Anh Tới, chị Vân làm kinh tế giỏi

11.10.2022
Trần Ngọc Đức

Anh Tới, chị Vân làm kinh tế giỏi

Anh Cao Văn Tới đang cho cá ăn tại thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương

Thời gian qua, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên huyện Hòa Vang phát huy sức trẻ, xây dựng các mô hình kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Một tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương - vợ chồng anh Cao Văn Tới (sinh năm 1989) và chị Lê Thị Bích Vân với mô hình “Nuôi trồng, chế biến và kinh doanh chả cá thát lát” tại thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Tạo dựng cơ sở chế biến, kinh doanh chả cá thát lát

Chúng tôi đến thăm Cao Văn Tới và Lê Thị Bích Vân (cả 2 vợ chồng đều là đảng viên trẻ) đúng vào thời điểm họ đang xây một ngôi nhà mới khá khang trang, đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của anh chị. Cơ sở chế biến, kinh doanh chả cá thát lát của họ cũng nằm chung khuôn viên với ngôi nhà được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, đầy đủ các quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường từ chế biến nguyên vật liệu đến xử lý nước thải. Chúng tôi khá bất ngờ trước cơ ngơi này khi biết họ chỉ mới vừa bước qua tuổi ba mươi.

Sau khi kết hôn năm 2009, anh Tới công tác tại UBND xã Hòa Khương trong vai trò là một công an viên còn chị Lê Thị Bích Vân công tác tại một trường học trên địa bàn xã. Dù đã lập gia đình và có công việc khá bận rộn nhưng cả hai vẫn tiếp tục tích cực tham gia các phong trào đoàn tại địa phương cũng như phấn đấu tìm con đường phát triển kinh tế cho gia đình thông qua việc nuôi cá nước ngọt. Dù vậy, công việc này chỉ thật sự được anh chị đẩy mạnh từ năm 2017 - sau khi anh Tới nghỉ việc ở UBND xã khi công an chính quy được đưa về địa phương.

Không để phí thời gian của tuổi trẻ, sau khi nghỉ việc tại xã, anh Cao Văn Tới quyết tâm tìm đường vươn lên để làm giàu cho gia đình. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm của một đảng viên với xã hội, anh  luôn tìm tòi, học hỏi để có thể mở rộng mô hình sản xuất và nâng cao giá trị thủy sản mà lâu nay gia đình đang thực hiện. Nhận thấy những điều kiện thuận lợi tại địa phương cho việc nuôi cá như: có nguồn nước sạch dồi dào, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, địa hình có thể xây dựng được nhiều ao hồ…; bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, đoàn thể tại địa phương đối với thanh niên khởi nghiệp… Xác định được những thuận lợi đó, nghĩ là làm, hai vợ chồng anh Cao Văn Tới và chị Lê Thị Bích Vân đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách để mở rộng quy mô sản xuất bằng việc mua lại những ao cá mà người dân tại khu vực sản xuất không hiệu quả, đầu tư thêm máy móc để cải tạo ao nuôi, xây dựng đường ống để dẫn nước sạch từ hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ về khu vực ao nuôi; bên cạnh đó họ còn bỏ thời gian và kinh phí để tham gia các lớp tập huấn và tham quan thực tế việc nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi trong cả nước.

Tuy nhiên, không việc gì là dễ dàng, thuận lợi cả, dù đã có không ít kinh nghiệm từ thực tế nhưng trong quá trình nuôi vẫn xảy ra nhiều khó khăn như: cá bị dịch bệnh, con giống không đạt chất lượng, giá thức ăn tăng cao, quy trình xử lý nước chưa đảm bảo, sản phẩm không có đầu ra ổn định… nhiều lúc khiến hai vợ chồng anh Tới thật sự chán nản và bản thân anh Tới cũng đã nghĩ đến việc đi “làm công ăn lương cho nhàn”. Tuy nhiên, luôn nhớ lời Bác Hồ dạy dành cho thanh niên “Không có việc gì khó…” và trách nhiệm nêu gương của một đảng viên đối với xã hội và cộng đồng xung quanh rằng: nếu mình thất bại thì nhiều hộ nuôi thủy sản ở đây cũng sẽ bán rẻ hoặc bỏ không ao hồ, như vậy con đường tìm cách làm giàu cho nhiều gia đình tại đây sẽ trở nên khó khăn hơn. Khắc sâu lời Bác, đôi vợ chồng đảng viên trẻ Cao Văn Tới và Lê Thị Bích Vân đồng lòng làm lại từ đầu, tiếp tục học hỏi, tiếp tục kiên trì hơn trong lao động; một ngày của họ bắt đầu từ ba bốn giờ sáng dậy để làm việc cho đến chiều tối; đồng thời tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến ngư, các đoàn thể ở huyện để tham gia các lớp tập huấn và tiếp cận các nguồn vốn vay chính sách nhằm tái thiết lại việc sản xuất. Và sau nhiều khó khăn vất vả họ cũng đã tạo ra được một quy trình nuôi trồng thủy sản đảm bảo cá sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, mở rộng được thị trường tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố. Sự thành công này đã giúp gia đình anh Tới trả được nợ ngân hàng, có thu nhập ổn định để sinh sống; tạo được động lực cho nhiều gia đình xung quanh tin tưởng vào mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương, tích cực tham gia nuôi cá để không bỏ trống những chân ruộng trũng không thể sản xuất lúa hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ để nhiều người nuôi cá nước ngọt và các bạn đoàn viên thanh niên đến tham quan học hỏi trong thời gian qua.

Nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng mô hình sản xuất xanh, bền vững, phát triển vì cộng đồng

Nhận thấy việc nuôi cá cần phải hướng tới việc đảm bảo môi trường để phát triển bền vững. Tháng 6 năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư huyện Hòa Vang, vợ chồng anh Cao Văn Tới mạnh dạn thay đổi phương thức nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi lứa cá thát lát đầu tiên trong vùng thay vì nuôi các loại cá truyền thống có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Quy trình nuôi được thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, con giống phải đảm bảo sạch bệnh được lấy từ những trại uy tín, ao được vệ sinh khử khuẩn trước khi thả giống, nước nuôi được lấy trực tiếp từ hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ cho chảy liên tục vào ao nuôi, nhiều loại cá khác nhau được nuôi trên cùng một đơn vị diện tích như: cá thát lá, cá ba sa, cá trê… để tận dụng nguồn thức ăn, nước trước khi xả thải đều được lắng đọng ở khu vực ao xử lý để tách chất bẩn… Nhờ có kinh nghiệm thực tiễn cùng quy trình nuôi chặt chẽ nên cá sinh trưởng tốt, chất lượng thịt thơm ngon.

Tuy nhiên, cuối năm 2019, lứa cá thát lát nuôi thí điểm đầu tiên của anh Cao Văn Tới gặp khó khăn đầu ra do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Nhiều thương lái không đến thu mua, hoặc thu mua với giá thấp, cá đến giai đoạn thu hoạch nhưng không thể xuất bán khiến anh chịu thêm khoản chi phí thức ăn và công chăm sóc. Điều này khiến vợ chồng anh phải nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. Nhưng trong cái khó họ lại tìm ra một hướng đi mới táo bạo nhưng đã mang lại hiệu quả cao. Bắt đầu từ ý tưởng thử làm chả cá cho gia đình ăn, nhận thấy chả cá thát lát rất ngon nên anh giới thiệu đến bà con xung quanh và thử bán trên mạng. Không ngờ sản phẩm lại nhận được sự đón nhận của nhiều người. Ban đầu, sản phẩm làm thủ công và bán với số lượng ít, nhưng nhận thấy nhu cầu thị trường và tiềm năng của sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ từ huyện Hòa Vang và Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm thành phố, tháng 7 năm 2020, anh Tới mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng với hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó, sản phẩm cá thát lát đa dạng hơn như: chả cá tươi, chả cá chiên, chả hấp… và được tiêu thụ tại các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, quán ăn, các kênh trực tuyến...

Hiện nay, với hơn 5000m2 diện tích ao nuôi, hàng ngày cơ sở của vợ chồng anh Cao Văn Tới cho ra từ 50 đến 60 kg sản phẩm chả cá thát lát. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng một tháng. Tiền lãi sau khi trừ chi phí khoảng 30-40 triệu đồng một tháng; ngoài cá thát lát thì các loại cá khác cũng mang lại thu nhập khá tốt cho gia đình hàng năm.

Theo anh Tới, mô hình nuôi cá thát lát và chế biến thành chả có hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, có lúc, nguồn nguyên liệu tại địa phương không đủ, nên anh phải lấy hàng ở các tỉnh khác. Với tinh thần của một đảng viên trẻ luôn vì sự phát triển của cộng đồng, không giữ riêng nghề cho mình, đầu tháng 4 vừa qua, anh Tới đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt cùng các hộ nuôi cá tại thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương với 9 hộ dân tham gia. Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ này sản xuất, anh Tới còn bao hướng dẫn các thủ tục vay vốn và bao tiêu sản phẩm cho họ đảm bảo giá có lãi cho người nuôi. Cũng theo anh Cao Văn Tới, “bài toán” nguyên liệu là vấn đề quan trọng trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm cá thát lát. Việc hình thành vùng nuôi chuyên canh không chỉ tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, bảo đảm cho sản xuất mà còn giải quyết nhiều vấn đề về chi phí vận chuyển, nhân công, việc làm, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Được biết, hiện nay tổ hợp tác đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cá nước ngọt Hòa Khương, và chứng nhận OCOP cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tạo tiền đề để nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã Hoà Khương về chuyên đề phát triển vùng nuôi cá tập trung tại thôn Phú Sơn và các khu vực có tiềm năng theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái. Vợ chồng anh Cao Văn Tới đã chủ động nuôi trồng chế biến thủy sản theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt, quy trình chế biến sản phẩm chả cá thát lát được đầu tư máy móc hiện đại, khu vực chế biến luôn sạch sẽ, công nhân thao tác đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, ngoài phần thịt được tách, phần da được nấu chín để tận dụng làm thức ăn cho các loại cá khác, tạo ra một quy trình khép kín hạn chế thấp nhất việc xả chất thải ra môi trường. Song song với đó, hiện nay tại khu vực ao nuôi cá, vợ chồng anh cũng cho trồng các loại cây ăn trái như: Dừa, mít, xoài, ổi… phối hợp sửa sang lại các đường dẫn vào khu vực, trồng các loại hoa để tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp; đồng thời vận động bà con khu vực này thực hiện để hướng tới việc xây dựng khu vực vừa sản xuất vừa thực hiện xây dựng mô hình du lịch sinh thái trong tương lai.

Bà Đinh Thị Thúy Hương - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương cho biết: “Vợ chồng anh Cao Văn Tới và Lê Thị Bích Vân luôn là những người nêu cao tinh thần đảng viên, nêu gương trong mọi việc. Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái hiện nay chúng tôi rất cần những người như anh Tới…”.

Tâm sự với chúng tôi trước khi chia tay, anh Cao Văn Tới cho biết, mô hình nuôi và chế biến chả cá thát lá có tiềm năng cao. Tuy nhiên, các hộ gia đình và đặc biệt những người trẻ đến với mô hình này luôn mong muốn các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ trợ người dân tiếp tục thực hiện mô hình và xây dựng được chuỗi giá trị như: đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc để làm chả cá; xây dựng nhãn hiệu, bao bì; đẩy mạnh giá trị thương mại của cá thát lát… Nếu hình thành được vùng nuôi cá chuyên canh kết hợp chế biến và đẩy mạnh quảng bá, các sản phẩm từ cá thát lát sẽ là đặc sản mới của huyện Hòa Vang. Từ đó, cũng góp phần đưa ngành nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch sinh thái hiện nay tại xã Hòa Khương sẽ phát triển mạnh trong tương lai, vì lúc đó chúng ta vừa có được không gian xanh và cả đặc sản xanh phục vụ cho du lịch. Bản thân vợ chồng anh cũng luôn sẵn sàng phối hợp cùng với các cấp, các ngành tại địa phương hỗ trợ giúp đỡ những gia đình đi sau thực hiện phát triển kinh tế từ nuôi trồng, chế biến thủy sản.

T.N.Đ