Kỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường Linh

16.03.2016

Kỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của  Trinh Đường - Tường Linh

Nhà thơ Trinh Đường tên thật là Trương Đình ở thôn La Vân thuộc làng cũ Phú Xuân nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phía tả ngạn sông Thu Bồn. Nhà tôi ở làng Trung Phước thuộc tây Quế Sơn, phía hữu ngạn cùng một con sông.

Tôi nhỏ hơn anh 14 tuổi nhưng lại được quen biết anh, được anh xem như đứa em từ khi tôi còn học bậc tiểu học.

Tuy ở khác làng, khác huyện nhau nhưng vì anh Trinh Đường có hai người em gái đều làm dâu tại làng tôi, trong đó có một chị là phu nhân của một nhà thơ lớp đàn anh của tôi.

Anh Trinh Đường thường ngồi đò dọc lên Trung Phước thăm gia đình hai người em gái. Mỗi dịp như vậy, đám thiếu niên mê thơ chúng tôi thường tập trung tại nhà người em rể của anh để xin thơ anh, nghe anh đọc thơ và nộp những bài thơ “con cóc” để nghe anh nhận xét, chỉ vẽ.

Biết tôi có làm thơ Đường luật, anh khuyên không nên sử dụng nhiều ngôn từ kiểu cách, sáo rỗng, tránh các thi điển mòn cũ… Anh cũng khuyên tôi nên làm thơ mới nhiều hơn vì theo anh, khuôn khổ hạn chế của thơ Đường luật khó thể chở được nhiều mặt nội dung phong phú, đa dạng của cuộc sống.

Tôi trân trọng và cố thực hiện điều khuyên quý giá ấy.

Tháng 8 năm 1945, tôi vừa thi xong và tốt nghiệp bằng Thành chung tại Huế, về nhà ít lâu thì cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra thắng lợi. Rồi tiếp theo là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tôi không thể trở ra Huế và cũng không vào được Sài Gòn để học tiếp như dự định trước đó của mẹ và chú tôi. Từng năm, theo số tuổi của mình, tôi tham gia nhiều công tác tại địa phương từ làng cũ, xã mới và đến huyện.

Cuối năm 1949 tôi gia nhập quân đội, đơn vị chiến đấu nhiều nhất tại chiến trường bắc Quảng Nam. Thời gian này nhà thơ Trinh Đường công tác tại Phân hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam (gồm cả Đà Nẵng). Ngoài thơ, anh còn sáng tác nhanh nhiều bài vè sống động đầy tính chiến đấu của quân dân ta trong những lần anh công tác thâm nhập vào các vùng địch tạm chiếm.

Ngày 6/4/1994, tôi ở Sài Gòn về Đà Nẵng. Anh Trinh Đường cũng vừa từ Hà Nội vào. Nhà giáo - nhà thơ Huy Lộc mời anh, tôi và vài bạn dùng cơm chiều tại gia đình.

Khi mấy anh em ngồi uống trà, anh Trinh Đường vui vẻ nói với tôi:

- Biết hôm nay gặp em, anh có đem món quà từ Hà Nội vào tặng riêng em. Chắc em không ngờ và sẽ rất vui.

Anh mở cặp lấy ra trao cho tôi tờ giấy cỡ tập vở học sinh, mỗi trang có một bài thơ thể Đường luật chép tay. Hai bài đều do anh chép, chữ nghiêng, phóng khoáng nhưng rõ.

Anh hỏi tôi:

- Em nhớ ra chưa?

Tôi reo lên:

- Trời đất! Anh còn giữ được hai bài thơ này sao?

Anh Trinh Đường cười:

- Với loại “tài sản” này thì không bao giờ anh để mất.

Tôi mừng và vui quá bèn đọc lớn hai bài thơ, bài xướng trước, bài họa sau và kể lại trường hợp sáng tác hai bài thơ đã khá lâu năm ấy.

…Giữa tháng 9 năm 1951, sau khi xong công tác tại Bồng Sơn (Bình Định), tôi trở về Quảng Nam và đi luôn ra Điện Bàn, Hòa Vang vì đơn vị tôi đang quần thảo với giặc Pháp tại đây.

Vào khoảng 17 giờ, tôi cùng hai bạn đồng đội đi qua đèo Đá Mái, con đèo nối huyện Quế Sơn là vùng tự do của ta với huyện Duy Xuyên vẫn còn một số đồn giặc. Đi như vậy, khi qua khỏi đèo là trời vừa sập tối, không còn bị các đồn bót giặc phát hiện, thuận lợi việc vượt tiếp sông đêm, len lỏi qua vùng địch tại Bắc Quảng Nam.

Khi ra quá nửa đèo Đá Mái, chúng tôi thấy một máy bay Dakota của giặc thả hỏa châu dù sáng rực vùng trời phía bên kia đèo. Những tốp cán bộ, bộ đội ra vùng bị địch tạm chiếm tạm dừng lại. Ba anh em chúng tôi vào một quán lá dựa vách núi nghỉ chân, ăn bánh ít bột sắn, uống nước chè tươi, chờ hết hỏa châu hãy đi tiếp.

Ngay lúc ấy có một toán người từ phía Duy Xuyên đi vào, người đi sau cùng là… thi sĩ Trinh Đường. Nhận ra nhau, hai anh em mừng quá cùng reo lên. Tôi mời anh vào quán. Toán người đồng hành với anh vẫn đi tiếp.

Anh cho tôi biết hơn tháng qua anh thâm nhập một số vùng bị giặc tạm chiếm để viết về tội ác của giặc với đồng bào ta. Anh ký tặng tôi bài thơ “Sao vàng cờ đỏ trên hòn Bửu Châu” anh mới sáng tác.

Phía Duy Xuyên, máy bay giặc còn thả hỏa châu. Vui chuyện, anh Trinh Đường lấy trong túi rết ra một cuốn sổ rồi vừa ngồi uống nước vừa viết. Lát sau anh nói với tôi:

- Lâu rồi anh em ta mới gặp lại nhau trong cảnh đáng nhớ này. Anh viết tặng ngay em bài thơ đây.

Anh xé tờ giấy có bài thơ rồi đưa cho tôi. Bài thơ thể Đường luật của thi sĩ đàn anh Trinh Đường vừa sáng tác tặng riêng tôi tại giữa đèo Đá Mái:

Đèo tao ngộ

Gặp nhau khoảnh khắc giữa đèo mây

Chiến dịch Đông - Xuân sắp cận ngày

Em với súng gươm vào trận mới

Ta cùng giấy bút góp thơ nay

Sa trường giục bước hùng quân tiến

Hậu tuyến chờ hoa khải nhạc bày

Hai ngả đèo cao “tương biệt dạ” (1)

Đêm rừng chập choạng hỏa châu bay.

Đèo Đá Mái, 9/1951

Trinh Đường

Tôi cảm ơn anh. Anh bảo tôi:

- Em giữ bài thơ này và họa chơi. Lúc nào họa xong thì gửi cả hai bài cho anh để anh sẽ đưa đăng báo hoặc in vào một dịp thuận tiện.

Tôi suy nghĩ: mình về đơn vị là đi chiến đấu liên miên, biết bao giờ thực hiện được bài họa? Nếu họa xong còn gửi nữa. Và… sống chết biết đâu? Chi bằng…

Tôi thưa với anh:

- Anh ngồi chờ để em xin cố gắng họa ngay và nhờ anh sửa cho.

Anh cười:

- Vậy càng tốt.

Tôi đã họa xong bài thơ mà 43 năm sau (1951 - 1994) mới được đọc lại:

Bài họa

Kính tặng anh Trinh Đường

 

Chiều thấp, đèo cao, núi tiếp mây

Gặp anh, xa cách đã bao ngày

Thi tài vốn cũ tăng tài cũ

Văn bút đường nay rạng bút nay

Giục trống Nam Đình cung

kiếm nhận (2)

Hùng chương Đại Cáo pháo xe bày (3)

Anh về hậu cứ, em ra trận

Đường đạn, vần thơ một hướng bay.

T.L

Trinh Đường là nhà thơ nổi tiếng của đất Quảng thuộc thế hệ đàn anh của chúng tôi không còn nữa. Anh từ trần tại Hà Nội ngày 28/9/2001, thọ 85 tuổi.

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô