Hoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương Việt

16.03.2016

Hoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương Việt

1. Tôi gặp ông ở Sài Gòn năm 1997 lần đầu và cũng là lần cuối. Trước đó, tôi đã được đọc thơ ông và xem kịch của ông "Thanh gươm cô Đô đốc", do Nhà hát tuồng Trung ương biểu diễn ở Hà Nội. Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX, kịch và tiểu thuyết của Hoàng Yến nổi lên như là hiện tượng văn học ở miền Bắc do nhiều lý do, cả về nhân thân lận đận, nhưng cái chính là nghệ thuật văn chương trong các tác phẩm của ông giàu sức sáng tạo, bứt phá đi vào cái mới, đặc tả nhân vật thời đại luôn có mặt trái của nó, chứ không phải ca ngợi cái tròn trịa khuôn phép, toàn mỹ chung chung.

Về Nghề văn, Hoàng Yến quan niệm: "Lúc đầu tôi viết về cái tôi thấy bằng mắt, về sau tôi thấy bằng hồi ức và giấc mơ. Cái không thấy bằng mắt càng trở nên quan trọng. Chân lý nghệ thuật xét cho cùng là chân lý "không trực tiếp" ở mức độ thẩm mỹ cao.

Vì vậy, với tôi, viết là bay bổng trên không, vừa kéo cày dưới đất. Viết là biết phủi bụi trần không để che lấp cái tâm tỉnh thức.

Viết là sống...".

Thật lạ, ở những dòng suy nghĩ có độ sâu của một nghệ sĩ không chỉ lập ngôn chạm tới những mạch vỉa vi tế nhất, qui chiếu các góc nhìn khi cầm bút với cái tâm tỉnh thức trước hiện thực nhiều chiều. Có lẽ vì thế, mà Hoàng Yến coi viết là sự sống. Không viết ông cũng sống. Nhưng đã viết là sống đến tận cùng với con người, với sự vật ngập ngụa trong ông, thấm đẫm, muối mặn đời ông. Dù có bay bổng trên không,

hay kéo cày dưới đất lắm bụi trần phải biết vén, biết phủi, gạn đục khơi trong để tìm ra chất ngọc cho trang viết của mình.

Trong một bài thơ ngắn có tên "Mười chín tháng mười hai" bắt gặp những dòng:

Chưa biết đường đi bao lâu

Chỉ biết cuộc đi bắt đầu

Chưa biết đường xa hay gần

Chỉ biết đường mang dấu chân

                                  một người dân

không nô lệ

Tôi đi vào Tổ quốc

Như đi vào

                   bí mật

                               của tình yêu!

1946

(Tình người soi dặm đường)

Sau Cách mạng tháng Tám và những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hoàng Yến có những dòng thơ như nói ra từ trái tim và tâm hồn trong trẻo, chân thành như thế. Tổ quốc thì bao la trong cơn binh lửa, con đường đấu tranh cách mạng còn diệu vợi, tất cả còn như là điều bí mật, chẳng khác nào những bí mật của tình yêu còn phải khám phá để tìm đến những bất ngờ vi diệu của nó. Có điều, con đường của ông cũng như của chúng ta đã, đang và sẽ đi là những dấu chân tự do, không còn nô lệ, bởi một thế lực nô dịch, đàn áp nào nữa.

Như Nguyễn Đình Thi đã viết: "Đây là cuộc nhận đường còn bỡ ngỡ của trí thức, văn nghệ sĩ đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc, như trang giấy trắng và chân trời tinh khôi đang mở ra chào đón họ".  Hoàng Yến đã bắt gặp, đón nhận trong tâm thế của người cầm bút gửi vào tập thơ đầu niềm tin "Tình người soi dặm đường" đầy hoan lạc.

2. Dạo đó, tôi tìm vào thăm Hoàng Yến cũng vì quý trọng một tài văn quê Quảng, nhưng chủ yếu là để nhận in một số tác phẩm của ông ở Nhà xuất bản Đà Nẵng. Nhưng lần lữa mãi rồi trễ hẹn do ông bệnh tật tuổi già, bản thảo mới chưa hoàn chỉnh, ông không tiện đưa cho chúng tôi. Cho đến ngày 24 tháng 12 năm 2012, được tin ông qua đời, trong phút chốc lòng tôi như chùng xuống. Một đời người, một đời văn của ông hiện lên trong tôi lại day dứt như khi đọc thơ văn của ông hơn nửa thế kỷ qua. Một tài hoa chìm nổi ít người biết đến cho đến khi ông lặng lẽ ra đi. Cũng trong năm đó (2012) tôi biên soạn cuốn "Đà Nẵng - mảnh đất con người" có chân dung ông, như một kỷ niệm từ quê nhà với nhiều tư liệu quý, được con gái ông, nữ nhà thơ Hiền Phương, và con rể ông nhà văn Hoàng Minh Tường từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, cũng như đọc toàn văn bài Điếu văn của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tôi càng xúc động về những năm tháng hoạt động văn học của ông trong đắm chìm nỗi buồn bi kịch, nhưng các trang viết của ông thì rực rỡ, tỏa sáng như ánh mặt trời.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, thương tiếc Hoàng Yến, khi ông qua đời đã ví ông như "Cánh - Én - Vàng không mỏi",  "Cánh - Én - Vàng hôm nay bay cao / Biến vào xa khuất / Trời trong vắt một màu tỉnh giấc / Đón người hiền đến các vì sao / Quá khứ trầm huyền ẩn hiện nơi nao / Chờ đến ngày chiêu tuyết...".

Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, có tên và các bút danh khác nhau như Lê Hoàng Yến, Hoàng Lan, Thạch Tiễn, Hoàng Lan Châu, Hoàng Đức Anh. Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1922, quê làng An Thái, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình tiểu chủ có truyền thống yêu nước. Cha mẹ ông từng nuôi giấu cán bộ cách mạng của Đảng trong thời kỳ bí mật như đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Huỳnh Ngọc Huệ (có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), khi hai người vượt nhà tù Đắc Lây trở về tiếp tục hoạt động, gây dựng phong trào. Huỳnh Ngọc Huệ khi ấy là Xứ ủy Trung Kỳ, em ruột của mẹ ông. Chính Huỳnh Ngọc Huệ đã dẫn dắt hai người cháu của mình là Lê Hoàng Yến và Lê Xuân Mai (em Hoàng Yến) dấn thân vào con đường cách mạng khi còn rất trẻ. Sau đó, hai anh em ông đều trở thành chiến sĩ Vệ quốc quân trong những ngày đầu đánh Pháp ở Đà Nẵng.

Từ năm 1942, thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương Xứ Quảng ngay từ khi còn học lớp thành chung ở Huế, nhất là bà con thân thiết của mình, ông đã sớm giác ngộ ý thức làm trai trước chuyển động của đất nước và thời cuộc, nên cùng các bạn bè, tích cực tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi gia nhập tổ chức Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử giữ chức Chủ sự phòng Tư pháp Công an Trung Bộ.

Mối tình đầu, rồi cuộc hôn nhân với người thiếu nữ thuộc dòng dõi Hoàng tộc: Công Tằng Tôn Nữ Tùng Nương,

là một mối lương duyên kỳ lạ, sau này cho ông rất nhiều hạnh phúc nhưng cũng không ít chông gai trên con đường sự nghiệp.

Năm 1946, mặt trận Huế vỡ, giặc Pháp đánh phá, vây ráp gắt gao, ông trở về quê đưa gia đình ra khu Bốn tham gia kháng chiến. Đầu năm 1947, ông được cử làm Thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc Khu Bốn, rồi làm Thư ký riêng cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Một thời gian sau, ông được chuyển sang bộ đội Sư đoàn chính quy 304, tham gia nhiều chiến dịch ở các mặt trận phía Bắc, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày kết thúc thắng lợi trở về thủ đô Hà Nội.

Như con chim được sổ lồng bay khắp bầu trời cao rộng, được tiếp xúc và làm việc trong môi trường mới mẻ của cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc, ông đã sống trong hiện thực và đã hấp thụ, tích lũy cho ngòi bút vốn yêu văn thơ của mình để có một sự nghiệp văn chương ban đầu được ghi nhận từ tập thơ đầu tay Tình người soi dặm đường (còn có tên Đường ra mặt trận), do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1957, năm ông tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là Hội viên sáng lập. Tập thơ ra đời, được công chúng và giới văn học nồng nhiệt đón nhận một tiếng thơ mới lạ, hào sảng, không né tránh chất bi hùng của hiện thực cuộc sống. Nhưng cũng đồng thời gây cho tác giả nhiều hệ lụy bởi tính đa thanh, đa cảm vốn chưa quen với sự thẩm bình thời ấy. Tiếp đó, ông viết bài phê bình "Đọc thơ Việt Bắc của Tố Hữu" đăng 3 kỳ liền trên Báo Nhân Dân có những ý như: ..."Chất sống chưa thật sâu sắc, nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức..." lúc đó đang là nhà thơ lãnh đạo, ông gặp khó khăn và lãnh trọn những hậu họa "ngoài văn chương", mà các văn nhân bạn ông thời ấy, như Hoàng Cầm, Lê Đạt,Trần Dần... đều liên lụy. Sau này, dù có muộn màng các nhà văn, nhà thơ ấy, đều được đánh giá, thẩm định lại và nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

"Tai nạn" không may đó lại nặng nề, nên cuối năm 1957 đến năm 1960, là thời gian ông phải ra khỏi quân ngũ đi lao động tại nông trường quân đội ở Vân Lĩnh, tỉnh Phú Thọ làm công việc như trồng rừng, khoai sắn, đắp đê, chăn bò... Năm 1961, hết thời gian lao động, ông được biệt phái về công tác ở Vụ sân khấu, Bộ Văn hóa. Được trở về với lĩnh vực và không gian, môi trường văn hóa, sau những năm lao lực giải nắng dầm mưa, như cá gặp nước, ông lại bắt đầu viết, nhưng ở lĩnh vực khác, chứ không làm thơ nữa. Đó là viết kịch bản sân khấu và tiểu thuyết lịch sử. Ở hai thể loại này, ông lại thành công trước sự ngỡ ngàng của giới văn học và công chúng bạn đọc.

Một loạt tác phẩm của ông ra đời đều có tiếng vang như vở tuồng "Thanh gươm cô Đô đốc" vừa công diễn trong nước, rồi được chọn đưa sang Paris (Pháp) dự Liên hoan sân khấu Quốc tế, được bà con Việt kiều và bạn bè các nước khen ngợi. Đến các vở kịch nói Hình và bóng, Suối hoa, Đêm Tiền Hải,

Lý Thường Kiệt v.v... được các Đoàn nghệ thuật sân khấu Trung ương và một số địa phương dàn dựng biểu diễn. Kịch nói "Hình và bóng" công diễn ở thành phố Hải Phòng nhiều đêm liền vẫn cuốn hút người xem đông đảo, đã gây chấn động dư luận như một sự kiện nghệ thuật mới lạ. Các nhà nghiên cứu sân khấu và báo chí đánh giá kịch chính sử hay hiện đại của Hoàng Yến là sự không ngừng tìm tòi sáng tạo, tinh tế và sâu sắc đến từng chi tiết, phản ánh bản chất chân thực của lịch sử, cuộc sống vốn muôn màu muôn sắc. Vì thế, mà kịch đi vào lòng người, tạo nên những đêm diễn tưng bừng, sâu lắng, làm rung động hàng vạn trái tim khán giả mỗi khi sân khấu sáng đèn trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của giặc Mỹ trên miền Bắc. Cho đến hôm nay, các kịch bản đó vẫn còn nguyên giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật của nó. Riêng mảng kịch, ông nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen, trong đó có 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, cũng là trường hợp hiếm có trong số các kịch tác gia tên tuổi lúc bấy giờ như Đào Hồng Cẩm, Thanh Hương, Lưu Quang Vũ, Tất Thắng, Trần Quán Anh, Trần Bảng, Hà Văn Cầu...

Các tiểu thuyết lịch sử Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở, Kẻ trộm nước trời, ông viết sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến năm 1996, cũng với phong cách sử thi trữ tình, hình tượng nhân vật giằng xé nội tâm giữa cái tốt cái xấu, giữa cái sai cái đúng và lẽ phải, công bằng, đạo lý làm người được trân trọng, ngợi ca. "Tôi đi vào Tổ quốc", tìm trong lịch sử để giải mã hiện tại, chính là một cách Hoàng Yến thể hiện bản lĩnh nhà văn, tình yêu Tổ quốc ở một góc độ khác. Những tiểu thuyết lịch sử của ông có cái thâm trầm uyên bác của sử gia và có cả tâm huyết của một nhà văn giàu chất trữ tình và lòng nhân ái.

3. Ngày thống nhất đất nước, năm 1975, gia đình Hoàng Yến vào sinh sống và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng ông có 6 người con đều tốt nghiệp đại học, giữ gìn nền nếp gia phong, thành đạt cả về tri thức học vấn và địa vị xã hội, trong đó có nữ nhà thơ Hiền Phương, con gái ông đi theo nghiệp cha, đã xuất bản một số tập thơ và cộng tác với nhiều tờ báo văn nghệ trong nước.

Vì bạo bệnh do tuổi già sức yếu, Hoàng Yến qua  đời tại nhà riêng, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh,  ở tuổi 90. Tại lễ tang có nhiều văn nghệ sĩ và bạn bè ông ở thành phố đến tiễn đưa, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt tổ chức Hội và văn nghệ sĩ cả nước đọc điếu văn truy điệu đầy xúc động, không quên nhắc lại và khẳng định: "Những năm tháng gian truân, khốn khó của ông, nhưng ông vẫn không hề gục ngã, vẫn một niềm tin vào sự công bằng của lẽ phải và có những đóng góp giá trị cho văn học nghệ thuật nước nhà bằng những tác phẩm để đời, cùng với phẩm chất và nhân cách sống cao đẹp của một nghệ sĩ chân chính cho đến cuối đời...".

Năm 2012, trước ngày ông rời cõi tạm vài tháng, con cháu ông đã cho xuất bản tập thơ Giấc xưa,  không ngờ là những dòng thơ cuối cùng chất chứa đầy ắp tâm sự của ông. Ông lại trở về đau đáu với thơ, tự trách mình là người vô tích sự, sống trên mây, đó là một cách tự vấn đầy khe khắt và trách nhiệm của nhà thơ:

Tôi chết mà không hay

Khi xâu lại chuỗi ngày trống rỗng

Người ta trách tôi mơ mộng

Bảo rằng tôi sống trên mây...

 

Sống trên mây!

Ờ, hãy đào huyệt trên mây.

Sao tôi chết lại chôn tôi dưới đất

Ơi những người thân khi tôi mất

Hãy chôn tôi dưới hoa

Vì hoa là mây của đất.

 

Và ông trời xanh nhìn về trần gian

Cũng bàng hoàng lác mắt.

Tưởng thi thể tôi nằm giữa đám mây

ngũ sắc

Dưới trần cũng có mây trời.

2012

Đúng như ông đã từng nói lúc sinh thời: "Viết là biết phủi bụi trần không để che lấp cái tâm tỉnh thức. Viết là sống...". Có lẽ, vì thấu hiểu tâm can ông, mà nhiều bạn văn của ông đã bày tỏ cảm xúc của mình trong những ngày đến viếng và đưa tiễn ông bằng lời lẽ chân thành:

Người ở chỗ chân mây khép mở

Rất nhẹ bay mà vẫn nặng tình đời

Hình và bóng không dời nhau

nửa bước

Là cây bút ân tình gắn bó với

nhân dân.

Hoàng Yến đã xa. Đà Nẵng vẫn nhớ ông, một cán bộ mẫn cán, một anh bộ đội Cụ Hồ hăm hở xông pha, một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa như Cánh - Én - Vàng không mỏi, dù chẳng bao giờ còn được gặp lại ông.

 

Tháng Giêng/2016

H.H.V

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô