tiễn và tác nghiệp tận tụy gắn bó với Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Lập luận của tác giả phần này sắc bén, cập nhật, hiện đại.

“Về Tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam” (3 bài). Với tư cách là một Tổng biên tập một tạp chí có truyền thống từ năm 1948 của Hội Văn nghệ Việt Nam, ông hồ hởi trước thành tựu của tạp chí suốt hơn 20 năm qua (từ 1991), ông đau đáu với việc đổi mới, nâng cao chất lượng ấn phẩm ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; ông nghiêm túc đánh giá về nó, mong mỏi “tăng cường dung lượng và chất lượng bài viết lý luận phê bình văn nghệ trên tạp chí”.

Về “Thực trạng và mấy vấn đề về báo chí văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” (6 bài), tác giả chỉ ra những bất cập của báo chí văn nghệ “tình trạng xuống cấp và sa sút tính chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ” và mong muốn khắc phục tình trạng “hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác” và “phấn đấu xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam”, trên cơ sở đó ông đặt ra những yêu cầu bắt buộc đối với báo chí, tất cả vì sự nghiệp báo chí chất lượng cao “hay và đẹp”. Đấy là những trang viết đầy tâm huyết xuất phát từ lòng nhiệt thành, mang tính xây dựng của một người làm báo, yêu mến và có trách nhiệm với công việc của mình.

Tập phê bình tiểu luận Văn chương Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện là cuốn sách công phu, tâm huyết, đóng góp thiết thực vào đời sống nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam hiện đại.

N.T.L