Sự thăng trầm của Tuồng trong kháng chiến chống Pháp

12.10.2022
Phạm Ngọc Hiền

Sự thăng trầm của Tuồng  trong kháng chiến chống Pháp

Nghệ thuật Tuồng cổ

Tuồng là loại hình sân khấu truyền thống có từ lâu đời, phổ biến ở cả ba miền. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, tuồng đứng trước nhiều thử thách. Từ những năm 1920, ở các đô thị Nam Bộ, tuồng thất bại trong cuộc cạnh tranh với cải lương nên rút về nông thôn. Còn ở Trung Bộ, Bắc Bộ, tuồng phải chật vật cải tiến để tìm chỗ đứng trong lòng khán giả hiện đại. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tuồng gặp nhiều thăng trầm, lận đận đúng như câu nói của Đào Tấn: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Năm 1945, giới sân khấu Việt Nam vui mừng chào đón hai sự kiện lớn: Thế chiến 2 kết thúc và Việt Nam được độc lập. Ở Quảng Nam, các nghệ sĩ chào đón vận hội mới bằng các vở tuồng: Kiều quốc sĩ, Gương liệt nữ (Trưng Vương khởi nghĩa), Cờ giải phóng (Anh Lan chị Lan)… Nhiều gánh hát hăng hái biểu diễn gây quỹ cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh kéo dài, gây nhiều khó khăn cho sân khấu tuồng.

Trong chiến tranh, sinh hoạt văn nghệ gặp nhiều khó khăn. Các gánh hát phải chạy loạn, nay đây mai đó. Mỗi khi di chuyển, phải khiêng theo hòm xiểng lỉnh kỉnh, đầy những áo mão cân đai, hia, gậy, kèn, trống… Có khi gặp máy bay ném bom, phải bỏ hết tài sản quý báu. Trong cảnh khó khăn, dân chúng cũng không có điều kiện xem hát. Nhiều gánh hát bội rã đám, diễn viên chuyển sang hát cải lương hoặc làm nghề khác.

Trong cái khó ló cái khôn. Một số gánh hát bội ghép chung với gánh hát chèo. Một buổi diễn hai loại kịch nên mới có câu: “tiền hát chèo, hậu hát tuồng”. Một số địa phương tạo điều kiện cho gánh hát bội biểu diễn với điều kiện: dành khoảng 15 phút đầu để cán bộ lên tuyên truyền đường lối. Có nơi, để thu hút nhân dân tới tham dự mít tinh, Ban tổ chức thông báo: sẽ có biểu diễn hát bội. Thế là dân chúng nô nức đi dự đông đủ.

Tuy nhiên, chính quyền cũng nhận thấy khó có thể dùng hát bội để tuyên truyền cách mạng. Một gánh hát thường có đông người, nhiều đồ đạc, khó di chuyển. Trong khi một đội kịch nói chỉ cần vài người và ít đồ đạc. Hát bội có hệ thống nguyên tắc biểu diễn rất khắt khe, phải dày công luyện tập mới diễn được. Trong khi kịch nói rất đơn giản, ai cũng diễn được. Kịch nói biểu diễn theo lối tả thực, dễ thuyết phục khán giả hơn. Hát bội có lối biểu diễn cách điệu, xa lạ. Bởi vậy, việc dùng hát bội để biểu diễn các câu chuyện kháng chiến sẽ lố lăng. Chẳng hạn, như cho diễn viên bôi mặt đỏ, mặc áo thụng lên sân khấu múa may: “Như ta đây là chủ tịch xã ứ ư…”.

Soạn tuồng theo đề tài mới thì lại khó khăn. Nếu dùng các vở cũ cũng không được. Phần lớn tuồng cổ mang tư tưởng trung quân, ca ngợi những trung thần xả thân cứu chúa. Cách mạng tháng Tám vừa lật đổ chế độ phong kiến. Vua Bảo Đại đang đứng đầu chính phủ quốc gia thân Pháp, chống lại Việt Minh. Nếu hát những vở tuồng trung quân thì không khéo lại bị quy chụp là kêu gọi nhân dân trung thành với triều Nguyễn. Bởi vậy, các gánh hát bội băn khoăn, không biết diễn thế nào cho hợp với thời đại mới.

Năm 1947, ở Quảng Nam, Tống Phước Phổ có tổ chức đoàn tuồng để gây quỹ kháng chiến nhưng cũng không dám gọi là “đoàn tuồng” mà đặt tên Đoàn Ca kịch kháng chiến. Nhưng dù có thay tên thì tuồng cũng khó tồn tại. Cả hai vợ chồng Nguyễn Lai và Ngô Thị Liễu đành phải bỏ nghề hát. Chồng làm nghề bốc thuốc, vợ tráng bánh. Mấy hòm áo mão bị mối ăn, phải lấy ra khâu làm quần áo trẻ con. Các sách tuồng quý giá đành bán cho người ta để lấy giấy cuốn thuốc lá.

Cách đối xử với tuồng cũng có sự khác nhau ở mỗi tỉnh. Có tỉnh không cấm nhưng cũng không khuyến khích. Bình Định cấm tuồng nghiêm ngặt nhất. Bởi vậy, các đoàn tuồng ở đây thường chạy ra Quảng Ngãi hoặc vào Phú Yên để hát. Chính quyền Bình Định lúc đó cho hát mọi thể loại, nhưng chỉ trừ tuồng. Trong hồi ký của mình, Mịch Quang kể lại: “Tôi hát đủ các thể loại: hát mới, ngâm thơ, hát dân ca, ca cải lương, ca Huế, hô bài chòi; trừ hát bội (tuồng) lúc ấy đang bị cấm vì cho là phong kiến”().

Vấn đề cấm hay không cấm tuồng đã được đặt ra từ đầu kháng chiến chống Pháp. Tháng 4 năm 1946, Nha Thông tin tuyên truyền Trung Bộ đã mở cuộc họp bàn về việc cấm hay không cấm tuồng. Nhưng có nhiều ý kiến trái ngược nhau nên chưa ngã ngũ. Đầu năm 1948, tại Thanh Hóa, lại diễn ra hội nghị về tuồng dưới sự chủ trì của tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai. Trương Tửu và Đoàn Phú Tứ đòi xóa bỏ tuồng, vì tuồng lạc hậu, phản động, phục vụ vua chúa. Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai ủng hộ tuồng. Thấy số đông đại biểu đòi bỏ tuồng vào viện bảo tàng, Nguyễn Sơn phát biểu: “Các bạn muốn xếp tuồng vào bảo tàng ư? Việc đó đâu phải chỉ hội nghị chúng ta định đoạt mà xong được. Chừng nào quần chúng còn thích thì tuồng còn sống”(). Hội nghị này vẫn không quyết định được số phận của tuồng.

Tháng 3/1950, tại Việt Bắc, diễn ra Hội nghị tranh luận sân khấu. Chủ tọa là Tố Hữu và Thế Lữ. Đoàn Phú Tứ được mời đọc thuyết trình “Quan niệm xây dựng sân khấu Việt Nam”. Lần này, Đoàn Phú Tứ tiếp tục nã pháo vào hát bội: “Tuồng đem những chuyện của bọn vua chúa, quan liêu hoặc để treo gương sáng đẹp của bọn thống trị cho dân gian thán phục, tôn thờ; hoặc để gây cho dân chúng lòng sợ hãi số mệnh (…) đến khi chế độ phong kiến suy tàn thì tuồng cũng ngoắc ngoải theo”. Phan Khôi cho rằng có thể tạm bỏ tuồng vào viện bảo tàng. Nhưng lưu ý là tuồng cũng có nhiều loại, riêng loại tuồng đồ thì giống chèo (ít ca tụng vua chúa).

Phái ủng hộ tuồng, chèo, có: Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Thiều Quang… Lập luận của họ như sau: đồng ý là tuồng, chèo cũng có một số nhược điểm. Nhưng ta có thể tận dụng những ưu điểm của nó để giáo dục quần chúng. Có thể phát huy chủ nghĩa anh hùng trong tuồng. Dân chúng còn đang thích tuồng, chèo, nên không thể bỏ được. Vả lại, nếu bỏ tuồng, chèo, sẽ mâu thuẫn với chủ trương xây dựng nền văn nghệ nhân dân. Tố Hữu phát biểu: “Ta nên giữ tuồng, chèo bằng cách phát triển nó”.

Hội nghị đã đưa ra nghị quyết về vấn đề tuồng, chèo, cải lương. Phần nói về tuồng có thể tóm tắt mấy điểm như sau: 1. Không diễn những sự tích phong kiến lạc hậu; 2. Có thể diễn những sự tích có lợi cho nhân dân và kháng chiến; 3. Cần viết lại tích cũ theo tinh thần khoa học và quan điểm nhân dân; 4. Không được dùng tuồng để diễn sự việc và nhân vật kháng chiến; 5. Cần sưu tầm những vở tuồng có giá trị để nghiên cứu().

Nghị quyết hội nghị này có tác dụng tham mưu cho Chính phủ về đường lối văn nghệ dân tộc. Năm sau, Chính phủ đã ban hành “Dự thảo về vấn đề khai thác vốn cổ dân tộc”, chủ trương phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống để phục vụ kháng chiến. Hoàng Châu Ký cho biết: “Dự thảo chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc của Trung ương Đảng được phổ biến năm 1951. Đó là ánh sáng mới soi lối đi cho nghệ thuật. Ở Nam Bộ, nhiều nơi tuồng được diễn lại. Lệnh cấm tuồng ở Bình Định không còn hiệu lực”(). Khi nghe Hoàng Châu Ký báo tin lãnh đạo Khu V cho thành lập đoàn hát bội, nhiều nghệ sĩ vẫn còn nghi ngờ không rõ tin thật hay đùa. Họ chưa dám nhận lời ngay, tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Cuối cùng, các đoàn tuồng miền Trung cũng được thành lập dưới sự bảo trợ của chính quyền. Trong đó, có nhiều nghệ nhân lớn như: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Võ Sĩ Thừa, Lệ Thi, Tống Phước Phổ, Nguyễn Tường Nhẫn… Ở Bắc Bộ, trong các đoàn văn công lớn có cả tổ kịch, tổ chèo, tổ tuồng, tổ cải lương…

Phong trào hát bội phát triển trở lại. Một số tuồng tích cũ có yếu tố tiến bộ được đem ra diễn: Bạch Phù Dung loạn trào, Trảm Trịnh Ân, Tam nữ đồ vương, Hoàng Phi Hổ đầu Chu, Trưng Nữ Vương… Người ta cũng bắt đầu sáng tác nhiều vở tuồng mới với đề tài chống Pháp như: Chiến sĩ giết giặc (Trịnh Xuân Quang), Đường về Vụ Quang (Hoàng Châu Ký), Giảm tô (đoàn tuồng Bình Định), Chị Ngộ (Nguyễn Lai, giải thưởng Phạm Văn Đồng năm 1953). Ở miền Bắc, còn diễn nhiều tuồng náo châm biếm Pháp: Sác tông Lơ Pa giơ, Tam anh chiến Đơ lát, Vỡ mộng hòa bình…

Như vậy, từ khi có chủ trương phục hồi vốn cổ, sân khấu tuồng được phục hồi và phát triển. Sau năm 1954, ở miền Bắc, Chính phủ đầu tư khai thác các loại hình sân khấu dân tộc, thành lập ban nghiên cứu tuồng, mở trường nghệ thuật sân khấu, thường xuyên mở các lớp đào tạo diễn viên tuồng. Nhiều đoàn tuồng được thành lập với quy mô lớn, có sự đầu tư của nhà nước. Tuồng tiếp tục có nhiều cơ hội để tỏa sáng.

Tuồng đã từng có sức sống mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, ngày nay, tuồng đang gặp thử thách khó khăn trước sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí mới. Liệu tuồng có tiếp tục đi xa hơn nữa hay sẽ dừng lại và trở nên xa lạ với giới trẻ hiện nay? Điều đó còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng và sự nỗ lực của bộ môn nghệ thuật này.

P.N.H