Đất diễn - Vũ Thị Huyền Trang

16.03.2016

Đất diễn - Vũ Thị Huyền Trang

Nhóm chúng tôi có sáu người, chơi thân từ hồi Đại học. Mỗi đứa một quê, một tuổi, một tính cách nhưng lại vô cùng gắn kết với nhau. Nhóm có bốn đứa con gái, hai thằng con trai, đa phần là nghèo chỉ có Vy là được sinh ra trong một gia đình giàu có. Chúng tôi cùng tồn tại trong cuộc sống của nhau bằng vô vàn khuyết điểm. Làm đau nhau bằng những mối quan hệ tình cảm nhì nhằng. Yêu thương nhau bằng những vết đau của đời vẽ hằn trên từng khuôn mặt. Và một lý do nữa để sáu đứa gắn kết lại với nhau là bởi vì Hà Nội là đất diễn, chúng tôi cần đến nhau trong một vở diễn bởi không ai lại độc diễn một mình mãi được.

Tôi qua thăm Quang khi anh đang ngồi đánh cờ vua một mình, điều ấy chẳng có gì lạ cả. Tôi bảo:

- Đánh một mình thế này biết thờ vua nào, giết vua nào?

Quang cười khùng khục bảo:

- Loạn hết rồi. Giết được con nào cứ giết cho nhanh hết ván.

- Vậy anh chơi để làm gì?

- Giết thời gian là chính. Còn em làm việc như điên như thế để làm gì? Để chết à?

Tôi cười nhạt, ngồi phịch xuống nền nhà, ngửa cổ nhìn đám mạng nhện giăng đầy trên mái nhà rồi thủng thẳng đáp:

- Ừ! Để chết.

Anh vẫn say mê với bàn cờ của mình, thi thoảng lại nghe một cuộc điện thoại ngắn với những ngôn từ cộc lốc. Thiên hạ đầy người bảo anh cục cằn, khối kẻ nói anh mất dạy. Anh nghe xong, cười khùng khục bảo “kệ mẹ đời”. Tôi thích cái vẻ bất cần đấy của anh, bất cần đủ để không làm tổn thương người khác và cũng chẳng để ai làm tổn thương mình. Quang rất ít nói, ngồi với anh cả buổi chiều cần mẫn chắp nhặt lắm cũng chỉ được vài ba câu chuyện vô thưởng vô phạt dở dang. Anh quan tâm đến tất cả mọi thứ bằng cái cách như chẳng quan tâm gì hết.

 Đôi ba lần trong một tháng đứa này tạt qua nhà đứa kia như chỉ để nhìn thấy nhau vẫn đang còn tồn tại. Cũng có hôm trời mưa Quang gọi cho tôi chỉ để hỏi “bên ấy có mưa không?”. Dù chúng tôi ở cùng một thành phố chật vanh vách, len qua mấy cái ngõ chợ là đến nhà nhau. Cũng có hôm trời Hà Nội bão to, ngoài đường lớn đã bật rễ vài cây cổ thụ.

Tôi gọi cho Quang hỏi đang làm gì thế? Quang cười bảo còn biết làm gì ngoài chơi cờ vua một mình. Tôi nghe thấy tiếng anh lạc đi trong tiếng mưa xối xả và tiếng cửa sổ đập uỳnh uỳnh. Lúc sắp cúp máy thấy tiếng anh cười khùng khục, hỏi sao mà cười? Anh bảo mới nuốt sống một con tướng, thế là xong một ván cờ. Tôi nhìn ra mịt mùng mưa gió mà lòng se sắt. Không đủ sức bấm số gọi cho bốn đứa còn lại. Tự nhiên lại nghĩ dại, nhỡ mà

Hà Nội cứ bão to thế mãi…

 

Trong số sáu đứa thì Nhu và Chi là hai đứa vô âu vô lo nhất. Mỗi đứa hồn nhiên một kiểu, toàn kiểu chả giống ai. Nhu tin đời một cách nhiệt tình, chẳng bao giờ thấy nó hoài nghi dù đời phũ phàng đập nó túi bụi nhiều lần. Có nói, nó cũng bảo “Tại em kém chị những ba tuổi, hoài nghi sớm quá cuộc đời hóa ra buồn”. Nó nói rồi mang tiếng cười đi lẫn vào đám đông ồn ào chỉ để lại trong mắt tôi vài chấm xanh đỏ từ bộ váy hoa sặc sỡ. Hôm nay có thể bị phụ tình, ngày mai Nhu lại sẵn sàng yêu như chưa bao giờ được yêu nhiều đến thế. Chi nhìn Nhu với cái ánh mắt đầy ngưỡng mộ rồi ngoảnh sang tôi bảo:

- Sau này Nhu nhất định sẽ sướng, chị có nghĩ vậy không?

Tôi nhìn em, nhoẻn cười bảo:

- Em rồi cũng hạnh phúc. Tin chị đi.

Chi thích nghe những câu như vậy. Nó khiến em vui như một đứa trẻ nhỏ cầm trên tay thứ đồ hàng bán mua, tiền bằng lá mà cứ ngỡ là vô giá. Nhưng em khác Nhu ở chỗ, em yêu thương có giới hạn, mọi thứ đều được em tính toán rất sòng phẳng. Ai yêu thương em, em yêu thương hết lòng, ai phản bội em, em trả lại họ sự im lặng đủ khiến đối phương đau cả một đời. Em chẳng bao giờ mảy may giằng níu. Đời với em rất đơn giản “sống thế nào thì nhận thế ấy”. Quang cười bảo kể mà hồn nhiên được như Chi cũng là có đẳng cấp lắm rồi.

Đùng một cái Chi lấy chồng, cả nhóm chẳng kịp khuyên răn, dặn dò điều gì. Hỏi sao mà vội vàng thế, Chi tặc lưỡi bảo “lấy cho xong. Đằng nào chả phải lấy chồng”. Chồng Chi đẹp thì không đẹp nhưng giàu có lại được tiếng rất thương vợ chiều con. Đàn ông vừa thành đạt vừa chỉn chu với gia đình như gã hiếm lắm. Lần nào cả lũ có dịp gặp nhau, tôi cũng bảo Chi:

- Gái một con có khác, đẹp đến ngỡ ngàng. Thôi thế là em hạnh phúc rồi. Giá mà đứa nào cũng được như em thì tốt.

Chi không nói gì, chỉ cười với ánh mắt khóe môi vô cùng đằm thắm. Quang có kiểu trêu bạn rất phũ, ngồi múc từng thìa cafe bỏ vào miệng như xúc cơm. Ngắm Chi đắm đuối đã đời rồi tặc lưỡi phán một câu xanh rờn:

- Đúng là gái gặp hơi trai như thài lài gặp… Mà trai đây là phải trai có tiền nhé. Chứ trai nghèo như mình gái nó va vào lại chun mũi như gặp giấm. Thôi mấy em ngồi đấy mà ngậm ngùi làm gì, cố gắng mà làm đẹp rồi chọn giai mà lừa như Chi ý, đời có phải sung sướng không.

Chi ngẩng lên nhìn lướt qua Quang đầy chát chúa. Họ đã từng có một thời rất yêu nhau…

Hai nhân vật cuối cùng trong nhóm chúng tôi giờ đã thành vợ thành chồng. Vy tiểu thư đài các người Hà Nội yêu và lấy Dương vốn xuất thân trong một gia đình không lấy gì làm khá giả. Lấy nhau xong Dương dọn về nhà bố mẹ Vy sống. Chuyện của họ chúng tôi chỉ biết vậy, dù thân mấy họ cũng không nói gì nhiều. Người ta thấy Dương chiều nào cũng vậy, nếu không tụ tập bia bọt với bạn bè ở quán bia Hải Xồm thì cũng cầm vợt đi đánh cầu lông trong câu lạc bộ. Thiên hạ chép miệng bảo “Thằng ấy thế mà sướng. Chuột sa chĩnh gạo”. Câu ấy vốn không dành cho đàn ông, Dương nghe thấy cũng bỏ ngoài tai. Gặp nhau chỉ thấy Dương kể chuyện cười cóp nhặt đâu đó. Đôi khi là những mẩu chuyện cười nhạt nhoét, cả bọn chẳng đứa nào buồn nhếch môi vậy mà Dương vẫn cười sặc sụa. Quang từng bảo với tôi rằng anh không khi nào dám chạm vào nụ cười ấy của Dương. Hỏi vì sao? Quang trả lời cộc lốc: “Sợ vỡ!”. Khi ấy là mùa hạ, chúng tôi vừa chia tay Nhu xong. Chẳng hiểu vì lý do gì Nhu quyết định rời thành phố nhanh đến vậy dù mấy năm sinh viên lúc nào em cũng khăng khăng sẽ bám trụ Hà Nội đến tận cùng.

Hôm ngày lễ 30-4, dân tỉnh lẻ đổ xô về quê còn điểm đến của dân thành phố là các tụ điểm du lịch. Mấy đứa tôi chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện về quê như thể chả đứa nào có quê để mà về. Chúng tôi cùng tránh nói về quê hương, như thể sợ chạm vào cánh cửa ký ức luôn được cài then cẩn thận. Mặc cảm về cái nghèo như vô hình đeo bám dai dẳng trong tâm trí chúng tôi. Quang từng bảo:

- Anh xa quê từ năm mười sáu tuổi, lang bạt kiếm ăn khắp nơi. Xin đi học mấy lần bổ túc mới có cái bằng cấp III để thi Đại học. Bây giờ thành kỹ sư công nghệ thông tin rồi mà về quê người ta vẫn gọi mình là Quang cá mắm.

- Hồi xưa chắc anh ốm nhom ốm nhắt hả?

- Không! Người ta gọi là Quang cá mắm vì anh chuyên đi bới hố rác bên doanh trại bộ đội trước nhà để lấy những túi đầu cá mắm họ vứt về ăn. Nhiều khi túi cá mắm bị lẫn đủ thứ rác rưởi hôi thối đầy dòi bọ.

- Thế thì cũng đâu có gì là xấu đâu.

- Ừ thì có ai bảo là xấu đâu. Nhưng có những thứ kỷ niệm mà mình không bao giờ muốn nhắc lại. Nó làm cuộc đời mình luôn có thứ cảm giác dù có cố gắng đến thế nào thì vẫn không thể tinh tươm lên được.

Tôi quay mặt vào tường nằm thở dài. Hình như Quang vừa chạm vào cái dằm vướng víu sẵn trong tim tôi bao nhiêu ngày tháng. Nó giống như một khối u lành tính, tưởng như không nguy hiểm mà vướng víu và ám ảnh vô cùng. Tôi cũng có một tuổi thơ nghèo đói, ngày nào cũng là nỗi ám ảnh ăn rau dại thay cơm. Ngày nào cũng ngồi nhìn đứa bạn thân nhà kế bên vác rá đi vay gạo rồi lại vác rá về không. Ngày nào ở làng cũng có đứa trẻ con say sắn sống. Tôi nhớ ánh mắt con chó Vàng thảm thương nhìn tôi khi nó trút hơi thở cuối cùng vì đói. Cái đói đến người còn không có ăn thì nói gì đến chó. Tôi khóc cạn nước mắt mấy ngày thương Vàng của tôi, chú chó thông minh, tận tụy vẫn hay đưa tôi đi học chiều lại đón tôi về. Cái ngày tôi còn được cắp sách tới trường cứ tức nghẹn, giày vò trong tâm trí non nớt của tôi. Vàng ơi! Vàng ơi!

Ngày lễ 30-4 vì nghĩ mấy đứa kia có gia đình hết rồi nên chẳng dám làm phiền, tôi len qua mấy chợ nhỏ để mò đến phòng Quang. Chợ ngày lễ có khác, thiếu tiếng bán mua, bới móc nghe cũng có vẻ thơm tho. Tôi ngồi xem Quang đánh cờ hồi lâu, mỏi mắt thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy đã thấy Dương nằm còng queo bên cạnh, hơi thở nồng mùi rượu. Quang vẫn mải mê với ván cờ vua, thi thoảng lại chau mày chửi bới đầy hằn học. Tôi véo Quang rồi hất mặt về phía Dương hỏi:

- Sang bao giờ thế? Có chuyện gì à?

Mắt vẫn không rời khỏi bàn cờ, Quang thở dài bảo:

- Nó sang ngủ nhờ thôi mà. Tí tỉnh dậy lại mò về tổ.

- Sao tự nhiên hôm nay lại vậy?

- Từ lâu rồi, thi thoảng nó lại qua ngủ nhờ một tí. Chẳng qua là em không gặp đấy thôi.

- Hôm nào sang cũng say thế này à?

- Ừ! Hôm nào cũng say như thế.

Tôi ngồi bó gối nhìn Dương. Nhìn hồi lâu thấy nước mắt Dương từ từ chảy xuống nền nhà. Đúng lúc ấy thì Quang cười sặc sụa, tôi thắc thẩm “lại thịt được con tướng chứ gì?”. Quang đứng dậy, vuỗi mông vừa đi ra ban công vừa hát ông ổng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì…”. Tôi nghe mà như có mưa rơi ở trong tim…

Tôi chủ động gọi cho Vy đúng lúc bé Na quấy khóc ầm ĩ. Giọng Vy khản đặc rời rạc đầy mệt mỏi. Nói chuyện được dăm ba câu Vy bảo bận ru con ngủ rồi tắt máy. Tôi xoay qua nhìn bốn bức tường bỗng giật mình nhận ra tường nhà treo quá nhiều gương. Tôi soi khuôn mặt mình nhạt nhòa từng góc tối sáng khác nhau, thử bật cười nhưng thấy trong gương nụ cười méo xệch. Tôi gỡ dần từng chiếc gương đến khi trên tường chỉ còn lại những dấu đinh. Nằm dài, vắt tay lên trán và khóc. Khóc nức nở cho những vai diễn của chúng tôi.

Hà Nội mùa này nhiều lúc đến bực mình với những cơn mưa đỏng đảnh. Có đến nằm ăn vạ ở phòng Quang thì cũng chỉ thấy mưa rơi rách nát cả lòng. Khó khăn lắm mới lôi Quang ra khỏi ván cờ, hai đứa nằm cạnh bên nhau nói những chuyện trên trời dưới biển. Nhiều khi mọi câu chuyện đều bắt đầu bằng thì tương lai “Khi nào giàu…”. Nghe giống như chúng tôi đang bắt đầu kể những câu chuyện cổ tích của thời hiện đại.

- Khi nào giàu em sẽ ra nội thành mua một mảnh đất thật rộng rồi xây nhà vườn. Em sẽ trồng thật nhiều hoa. Anh có tưởng tượng được không, hẳn một ngôi nhà hoa nhé! Cuộc sống mới tươi đẹp làm sao?

Quang cười khùng khục, quay ngoắt đầu lại nhìn tôi:

- Một người cả mấy năm không thấy mua một bông hoa nào về cắm như em mà lại chỉ mơ ước về ngôi nhà hoa thì kể cũng lạ thật.

- Biết làm sao được. Cuộc sống ở đây chật chội tù túng quá, em nhìn hoa mà thấy tội không cả nỡ mua về.

Chúng tôi nằm im lặng bên nhau rất lâu, đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng hầm hập của nền nhà bốc lên nhờ mưa. Sau khi nằm đếm từng tiếng hạt mưa rơi ngoài mái hiên, như chợt nhớ ra điều gì đó, tôi hỏi Quang:

- Thế còn anh?

- Anh à? Anh mơ ước đơn giản lắm. Sẽ lấy vợ rồi sinh con. Em biết đấy những đứa trẻ đẹp như thiên thần sẽ làm đời chúng ta tươi trẻ lại. Sẽ thuần hóa những ngỗ ngược, bướng bỉnh của chúng ta. Lũ trẻ… lũ trẻ sẽ cho chúng ta thấy đời thật đáng sống!

Câu chuyện nói đến đó thì trời tạnh mưa. Mà kể cũng kỳ lạ thật, khi mà mấy hạt mưa cuối cùng còn nhỏ tong tỏng ở mái hiên thì trời đã nắng tươi roi rói. Trời đất nũng nịu như một cô gái mười tám tuổi. Quang tiễn tôi ra ngõ, vỗ về tôi bằng cái cách của những thằng đàn ông thường vỗ về nhau. Cũng may nhờ có mấy cái vỗ vai của anh mà thấy đoạn đường về như ngắn lại. Khi tôi vừa về đến phòng trọ thì Vy gọi điện bảo muốn được tôi chạy đến và ôm Vy một cái. Tôi òa khóc như đứa trẻ.

Có lẽ trận mưa ban chiều cũng đã làm mờ hết phấn son…

V.T.H.T 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô