Phát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô

16.03.2016

Phát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô

Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 là một bản hùng ca bất diệt trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta, những yếu nhân của phong trào ấy như vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân đã trở thành những anh hùng bất tử, mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, dám xả thân vì nghiệp lớn để các thế hệ con cháu noi theo. Với mong muốn tiếp cận gần hơn với sự thật lịch sử, bằng nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia hải ngoại (Pháp), bài viết này xin giới thiệu đôi nét về cuộc gặp này. 

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, điều làm cho Thái Phiên và Trần Cao Vân quan tâm nhất là làm sao tiếp cận được vua Duy Tân, để vận động ông tham gia cuộc khởi nghĩa, với tư cách là lãnh tụ tối cao. Các tài liệu lưu giữ trong hồ sơ của Pháp cho thấy rằng, chính hai vị thủ lĩnh này đã bàn định nhiều lần về việc tìm cách liên lạc với vua Duy Tân. 

Hồ sơ GGI_65530, ở tài liệu số 16, là bản khai đầu tiên của Trần Cao Vân sau khi ông bị bắt, đề cập đến những cuộc bàn bạc giữa ông và Thái Phiên, nhất là việc vận động vua Duy Tân tham gia phong trào. Khi Thái Phiên đề nghị phải tổ chức khởi nghĩa sớm và cần phải tiếp xúc với vua Duy Tân, bởi theo Thái Phiên: “Tôi có nghe nói, cách đây hai năm, hoàng thượng của chúng ta phàn nàn việc chính phủ bảo hộ đã hạn chế rất nhiều quyền lực của ngài. Làm sao có cách liên lạc để chúng ta tâu lên hoàng thượng những kế hoạch của mình”. Trần Cao Vân đáp lại: “Đó là một việc tốt nhưng vô cùng hệ trọng và nặng nề, tôi chấp thuận với điều kiện là phải đáp ứng 5 vấn đề sau đây:

1. Chọn một vị vua của triều đình nhà Nguyễn.

2. Nếu cuộc nổi dậy thắng lợi, để tránh việc tranh giành giữa các quan lại cũ và mới, việc xét truất quyền của các quan kém năng lực sẽ do chính phủ mới quyết định.

3. Trong thời gian nổi dậy nếu người châu Âu nào sát hại đồng bào thì bị bắn ngay, còn nếu những ai không làm gì chống lại thì chúng ta tôn trọng đời sống của họ.

4. Chúng ta lấy Nho giáo làm quốc giáo song đối với những người công giáo chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng của họ, không đối xử xấu với họ như các tiên vương của chúng ta từng đối xử.

5. Khi tấn công, ta phải bảo vệ, không được xâm phạm tài sản của dân chúng để thể hiện sự chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta. Thái Phiên chấp thuận những điều kiện này…”1. Ngoài những nguyên nhân trên, theo Trần Cao Vân, việc mời vua Duy Tân tham gia còn là vì:  “Chúng ta mong có sự đồng thuận của hoàng thượng, để họ không gọi chúng ta là quân nổi loạn”2.

Về đầu mối để Thái Phiên, Trần Cao Vân tiếp cận vua Duy Tân được Thái Phiên trình bày tại bản cung của mình như sau: “Tôi có nói với ông Trần Cao Vân rằng, đức vua rất thông minh, nhưng ngài không có quyền hành, nên từ lâu ngài đã tỏ ra bất bình vì việc đó. Bây giờ có nhiều tin tốt lành từ bên ngoài, nhưng làm thế nào để báo cho ngài biết, ngõ hầu chúng ta có thể tập hợp được mọi người? Ông Trần Cao Vân bảo tôi, lần trước học trò của ông cho biết đức vua rất muốn nước nhà được độc lập. Bây giờ, có lẽ ông ta phải đi Huế để có được những thông tin chính xác hơn. Khi trở về Đà Nẵng, ông cho tôi hay rằng, ông tìm được ở Huế một viên chức cung đình chịu đảm trách việc làm trung gian để liên lạc với nhà vua”3. Chính đầu mối trên, đã tạo điều kiện để Thái Phiên và Trần Cao Vân trực tiếp gặp vua Duy Tân sau này.

 

 

Vậy người đã tìm cách giúp Thái Phiên, Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân đó là ai? Con đường liên lạc để dẫn tới cuộc hội kiến như thế nào? Qua tài liệu lưu trữ phía Pháp cho chúng ta hay rằng, đó chính là Nguyễn Văn Siêu (tức Đội Siêu). Tại tài liệu số 28 là bản khai cung của Nguyễn Văn Siêu cho biết: “Tôi đã biết ông Trần Cao Vân, người được coi như Quan Thánh - một vị thần linh, vì vậy tôi đã đến nhà ông ta để gởi gắm những lời cầu nguyện Đức Quan Thánh, khi ấy tôi còn là Suất Đội ở Quảng Nam. Sau đó, tôi tạm ngưng công việc. Đến năm 1914, tôi được thăng chức suất đội của Vệ Thân Binh, đến năm ngoái, được thăng Chánh đội An Ty ở Kỳ Cô, của Vệ Thân Binh. Vào khoảng tháng Giêng, thị vệ Đề rủ tôi chơi bài carter, và trong khi chơi bài, ông hỏi tôi vì sao không vào hoàng cung để phục vụ hoàng thượng. Ông ấy cam đoan với tôi rằng, hoàng thượng rất biết coi trọng những người có khả năng và rằng sẽ có tuyển dụng vào khoảng cuối năm, để chọn lựa những người đủ năng lực nhằm khôi phục lại đất nước, đồng thời có thể bảo vệ hoàng thượng khi ngài xuất cung. Tôi đáp lại rằng, thật là một điều phi lý khi nói những điều như thế, vì rằng hoàng thượng đang được bảo vệ rất tốt trong hoàng cung, có ích lợi gì để ngài phải xuất cung, và rằng việc lộ chuyện như trên chỉ mang lại kết quả đáng buồn mà thôi. Ông thị vệ đáp lại rằng, từ lâu hoàng thượng đã nuôi chí khôi phục vương triều, ngài đã giao phó cho ông ta việc tìm kiếm những con người có đủ khả năng như thế, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được. Ông hỏi tôi có quen biết ai như thế không. Tôi trả lời rằng, những con người như thế không phải dễ mà tìm được, và tôi cũng không biết ai ngoài ông Đề Thám.

Vào tháng 2, khi tôi đang làm việc ở văn phòng, một người lính đến gặp và báo với tôi rằng có một người nào đó muốn gặp tôi ở cửa Hiển Nhơn. Tôi liền đi ngay ra cửa Hiển Nhơn và thấy một người lạ, người đó nói rằng anh ta là học trò của Trần Cao Vân, anh đợi tôi do thầy Trần Cao Vân cử đến và rằng chính thầy ấy cũng đang muốn gặp tôi… Tôi hứa sẽ đến gặp Trần Cao Vân vào sáng mai… Khi tôi tìm đến, thì thấy trong thuyền có Trần Cao Vân và người học trò…Chúng tôi trao đổi về thời cuộc và sau đó, Trần Cao Vân nói cho tôi biết rằng ông phải đi Quảng Trị để gặp bằng hữu và sẽ trở về sau 3 ngày nữa. Ba ngày sau, tôi tự mình tìm đến nơi trước đó, và tôi gặp quan đề Phú, người đã quen biết Trần Cao Vân khi còn làm lãnh binh ở Quảng Nam. Chúng tôi trao đổi về kế hoạch dự định. Sau đó, Trần Cao Vân nói với chúng tôi rằng, lúc này cần tranh thủ thời cơ đang rất thuận lợi đối với dự định của chúng ta, cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ đều cùng một ý tưởng với chúng ta, họ còn sẵn sàng hỗ trợ tiền bạc, cho nên quan Đề phải đi tìm thị vệ Đề, để trình báo với hoàng thượng về tình hình nói trên. Trần Cao Vân yêu cầu tôi hết lòng giúp sức trong việc chuyển đạt các thông tin trên. Tôi vui vẻ chấp nhận những lời yêu cầu của ông. Vào trung tuần tháng 2, tôi mời Thị vệ Đề đến tắm ở bến Lương Tạ. Khi đến bến Lương Tạ, tôi thấy một con thuyền, trong đó đã có Trần Cao Vân, người học trò của ông tên là Năm Hựu và một người khác mà tôi chưa quen. Tôi hỏi Trần Cao Vân người lạ ấy là ai. Ông trả lời, đó là Huỳnh Anh (tức Thái Phiên), một người dân Quảng Nam, người được giao trách nhiệm cùng gánh vác nhiệm vụ quan trọng cùng với quan đề. Cùng lúc đó, thị vệ Đề nói với Trần Cao Vân rằng, hoàng thượng có ý muốn tổ chức cuộc yết kiến của Trần Cao Vân và Huỳnh Anh. Lúc đó, Trần Cao Vân yêu cầu phải lập một số ám hiệu để liên lạc thông suốt với hoàng cung. Thị vệ Đề nói rằng, hai người hãy tìm cách cải trang làm những người câu cá, còn tôi chịu trách nhiệm dẫn họ đến Hậu Bổ - bờ hồ Hòa Bình”4.

Từ các đầu mối trên, cuộc gặp trực tiếp giữa Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân được tiến hành. Tài liệu lưu trữ cho chúng ta thấy khá rõ và chi tiết cuộc gặp lịch sử này. Để gặp vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân đã đóng vai người câu cá theo một kịch bản mà Đội Siêu đã vạch ra như sau: “Hoàng thượng sẽ xuất cung ra cửa Hòa Bình vào lúc bốn giờ rưỡi. Đến giờ đã định, họ đã tự cải trang thành những người đi câu và dưới sự dẫn đường của tôi, họ đã đến địa điểm được định trước. Khi đến nơi, họ làm ra vẻ đang câu cá, thì thị vệ Đề dẫn đường hoàng thượng đến. Trong khi hoàng thượng nói chuyện với hai người, tôi đi giám sát lính của tôi cắt cỏ, làm như không hề biết gì cả”5.

 

 

Sau khi được Đội Siêu trình bày ý định của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề có nhiệm vụ thông báo lại cho nhà vua biết kế hoạch này: “Vào ngày mùng 2 tháng đó, trong đêm, tôi kể lại cho đức vua nghe những gì Đội Siêu nói. Nhà vua bảo Ngài muốn gặp Đội Siêu. Sáng hôm sau, tôi đi tìm gặp Đội Siêu. Ông ta bảo ông Trần Cao Vân và người bạn lớn Huỳnh Anh (là tên hiệu của Thái Phiên) đang ở dưới đò ở bến Thể Nhơn và muốn tôi đi cùng ông đến gặp họ. Chúng tôi đã cùng đến gặp họ. Trần Cao Vân nói, những người khởi nghĩa muốn chiếm lại vương quyền và thành lập nền cộng hòa, nhưng ý của ông ấy là muốn tái lập quyền lực tuyệt đối của nhà vua và chỉ có Vua là lãnh đạo tối cao. Không biết vua nghĩ gì về vấn đề này. Ông ta yêu cầu tôi chuyển lời đến đức vua. Khi tôi trình lên đức vua những suy nghĩ của Trần Cao Vân, nhà vua sai tôi mang thư có nội dung: “trẫm cũng nghĩ như các khanh!” trao cho ông Vân.

Khi nhận thư, ông Vân cúi lạy ba lạy. Ba ngày sau, Đội Siêu bảo tôi, ông Vân muốn gặp vua để trình bày kế hoạch rõ ràng hơn. Tôi đi xin phép vua cho ông Vân gặp, vua bảo không được đưa họ vào Dinh. Tôi tìm Đội Siêu hỏi ý kiến. Đội Siêu bảo phải ngụy trang làm người đi câu đến bờ hồ Hòa Bình, sau đó thỉnh Vua đến. Tôi thuật lại cho vua nghe mưu mẹo này. Vua đồng ý. Vào khoảng 5 giờ chiều, vua cưỡi ngựa đến, có ông thị vệ Tuyên hộ tống, tôi theo sau. Qua khỏi cửa Hòa Bình, vua hỏi Đội Siêu: “Hai người đi câu có đó chưa?”. Đội Siêu thưa rằng có”6.

Về cuộc hội kiến quan trọng này, Thái Phiên thuật như sau: “Một lát sau, nhà vua đến bằng ngựa, có ông thị vệ tháp tùng. Vua hỏi chúng tôi: “Các khanh đang làm gì đó?”. Chúng tôi bẩm rằng: “Chúng thần đang câu cá ạ!”. Nhà vua hỏi tiếp: “Các khanh có câu được con cá nào không?”. “Dạ, chúng thần chưa câu được con nào!”. Đức vua quay sang ông thị vệ và nói rằng, hãy để ngài trao đổi riêng với chúng tôi. Ông thị vệ bẩm vâng. Nhà vua nói với chúng tôi: “Từ khi lên ngôi đến nay, trẫm không cảm thấy vui vẻ gì. Các khanh là thần dân trung thành của trẫm, các khanh có phương cách gì làm cho trẫm hài lòng không?” Sau đó, đức vua cho biết rõ ý định của ngài và trách chúng tôi sao lại không tin những gì mà ông thị vệ nhân danh ngài truyền đạt? Nhà vua ngoảnh mặt đi nhưng liền sau đó ngài dịu giọng nói: - Nếu các khanh không muốn thi hành kế hoạch của trẫm, trẫm cũng ra đi như thường, trẫm không muốn ngồi lại ngai vàng nữa! Chúng tôi liềm bẩm: “Muốn thực hiện kế hoạch của Ngài, phải có thời gian vài ba tháng, để kích động lòng yêu nước của các bầy tôi trung thành mới có thể thực hiện được”. Đức vua lại bảo: - Nếu các khanh không chịu thi hành kế hoạch của trẫm, trẫm sẽ ra đi vào thượng tuần tháng Tư (âm lịch), các khanh có kéo dài thời gian, cũng chẳng làm được gì!. Sau khi nói những lời như thế, đức vua hồi cung7. Tại bản cung thẩm vấn thứ 2, Thái Phiên khai chi tiết và rõ ràng hơn cuộc gặp này: “Lại gần chúng tôi, đức vua hỏi: “Các khanh có câu được cá không?”. Chúng tôi trả lời: “Thưa hệ hạ, chưa ạ!”. Nghe vậy, đức vua bỏ đi, một lát sau, ngài trở lại và bảo chúng tôi: “Cá không đi theo đàn. Các khanh phải hợp lực lại để bắt cá tốt hơn”. Sau đó Ngài nói bóng gió: “Từ khi trẫm lên ngôi, trẫm cảm thấy nhiều bất bình. Trẫm biết các khanh là bầy tôi trung thành, là những thần dân có ý nguyện khôi phục đất nước. Vậy bao giờ các khanh sẽ khởi sự để khỏi bỏ lỡ mất cơ hội thuận lợi này?”. Chúng tôi trả lời: “Nếu bệ hạ muốn vậy, chúng thần sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, nhưng chúng thần nghĩ phải hoãn lại đến tháng Tư hoặc tháng Năm âm lịch để mọi việc được sẵn sàng”. Đức vua nói thêm: “Phải gấp lên, vì trẫm còn phải đi Cửa Tùng chưa biết ngày nào về”. Chúng tôi trả lời: “Xin bệ hạ ở lại hoàng cung, chớ có đi xa”. Sau đó đức vua lệnh cho chúng tôi quay về chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, đồng thời chờ chiếu chỉ của vua ban. Nói xong đức vua trở về hoàng cung, còn chúng tôi trở lại đò...”.8

Tại biên bản thẩm cung của Trần Cao Vân lần thứ 2, ông nêu rõ hơn các chi tiết sau: “Hôm sau Đội Siêu đem đến cho chúng tôi cần câu và giỏ đựng cá. Khi đến chỗ hẹn ở bờ kênh, hai chúng tôi phải ở cách xa nhau còn Đội Siêu thì đi cách xa hơn. Khoảng 5 giờ chúng tôi thấy hoàng thượng cưỡi ngựa đến cùng với một thị vệ. Hoàng thượng đến gần chúng tôi… (nội dung trao đổi giữa vua và hai người giống như tường thuật của Thái Phiên vừa nêu - Tg). Lúc ra về, tôi nói với Huỳnh Anh là, tôi xin nhận nhiệm vụ hộ vệ hoàng thượng trong lúc ngài xuất cung, còn việc chỉ huy giao cho anh, Huỳnh Anh chấp nhận...”9. Từ các bản tường thuật trên cho ta thấy, cuộc gặp mặt giữa Thái Phiên, Trần Cao Vân với vua Duy Tân được tổ chức khá bí mật, đến nỗi một người thân cận với nhà vua cũng không nắm rõ về kế hoạch này. Lời khai của thị vệ Dương Đức Tuyên với mật thám Pháp cho biết: “Tôi không hề thấy Trần Cao Vân vào cung điện. Trong thời gian tháng 3 vừa qua, vào một buổi chiều, đức vua có đi dạo chơi bằng ngựa, có thị vệ Mỹ, đội Mua và tôi đi theo. Khi chúng tôi đến cửa Hòa Bình, một thị vệ đứng ở cửa đó có dụng ý chỉ cho chúng tôi thấy 2 người đáng tình nghi đang câu cá trên bờ hồ. Một lúc sau, hai người đó đến gần đức vua và nói chuyện với vua, khi tôi lại gần đức vua, tôi chỉ nghe được câu nầy: "Ở bên ngoài, tất cả đều sẵn sàng, chỉ còn một điều mong muốn: đó là sự đồng ý của bệ hạ!"10.

Từ sau khi gặp vua Duy Tân, nhiệm vụ, trách nhiệm của hai vị thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân đã được xác định cụ thể. Thái Phiên sẽ là người phụ trách chỉ huy tấn công quân sự, còn Trần Cao Vân sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên liên lạc với nhà vua, để dự thảo các văn kiện khởi nghĩa quan trọng như các bản chiếu chỉ, tuyên ngôn, tuyên cáo trình cho nhà vua trước khi ban bố; khi nhà vua xuất cung thì Trần Cao Vân sẽ tháp tùng, bảo vệ ngài. Và, cũng từ cuộc gặp đó, Thái Phiên cùng Trần Cao Vân đã hoàn toàn thống nhất ý tưởng và đẩy mạnh kế hoạch, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa không lâu sau đó.

 L.A.R

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô