Đông Trình và những bài thơ chợt nhớ
Nhà thơ Đông Trình
Nhà giáo, nhà thơ Đông Trình tên thật Nguyễn Đình Trọng (còn ký bút danh là Trần Hồng Giao, Hồng Chi). Ông sinh ngày 04 tháng 12 năm 1942, quê quán xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế, ông được bổ dụng Giáo sư Việt văn đệ nhị cấp tại Trường Trung học công lập Phan Châu Trinh. Ông là một trong những nhà giáo, nhà thơ có ảnh hưởng lớn trong phong trào học sinh - sinh viên và văn chương yêu nước ở miền Nam trước 1975. Sau năm 1975, ông làm Trưởng ban điều hành nhà trường, tiếp tục sáng tác và giảng dạy văn học, sau đó chuyển sang công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tác phẩm tiêu biểu: Khi mùa mưa bắt đầu (thơ, 1967); Lót ổ cho đại bác (thơ, 1968); Rừng dậy men mùa (thơ, 1972); Giữa vòng tay thân hữu (tiểu luận, 1974); Tên gọi mới của hạnh phúc (thơ, 1982); Từ chiếc tao đời mẹ ru (trường ca, 1986); Lấm tấm hạt đau (thơ, 1990); Những chiếc xe màu lửa (thơ, 1992); Rừng và Hoa (tuyển thơ, 1993); Trà dư tửu hậu (tạp bút, 1995); Ngoài vô tận tìm kẻ xa lòng (tản văn, 1995); Nếm mật (thơ, 1995); Mất và tìm (thơ, 1996); Vườn đời lá vẫn xanh cây (biên soạn, 1996); Khéo dư nước mắt (tạp văn, 1997); Khất thực Thơ (tuyển thơ, 2003); Giữa thực và mơ (tuyển tập thơ thiếu nhi, 2009), Tuyển thơ Đông Trình (đang in)…
Trang facebook tên “Đông Trình” lập vào ngày 18/02/2016 cùng chân dung “ảnh đại diện” hai màu đen trắng nhìn nghiêng với đôi kính cận và nét đăm chiêu không thể lẫn với ai khác. Ông nêu lí do “Tại sao tôi lập trang facebook?” Bằng cách mượn 6 dòng Tú Bà “dạy” Kiều:
Nghề chơi cũng lắm công phu.
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
Nàng rằng mưa gió dập dìu
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi!
Mụ rằng ai cũng như ai
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Bật ra mấy câu này đâu chỉ từ khả năng trích dẫn, vận dụng của một thầy giáo dạy Văn uyên bác, một nhà hùng biện về những vấn đề xã hội - chính trị và thơ ca hút hồn học sinh - sinh viên một thuở. Hữu tình ta lại gặp ta (Kiều), ngày 25/02/2016, ông nói thêm chút cay đắng về “nghề chơi” thời công nghệ này trong bài thơ có nhan đề RỪNG già - PHỐ trẻ (chơi chữ từ tên tập thơ Rừng dậy men mùa một thời của ông):
- Thầy ơi, "Phố dậy... men mùa!
Tôi nghe em nói câu đùa mà đau!
RỪNG già RỪNG trắng bông lau
Để cho PHỐ trẻ bắt đầu cuộc chơi!
Gặp ông, vẫn nụ cười ấy, vẫn nét tư lự xa xăm, có cảm giác ông ngồi giữa chốn đông người mà như không ngồi với ai, lúc nào cũng chỉ một mình, như đang lỡ một bước chân phiêu dạt. Ngày 21/02/2016, ông đăng bài thơ Lạc đã viết cách đó nhiều năm:
Lạc nữa đi những con đường
Nghĩa gì đâu giữa vô thường mây trôi
Tôi là cánh nhạn lạc trời
Lá buồm lạc gió thuyền xuôi lạc dòng...
Lạc đêm một ngọn đèn chong
Lạc ngày một buổi mai hồng vô phương!
Về đây lạc ruộng lạc vườn
Xập xòe châu chấu chuồn chuồn bay lên
Tôi lạc tôi giữa thiên nhiên
Bỗng từ đâu cánh cửa Thiền mở ra!
Nửa đời lạc phố lạc nhà
Lạc sông lạc núi lạc ta lạc mình
Câu thơ lạc chữ trang kinh
Sáng nay cây cỏ vô tình trách tôi
Hiên chùa thanh thản lá rơi
Biết đi nên lạc... Phật ngồi lặng im.
Kể từ lạc bước, bước ra… (Kiều). Tại Biết đi, đúng hơn là muốn đi, muốn khám phá, phải tiên phong… nên Ngồi không yên ổn, ở không vững vàng (Kiều). Trong bài Cho tôi đổi lại thơ mình, ghi ngày 03/3/2016, ông chỉ ra một trong những nguyên nhân của “lạc”, thật bất ngờ: Chao ôi cái thuở sao mà đẹp/ Đến nỗi làm ta phải... lạc đường. Sâu xa hơn, phải hiểu thơ ông một thời không đi tìm cứu cánh, bởi thơ đã là một cứu cánh, nên Lạc ngày một buổi mai hồng vô phương là diễn ngôn mơ hồ nhưng chính xác - chính xác đến mức đã từng gieo vào lòng người những ngộ nhận trớ trêu. Ông chấp nhận cái thuở ấy, cái thời khắc ban mai chói lóa ấy vì nó là sinh quyển của chí hướng và tài năng của ông đồng thời phát lộ. Hình như có tiếng ai thưa:/ - Anh không đổi được câu thơ một thời!... - câu thơ không nói lên khát vọng tự do của tác giả mà thực ra đang đòi hỏi tự do cho chính nó. Lạc chưa phải là thơ hay nhất của ông nhưng là bài thơ Đông - Trình - nhất.
Thơ Đông Trình lúc nào cũng là tiếng nói chân thực, chân thực đến tận cùng, dù có thể từng đoạn đời ông có những suy tính và mơ tưởng riêng. Ông là kẻ đứng ngoài mình để nhìn vào trong mình như một người khác: Từ Khi mùa mưa bắt đầu (1967), Lót ổ cho đại bác (1968) đến Rừng dậy men mùa (1972); rồi Tên gọi mới của hạnh phúc (1982) đến Lấm tấm hạt đau (1990), Mất và tìm (1996) và những bài thơ chưa in từ sau năm 2000 đến nay. Trong soi chiếu ấy, thơ Đông Trình luôn đa dạng, tận hiến với kiểu cấu tứ và ngôn ngữ mà ở từng giai đoạn, so với những nhà văn cùng thời, ông luôn đặt những dấu chân phía trước.
Cách đây vài năm, bài thơ Nếu tôi làm ra nước mắt của Đông Trình được đăng lại. Bài thơ viết đã hơn 30 năm nhưng vẫn khiến người đọc sững sờ vì sự uyên áo, tính triết luận và hình tượng thơ toàn bích với thể thơ 6 chữ cổ kính nhưng khó thấy ai có cách nghĩ tương tự. Ông mô tả “màu” của nước mắt rất lạ: Nước mắt có màu huyết dụ/ Điệp với lá cờ đang bay. Đâu chỉ là máu đỏ của nhiệt huyết, của chiến công, đó còn có cả thứ máu bầm đen oan khuất của điệp trùng thập loại chúng sinh!... Khổ thơ kết thật trong ngần: Cho những bảo tàng ngày sau/ Không chỉ trưng bày vũ khí/ Cho những đời người nối nhau/ Biết soi mình vào hạt lệ. Ngôn ngữ đối với nhà thơ là tấm gương của thế giới, ở bài thơ này, “nước mắt” đã làm phận sự hai lần soi chiếu.
Thơ chợt nhớ chợt ghi thường tùy hứng, lệ thuộc vào buồn vui tâm trạng, nương náu theo nhớ quên và trỗi dậy mãnh liệt những lúc giật mình nhìn lại - và thường đó là những bài thơ, câu thơ, đáng nhớ nhất và đau nhất. Ngày 19/02/2016, ông viết status với title: "Rơi vãi và lượm nhặt (Dưới đây là những bài thơ thất tán lưu lạc khắp nơi bỗng một buổi sáng chạnh lòng ngồi nhớ lại qua hồi ức trìu mến và cảm động của anh em bạn bè bốn phương)”. Thơ “chạnh lòng” là thơ ở bên mình dài lâu, sống trong lòng mình chung thủy, là ruột gan của mình phơi bày. Ngày 19/12/2016, ông đăng bài Khúc hát người ngậm ngãi (sáng tác tháng 12/1998) để “thông tin” một điều rằng, cay đắng mới là thứ hành trang, là thứ gia sản quý giá và đáng nhớ:
Ngọt ngào người nhận hết rồi
Còn đây cay đắng mình tôi khẩu phần
Mùa xuân đã bốn mùa xuân
Có bao đắng đót trời dành cho tôi
Cám ơn chỉ cám ơn thôi
Ngoài ra tôi biết nói lời nào hơn
Bao nhiêu tai biến dập dồn
Trời cho tôi để tôi còn làm thơ
Bao nhiêu nông nỗi dại khờ
Trời cho tôi để bất ngờ mùa sau...
Tôi còn sống được bao lâu
Nên tôi phải hiểu bể dâu cảnh đời
Cho tôi vịn lấy tay người
Đi trong nước mắt nụ cười vô ưu
Đi trong đau đớn thâm thù
Mà bàn chân bước vi vu lá cành...
Câu thơ viết chưa nên hình
Bởi tôi chưa sống hết mình nỗi đau.
Bài lục bát viết về nỗi đau có vẻ nhẹ như không nhưng đặt một mâu thuẫn không thể và không để giải quyết: cay đắng đến tận cùng và sống đến tận cùng cay đắng!... Còn đây cay đắng mình tôi khẩu phần - khẩu phẩn là đã chia sẵn, không thích cũng lãnh đủ, cũng phải ăn hết! Câu thơ khiến nhớ Khalil Gibran (1883-1931) trong tác phẩm Uyên ương gãy cánh: “Trời đã đặt trong tay em một chén giấm chua hòa mật đắng, em phải ép mình uống cạn. Nay trong đáy chén chỉ còn vài giọt, em phải kiên tâm uống hết...”. Dòng thơ kết năm xưa lại là bắt đầu cho câu chuyện đang kể hôm nay: Bởi tôi chưa sống hết mình nỗi đau… Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã thấu suốt cái lẽ cận nhân tình ấy: “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”.
Ngày 21/02/2016, ông chợt nhớ và ghi lại bài Tiếp thị - viết từ tháng 6/1997:
Thôi thì tiếp thị câu thơ
Năm mươi - Buổi chợ đã thưa thớt người
Lấy trong tôi tiếp thị ngoài
Trái tim rồi cũng mồi chài đong đưa
Hàng tôi ế ẩm người mua
Hay là khuyến mãi cho vừa lòng nhau?
Còn gì ngoài một nỗi đau
Tôi kèm theo với những câu thơ buồn...
Chân trời đã kéo hoàng hôn
Ở đây có một tâm hồn phát không!
Phải nhắc đến lục bát Đông Trình. Ông viết như thở, tựa một tiếng thở dài, nên chữ và vần tự nhiên gieo xuống, rơi xuống, đọc không đề tên tác giả vẫn biết là ai. Tình đời - Văn chương - Bối cảnh - Thân phận biểu hiện trong lục bát của ông luôn vây bủa quanh một nụ cười buồn, đó không phải niềm tiếc nuối thường thấy mà sự sẵn lòng chấp thuận cuộc chơi trần gian vốn dĩ của kẻ mong muốn Cho nỗi u hoài từ đây sáng trong… Ngày 27/02/2016, một bài lục bát khác có tên là Bụi bỗng dạt về bến nhớ của con sông lòng ông tưởng đang dần bồi lấp. Và lần này là một đối sánh:
Một thời đi sớm về trưa
Một thời dãi nắng dầm mưa.
Một thời...
Ta yêu đất - Ta yêu trời
Bàn tay gieo hạt sinh sôi mùa màng
Bây giờ mặt trái vừng trăng
Lộ ra ăn bóng chị hằng ngây ngô
Để anh hiểu hết dại khờ
Để anh thương xót câu thơ thật lòng
Bây giờ hai bàn tay không
Anh và hạt bụi đánh đồng cuộc chơi!
Ở lục bát, Đông Trình chiêm nghiệm và trình bày bằng cấu tứ và câu chữ dưới dạng đơn giản mà chứa chở tư tưởng sâu sắc. Trong bài Đường con (Gửi con trai của bố), thấy thảng thốt của tỉnh thức khi người cha trông theo người nối gót:
Đường bố, bố đã đi rồi
Đi là đến. Đi là thôi, hết đường
Chấp tay bố lạy mười phương
Cho con thấu tỏ con đường con đi
Cho con khát vọng, đam mê
Câu thơ lửa cháy, lời thề máu sôi
Trên đường ai gặp con tôi
Nhắn rằng bố hãy còn ngồi đợi con
Trên con đường ấy, đường mòn
Lang thang bò giữa xóm thôn quê nhà...
Nguyễn Hữu Hồng Minh (sinh năm 1972) - con trai Đông Trình - là một nhà báo, một nhạc sĩ, và nổi tiếng, hơn cả là một nhà thơ hậu hiện đại với các tập thơ theo khuynh hướng cách tân táo bạo. Ở đây không phải là nỗi âu lo về “con đường” (đoạn trường ấy ai chẳng biết!) mà là mối quan ngại về “đường con” của người cha, của thế hệ văn nghệ từng dấn thân, khai phóng. Nhan đề Đường con nói thay tất cả, tấm lòng chứa chan trông đợi nói lên tất cả: Trên đường ai gặp con tôi/ Nhắn rằng bố hãy còn ngồi đợi con. Lục bát của Đông Trình hầu như không bỏ sót những ân tình sâu kín và khó nói nhất của đời ông - tài tình ở chỗ ông nói thâm thúy và nhẹ như không.
Người con ấy, như một đồng thanh tương ứng, đã viết một bài thơ thật xúc động khi đưa cha mình đi tìm một đôi giày mới:
Giày của cha
Tuổi trẻ con muốn đo cuộc đời với câu thơ quá lớn
Nhưng thời đại vẫn bước những đôi giày riêng nên đôi khi chật chội
Chiều nay con chỉ tìm lòng mình khi ước một đôi giày vừa kích cỡ chân cha
Đôi bàn chân hai phần ba thế kỷ không ai vuốt ve kể từ ngày mẹ mất
Đôi giày Lịch sử thô bạo đã cướp của cha trong đêm và lén đổi một đôi giày khác
Những dấu đinh giẫm đạp trầy xước Sự thật và Ngôn ngữ
Đôi giày không vừa chân
Người chịu khó bước khi máu vẫn nhỏ xuống đế giày
Cha cứ đi một mình trong cô đơn cuộc đời ra tháng ngày đã mất hiệu lực...
Con thầm viết những câu thơ đời nổi gió
Nhưng sao chiều nay mơ đôi giày nhỏ
Để dìu cha từng bước vững vàng
Từ ngôi nhà mêng mông
Trên hành lang bệnh viện xa vắng...
(9/7/2020)
Đây là một trong những bài thơ xuất sắc của Nguyễn Hữu Hồng Minh và là “bài viết” ngắn nhất, khó có thể chính xác hơn về nỗi đau lớn của Đông Trình. Minh vẫn luôn là người con - bạn đọc của cha và anh thường có những phát hiện tinh tế.
Ngày 13/7/2018, Nguyễn Hữu Hồng Minh viết: “…Chợt nhận ra một điều, thơ đương đại hôm nay chưa thể hay khó vượt qua thơ hôm qua...” và anh dẫn bài thơ sáng tác từ năm 1965, lúc Đông Trình hai mươi ba tuổi. Nếu Minh không nhắc có khi chúng ta đã vô tình trước một bài thơ hay đến “dữ dội” này của ông:
Chúc phúc cho một ông già cô độc
Một ông già đi về phía bờ sông
Gõ ống vố vào chân cầu
Tàn thuốc rơi xuống
Làm cay mắt những con cá
Ông già đi về phía khu rừng
Gõ ống vố vào thân cây
Tàn thuốc bay lên
Làm cay mắt những chiếc lá
Ông già đi về phía mặt trận
Gõ ống vố vào những sọ người
Tàn thuốc sợ hãi nằm im
Ông già nhồi niềm sợ hãi vào ống vố
Thản nhiên đứng hút.
Bài thơ bắt đầu như một chuyện kể, kể về cuộc đi, kể về nỗi cô độc. Rồi không đi nữa mà bay trên cõi chết, khuất phục mọi sợ hãi… Ở đây, vật thể hiện ra trong hình ảnh đã biến thành phi thực, nghĩa là đã hóa thành một vật thể tượng trưng. J.P.Sartre đã từng viết về sự cảm nhận thơ trong trường hợp này: “Ý thức người viết và ý thức người đọc không bao giờ có thể hòa đồng. Ta không thể xâm nhập vào ý thức của người khác, vì ý thức không phải là một thể chất (une substance) mà vô thể (néant)”. Vì vậy, cũng theo tác giả Văn chương là gì?, “người đọc có cả ý thức vén màn lẫn sáng tạo, vén màn trong sáng tạo và sáng tạo trong sự vén màn". Vén bức màn ấy đối với thơ Đông Trình là một cuộc đua không có đích cuối, đặc biệt là ở bài thơ ghi dấu ấn của thể thơ tự do - văn xuôi này. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Đông Trình và của thơ ca Việt Nam đương đại.
Những tháng ngày Còn gì ngoài một nỗi đau, ông khó tách rời những ám ảnh nhớ thương một - tôi - ngày - cũ, nhất là cái tôi ấy luôn gắn kết bằng hữu cùng chí hướng của những tháng năm hào khí. Với bạn bè ở miền núi (Gửi Trần Duy Phiên và Tiêu Dao Bảo Cự), viết trong khoảng 1965-1968, ông tư duy về nỗi nhớ bằng những dòng thơ mới lạ (mới lạ ngay lúc đó và còn mới lạ đến bây giờ): …Những sợi tóc nằm không yên trên đầu/ Ngu ngơ rung bay trong gió/ Nhớ xoắn từng vòng trong kính cận thị/ Nhớ chôn dưới những sợi râu cằm như mìn nổ chậm/ Buổi sáng tao thức dậy/ Nhớ trong bót và kem đánh răng/ Buổi trưa cởi giày/ Nhớ trườn dài trên hai sợi dây/ Buổi chiều tao đi hoang/ Nhớ cháy trong bougie mobylette… Ông nhớ như nửa thế kỷ sau còn nhớ: Hãy tan bọn tao ra trong từng mảnh vụn của nhớ…
Trong những trang rời, người đọc bắt gặp một bài thơ viết vào ngày 02/9/2005, một bài thơ, chính xác hơn là một bi kịch:
Mớm
Như con chim mẹ mớm mồi
Em mớm cho anh những gì em có
Khi không còn gì để mớm nữa
Khi những trái bắp đã trơ cùi
Em nhìn con chim non phập phồng đôi cánh mỏng
Run rẫy đòi ăn
Từ lòng con chim mẹ dậy lên một niềm yêu thương cháy bỏng
Cố gạn ra những gì mình có trong tâm hồn
Cúi xuống trên miệng anh
Em mớm
Cái trống không!
Anh nuốt
Say mê và cuồng nhiệt
Cái trống không!
Rồi con chim non đến lúc rời tổ
Tội nghiệp nó không nhớ được gì ngoài những hạt bắp
Anh là con - chim - người
Anh nhớ da diết cái trống không!
Hình tượng “con chim non” - “con chim mẹ”/ “anh” - “em” đối sánh, giằng xé, thảng thốt, mâu thuẫn trong cơn đói khát khốn cùng... Hồi kết của bi kịch xuất hiện một lối giải thoát khó tưởng tượng nổi: Anh là con - chim - người/ Anh nhớ da diết cái trống không!... Chưa hết, đến đây mới giật mình ngược lại về một bi kịch khác của con chim non: Tội nghiệp nó không nhớ được gì ngoài những hạt bắp (!)… Thơ Đông Trình có thế mạnh ở cấu trúc, ngôn ngữ, thi ảnh và cả nhạc tính nữa nhưng đặc sắc hơn cả vẫn là kiểu kết thúc vượt khỏi dự cảm người đọc. Những bài thơ viết ở hai thập niên đầu thế kỷ XXI, sau bao nhiêu dằn xóc đời mình và thời cuộc, Đông Trình ý thức được sự không thể dừng lại, không thể bằng lòng với chặng đường thơ đã từng gắng bước và lỡ bước. Ông một lần nữa “vặn mình” để sống, để yêu và để đi tìm. Nhiều lúc ông tự tách mình ra khỏi hiện hữu, lao vào một “thế giới siêu thực” để không chấp nhận sự lỗi nhịp. Trên đường Khất thực thơ, ông xác quyết: Tôi là người hành khất đầy châu báu (Khát, 08/2005) chứ không thể chỉ là kẻ quy y nỗi buồn/ Mở nắp bình bát vô hồn/ Chôn chân đứng với cô đơn nẻo người (Của để dành, 02/9/2005). Phải chăng, lần nữa, có thể là lần cuối, ta vẫn được trông thấy một Đông Trình dấn thân?!... Cuộc dấn thân này mới là câu chuyện kể về sau đối với tư - cách - thơ - Đông - Trình.
Với mấy mươi bài thơ ghi lại, nhớ lại, thỉnh thoảng đọc lại khoảng năm, mười năm nay thì quá ít so với số lượng trang viết vạm vỡ và liên tục của ông suốt 60 năm qua. Bài mới bài cũ xen lẫn, có bài viết từ lúc trẻ trai, có bài như mới viết hôm qua. Đó cũng là “thơ tuyển”, là “tuyển của tuyển”, bởi nó đánh thức những mốc “lịch sử tâm hồn” với những vết cứa rỉ máu trái tim thi sĩ. Điều đáng nói là, những bài thơ gan ruột ấy, trên biên độ cảm thụ thẩm mĩ, thơ đã giúp người đọc bước qua những cách trở để tiếp cận sự đổi thay quyết liệt trong thơ Đông Trình về cả nội dung và hình thức nghệ thuật - điều khác biệt giữa ông và những người làm thơ cùng thế hệ.
Thơ Đông Trình, khi viết về nỗi đau, về sự mất mát, về những ẩn ức,… chính là sự biểu hiện đến cùng một khát vọng, cao hơn là một đức tin - Mong cho được như vậy - Amen!... (câu kết bài thơ vừa nói trên). Trong thập niên 60 đến 1975, dù viết theo sự réo gọi của mộng mơ tuổi trẻ hay “quăng thân” trên con đường đấu tranh cho lí tưởng thì Đông Trình trước sau vẫn nhất quán trên trang viết của mình là viết cho những người đọc tự do. Cho nên, ông không phải là người viết của những ràng buộc thời thế mà chính là nghệ sĩ ca hát khản giọng vì tự do cho ngòi bút và cho con người.
Đông Trình cũng là một nhà diễn thuyết đầy hấp lực trước những vấn đề thời sự, xã hội cũng như khi bàn đến các giá trị của tác phẩm văn chương. Ông còn là nhà giáo dạy văn chương mẫu mực hiếm có với kiến văn sâu rộng và phong cách truyền thụ cuốn hút mãnh liệt cả lý trí và cảm xúc người đọc, người học. Nửa sau thế kỷ XX đến nửa đầu thế kỷ XXI, với toàn bộ tác phẩm dày dặn, với tư tưởng nhất quán cùng hệ thống nghệ thuật thi ca được thể nghiệm và giàu sức sống trong lòng bạn đọc, có thể khẳng định, Đông Trình thuộc số rất ít, nếu không muốn nói là người đi hàng đầu của thi ca miền Trung Việt Nam cho đến hôm nay.
N.M.H