Quê nhà
Minh họa Lê Huy Hạnh
Còi tàu rúc lên một hồi dài trước khi chuyển bánh. Rồi tiếng bánh xe bắt đầu nghiến lên đường ray xình xịch đều đều; nhà ga, hàng cây, đồng ruộng… từ từ lùi dần lại phía sau.
Đắn đo mãi cuối cùng tôi cũng lên tàu vào Sài Gòn một chuyến. Đã nhiều lần định đi, nhưng rồi đến cận ngày lại hủy, chỉ với một lý do đơn giản: tôi bị say tàu xe, rất sợ đi xa! Mẹ tôi bảo: “Mày nói đi Sài Gòn tao chả tin, khi nào mày bước cả hai chân lên tàu thì khi ấy mới tin được!”.
Hôm tôi chuẩn bị đi, mẹ tôi bảo:
- Thôi lần này đi thật nhá, để mẹ gửi vào cho em bao gạo với mấy trái mít, tội chúng nó lâu lắm rồi không được ăn mít của nhà!
- Thế là chở củi về rừng hả mẹ? Trong ấy thiếu gì trái cây với gạo mà mẹ lo?
- Thì mẹ có bảo chúng nó thiếu thứ gì đâu, nhưng đây là quà quê, là cái tình. Bao nhiêu năm xa quê, được nhìn thấy những thứ này cũng như là thấy cả quê hương ấy chứ con.
Đến hôm đi, tôi về nhà mẹ lấy quà thì không chỉ có bao gạo với mấy trái mít mà còn cả can dầu phụng, rồi bánh tráng, kẹo đậu với cả mấy cặp đường…
Sợ tôi ái ngại, mẹ đã nói trước:
- Con đừng lo, mẹ đã kêu người chở lên tàu cho con rồi, con chỉ việc lên đó trông coi, khi đến nơi các em nó sẽ đến lấy!
Tôi thở phào, thôi lần này thì phải bước hai chân lên tàu rồi, không còn đắn đo gì nữa...
Tàu mỗi lúc một lao nhanh, nhìn ra cửa sổ chỉ thấy những đồi núi, đồng cỏ cứ băng băng chạy ngược lại, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi, ngủ thiếp đi. Khi choàng tỉnh thì trời đã nhá nhem, người đàn bà ngồi cạnh tôi cũng mở túi xách lấy đồ ăn. Chị ta mời tôi ăn bánh bột lọc gói lá cùng với chị, tôi chỉ lắc đầu cảm ơn. Lên tàu xe tôi chẳng ăn được thứ gì cho đến khi bước xuống.
- Chị xuống ga nào? Chị ta hỏi tôi bằng giọng Quảng Trị.
- Tôi đến Sài Gòn chị!
- À, vậy là miềng đồng hành rồi, tui cũng đến Sài Gòn. Chị ở ngoài vô hay ở trong nớ?
- Dạ, tôi ở ngoài vô thăm bà con, chắc chị cũng vậy nhỉ?
- Ừ… tui vô Bệnh viện Chợ Rẫy thăm chồng…
Trăng đã lên cao. Những ngọn núi đá nhấp nhô nhuốm một màu bàng bạc ở phía xa xa, một dòng sông uốn khúc quanh co lấp lánh ánh vàng, gió nhè nhẹ như đến từ một miền miên viễn hay cõi hư không nào đó,… tất cả đang lướt thoáng qua ngoài cửa sổ.
- Sau đó thì anh đi làm hay buôn bán gì ở đâu chị?
Tôi cất tiếng hỏi, như muốn chị kể tiếp câu chuyện còn dang dở.
Tôi thấy chị thoáng buồn, lúc sau mới trả lời :
- Ảnh sang Lào…
Ngày bé, hai người chơi với nhau rất thân, học cùng một lớp, nhà chỉ cách nhau một đoạn đường. Nhà anh nghèo, ba mẹ phải vất vả đồng áng lo cho bốn năm người con ăn học. Buổi sáng anh dắt trâu ra đồng thì buổi chiều đi học, anh nhất định không bỏ buổi học nào. Gia đình chị buôn bán khá giả nên chị chưa bao giờ phải dầm mưa dãi nắng. Học xong phổ thông, cả anh và chị đều đỗ vào cao đẳng, anh học nghề mộc còn chị học kế toán. Hai người bắt đầu yêu nhau từ khi đi học xa nhà. Mỗi lần đi về thì anh cùng chị đi trên chiếc xe máy ba chị mua cho. Biết anh vất vả nên chị cũng thường xuyên san sẻ nhưng anh thì vẫn có phần ngần ngại. Tình yêu của họ cứ thế qua thời gian càng thêm đằm thắm...
Ra trường gặp buổi khó khăn không xin được việc làm. Chị ở nhà phụ gia đình buôn bán, anh thì phải đi kiếm việc ở nơi xa, thỉnh thoảng về quê, rồi anh chị cũng nói lời ước hẹn.
Ngày chị thẹn thùng nói với gia đình về chuyện tương lai của mình, ba chị đập bàn quát:
- Không được! Mi ưng hắn rồi khổ cả một đời, ba mạ già yếu không ai lo được mô!
Ba mẹ bắt phải chấm dứt mối tình đầu của chị. Anh tự ái cũng bỏ đi biệt cả năm không về. Nhưng họ cũng vẫn thư từ với nhau. Suốt mấy năm qua, có nhiều chàng trai ngấp nghé mà thấy con gái chẳng ưng ai nên cũng đâm lo, ba mẹ chị đành phải chấp nhận. Đám cưới chị đơn giản vì nhà trai không dư dả gì. Ba mẹ cắt cho chị miếng đất ngay đường quốc lộ để thuận tiện làm ăn buôn bán.
Chị bảo anh ở nhà kiếm việc làm, đừng lang bạt nữa, anh đồng ý. Lưỡng lự mãi một hôm anh nói:
- Hay là mình bán bớt một nửa thửa đất, anh làm vốn đi buôn gỗ được không? Anh am hiểu về nghề mộc mà, bạn anh buôn gỗ giàu lắm!
- Để em suy nghĩ kỹ đã nhé!
Chị cũng nghe người ta nói buôn gỗ rất có lãi, nhưng đây là đất của cha mẹ cho, vả lại anh cũng chưa quen, không biết có nên không?
Cân nhắc mãi cuối cùng chị cũng chiều theo ý anh, bán bớt nửa phần đất, dù sao phần còn lại vẫn đủ để mở quầy bán tạp hóa, biết đâu trời cho rồi có khi giàu lên nay mai cũng nên.
Ban đầu còn bỡ ngỡ, vất vả nhưng sau quen dần, cứ mỗi chuyến đi bốn năm hôm trở về lại có được số tiền kha khá, anh chị mừng khấp khởi và càng yên tâm.
Họ đã có một bé gái đầu lòng kháu khỉnh, anh vẫn tiếp tục việc buôn bán, kiếm tiền, người trong làng ai nấy đều tấm tắc khen anh chị vừa khéo léo vừa tốt số, được trời thương.
Vốn càng ngày càng lớn thì quy mô cũng càng mở rộng hơn, anh cùng đám bạn rủ nhau làm một chuyến cho ra trò.
Hôm anh đi chị cũng chuẩn bị chu đáo lễ lạt cúng kiếng đường hoàng, hy vọng công việc thuận buồm xuôi gió.
Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ, anh cùng đám bạn buôn gỗ lậu đã lọt vào tầm ngắm của công an, chỉ là họ chờ thời cơ giăng một mẻ lưới lớn mà thôi. Anh bị bắt.
Tất cả vốn liếng dồn vào đây đều mất trắng. Anh còn bị kết án tù hai năm. Khi anh đi thì chị đã mang thai cháu bé thứ hai. Một mình chị vừa lo buôn bán vừa sinh con, nuôi con, vất vả trăm bề. Lại còn bị ba mẹ mắng, thật tình không còn gì cay đắng hơn!
Hai năm cũng trôi qua. Anh trở về…
Những ngày đầu mới ra tù, nhìn anh rất thảm nhưng rồi chị chăm sóc chu đáo nên anh hồi sức rất nhanh và lại tính chuyện làm ăn tiếp…
Kể đến đây chị trầm ngâm nhìn ra xa phía ngoài cửa sổ như muốn nhớ lại hay xua đi một điều gì đó. Cho đến khi tôi cất tiếng hỏi: “Sau đó thì anh đi làm hay buôn bán gì ở đâu chị?”.
- Ảnh sang Lào…
- Sang Lào?
- Miềng bán tạp hóa, chủ yếu bán hàng Thái Lan, ảnh biểu để ảnh qua Lào cất hàng cho rẻ, thấy nói có lý với lại cũng muốn ảnh đi cho khuây khỏa nên miềng đồng ý. Buôn bán mấy năm trời cũng có chút vốn liếng đưa ảnh đi đánh hàng, về bỏ sỉ cho bạn hàng còn lại miềng bán lẻ, cũng có lãi.
Những năm đầu anh đi về rất đều đặn, đi vài ngày lại nghỉ ở nhà năm bảy hôm chơi với con, rồi anh về bên nội lo việc ruộng vườn vì ba mẹ cũng đã già yếu… Chị cảm thấy cuộc sống như vậy là tốt lắm rồi.
Nhưng rồi dần dần mỗi chuyến hàng anh lại ở lại lâu hơn, có khi anh gửi xe chuyển hàng về mà anh bảo phải ở lại bên đó săn hàng mới có được hàng rẻ, buôn bán ngày một khó khăn chứ không như hồi xưa nữa. Chị tin anh. Mỗi lần anh về thì tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng nên cũng chẳng chút nghi ngờ. Rồi dần dà, anh không về mà hàng gửi về cũng thưa dần cho đến lúc không còn tin tức gì về anh nữa!
Chị đã nghe tin anh có người đàn bà khác ở bên Lào!
Cảm giác như sụp đổ hoàn toàn, chị đau đớn hơn cái ngày anh bị còng tay dẫn vào tù. Sự mất mát này không gì diễn tả được. Hằng đêm, khi con đã ngủ, chỉ còn đối diện với chính mình chị càng thấm thía nỗi đau. Nước mắt ướt đẫm vai áo mà không thể khóc than thành tiếng. Cho đến khi dòng lệ đã khô cạn chị mới biết mình vẫn còn sức sống. Chị phải kiên cường để nuôi hai đứa con khôn lớn, để nếu sau này anh có trở về chị vẫn ngẩng cao đầu: không có anh tôi vẫn có thể sống đàng hoàng!
Gần mười năm qua, nỗi đau, lòng oán hận cũng đã nhạt nhòa. Chị bình tĩnh sống, và cuộc sống với chị như vậy là tạm đủ.
Chị vẫn còn trẻ, vẫn có những khao khát yêu đương. Những khi đêm xuống vẫn mong có một bờ vai để nương tựa, để thủ thỉ tâm tình. Nhiều người đàn ông góa vợ, hoặc cũng có người chưa một lần yêu, đã tỏ tình với chị. Cũng có lúc xao lòng, vài lần đi cà phê với người này người kia, cũng có chút nhớ nhớ thương thương,... nhưng nghĩ đến cảnh con anh con em và con chúng ta, chị lại chùn bước. Nhưng chị biết, đó chưa phải là lý do, trong sâu thẳm chị vẫn còn nghĩ đến anh. Kỷ niệm của những ngày xưa cũ từ thuở ấu thơ, cho đến khi đi học xa nhà lại ùa về. Rồi cả những khi vợ chồng hạnh phúc bên nhau… Chị không muốn những ngày tháng đó mất đi hay bị chôn vùi vô nghĩa trong dĩ vãng.
Chị an nhiên sống một cuộc đời lặng lẽ, nhìn con khôn lớn từng ngày. Và điều chị không ngờ nhất thì anh đã trở về!
Anh tiều tụy, nói rằng mong chị tha thứ.
Chị chỉ trả lời tỉnh bơ:
- Anh còn sống như vậy và vẫn tìm được đường về là tốt rồi. Nhưng anh nhìn chị đầy đau khổ, ngập ngừng nói:
- Anh bị bệnh hiểm nghèo, phải về Việt Nam điều trị…
Anh nói chưa hết câu chị đã cảm thấy như trời đất tối sầm trước mặt. Thì ra anh không còn con đường nào khác mới đành phải quay về! Thật xót xa! Nhưng thôi, số phận đã vậy đành lòng chấp nhận, may ra anh qua được thì gia đình vẫn an vui.
Anh về được mấy ngày thì họ hàng đến thăm hỏi, anh chị lên kế hoạch chạy chữa. Được một tuần lễ, ngày sắp sửa nhập viện thì người vợ bé bên Lào cũng tìm đến! Hai bên chạm mặt nhau mà chẳng biết nói thế nào. Sau chị kia bảo không biết anh có vợ con ở quê nhà nên hai người mới kết hôn, có với nhau cũng hai mặt con rồi. Bây giờ sự việc đã như thế chị cũng chẳng muốn trách móc ai làm gì nữa. Ở được vài ngày thì chị kia cũng trở lại bên Lào…
- Bây giờ anh ấy đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy à chị?
- Ừ, điều trị được hơn tháng rồi, bác sĩ bảo bệnh có tiến triển tốt. Tui về quê làm số việc xong lại đi vô đây.
Tôi nhìn trong đôi mắt ráo hoảnh của chị một nét buồn thoáng qua, nhưng vẫn toát lên vẻ cứng cỏi và đằm thắm. Có lẽ trải qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời, chị đã tìm được chốn bình yên cho tâm hồn mình chăng? Đêm đã khuya, hành khách trong toa tàu dường như đã chìm vào giấc mộng, tiếng xình xịch, xình xịch vẫn đều đều. Tôi cũng thả hồn mình vào một cõi xa xăm…
Trời bắt đầu hừng sáng, nhìn qua khe cửa đã thấy rõ lá cây ướt đẫm sương đêm. Những phố xá tấp nập đã thay cho cảnh núi non sông suối đang lướt qua cửa sổ. Sắp đến ga cuối cùng, chúng tôi sắp kết thúc một cuộc hành trình, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm.
Tôi chợt nhớ những món quà mẹ tôi gửi vô cho các em, đúng là nó mang nặng hồn quê. Nhưng có lẽ điều lớn lao nhất đó vẫn là tình người ở quê nhà, nó như là bến đợi để những con đò gửi gắm yêu thương, để những người đi xa còn có chốn quay về…
T.T.H