Chùm tản văn của Nguyễn Hiệp
TIẾNG NHẬT TRIỀU CUỐI HẠ
Ngày tôi viết xong truyện ngắn thứ một trăm trong cuộc đời viết văn, tôi muốn có quãng thời gian thật yên tĩnh, ngồi đâu đó và ngược về hành trình dấn thân vào con đường văn chương của mình.
Lại bắt đầu bằng cái nhìn tinh anh và cách nói nửa nghiêm nửa hóm của cụ tác giả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký: Quê em có gì nhiều? “Dạ quê con chó ăn đá, gà ăn muối”. “Hay đó! Cứ đi tận cùng những thứ liên quan đến đá và muối!”. Đó là lời khuyên mà tôi nghĩ là chân tình của bậc thức giả có để tâm đến em cháu hậu sinh. Hai mươi năm tôi đã thực hiện lời khuyên ấy, quan sát, tìm hiểu, yêu mê và viết. Một trăm truyện ngắn thật ra không nhiều, nhưng tôi đã học được bài học lớn là đi tận cùng một thứ gì đó, ta sẽ nhận ra chính mình trong bóng dáng mong manh, trong lạnh lẽo sần sùi, trong nóng ran nhiệt huyết và trong hơi thở tơ nhẹ của vạn vật, hiện tượng. Xin kể câu chuyện, cũng là vui thôi, nhưng việc nhận ra đó đã làm thay đổi tôi rất nhiều.
…Mất ngủ. Trị miết không được. Trị khắp nơi không bớt. Về Tân Hải quê nhà lại ngủ ngon ngủ lành, giấc ngủ sâu như người được ngả lưng buông bỏ tất cả sau hơn thế kỷ thèm ngủ. Mãi lâu sau, tôi mới phát hiện là bởi tiếng nhật triều chớ không phải do bệnh tình gì. Nếu nằm gần mặt đất, lắng, thật lắng trong đêm khuya, ta sẽ nghe được nhịp điệu thủy triều, âm thanh rền động nhưng ở tầng thấp kiểu như sóng hạ âm. Nhịp sóng hạ âm được tạo bởi nhật triều ấy ì oạp mải miết, truyền lan không ngơi nghỉ vào bờ bãi, vào đất liền một nhịp điệu võng đưa ru giấc. Người nào được sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, nhịp sóng hạ âm ấy sẽ tác động đều đặn đến nhịp sinh học tạo thành thói quen của cơ thể, của tâm hồn và của cả linh hồn. Nhịp hải hà chẳng phải cao xa diệu vợi gì đâu, nó ở ngay bên trong chúng ta, đó là nhịp quê hương đã “ăn vào máu” chúng ta một cách tự nhiên, vấn đề là ở tuổi nào, ở khúc đoạn nào của đời người thì mới đủ tĩnh lặng để nhận ra.
Nghĩ được như vậy, tôi lại nghĩ tiếp: Điều quan trọng nhất của thế giới này là năng lượng chứ không phải hình thể, mọi thứ mà ta thấy được bằng mắt chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Trong việc tạo sinh ra con người cũng vậy, là năng lượng, là hồn vía, là thần thái, là tư duy, là cảm xúc, là ấm lạnh, là ý chí… Vậy đó mà ta sống, ta cảm giác về cuộc đời, rất nhiều thứ vô hình lại chi phối ta nhiều hơn cả.
Và đêm cuối hạ này, tôi lại nghe tiếng nhật triều bất thường, tất nhiên giờ đây tiếng nhật triều đến với tôi một cách tự nhiên, tôi không phải như con cọp lớn nằm áp tai sát đất để nghe tiếng bước chân con mồi, không cần lắng, không cần cố, tôi nghe nó như nghe một phần cơ thể mình, tâm hồn mình. Thiệt gần gũi mà cũng thiệt mơ hồ! Thiệt máu thịt mà cũng thiệt dửng dưng! Thiệt thanh âm mà cũng thiệt im yên! Nó ấn tượng như cái phút mà ta thấy được khuôn mặt người quá cố rạng giản một nụ cười hiền lành, nụ cười nhận chân thật sự thế giới mà ta đang sống, đã sống. Nó ấn tượng như bước chân vang vọng ấu thơ của ta mỗi khi ào vào lòng mẹ. Nó ấn tượng như cơn run rẩy yêu thương không nói được bằng lời… Tôi đã nghe như đã mộc mạc nhận ra nguồn năng lượng bên trong mình đang vơi dần đi. Sự hao hụt thanh xuân để có được trăm truyện ngắn như hôm nay, để được niềm thương yêu quý mến của bạn bè, của bạn đọc cả nước, ấy cũng là cái giá đáng để người ta chọn lựa; cũng chẳng để làm gì nhưng cái tình đã được trao ban, một trăm truyện ngắn như một trăm lời nũng nịu thương lắm giận nhiều, kỳ vọng rồi thất vọng, ngợi ca và mai mỉa, môi hôn và rắn rít oán thù…
Thoắt cái mà đã trải lòng ngược xuôi hai mươi năm. Đêm cuối hạ này, nằm nghe tiếng nhật triều đang hòa điệu với nỗi lòng vô ngôn, lại cười, lại mỉm cười, như vừa nhận ra điều gì đó, điều ấy khiến khuôn mặt một nhà văn già như tôi chỉ còn lại những hòa nhan ái ngữ. Vén bức màn sớm quá! Tôi tuyệt nhiên không còn cố chấp hạn kỳ như xưa.
KHI HƯƠNG VỪA THU
Vậy là mùa hạ đã hoàn thành sứ mạng trọn vẹn bài thơ lãng mạn của mình. Ve đã ngừng ca hát. Những đôi tên họ lưu luyến cũng được các cô cậu học trò khắc chồng lên nhau trên gốc phượng già với nét khắc run run những rung động ban đầu. Và cũng có tiếng chia tay, có ánh mắt bịn rịn còn đọng mãi đến suốt đời của những ai đó vừa đi qua cái thời đằng đẵng mài đủng quần trên ghế nhà trường. Có cậu học trò nghèo, trời xui đất khiến sao đó mà bị mẻ một mảnh răng nhỏ và không bao giờ hàn lại được, nó đánh dấu cho ngày cuối được mặc chiếc áo đồng phục… Hạ ơi! Chào nghen! Ngoài kia, hương vừa thu rồi đó!
Quả là trong làn hương phảng phất chung quanh đã có mùi hương mùa thu mộc mạc chiếm ngự.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
(Sang Thu - Hữu Thỉnh)
Ừ thì thu đã về! Nhiều lúc ngồi với nhà thơ Hữu Thỉnh tôi mê mẩn nghe những cảm nhận mộc mạc từ ông. Trong cái bánh xe khổng lồ và nghiệt ngã của thời gian, tôi đã cảm nhận rõ ràng “đêm chưa nằm đã sáng”, nhưng kỳ thực thì những nỗi hoài cảm, những quay về, những hành trình ngược đến ký ức cứ muốn kéo dài thêm. Đôi khi một chút hương ổi sẻ đã làm nên “thế giới buồn” của tôi nguyên một thời áo trắng. Bởi vậy mà cứ thu là đêm nhiều nuối tiếc, đêm như cứ muốn nối thêm ra mãi! Bởi vậy mà hương thu cũng là hương thời gian!
Tôi cứ nghĩ có một tính chất tỉnh lẻ, quê mùa trong những trang văn của tôi khi dung lượng những trang viết về mùa thu quá nhiều. Tôi không thích những cuộc cãi vã trên mạng, những trào lưu ném đá hùa đang được nhiều người quan tâm. Tôi hiểu cuộc đời cũng có nhiều điều nên ngờ vực, cũng tự nhiên thôi, nhưng đơn giản vì… tôi không hợp. Khi người ta “ngốc nghếch”, thấp cổ bé miệng thì sự thông thái luôn đến với những góc nhìn từ xó tối. Tôi yêu giọt nắng mật trầm ấm trườn chậm rãi trên góc chuồng bò. Tôi nhớ sợi khói chiều lượn nhẹ từ góc bếp mái tranh chằng đụp của má tôi. Tôi đứng lặng khi có gì chùng chình trong bóng cây sương sớm. Tôi tin khi tâm hồn người ta tĩnh lặng thì hương mùa thu sẽ ngập tràn, thì hương mùa thu sẽ tạo được những khoảnh khắc thăng hoa lạ lùng. Đó không phải là những ảo ảnh hay những phết màu ngẫu hứng. Đó là khoảnh khắc chạm được mùa thu.
Chỉ có sự giản dị chân thành mới chạm đến cõi giản dị mênh mông của trời đất.
Có chuyện vui: Một ông bụng phệ, trán bóng nghe nói đến phẩm hạnh cao quý của một thiền sư thì vội tìm đến. Ông ta chìa ra trước mặt thiền sư một chiếc card visit tẩm hương với bảng liệt kê rất nhiều “nhà”, rất nhiều chức vụ: Nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu…, giám đốc, chủ tịch… Cái cách ông ta giới thiệu bản thân xem ra cũng đầy tự hào. Đợi cho thiền sư rời mắt khỏi card, ông mới trịnh trọng nói mình đến đây là để “nghiên cứu trí tuệ thiền”. Thiền sư rót trà cho ông ta nhưng cứ rót mãi dù cốc trà đã tràn. Ông bụng phệ thấy vậy lên tiếng. Thiền sư chậm rãi đặt bình xuống và nói: Trong ông đầy những tư kiến và thành kiến. Ông không tự làm cạn “cốc trà” của mình thì không thể tiếp nhận thiền được. Đó là trí tuệ của thiền vậy.
Tự làm cạn cốc trà, làm cạn hồ nước tham sân, tư kiến của chính mình thật không đơn giản, bởi đâu phải lúc nào con người cũng tỉnh táo, chừng mực, bỏ buông. Dài dòng vậy là vì tôi muốn nói đến tuổi người khi đã vào thu, khi làn hương trí tuệ phảng phất trong tâm hồn cũng chính là lúc mình muốn buông bỏ nhiều thứ không thật cần thiết.
Mùa thu là mùa người ta quay vào bên trong, dù là kẻ ăn mày trắng tay hay một quan chức nhà cao cửa rộng cũng đều dành nhiều thời gian để tự soi, tự hiểu, tự nhận. Có những cuộc lao đi cuồng điên bất tận bởi bóng dáng hư danh, bởi của nả phù du và bởi lấp lánh vơi đầy. Có những cơn mất ngủ triền miên bởi hơn thua, được mất, giận thù. Có vô vàn những tranh giành, chiếm đoạt bằng mọi giá, tưởng đạt được điều đó mình sẽ hạnh phúc lắm, mình sẽ vinh quang tột đỉnh… Và rồi một sớm mùa thu, khi một mình ngồi ngắm từng chiếc lá rơi chợt vỡ ra trong tâm trí một sự trống rỗng, vô nghĩa hết sức. Những thứ giá trị bên ngoài mình càng lúc sẽ càng nặng trĩu bước trần ai.
Khi hương vừa thu… khi hương vừa thu… Tôi thầm gọi tên em, một làn thơm mộc mạc nồng đượm tuổi người! Mãi mỉm cười một mình khi nhớ lại chuyện cậu học trò nghèo, trời xui đất khiến sao đó mà bị mẻ một mảnh răng nhỏ và không bao giờ hàn lại được, không-bao-giờ-hàn-lại-được-nữa.
GIÓ PHONG ĐIỀN
Tháng năm, bắt đầu mùa gió Tây Nam trườn từ hướng Phong Điền - Tân Thuận lên rồi quặn nhẹ, tản mát quanh núi, khi ấy mùa nấm nghệ cũng bắt đầu rộ. Những mũ nấm nghệ vàng ruộm, múp mướt, chân nấm nghệ phổng phao, trắng tơ đua nhau nhô lên khỏi đất, nhô lên khỏi lớp lá ủ ngai ngái mùi thời gian. Nấm mẹ nấm con lô nhô che chắn cho nhau, tụ hội thành từng cụm, từng nhóm, từng vệt. Vậy nên hồi nhỏ, mỗi khi tìm gặp, đám bạn đen đúa chúng tôi thường mừng rỡ gọi báo cho nhau: “Cả nhà nấm nghệ đang ở đây nè!”...
Năm nay, mùa nấm nghệ đến sớm hơn chục ngày. Trong ánh sáng rẽ quạt xuyên qua những tầng lá rừng ẩm thấp, đây đó thấp thoáng vài ba bóng người lom khom đi tìm hái nấm. Tôi hớp hơi mấy lần cho không khí trong lành căng tràn lồng ngực rồi nén xuống vùng mạn sườn cơ hoành để dành. Mùi nấm nghệ thơm phức đang thoang thoảng trong những ngọn gió se se. Không khí đầy hương nấm trong rừng tháng năm thật quý giá mà còn miễn phí nữa chớ, tội gì không tận hưởng, là tôi nghĩ vậy, chừng này tuổi, tóc bạc, da mồi, răng rụng, vết nhăn đầy mặt mà vẫn còn ham nhiều thứ lắm. Ngay trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức món cháo nấm nghệ ngọt thơm, mê đến mức tôi cứ nghĩ mình chưa được ăn thức gì ngon như thế. Nhưng rồi…, nói vui là thứ gì cũng có cái giá phải trả, này là “ăn ký ức” chứ chẳng sai. Ngay sau một lúc sảng khoái thì có gì đó chợt ùa về! Có gì đó vừa làm trĩu ngực. Có gì đó rưng rưng nhớ thương! Một tuổi thơ lem luốc, tủi thân chợt hiện, chợt làm tôi nhớ lại cái ngẩn ngơ, sựng lặng trong bước lang thang giữa cánh rừng xa lạ sáng nay. Tôi đã ra đi khỏi quê nhà lâu lắm rồi. Tôi đã tha phương cầu thực lâu lắm rồi. Tôi đã bầm dập lên bờ xuống ruộng với cõi đời mông lung giả thật lẫn lộn kia lâu lắm rồi. Vậy mà chút ký ức xiu xíu về một góc làng xưa vẫn cứ chực sống lại, vẫn không chịu an yên trong đáy lòng kẻ quê mùa suốt đời thất bại này. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó, lẩm nhẩm một mình và rưng rưng, tê tái:
… “Ta đi ừ nhỉ ta đi thử
Một túi một thân một mặt đen,
Cả đời cày cuốc trong đất đá
Nhìn mãi chửa ra chuyện sang hèn…”
Mà chắc cũng chẳng “sang - hèn” để làm gì! Đời có bạc hay không bạc với mình thì tóc cũng đã… bạc rồi! Chớp mắt đã thành người cũ. Chớp mắt đã là ngày xưa. Chớp mắt đã nhận chân đúc kết nghiệt ngã: Nhân gian cõi tạm!
Nhớ ngày xưa, nhà tôi ở gần trại gia binh, một số người miệt thị gọi là “trại gái” hay “xóm vợ lính”, nên đám bạn nhỏ của tôi phần nhiều là con lính. Nhiều đứa thiệt tội, cha lính tất nhiên là luôn luôn không có nhà, mẹ lại suốt ngày ngồi chiếu tứ sắc chờ lãnh lương, con cái muốn ra sao thì ra. Đứa thì cha chết trận, mẹ đi bước nữa, con cái muốn ra sao thì ra. Đứa thì mẹ bị u uất, trầm cảm vì nỗi lo lắng sợ hãi căng thẳng kéo dài, chiến tranh đã cướp mất của bạn tôi cả cha lẫn mẹ. Một đám “lưu linh lạc địa” không ai gọi cơm, không ai kêu ngủ, không ai đoái hoài, muốn ra sao thì ra, khoảng bốn năm đứa cứ cuối tuần, tôi nghỉ học là thường đi với tôi. Khi thì tắm sông, câu cá chốt cá lăng, mò bắt tôm càng, cua đá, khi thì lặn lội tận rừng sác móc cua, lượm ốc, khi thì vào rừng thưa hái củi, hái rau, nhổ nưa cho heo. Đi có bạn! Vào rừng vui lắm!... Thế là dung dăng dung dẻ, chạy đuổi theo nhau, cười như nắc nẻ. Những khuôn mặt đen nhẻm, hốc hác được dịp hiện ra trọn vẹn nét trẻ thơ, nét ngây thơ. Gặp sim hái sim, gặp rau vặt rau, gặp nấm nhổ nấm. Nhớ nhất những ngày tháng năm, mải mê đến chiều tắt nắng cả bọn mới về đến nhà, trong bao của tôi chỉ vỏn vẹn vài ba cây nưa để má nấu cháo cho heo ăn. Mấy “gia đình” nấm nghệ lô nhô thơm phức kia đã “hớp hết hồn" của bọn con nít con noi chúng tôi, đâu còn nhớ nhổ nưa, lượm củi cho má. Nấm nghệ nhiều đến mức có đứa phải tuột quần thắt ống để đựng, có đứa túm tràn tà áo, nấm cứ rơi rớt lợt đợt theo từng bước chân tung tăng. Mà đâu chỉ nấm nghệ, bao giờ cũng lẫn trong đó những cụm nấm dầu và quanh những ụ mối thế nào cũng có nấm mối. Củi khô gom lại. Lửa hồng nhóm lên. Đợi có than đỏ là chụm đầu, xoay quanh nướng nấm. Trời ơi là ngọt! Trời ơi là thơm! Trời ơi, đã quá!... Tiếng xuýt xoa, tiếng cười ngặt ngoẽo vang rộn một góc rừng thiên đường…
Một đám nhóc lem luốc, bơ vơ cùng tìm thấy niềm vui nho nhỏ từ những mụn nấm nghệ thơm phức đã kết thành nhóm bạn thân, mặc kệ người lớn bỏ bê, mặc kệ người lớn suốt ngày suốt đêm với súng ống, cờ bạc, lương mẹ lương con... Đám nhóc chúng tôi thương nhau lắm, có gì ngon ngọt là chia đều cho nhau, chơi gì cũng đủ mặt “tứ quái” mới bắt đầu. Cuối tuần là tụ. Nghe tiếng hú gọi là “có”. Thiếu một đứa là buồn… Nhưng rồi chỉ một góc xíu xiu “thiên đường” ấy cũng không còn nữa. Cuộc chiến đã chạm đến từng thân phận bé nhỏ, mỏng manh, rách rưới. Đó là pháo kích, là đụng trận liên tục, là thiết quân lực, là giới nghiêm, là những bìa rừng trở thành bãi mìn, là những con đường mòn không được vượt qua, “Nếu bất tuân buộc lòng phải nổ súng! ”… Đó là những cuộc đổi đi bất ngờ trong đêm, là những “sự vụ lệnh” thay đổi thân phận, là những đám tang năm, tang ba, tiếng khóc vọng đến trời xanh. Đó là bạn tôi khi thấy em trai “dội đèn” chết đuối đã bất chấp nhào ra dòng nước xiết để cứu em và đã chìm cả đôi. Đó là thằng bạn chí thân lượm thuốc bồi đốt chơi cháy phỏng đến không còn nhận dạng. Đó là cái rùng mình của cuộc sống thời chiến, là cơn cảm lạnh, run rẩy, tê tái trong mùa hè đỏ lửa - 1972, hàng loạt đứa trẻ qua một đêm đã trở thành mồ côi vĩnh viễn… Không biết bao nhiêu lần đám con nít con noi “lưu linh lạc địa” thương thiết của tôi đã ôm nhau khóc, nước mắt nước mũi đầm đìa vai áo.
Đó, cái giá phải trả cho mấy hớp không khí nấm thơm, mấy chén cháo nấm ngon mê ấy là nhớ, là thương, là buồn, là phải “sống lại” trong cơn rùng mình thời cuộc, là phải “bơi qua” bể nước mắt trẻ thơ, là “quay lại” những ngày không có giấc mơ, những đêm thu lu co lạnh, bất an trong hầm tránh đạn... Món nấm nghệ vàng ruộm, thơm phức bỗng nhiên có vị đắng, bỗng nhiên có hơi cay, cũng dễ hiểu thôi, bởi tuổi thơ của tôi đi qua chiến tranh, bởi ký ức của tôi không chỉ có những ngọn gió lành mang cái tên rất ruộng rẫy, Phong... Điền...
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
(Tràng giang - Huy Cận)
Các bạn nhỏ lấm lem đen đúa của tôi ơi, không biết giờ các bạn đã lưu lạc tận đẩu tận đâu? Có ai còn nhớ những mùa nấm nghệ ngập tràn tiếng cười “của chúng mình” không? Có... ai... không...?
N.H