Chuyện “di biến động dân cư” trong lịch sử & các vùng văn hóa, phương ngữ
Giếng làng Diềm, Bắc Ninh. Nguồn VOV
Khái niệm “di biến động dân cư” mới xuất hiện gần đây và gây ra nhiều tranh luận. Sự ra đời của cụm từ này xuất phát từ nhu cầu diễn đạt tình trạng “biến đổi liên tục của cộng đồng dân cư do sự di chuyển, biến đổi nơi cư trú của từng người dân”. Cụm từ đó có thể chưa hay, nhưng tình trạng di chuyển và biến động dân cư là có thật trong suốt lịch sử và nó thật sự là một tác nhân quan trọng tạo nên sự đa dạng văn hóa vùng miền. Đã có nhiều nghiên cứu về tình hình di dân từ phía bắc vào nam của người Việt, nhưng ít người chú ý đến các cuộc di chuyển theo chiều ngược lại đã xảy ra trước đó. Những “di biến động” rất sớm ấy đã làm cho hệ quả tiếp xúc và biến đổi trong văn hóa Việt Nam là hệ quả kép, nhiều lớp chồng lên nhau.
Xét từ đầu công nguyên, thời điểm xảy ra cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40), thì dân cư ở khu vực miền trung và miền bắc Việt Nam đã có mối quan hệ khăng khít. Sử cũ chép rằng “Trưng Trắc thực là hùng dũng, đến đâu đều như có gió cuốn, mường mán ở Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng”. Nguyên do là các nhóm “mường mán” ở hai miền này lúc ấy thuộc vào các họ ngôn ngữ Nam Đảo, Môn Khmmer và Tai-kadai, đều chia sẻ các đặc trưng văn hóa Đông Nam Á, khác biệt với họ ngôn ngữ Hán - Tạng và văn hóa trung nguyên Trung Hoa; và đều cùng đối phó với sự áp đặt chính sách đô hộ từ Trung Hoa.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bị Mã Viện đàn áp, không lập được nước tự chủ; nhưng cũng tạo làn sóng cho dân địa phương các vùng khác tiếp tục nổi lên chống ách đô hộ của Tàu. Đến khoảng năm 192 thì dân địa phương ở Tượng Lâm (vùng Quảng Nam) diệt được quan Tàu, lập nước tự chủ (sử Tàu gọi là nước Lâm Ấp, sau tự đặt tên là nước Champa hay Champapura, phiên ra chữ Hán là Chiêm Bà hoặc Chiêm Thành).
Nước Lâm Ấp/Champa ra đời cũng kích thích ngược lại cuộc đấu tranh của dân cư phía bắc. Đầu thế kỷ VIII, Mai Thúc Loan ở châu Hoan (Nghệ -Tĩnh) nổi dậy chống nhà Đường, ông đã liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, huy động được số quân lên đến bốn mươi vạn người (ảnh trang sách Tân Đường Thư()). Sau 10 năm, cuộc khởi nghĩa bị Tàu đàn áp, nhưng ắt là có người Lâm Ấp vẫn ở lại Nghệ Tĩnh. Cuối thế kỷ X, khi Đại Cồ Việt giành được độc lập, Đinh Bộ Lĩnh dẹp các sứ quân ở phía bắc, do tranh chấp nội bộ, thủ lĩnh Ngô Nhật Khánh đã đem vợ con chạy vào Chiêm Thành. Đến khi nghe tin Đinh Bộ Lĩnh mất, Ngô Nhật Khánh đã cùng với vua Chiêm Thành dẫn thuyền quân hơn nghìn chiếc vào cướp phá, định đánh vào Hoa Lư, nhưng bão đánh đắm nhiều thuyền ở cửa biển, nên phải rút về. Năm 982, vua Lê Hoàn của Đại Việt đánh Chiêm Thành (lúc này kinh đô là Indrapura ở Quảng Nam), “bắt được quân sĩ nhiều không kể xiết”, cùng một trăm kỹ nữ trong cung và một vị sư người Thiên Trúc (Ấn Độ). Các cung nữ Chiêm Thành từ Indrapura ra đất Bắc trở thành những người mẹ “di dân bất đắc dĩ”, sinh con đẻ cháu; có thuyết còn ngờ rằng vua Lê Long Đĩnh là con của một cung nữ Chiêm Thành do vua cha Lê Hoàn đưa về từ Indrapura.
Năm 1044, vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành, lại bắt vợ cả, vợ lẽ cùng các cung nữ của vua Chiêm và 5000 người đưa về đất Bắc. Về đến gần hành điện Lý Nhân (Hà Nam) thì hoàng hậu Mỵ Ê của vua Chiêm gieo mình xuống dòng Châu Giang để giữ tiết với chồng. 5000 dân Chiêm Thành được chia ra ở hai bên bờ sông Châu Giang và nhiều nơi khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong số dân “di cư bất đắc dĩ” này có nhiều ngành nghề, có sư, có thợ, có ca công, vũ nữ; họ không chỉ đem các làn điệu ca nhạc phía Nam ra đất Bắc, mà còn tham gia vào xây dựng các công trình kiến trúc đền, chùa và kể cả kinh thành Thăng Long. Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều dấu ấn Champa, trong đó có một viên gạch ở kinh thành Thăng Long lưu lại những dòng chữ Chăm cổ (xem ảnh đính kèm, của nhà khảo cổ Nguyễn Tiến Đông).
Ở vùng Nghệ Tĩnh, giáp giới với Chiêm Thành, người dân địa phương phía Nam đèo Ngang cũng có những cuộc di chuyển ra phía Bắc. Sử chép, năm 1040, “Mùa thu, tháng 8, người giữ trại Bố Chính (vùng đèo Ngang) của nước Chiêm Thành là Bố Linh, Bố Kha, Lan Đà Tinh đem bộ thuộc hơn trăm người sang theo ta”. Năm 1069, Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ giao đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (từ đèo Ngang đến khoảng sông Thạch Hãn) cho vua Lê để được tha. Năm 1070, vua Lê sai Lý Thường Kiệt vẽ địa đồ 3 châu và chiêu mộ dân đến ở. Từ đó, dân địa phương ở hai vùng bắc đèo Ngang và nam đèo Ngang có sự tiếp xúc giao lưu. Sử Đại Việt chép, đời Lý, năm 1123, “Tháng 5, người Chiêm Thành là bọn Ba Ty Bồ Đà La 30 người đến theo ta”, không rõ đưa về ở vùng nào; lại cũng chép, năm 1154, tháng 10, “vua Chiêm Thành là Chế Bì La dâng con gái, vua nhận”. Năm 1252, vua Trần Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, “bắt được vương phi Chiêm là Bố Đà La và thần thiếp dân chúng của họ rồi về”. (Xem Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ và Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên).
Như vậy, từ thời Mai Thúc Loan, thế kỷ VIII, cho đến đời Trần, thế kỷ XIII, đã có nhiều cuộc “di biến động dân cư” từ dân Lâm Ấp, Chiêm Thành ra phía bắc, ở chung với dân Đại Việt. 500 năm ấy đủ để sinh ra 15 đời con cháu kế tục, chia sẻ ngành nghề thủ công, và cả lời ca giọng hát nữa. Không những người Chiêm Thành góp phần xây kinh thành Thăng Long mà vua nhà Lý còn “sai nhạc công soạn khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng nhạc trong trẻo ai oán buồn sầu, người nghe phải chảy nước mắt”. Trong dân gian, điệu quan họ ở Bắc Ninh cũng có thể là kết quả của sự tiếp xúc dân cư Nam, Bắc từ xa xưa. Ngày nay ở làng Diềm, Bắc Ninh còn thấy một số giếng cổ, lòng giếng hình vuông, có lát gỗ, theo kiểu thức Chiêm Thành. Tất cả đều trở thành văn hóa “Đại Việt”, người “Đại Việt”.
Sau năm 1306, diễn ra chiều di dân từ bắc vào nam. Mở đầu là ở vùng Ô Lý. Dân cư vùng Ô Lý vốn đã là sự cộng cư giữa các nhóm ngôn ngữ - tộc người nói các thứ tiếng Chăm cổ, Katu cổ, Việt cổ từ thời Lâm Ấp, Chiêm Thành. Sau cuộc tấn công của Lê Hoàn năm 982, một số người thuộc nhóm Chăm cổ, là những quan chức, hào phú của Chiêm Thành đã dời bớt vào phía nam và kể cả chạy ra Hải Nam và các đảo phía nam (xem Tống Sử). Tiếp đến là cuộc tàn phá của Toa Đô nhà Nguyên vào năm 1284, trong lần tấn công Chiêm Thành thất bại và quay ra chiếm đóng, cướp bóc vùng Ô Lý (xem Nguyên Sử). Vùng Ô Lý suy thoái nhiều, không còn thấy dấu tích văn khắc, đền tháp của quan chức, hào phú Chiêm Thành/Champa để lại như trước thế kỷ X. Có lẽ vùng đất này đã thuộc về một cộng đồng cư dân pha tạp, một kiểu "tiểu quốc" xa rời chính quyền Champa ở Chà Bàn/Vijaya.
Có lẽ cũng vì vậy, năm 1306, Chế Mân dễ dàng giao Ô Lý theo yêu cầu của triều đình nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân. Vua Trần dùng một số người Chăm để cai quản; dân Đại Việt từ các vùng lân cận phía bắc ở các châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính và Nghệ Tĩnh thâm nhập thêm dần vào dân bản địa Ô Lý, lúc này đã được nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa. Thuận Hóa, cũng như 3 châu liền kề phía Bắc, trở thành một vùng cộng cư mới, giữa những người châu Hoan mới đến và người tại chỗ, sau này thành người Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sắc thái văn hóa, ngôn ngữ ở vùng này sau năm 1306 là một sự thẩm thấu, hỗn hợp giữa các yếu tố cổ xưa của các nhóm ngôn ngữ - tộc người Chăm cổ, Katu cổ và Việt cổ, tiếp xúc đan xen qua thời gian dài mấy trăm năm và còn nhiều yếu tố bảo lưu cho đến thời cận hiện đại, tạo nên một đặc trưng giọng nói và văn hóa vùng miền vừa giống vừa khác với các vùng phía Bắc và phía Nam.
Nếu trước 1471, vùng đất Thuận Hóa đã tương đối ốn định về thành phần dân cư, thì ở Nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông, phải đến sau 1471, mới thực sự thuộc về Đại Việt và lại có những cuộc di dân lớn từ phía Bắc vào đây. Những di dân này xuất phát từ Thanh Nghệ Tĩnh và cả từ đồng bằng sông Hồng và ắt là có những thế hệ con cháu của lớp “di dân” từ Nam ra Bắc mấy trăm năm trước đó như đã nói ở trên. Có thể gọi đây là một quá trình tiếp xúc và biến đổi kép, nghĩa là đã lặp lại lần hai những kết quả tiếp biến giai đoạn trước. Xét riêng ở góc độ nguồn gốc "Chăm", thì những người Đại Việt di dân vào Nam sau thời Lê Thánh Tông đã có trong họ một ít gốc gác Chăm cổ do tổ tiên họ đã ra đất Bắc từ thời Lê Hoàn và thời Lý, Trần. Lần này họ lại tiếp xúc một lần nữa với những người “Chăm” ở Chiêm Động, Cổ Lũy, trong đó có những phụ nữ đã trở thành người vợ, người mẹ của thế hệ người xứ Quảng sau 1471, mà trong gia phả thường mở đầu bằng câu “ngã thủy tổ tòng vương phạt Chiêm Thành chi địch (thủy tổ của ta theo vua chinh phạt giặc Chiêm Thành)”.
Các biến động về địa lý hành chính liên tục trong lịch sử Việt Nam đã dẫn theo những “di biến động dân cư”, tạo nên những lần tiếp xúc đa dạng và biến đổi chồng chất lên nhau. Điều này giải thích cho sự khác nhau giữa các vùng văn hóa, các phương ngữ (trong đó có giọng nói), hoặc ở phạm vi một vùng lớn có mẫu số chung hoặc một vài làng xã nhỏ hẹp trong từng vùng. Không thể có một kết quả giống nhau phát sinh từ các yếu tố tiếp xúc khác nhau, mà sự tiếp xúc lại đi từ mức độ mặt đối mặt của cá nhân đến mức độ từng cộng đồng nhỏ đến cộng đồng lớn. Điều này cũng cho thấy việc tìm hiểu nguồn gốc hình thành của một vùng văn hóa hay một giọng nói địa phương cần có cách tiếp cận liên ngành, may ra mới có thể đến gần với chân lý và hạn chế những nhận định chủ quan, phiến diện.
V.V.T